TS. Nguyễn Thị Thu Nguyệt* – Trần Thị Thanh Hải* (*Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
Nhận: 17/05/2023
Biên tập: 18/05/2023
Duyệt đăng: 10/06/2023
Tóm tắt
Dựa trên lý thuyết chính thống và các bên liên quan, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu phân tích ảnh hưởng áp lực các bên liên quan đến mức độ công bố thông tin (CBTT) phát triển bền vững (PTBV) của các công ty niêm yết (CTNY) lớn tại Việt Nam. Bằng kỹ thuật phân tích nội dung, thông tin PTBV được nhóm tác giả đánh giá dựa trên các tiêu chí của Thông tư 96/2020/TT-BTC. Các bên liên quan được nhóm tác giả phân tích, bao gồm nhân viên, khách hàng, môi trường và nhà đầu tư. Với dữ liệu thu thập gồm 142 CTNY trong 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất (VNR 500) năm 2020. Nghiên cứu thu được kết quả cho thấy, thông tin PTBV bị tác động bởi áp lực của các biên liên quan, bao gồm người tiêu dùng, nhân viên, các bên quan tâm đến môi trường.
Từ khóa: các bên liên quan, thông tin phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, GRI.
Abstract
Based on the theory of legitimacy and stakeholders, the authors build a research model to analyze the influence of stakeholder pressure on the level of sustainable development disclosure of large, listed enterprises in Vietnam. By the technique of content analysis, sustainable development information is evaluated by the authors based on the criteria of the 96/2020/TT-BTC Circular. The group of stakeholders is analyzed by the authors including employees, customers, environment management and investors. Together with data collected from 142 listed companies in the 500 largest enterprises (VNR 500) in 2020, the study obtained results showing that sustainability information is affected by the pressure of related margins including: include consumers, employees, and other interested parties to environment issues.
Keywords: stakeholders, sustainable development information, corporate social responsibility, GRI.
JEL Classifications: M40, M41, M49.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.06202305
- Giới thiệu
Ngày nay, với những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình hình dịch bệnh… định hướng PTBV của DN ngày càng được các bên liên quan khác nhau quan tâm (Adams và cộng sự, 1998). Tuy nhiên, các bên liên quan bên ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn khi đánh giá hiệu quả hoạt động bền vững của DN, nếu họ chỉ sử dụng báo cáo tài chính để phân tích. Do đó, các công ty được kỳ vọng sẽ CBTT về sự PTBV nhằm giảm bớt sự bất cân xứng thông tin cho các bên liên quan bên ngoài (Philippe và Durand, 2011). Báo cáo thường niên hoặc báo cáo bền vững được xem là một kênh quan trọng để các đơn vị đáp ứng được nhu cầu này (Hahn và Kühnen, 2013). Đây được xem là công cụ có sẵn cho các bên liên quan, để đánh giá sự cải tiến liên tục trong các lĩnh vực cung cấp thông tin phi tài chính. Đồng thời, đây cũng là một phần trong chiến lược truyền thông của công ty. Dựa vào áp lực của các bên liên quan cụ thể trong từng ngành, mỗi công ty xác định thông tin tính bền vững cần thiết cho mục tiêu hoạt động của mình. Việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với nhiều bên liên quan khác nhau, chính là một trong những nguyên tắc cốt lõi cho việc ra quyết định và xây dựng các chiến lược toàn diện của công ty (Perrini và Tencati, 2006).
Vì vậy, với nghiên cứu này, nhóm tác giả hướng tới mục tiêu xác định ảnh hưởng áp lực các bên liên quan (bao gồm nhân viên, khách hàng, môi trường, nhà đầu tư) đến mức độ CBTT PTBV của các CTNY lớn tại Việt Nam.
- Tổng quan nghiên cứu
Dựa trên hàm ý lý thuyết tính chính thống, Branco và Rodrigues (2008) phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến CBTT trách nhiệm xã hội của các CTNY tại Bồ Đào Nha. Kết quả thu được cho thấy, các nhà quản lý cần phải coi thông tin TNXH như một tín hiệu của hành vi xã hội và môi trường và từ đó ảnh hưởng đến nhận thức các bên liên quan bên ngoài về danh tiếng công ty. Bằng việc chứng minh rằng, mình hoạt động phù hợp với tiêu chí xã hội và đạo đức, các công ty có thể xây dựng danh tiếng của mình tốt hơn. Tập trung vào các CTNY tại Tây Ban Nha, Reverte (2009) phân tích dữ liệu 02 năm (2005 và 2006) của 45 công ty và thu được kết quả cho thấy khả năng sinh lời, nghành nghề, quy mô tác động đến quyết định CBTT TNXH của các DN. Dựa trên kết quả xử lý dữ liệu gồm 2.952 công ty, Jo và Harjoto (2012) đã chứng minh sự độc lập của hội đồng quản trị, quyền sở hữu của nhà quản lý, quyền sở hữu của các tổ chức bên ngoài có ảnh hưởng đến thông tin TNXH mà các công ty cung cấp. Tập trung vào các DN sản xuất niêm yết, Khan và cộng sự (2013) xử lý dữ liệu từ năm 2005-2009 của 116 công ty. Nghiên cứu thu được kết quả cho thấy, sở hữu nước ngoài, sở hữu công, sự hiện diện của ủy ban kiểm toán và tính độc lập của hội đồng quản trị, có ảnh hưởng đáng kể đến việc CBTT TNXH. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, Pondeville và cộng sự (2013) thu thập ý kiến các chuyên gia và kết quả cho thấy, sức ép từ các bên liên quan có ảnh hưởng đến thông tin PTBV mà các DN công bố, đây cũng là kết quả mà Contrafatto (2014) thu được. Để xác định xem liệu tính minh bạch thông tin PTBV có bị ảnh hưởng bởi sức ép các bên liên quan hay không, Fernandez-Feijoo và cộng sự (2014) thực hiện khảo sát trên dữ liệu thứ cấp của 1.047 công ty đến từ 4 vùng lãnh thổ (Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và châu Á). Nhóm tác giả nhận thấy, áp lực của một số nhóm các bên liên quan (khách hàng, nhân viên và môi trường) giúp cải thiện chất lượng minh bạch của các báo cáo bền vững.
Bằng việc phân tích dữ liệu trong giai đoạn 9 năm (từ năm 2002 – 2010) của 747 công ty thuộc 25 quốc gia khác nhau, từ nguồn Thomson One Analytics. Nghiên cứu của Martínez – Ferrero và cộng sự (2015) cung cấp thêm bằng chứng cho thấy mức độ CBTT PTBV bị ảnh hưởng bởi các yếu tố quy mô, sự tăng trưởng, ngành nghề, hiệu quả hoạt động và chất lượng thông tin kế toán.
Với dữ liệu nghiên cứu trong 03 năm (từ năm 2010 – 2013), Wang (2017) tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc công bố báo cáo bền vững tại các CTNY Đài Loan. Kết quả thu được cho thấy, tỷ lệ doanh thu xuất khẩu, sự ổn định của tài sản cố định, quy mô hội đồng quản trị, tỷ lệ giám đốc độc lập, tỷ lệ cổ đông nước ngoài, sự tăng trưởng của DN và ủy ban kiểm toán tác động cùng chiều đến việc CBTT trên báo cáo bền vững. Điều này góp phần nâng cao quan điểm, cho rằng sự tham gia của các bên liên quan tạo nên áp lực CBTT PTBV của các DN.
Tại Việt Nam, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào các nhân tố thuộc về đặc điểm công ty như quy mô, sở hữu nước ngoài, tuổi công ty, khả năng sinh lời,… Nghiên cứu về ảnh hưởng của áp lực các bên liên quan chưa được khai thác nhiều. Cụ thể: bằng phương pháp khảo sát, Nguyễn Thành Tài (2019) thu thập dữ liệu từ đại diện các DN ngành dệt may (như giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, giám đốc sản xuất, kế toán trưởng, kế toán viên…), với 426 quan sát tác giả thu được kết quả cho thấy các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, chủ nợ, khách hàng) có ảnh hưởng đến quyết định của các DN về việc CBTT môi trường với mức ý nghĩa thống kê 5%; nghiên cứu của Lâm Thị Trúc Linh (2019) tập trung vào các CTNY nuôi trồng thủy sản Việt Nam, kết quả thu được cho thấy áp lực từ các bên liên quan (gồm chính phủ, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, nhà nhập khẩu và cộng đồng) là nhân tố có ảnh hưởng đến việc CBTT liên quan đến môi trường của các CTNY ngành nuôi trồng thủy sản; cũng giống như một số nghiên cứu trước đây, Nguyễn Thị Lệ Hằng và cộng sự (2020) đã tiến hành khảo sát 120 CTNY, kết quả cho thấy áp lực từ các bên liên quan (bao gồm cộng đồng, chính phủ, cổ đông, khách hàng, truyền thông và các tổ chức môi trường) đều được chứng minh là có tác động đến quyết định CBTT môi trường của các CTNY.
Nhìn chung, nghiên cứu về ảnh hưởng của áp lực các bên liên quan đến thông tin PTBV chủ yếu được thực hiện trong bối cảnh các nước phát triển, còn tại thị trường các nước đang phát triển, sự kiểm định mối quan hệ này chưa được thực hiện nhiều. Cụ thể, tại Việt Nam, việc tìm hiểu về áp lực các bên liên quan được thực hiện chủ yếu vào khía cạnh thông tin môi trường, tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh cụ thể và được kiểm định dựa trên dữ liệu sơ cấp. Điển hình như nghiên cứu của Nguyễn Thành Tài (2019) tập trung vào lĩnh vực dệt may và nghiên cứu của Lâm Thị Trúc Linh (2019) tập trung vào lĩnh vực thủy sản.
- Mô hình nghiên cứu
3.1. Khái niệm nghiên cứu
Các bên liên quan
Theo Freeman (1983), các bên liên quan là các nhóm hoặc cá nhân có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu của DN. Các bên liên quan bao gồm: các đối tượng bên trong như cổ đông, công đoàn, nhân viên… và các đối tượng bên ngoài như chính phủ, cơ quan nhà nước, nhà cung cấp, khách hàng, cộng đồng địa phương…
Thông tin PTBV
Theo Báo cáo của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển: “PTBV là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không gây tác động đến các thế hệ sau này”. Như vậy, dưới góc nhìn rộng, tính bền vững không chỉ dừng lại ở khía cạnh bền vững kinh tế mà còn bao gồm các khía cạnh môi trường và xã hội (Schaltegger và Wagner, 2006). Nói một cách khác, một công ty được xem là có định hướng PTBV nếu trong quá trình hoạt động họ có xem xét đầy đủ ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường (Perrini và Tencati, 2006). Như vậy, thông tin PTBV là những thông tin thể hiện sự bền vững của DN thông qua ba lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.
3.2. Giả thuyết nghiên cứu
Dựa trên cách phân loại của Branco và Rodrigues (2008) và Fernandez-Feijoo và cộng sự (2014), nghiên cứu phân loại ngành thành 4 trường hợp, gồm: công ty trong các ngành nhạy cảm với môi trường; công ty trong các ngành được người tiêu dùng biết đến; công ty trong các ngành có áp lực nhà đầu tư cao; và công ty trong các ngành có áp lực nhân viên cao. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các giả thuyết sau:
H1: các công ty thuộc nhóm ngành được xem là nhạy cảm với môi trường công bố nhiều thông tin PTBV nói chung và thông tin kinh tế, môi trường, xã hội nói riêng hơn các công ty không thuộc nhóm ngành nhạy cảm với môi trường.
H2: các công ty thuộc nhóm ngành được người tiêu dùng biết đến công bố nhiều thông tin PTBV nói chung và thông tin kinh tế, môi trường, xã hội nói riêng hơn các công ty thuộc nhóm ngành không được người tiêu dùng biết đến.
H3: các công ty thuộc nhóm ngành có áp lực nhà đầu tư cao công bố nhiều thông tin PTBV nói chung và thông tin kinh tế, môi trường, xã hội nói riêng hơn các công ty thuộc trong nhóm ngành không có áp lực nhà đầu tư cao.
H4: các công ty thuộc nhóm ngành có áp lực nhân viên cao công bố nhiều thông tin PTBV nói chung và thông tin kinh tế, môi trường, xã hội nói riêng hơn các công ty thuộc nhóm ngành không có áp lực nhân viên cao.
- Phương pháp nghiên cứu
4.1. Khung lấy mẫu và cỡ mẫu
Kết quả nghiên cứu gần đây của tác giả Nguyễn Thị Thu Nguyệt (2020) cho thấy, thông tin PTBV tại các CTNY Việt Nam nhìn chung là thấp, các công ty có quy mô lớn công bố nhiều thông tin PTBV hơn các công ty quy mô nhỏ. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung phân tích mẫu là các CTNY nằm trong bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất (VNR 500), với dữ liệu công bố của năm 2020. Với mẫu ban đầu là 143 công ty, sau khi loại bỏ công ty thiếu dữ liệu, mẫu cuối cùng còn lại 142 công ty.
4.2. Thang đo
Áp lực các bên liên quan
Để đo lường 4 nhóm bên liên quan (môi trường, khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên) được đề cập trong giả thuyết nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng kỹ thuật đo lường theo nghiên cứu của Branco và Rodrigues (2008) và Fernandez-Feijoo và cộng sự (2014). Cụ thể:
– Biến môi trường (MT): biến này nhận giá trị 1 – nếu các hoạt động của công ty có ảnh hưởng xấu đến môi trường (các ngành khai thác hoặc ô nhiễm cao), hay còn gọi là những công ty thuộc ở các ngành nhạy cảm với môi trường. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các ngành sau đây được xếp vào lĩnh vực nhạy cảm với môi trường gồm dịch vụ tiện tích, vật liệu, năng lượng, công nghiệp, xây lắp và bất động sản (Fernandez-Feijoo, Romero và cộng sự, 2014; Kuzey và Uyar, 2017; da Silva-Monteiro và cộng sự, 2010); các ngành còn lại được xếp vào nhóm không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nhận giá trị 0.
– Biến khách hàng (NTD): biến này nhận giá trị 1 – nếu công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành quen thuộc với người tiêu dùng. Các ngành quen thuộc với người tiêu dùng gồm dịch vụ tiện ích (năng lượng, điện, nước); dịch vụ thương mại, đồ tiêu dùng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, truyền thông, thuốc lá, du lịch/giải trí, đồ chơi, nhà bán lẻ, viễn thông, dệt may, quản lý chất thải và các trường đại học (Fernandez-Feijoo và cộng sự, 2014). Các ngành còn lại sẽ nhận giá trị 0.
– Biến nhà đầu tư (NDT): biến này nhận giá trị 1 – nếu công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhận giá trị 0 nếu không có vốn đầu tư nước ngoài (Fernandez-Feijoo và cộng sự, 2014).
– Biến nhân viên (NV): như các nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả đo lường biến này bằng cách sử dụng quy mô công ty làm đại diện cho áp lực từ nhân viên do (Alhaddi, 2015; Fernandez-Feijoo và cộng sự, 2014; Huang và Kung, 2010). Theo Huang và Kung (2010), đánh giá liên quan đến việc CBTT môi trường, nhìn chung, nhân viên trong các công ty lớn có tổ chức hơn và nhiều khả năng ý kiến của họ sẽ được cấp quản lý xem xét. Do đó, biến nhân viên nhóm sẽ nhận giá trị 1 nếu công ty có áp lực cao từ nhân viên, nghĩa là công ty đó là công ty lớn hoặc đa quốc gia. Biến này nhận giá trị 0 nếu công ty đó là công ty vừa và nhỏ.
Mức độ CBTT PTBV
Để đo lường mức độ CBTT PTBV, những nghiên cứu trước đây thường sử dụng kỹ thuật đo lường thông qua số lượng từ, số lượng câu, số lượng trang (Chan và cộng sự, 2014; Kasbun và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, theo Samaha và cộng sự (2012), những kỹ thuật này gặp rất nhiều hạn chế, đặc biệt là không thể hiện được nội dung và chất lượng thông tin truyền tải. Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, nhiều nhà nghiên cứu đã lựa chọn phương pháp phân tích nội dung thay cho các kỹ thuật trước đây để đo lường biến thông tin PTBV (Chan và cộng sự, 2014; Chen và cộng sự, 2015). Do đó, nghiên cứu này cũng sử dụng phương pháp phân tích nội dung và dựa vào hướng dẫn của Thông tư 96/2020/TT-BTC, để thiết lập các chỉ tiêu đo lường mức độ CBTT PTBV. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng tiêu chí chấm điểm trong nghiên cứu của Schreck và Raithel (2018) để xác định mức độ CBTT PTBV. Cụ thể, thang điểm 0 – nếu công ty không cung cấp thông tin, thang điểm 1 – nếu công ty cung cấp thông tin cơ bản, thang điểm 2 – nếu công ty cung cấp thông tin đầy đủ.
Kiểm định mô hình
Nhóm tác giả thực hiện kỹ thuật xử lý hồi quy với mức ý nghĩa thống kê α = 10 để kiểm định giá trị P_value của giá trị F, để kiểm tra sự phù hợp của mô hình và thông qua hệ số xác định R-squared để xác định sự giải thích sự ảnh hưởng của biến độc lập, biến kiểm soát trong đến biến phụ thuộc.
Bảng 1: Kiểm định sự phù hợp của giả thuyết 1, 2, 3, 4
Giả thuyết |
Prob > F |
R-squared |
Obs |
H 1 |
0.0024 |
0.1383 |
142 |
H 2 |
0.0000 |
0.2656 |
142 |
H 3 |
0.0087 |
0.1177 |
142 |
H 4 |
0.0000 |
0.2546 |
142 |
(Nguồn: tác giả)
Tất cả giá trị P_value của kiểm định F trong Bảng 1 đều < 10%. Vì vậy, mô hình mối quan hệ các biến nhóm tác giả xây dựng là phù hợp để thực hiện hồi quy; tiếp theo, nhóm tác giả xác định giá trị nhân tử phóng đại phương sai (VIF) trong mô hình để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 2: Kết quả kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến
Biến |
VIF |
1/VIF |
NTD |
1.94 |
0.514935 |
MT |
1.90 |
0.527144 |
NDT |
1.08 |
0.923109 |
NV |
1.07 |
0.935857 |
ROA |
1.05 |
0.954801 |
AGE |
1.02 |
0.976170 |
Mean VIF |
1.34 |
|
(Nguồn: tác giả)
Với kết quả VIF trong Bảng 2 của các biến trong mô hình đều < 2. Điều này cho thấy, mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến; tiếp theo, nhóm tác giả thực hiện kiểm định White để phân tích hiện tượng phương sai thay đổi trong mô hình.
Bảng 3: Kết quả kiểm tra hiện tượng phương sai thay đổi
H1 |
White’s test for Ho: Ha: unrestricted heteroskedasticity chi2(22) = 24.25 Prob > chi2 = 0.3341 |
H2 |
White’s test for Ho: Ha: unrestricted heteroskedasticity chi2(22) = 13.65 Prob > chi2 = 0.9134 |
H3 |
White’s test for Ho: Ha: unrestricted heteroskedascity chi2(22) = 16.48 Prob > chi2 = 0.7913 |
H4 |
White’s test for Ho: Ha: unrestricted heteroskedasticity chi2(22) = 13.15 Prob > chi2 = 0.9290 |
(Nguồn: tác giả)
Kết quả của Bảng 3 cho thấy, tất cả giá trị p_value đều > mức ý nghĩa α = 10%. Vì vậy, mô hình 1, 2, 3, 4 không có hiện tượng phương sai của sai số thay đổi. Sau khi đã kiểm tra xong, cả 4 mô hình đều không bị hiện tượng đa cộng tuyến và phương sai của sai số thay đổi. Cuối cùng, nhóm tác giả thu được kết quả hồi quy từ mô hình nghiên cứu, tại Bảng 4.
Bảng 4: Kết quả hồi quy của giả thuyết 1, 2, 3, 4
Biến |
KT |
MT |
XH |
PTBV |
||||
Coef |
t |
Coef |
t |
Coef |
t |
Coef |
t |
|
NTD |
.173115** |
1.97 |
.60268*** |
4.48 |
.27592** |
2.29 |
.41127*** |
4.06 |
MT |
.32453*** |
3.50 |
.69844*** |
4.92 |
.37074*** |
2.91 |
.51781*** |
4.85 |
NDT |
.071580 |
1.09 |
-.028341 |
-0.28 |
.16319* |
1.81 |
.05021 |
0.66 |
NV |
.157980 |
1.57 |
.277762* |
1.81 |
.19816 |
1.44 |
.23170** |
2.00 |
ROA |
.007264 |
1.51 |
.02372*** |
3.22 |
.00211 |
0.32 |
.01341*** |
2.42 |
AGE |
.00028 |
1.33 |
.00059* |
1.84 |
.00041 |
1.39 |
.00059*** |
2.42 |
Lưu ý: ***, **, * tương ứng với mức ý nghĩa thống kê lần lượt là 1%, 5% và 10% |
(Nguồn: tác giả)
- Kết luận
Đối với giả thuyết H1
Các công ty hoạt động trong các ngành ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (các ngành khai thác hoặc ô nhiễm cao) như vật liệu, năng lượng, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, xây lắp và bất động sản cung cấp thông tin PTBV cao hơn so với các công ty khác với mức ý nghĩa thống kê 01%. Phân tích riêng biệt từng lĩnh vực thông tin kinh tế, xã hội và môi trường. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các công ty này cũng có mức độ CBTT cao hơn so với những công ty còn lại.
Đối với giả thuyết H2
Các công ty thuộc các ngành quen thuộc với người tiêu dùng gồm dịch vụ tiện ích (năng lượng, điện, nước), dịch vụ thương mại, đồ tiêu dùng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, truyền thông, thuốc lá, du lịch/ giải trí, đồ chơi, nhà bán lẻ, viễn thông, dệt may, quản lý chất thải và các trường đại học CBTT PTBV cao hơn các công ty khác với mức ý nghĩa 01%. Các công ty này cũng công bố cao hơn trên khía cạnh riêng biệt từng thông tin môi trường với mức ý nghĩa 01% và thông tin kinh tế, xã hội với mức ý nghĩa 5%.
Đối với giả thuyết H3
Kết quả không thu được bằng chứng thống kê cho thấy, các công ty chịu áp lực nhà đầu tư cao có mức độ CBTT PTBV, cũng như thông tin kinh tế, môi trường cao hơn những công ty còn lại. Áp lực của nhà đầu tư chỉ thu được bằng chứng thống kê với mức ý nghĩa 10% đến mức độ CBTT xã hội.
Đối với giả thuyết H4
Các công ty có áp lực nhân viên cao (các công ty lớn và đa quốc gia) công bố nhiều thông tin PTBV hơn các công ty còn lại, với mức ý nghĩa thống kê 5%. Cụ thể, các công ty này còn có xu hướng công bố nhiều thông tin liên quan đến vấn đề về môi trường hơn với mức ý nghĩa 10%.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy, thông tin PTBV bị tác động bởi áp lực của các bên liên quan bao gồm người tiêu dùng, nhân viên các bên quan tâm đến môi trường. Trong đó, ảnh hưởng các bên quan tâm đến môi trường được chứng minh có ý nghĩa thống kê cao nhất ở mức ý nghĩa 01%. Ngoài ra, kết quả đã chứng minh, người tiêu dùng và các bên quan tâm đến môi trường không chỉ tác động đến mức độ CBTT PTBV nói chung mà còn tác động đến mức 03 lĩnh vực thông tin kinh tế, môi trường, xã hội nói riêng. Biến nhân viên ngoài ảnh hưởng đến thông tin PTBV thì chỉ ảnh hưởng đến thông tin môi trường với mức ý nghĩa thấp 10%. Trong 4 bên liên quan được đề cập trong nghiên cứu, chỉ có bên liên quan là nhà đầu tư chưa thu được bằng chứng thống kê về ảnh hưởng đến mức độ CBTT PTBV của DN. Mặc dù, bằng chứng thống kê cho thấy, biến này có ảnh hưởng đến thông tin xã hội với mức ý nghĩa thấp 10%.
Tài liệu tham khảo
Lâm Thị Trúc Linh. (2019). Các nhân tố tác động đến việc CBTT kế toán môi trường -Nghiên cứu tại các DN thủy sản Việt Nam. Luận văn Tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thành Tài. (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán môi trường và tác động của nó đến kết quả hoạt động của các DN ngành dệt may Việt Nam. Luận văn Tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Thu Nguyệt. (2020). Thông tin PTBV trong mối quan hệ với chất lượng thông tin kế toán và hiệu quả hoạt động của các CTNY tại Việt Nam. Luận văn Tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Trần Minh Phương. (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội trong DN tại Việt Nam.
Adams, C. A., Hill, W.-Y., và Roberts, C. B. (1998). Corporate social reporting practices in Western Europe: legitimating corporate behaviour?. The British accounting review, 30(1), 1-21.
Alhaddi, H. (2015). Triple bottom line and sustainability: a literature review. Business and Management Studies, 1(2), 6-10.
Branco, M. C., và Rodrigues, L. L. (2008). Factors influencing social responsibility disclosure by Portuguese companies. Journal of Business Ethics, 83(4), 685-701.
Chan, MuiChing Carina, John Watson, and David Woodliff. (2014). Corporate governance quality and CSR disclosures. Journal of Business Ethics, 125(1), 59.
Chen, L., Feldmann, A., và Tang, O. (2015). The relationship between disclosures of corporate social performance and financial performance: Evidences from GRI reports in manufacturing industry. International Journal of Production Economics, 170, 445-456.
Contrafatto, Massimo. (2014). The institutionalization of social and environmental reporting: An Italian narrative. Accounting, Organizations and society, 39(6), 414-432.
da Silva Monteiro, S. M., và Aibar‐Guzmán, B. (2010). Determinants of environmental disclosure in the annual reports of large companies operating in Portugal. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 17(4), 185-204.
Fernandez‐Feijoo, B., Romero, S., và Ruiz‐Blanco, S. (2014). Women on boards: do they affect sustainability reporting?. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 21(6), 351-364.
Freeman, R. E. (1983). Strategic management: A stakeholder approach. Advances in strategic management, 1(1), 31-60.
Hahn, R., và Kühnen, M. (2013). Determinants of sustainability reporting: a review of results, trends, theory, and opportunities in an expanding field of research. Journal of Cleaner Production, 59, 5-21.
Huang, C.-L., và Kung, F.-H. (2010). Drivers of environmental disclosure and stakeholder expectation: Evidence from Taiwan. Journal of Business Ethics, 96(3), 435-451.
Jo, Hoje, and Maretno A. Harjoto. (2012). The causal effect of corporate governance on corporate social responsibility. Journal of Business Ethics, 106(1), 53-72.
Kasbun, Nur Fatin, Boon Heng Teh, and Tze San Ong. (2017). Sustainability Reporting and Financial Performance of Malaysian Public Listed Companies. Institutions and Economies, 78-93.
Khan, Arifur, Mohammad Badrul Muttakin, and Javed Siddiqui. (2013). Corporate governance and corporate social responsibility disclosures: Evidence from an emerging economy. Journal of Business Ethics, 1-17.
Kuzey, Cemil, and Ali Uyar. (2017). Determinants of sustainability reporting and its impact on firm value: Evidence from the emerging market
of Turkey. Journal of Cleaner Production, 143,
27-39.
Martínez‐Ferrero, J., Garcia‐Sanchez, I. M., và Cuadrado‐Ballesteros, B. (2015). Effect of financial reporting quality on sustainability information disclosure. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 22(1), 45-64.
Perrini, Francesco, and Antonio Tencati. (2006). Sustainability and stakeholder management: the need for new corporate performance evaluation and reporting systems. Business Strategy and the Environment, 15(5), 296-308.
Philippe, Déborah, and Rodolphe Durand. (2011). The impact of norm‐conforming behaviors on firm reputation. Strategic management journal, 32(9), 969-993.
Pondeville, Sophie, Valérie Swaen, and Yves De Rongé. (2013). Environmental management control systems: The role of contextual and strategic factors. Management accounting research, 24(4), 317-332.
Reverte, Carmelo. (2009). Determinants of corporate social responsibility disclosure ratings by Spanish listed firms. Journal of Business Ethics, 88(2), 351-366.
Samaha, Khaled, et al. (2012). The extent of corporate governance disclosure and its determinants in a developing market: The case of Egypt. Advances in Accounting, 28(1), 168-178.
Schaltegger, Stefan, and Marcus Wagner. (2006). Integrative management of sustainability performance, measurement and reporting. International Journal of Accounting, Auditing and Performance Evaluation, 3(1), 1-19.
Schreck, Philipp, and Sascha Raithel. (2018). Corporate social performance, firm size, and organizational visibility: Distinct and joint effects on voluntary sustainability reporting. Business & Society, 57(4), 742-778.
Wang, Mao-Chang. (2017). The relationship between firm characteristics and the disclosure of sustainability reporting. Sustainability, 9(4), 624.