Tin trong nước

KTNN tổ chức Hội thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015

Tiêu đề KTNN tổ chức Hội thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 Ngày đăng 2019-02-27
Tác giả Admin Lượt xem 549

Chiều ngày 20/2/2019, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.


                                                     Quang cảnh Hội thảo

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Vũ Thanh Hải đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, các Sở, ban, ngành của 31 địa phương cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các trường đại học, viện nghiên cứu, các Tập đoàn, Tổng công ty.

Về phía KTNN, có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN; các thành viên Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.


                 Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN theo hướng thể chế hóa quy định Điều 118 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN.

Sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN năm 2015 bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở đó, ngày 27/11/2017, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 07-KH/TW về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII, trong đó nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 được giao cho Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.

Ngày 18/01/2018, Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14; ngày 13/12/2018, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14, theo đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, giao KTNN chủ trì và trình tại 02 kỳ họp Quốc hội (Kỳ họp thứ 7; Kỳ họp thứ 8).

Quá trình thực hiện, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định.

Việc KTNN tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 nhằm “Đánh giá Luật KTNN năm 2015 đúng thực trạng, từ đó đề xuất kiến nghị sửa đổi đạt chất lượng, đúng trọng tâm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn” – Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.


PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, với tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, các đại biểu đã đã đưa ra những ý kiến thảo luận sôi nổi tập trung vào các vấn đề, như: Làm rõ đơn vị được kiểm toán bảo đảm bao quát, phù hợp đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp (nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin…); xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh kiểm tra với hoạt động KTNN; nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; rà soát và quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp…bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa các Luật liên quan; quy định rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi lần này cần làm rõ đơn vị được kiểm toán để đảm bảo bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán. PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khẳng định: “Tất cả các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ với việc tập trung và huy động nguồn lực cho tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của kiểm toán nhà nước, như người nộp thuế, phí, người có nghĩa vụ thanh toán, chi trả hàng hóa, dịch vụ công…”. Tuy nhiên, ông cho rằng, chức năng của Kiểm toán Nhà nước là kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, tin cậy của thông tin về hoạt động tài chính nhà nước phục vụ trước hết cho các quyết định của cơ quan dân cử. Thông tin về tài chính nhà nước bao hàm cả ngân sách nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng của nhà nước, các khoản tín dụng của nhà nước. Về tài sản công, đối tượng của kiểm toán nhà nước chỉ bao gồm tài sản nhà nước – đó là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi thực tiễn vừa qua đã có những đơn vị được kiểm toán đã: Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính ngân sách… Đơn cử năm 2017, đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, việc xác định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Chính phủ quy định các chế tài (khung tiền phạt) đối với từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định thẩm quyền xử lý các sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc KTNN.

Do không phải là cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, nên khi phát hiện các sai phạm, KTNN không thể tự xử lý mà chỉ được kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền khác xem xét, xử lý. Hạn chế này làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của KTNN. “Việc quy định một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng như cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, hoặc Luật KTNN”, ông Sơn nêu quan điểm.


               Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao các tham luận, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo và cho rằng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo dù từ nhiều góc nhìn khác nhau nhưng đều nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật KTNN năm 2015 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của KTNN; tôn trọng và đề cao tính độc lập về tổ chức và hoạt động của KTNN; gợi mở các cách thức thiết kế bổ sung các quy định mới trong Luật.

Qua tổng hợp các tham luận được in trong Kỷ yếu và ý kiến phát biểu, Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, đã đưa ra các lập luận và khẳng định với quan điểm ở đâu có tài chính công, tài sản công thì việc quản lý, sử dụng phải được kiểm toán. Do vậy cần quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán của KTNN, bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Luật NSNN năm 2015 đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay khi tiến hành các hoạt động kiểm toán về thu, nộp ngân sách, kiểm toán trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản…

Thứ hai, thống nhất bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của KTNN cũng như của Tổng Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật KTNN với Luật PCTN năm 2018 gồm: bổ sung quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật PCTN; bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán…

Thứ ba, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, để tăng cường hiệu lực thực hiện Luật KTNN cần bổ sung chế tài bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, qua đó thể hiện trách nhiệm của KTNN trước pháp luật tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân liên quan khiếu nại, khiếu kiện KTNN theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, về bổ sung về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra và hoạt động kiểm toán.

Thứ năm, trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhiều thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán được lưu giữ dưới dạng số hóa dữ liệu điện tử, vì vậy việc cung cấp dữ liệu điện tử xây dựng kết nối liên thông, xây dựng dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động KTNN là cần thiết và cần được quy định trong Luật KTNN. Hội thảo nhất trí việc quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN.

Thứ sáu, một số nội dung khác đã được Hội thảo tập trung phân tích, đề nghị nghiên cứu sửa đổi bổ sung như: Kiểm toán trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, vấn đề giám định tài chính, tài sản công, việc thực hiện đối chiếu xác minh theo quy định của Luật PCTN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; quyền khiếu nại của tổ chức, cá nhân có liên quan; thẩm quyền ký thông tư liên tịch do quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước chưa được quy định bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch; thời hạn lập, gửi báo cáo kiểm toán… và các quy định khác của Luật KTNN hiện nay.

Ngoài ra còn có ý kiến nêu ra sự băn khoăn hoặc đề cập những khó khăn vướng mắc, KTNN xin nghiêm túc tiếp thu nghiên cứu để đưa vào dự án Luật.

Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh khẳng định kết quả Hội thảo là cơ sở, nền tảng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đề KTNN tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án bảo đảm đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015 hiệu quả chất lượng và đáp ứng tiến độ của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. “Những ý kiến chia sẻ tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp KTNN nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua Dự án Luật, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN” – . Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh nhấn mạnh./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *