Nghiên cứu trao đổi

20 năm cải cách kế toán Việt Nam (1995 – 2015) Giá trị khoa học và tính hiện đại của hệ thống kế toán Việt Nam cải cách năm 1995 QĐ 1141 – TC/QĐ/CĐKT

Tiêu đề 20 năm cải cách kế toán Việt Nam (1995 – 2015) Giá trị khoa học và tính hiện đại của hệ thống kế toán Việt Nam cải cách năm 1995 QĐ 1141 – TC/QĐ/CĐKT Ngày đăng 2015-06-01
Tác giả Admin Lượt xem 1303
Hệ thống kế toán Việt Nam cải cách được ban hành theo Quyết định số 1141 TC /QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995, có hiệu lực áp dụng trong phạm vi cả nước từ niên độ kế toán 1996. Từ đó đến nay đã qua 20 năm, mặc dù  được sửa đổi bổ sung nhiều lần và ban hành lại 2 lần (QĐ 15 QĐ-TC năm 2006 và Thông tư 200 TT -BTC năm 2014. Nhưng nền tảng và sức sống của nó vẫn có giá trị khoa học, mang tính cốt lõi và tồn tại về cơ bản cho đến hôm nay. Mọi sửa đổi, bổ sung và kể cả 2 lần ban hành mới vẫn không thoát ly khỏi những nguyên lý, hình hài cốt lõi của Hệ thống kết toán cải cách năm 1995. Lẽ tất nhiên, các sửa đổi, bổ sung đã góp phần hoàn thiện hơn và thích ứng với các cơ chế quản lý, các hoạt động kinh tế mới xuất hiện trong nền kinh tế. Đó cũng là lẽ đương nhiên ở một nền kinh tế đang chuyển đổi, đang chuyển dần sang kinh tế thị trường. Và chắc chắn cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường đầy đủ và nền kinh tế hội nhập toàn diện với khu vực với thế giới trong tương lai.

 Nhìn lại bối cảnh ra đời của Hệ thống cải cách kế toán Việt Nam, trong những năm 1994-1995 mới thấy hết giá trị, tính khoa học của nó và tầm nhìn xa, tính dự báo và bản lĩnh của những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam.

 Nhiều thập kỷ, Việt Nam đắm mình trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu và bao cấp. Cuộc cải cách và đổi mới đất nước mới được khởi xướng từ Đại hội Đảng 6 năm 1986. Ngay những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, hình hài của cơ chế kinh tế mới, kinh tế thị trường còn chưa thật rõ ràng, vẫn nặng sự níu kéo của tư duy, kinh tế thời bao cấp, của cơ chế quan lý hành chính quan liêu. Vậy mà Hệ thống kế toán Việt Nam đã được cải cách thật sự, với sự bứt phá ngoạn mục, dứt khoát từ bỏ các hệ thống kế toán được du nhập và học hỏi từ các nước Xã hội chủ nghĩa, dám đặt nền tảng cho một hệ thống kế toán bước đầu và thực sự của kinh tế thị trường, của cơ chế hạch toán kinh tế. Cải cách kế toán bắt đầu từ hệ thống kế toán, đặt nền tảng và mở đầu cho sự hành thành kiểm toán Việt Nam, cho sự ra đời các tổ chức nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán và đặc biệt cho sự hình thành các quy định pháp lý về kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Luật Kế toán được Quốc hội thông qua năm 2003, Luật Kiểm toán Nhà nước 2005, Luật Kiểm toán độc lập 2011. Trong nền kinh tế thị trường, trong cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, tài chính luôn là tổng hoà các mối quan hệ kinh tế, tổng thể các nội dung và giải pháp tài chính, tiền tệ, không chỉ có nhiệm vụ khai thác các nguồn lực tài chính, tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế, mà còn phải sử dụng và quản lý có hiệu quả mọi nguồn lực kinh tế của đất nước. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạt động tài chính cần phải được quản lý bằng luật pháp, bằng các công cụ và các biện pháp quản lý có hiệu lực, tăng cường pháp chế. 

 Hạch toán kế toán là một bộ phận cấu thành quan trọng của công cụ quản lý kinh tế, tài chính, có vai trò tích cực trong việc quản lý, điều hành và kiểm soát các hoạt động kinh tế. Với tư cách là công cụ quản lý kinh tế tài chính, kế toán là một lĩnh vực hoạt động tài chính Nhà nước, mà còn vô cùng cần thiết với hoạt động tài chính doanh nghiệp.

 Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp cải cách được Cố Thủ tương Võ Văn Kiệt chỉ đạo trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1141 TC /QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 ban hành và áp dụng thống nhất trong cả nước từ 01/01/1996. Đây là Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp thể hiện tư tưởng cải cách triệt để, toàn diện hệ thống kế toán Việt Nam, mở đầu bước phát triển mới của kế toán Việt Nam trong cơ chế thị trường.

 Có thể nhìn nhận giá trị khoa học, tính thực tiễn, tính hiện đại của Hệ  thống kế toán doanh nghiệp trên các khía cạnh sau:

 Trước hết, đổi mới căn bản nhận thức về bản chất và chức năng kế toán trong kinh tế thị trường
Trong nhiều năm, ở Việt Nam vẫn cho rằng “Kế toán là một công việc ghi chép, tính toán bằng con số dưới hình thức giá trị hiện vật, thời gian lao động, chủ yếu dưới hình thức giá trị phản ánh, kiểm tra tình hình vận động của các loại tài sản, quá trình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và kinh phí của Nhà nước cũng như tổ chức xí nghiệp”.

 Theo khái niệm đó kế toán nhiều khi chỉ được coi là công việc thuần tuý là ghi sổ, giữ sổ. Việc ghi sổ mang tính thụ động và đối phó. Quan niệm đó không chỉ của những nhà quản lý, người sử dụng kế toán, mà nó tồn tại ngay cả trong đội ngũ làm kế toán. Trong nền kinh tế quản lý theo nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kế toán không được thực sự tôn trọng cũng chính vì chỉ đơn thuần ghi chép, giữ sổ kế toán một cách thụ động của nhân viên kế toán. Trong cơ chế quản lý kinh tế mới, Nhà nước lãnh đạo và quản lý kinh tế bằng luật pháp và các biện pháp hành chính vào hoạt động kinh doanh của các DN thì phải đổi mới nhận thức về bản chất và chức năng của kế toán. Với tư cách là công cụ quản lý kinh tế và tài chính, kế toán không chỉ có chức năng phản ánh và kiểm soát, mà còn phải thoả mãn những đòi hỏi căn bản của những đối tượng sử dụng thông tin kế toán cả trong và ngoài DN. Ngày nay, kế toán hoàn toàn không thuần tuý là công việc giữ sổ, ghi chép, kiểm soát… mà quan trọng hơn là việc tổ chức một  hệ thống thông tin đo lường, xử lý và truyền đạt những thông tin có ích cho các Quyết định kinh tế. Kế toán là một khoa học hoặc nghệ thuật có việc ghi chép, phân loại, tổng hợp và giải thích và nghiệp vụ tài chính của một tổ chức, làm căn cứ cho các quyết định kinh tế.

 Chức năng của kế toán là tổ chức và cung cấp thông tin, nhất là thông tin có ích về hoạt động để các đối tượng cần thông tin kế toán có căn cứ để ra các quyết định kinh tế. Những thông tin của kế toán cho phép các nhà kinh tế (doanh nhân, nhà đầu tư, nhà quản lý…) lựa chọn quyết định hợp lý để định hướng hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư.

 Hoạt động kế toán là một hoạt động nối liền người ra quyết định với người kinh doanh 
– Một, kế toán đo lường các hoạt động kinh doanh bằng việc ghi chép, phản ánh trung thực các dữ liệu thông tin kinh tế. Việc ghi chép được tiến hành theo phương pháp riêng của kế toán, vừa tôn trọng tính khách quan, và đảm bảo tính pháp lý của thông tin.
– Hai, quá trình xử lý dữ liệu thành những thông tin có ích, theo yêu cầu của người sử dụng, người ra quyết định. Quá trình xử lý thông tin được tiến hành bằng các phương pháp phân loại, sắp xếp, hệ thống hoá và tổng hợp các dữ liệu.
– Ba, quá trình truyền đạt thông tin đã xử lý được cung cấp cho người sử dụng thông tin qua hệ thống báo cáo bằng các hình thức khác nhau. Có thể có thông tin nhanh, thông tin định kỳ, thông tin bằng văn bản…
Rõ ràng, kế toán không chỉ dừng lại ở việc ghi chép và lưu trữ các dữ liệu, mà quan trọng hơn là thiết lập một hệ thống thông tin cho công tác quản lý, điều hành, cho người ra quyết định. Mục đích quan trọng của kế toán là phân tích, giải thích và sử dụng thông tin cho hoạt động kinh tế tài chính. Kế toán là trung tâm hoạt động tài chính của hệ thống thông tin quản lý. Kế toán giúp cho các nhà quản lý, các nhà kinh doanh có cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh tế, tài chính DN.
Thứ hai, xác định lại chuẩn xác hơn, phù hợp hơn các đối tượng sử dụng thông tin kế toán trong cơ chế quản lý kinh tế mới

 Đây là sự thay đổi về bản chất, cốt lõi để đưa ra những thiết kế cần thiết cho hệ thống kế toán mới. Trong nhiều năm, kế toán được coi là công cụ quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh ở các DN và hoạt động sử dụng kinh phí ở ác đơn vị hành chính sự nghiệp. Vì thế, việc ghi chép kế toán còn mang tính hình thức và đối phó. Số liệu và tài liệu kế toán chưa thực sự trở thành nhu cầu và chưa đủ độ tin cậy cho những đối tượng cần đến nó. Trong cơ chế thị trường, bên cạnh việc điều hành, quản lý nền kinh tế bằng luật pháp và các biện pháp kinh tế, Nhà nước cũng là một chủ sở hữu về kinh tế bình đẳng như các chủ sở hữu khác trong hoạt động kinh doanh. Trước yêu cầu khắc nghiệt của kinh tế thị trường, nhiều đối tượng trong xã hội quan tâm đến số liệu, tài liệu kế toán của doanh nghiệp. Những người sử dụng thông tin kế toán là những người có lợi ích kinh tế (trực tiếp hoặc gián tiếp) ở DN, trước hết là những người ra quyết định kinh tế.

 Có thế chia những người sử dụng thông tin kế toán làm ba nhóm:
1. Những nhà quản lý DN
2. Những người bên ngoài DN nhưng có lợi ích trực tiếp ở DN.
3. Những đối tượng có lợi ích gián tiếp ở DN.

 Thứ nhất: Các nhà quản lý là những người có trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh ở DN. Họ có thể là một nhóm người thuộc Ban giám đốc, Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý, họ có thể là chủ DN (DN nhỏ), cũng có thể là những nhà quản lý được thuê mướn. Mục tiêu tổng quát của DN là phải kinh doanh thu lợi nhuận tối ưu, nghĩa là với một chi phí thấp nhất phải đạt được một khoản thu nhập lớn nhất. Để thành công trong nền kinh tế cạnh tranh, các nhà quản lý phải tập trung năng lực để kinh doanh có lãi và đảm bảo khả năng thanh toán tốt. 

 Các nhà quản lý phải quyết định mục tiêu, lựa chọn phương thức tiến hành và trù liệu những khả năng, kết quả diễn ra. Nhà quản lý thành đạt phải có quyết định chính xác, hiệu quả, dựa trên những thông tin kịp thời và chắc chắn. Số liệu của kế toán, phân tích đánh giá trên những thông tin đó là chỗ dựa quan trọng trong nhiều quyết định kinh tế của các nhà quản lý. Vì vậy, các nhà quản lý luôn cần đến những thông tin kế toán về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ thông tin về tình hình sản nghiệp, nguồn vốn kinh doanh, cơ cấu và tình trạng vốn cũng như thông tin về tình hình kết quả kinh doanh. Trong đó có những thông tin chi tiết về khả năng sinh lời của từng sản phẩm, lao vụ, cơ cấu và khả năng giảm chi phí, tình trạng tài chính và công nợ.,…

 Thứ hai: Là những người có lợi ích trực tiếp ở DN như các nhà đầu tư, những chủ nợ hiện tại và tương lai.
Những nhà đầu tư khi đã hoặc sẽ đầu tư vào một DN luôn quan tâm đến kết quả hoạt động của DN và các thu nhập tiềm năng trong tương lai. Các báo cáo tài chính định kỳ của DN trên phương diện lợi nhuận và tình trạng tài chính (khả năng thanh toán). Báo cáo tài chính trình bày đầy đủ quá trình hoạt động đã qua và đưa ra những phương hướng cho tương lai. Trong kinh tế thị trường, nhiều người ở bên ngoài DN cũng nghiên cứu rất kỹ báo cáo tài chính của DN. Việc nghiên cứu tỷ mỷ toàn bộ báo cáo tài chính của DN sẽ giúp con người có khả năng đầu tư vào DN quyết định quy mô và triển vọng đầu tư. Trong quá trình đầu tư phải thường xuyên xem xét lại việc tham gia đầu tư thông qua các thông tin kế toán.

 Tương tự như vậy, các chủ nợ cho vay mượn tiền hoặc bán chịu hàng hoá, lao vụ, cũng rất quan tâm đến khả năng thanh toán tiền gốc và lãi. Các chủ nợ cần đến những thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán, lưu chuyển tiền tệ của DN. Các tổ chức Ngân hàng, tín dụng, công ty tài chính, công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty thuê mua, công ty thế chấp, những nhà cung cấp hàng hoá lao vụ, cá nhân,… cần phải nắm và phân tích thông tin về tình trạng tài chính của DN trước khi quyết định cho vay nợ, bán chịu hoặc mua cổ phiếu, trái phiếu,…

 Thứ ba: Những người có lợi ích gián tiếp, là những người cần thông tin kế toán để đưa ra những quyết định cho những vấn đề xã hội như cơ quan Thuế, cơ quan chức năng, các tổ chức khác.
Cơ quan Thuế cần những thông tin kế toán để xác định và kiểm tra số thuế phải thu của DN.
Cơ quan chức năng cần những thông tin kế toán để tổng hợp tình hình kinh tế xã hội để làm căn cứ hoạch định các chính sách hoặc soạn thảo các quy định luật pháp như cơ quan thống kê, vật giá, kế hoạch,…
Thứ ba, đã xác định rõ hơn, đầy đủ hơn yêu cầu mới của Hệ thống kế toán. Để thoả mãn thông tin cho các đối tượng, yêu cầu đặt ra là HTKT phải thiết kế sao cho đạt được
– Dễ làm, dễ hiểu
– Minh bạch, công khai
– Dễ kiểm tra, dễ kiểm soát

 Chỉ có như vậy, số liệu tài liệu kế toán mới là những thông tin tin cậy cho các quyết định kinh tế.
Những yêu cầu “Dễ làm, dễ hiểu,  minh bạch, công khai, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát” được đặt ra đối với kế toán tài chính. Về bản chất, cả kế toán tài chính và kế toán quản trị đều tổ chức hệ thống thông tin kế toán. Giữa chúng có một số điểm khác nhau cần phân biệt, nhưng cái khác đầu tiên là nếu kế toán quản trị nhấn mạnh việc cung cấp thông tin cho sử dụng nội bộ của người quản lý, của chủ DN, thì kế toán tài chính lại nhằm vào việc cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài DN. Chính vì lẽ đó, thông tin kế toán phải đạt được yêu cầu dễ hiểu, công khai và dễ kiểm soát.
– Dễ làm, dễ hiểu: Đòi hỏi kế toán phải đơn giản, thể hiện một cách rõ ràng các quy trình kế toán. Các chỉ tiêu mà kế toán tổng hợp, hệ thống hoá phải phù hợp yêu cầu đặc điểm quản lý và dễ dàng nhận ra tình hình, kết quả hoạt động và thực trạng tài chính của DN.
– Minh bạch, công khai: Tình hình tổng quát về tài chính của DN phải được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính định kỳ và mọi thời điểm. Thông tin kế toán phải được xử lý và thông đạt theo những nguyên tắc, chuẩn mực thống nhất, đảm bảo chính xác, đáng tin cậy, kịp thời, có xác nhận của kiểm toán. Các DN tham gia mua bán chứng khoán phải công khai các báo cáo tài chính tại các sở giao dich.
– Dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và hoàn toàn có thể kiểm soát được từ xa, từ bên ngoài DN. Có như vậy mới tạo được sự tin cậy cho các nhà đầu tư, các chủ phần hùn và các chủ nợ với DN.
Thứ tư. Tôn trọng đẳng thức căn bản mang tính tổng quát của kế toán 
TÀI SẢN = NGUỒN VỐN

 Trong toàn bộ sự sắp xếp, thiết kế nội dung, kết cấu của Hệ thống kế toán Việt Nam cũng như hệ thống thống tin về kế toán. Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh mỗi một DN đều quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản cụ thể. Khối lượng tài sản tại một DN được xem xét từ hai mặt hình thái cụ thể của tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản đó. Tình trạng tài chính của một DN thể hiện tiềm lực về kinh tế và những sở hữu chủ tài sản ở một thời điểm nào đó.

 Mỗi DN đều có hai loại tài sản: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn. Nguồn vốn của DN gồm có: Nguồn vốn chủ sở hữu (vốn chủ nhân) và các khoản nợ phải trả.
Đẳng thức trên có thể trình bày  như sau:
TÀI SẢN NGẮN HẠN + TÀI SẢN DÀI HẠN = NGUỒN VỐN CHỦ SỞ HỮU + NỢ PHẢI TRẢ

 Tài sản là những lợi ích kinh tế do DN nắm giữ và sử dụng. Trong hoạt động kinh doanh, tài sản có những hình thái biểu hiện khác nhau: Bằng tiền (tiền mặt trong két quỹ, tiền gửi ngân hàng…), các khoản đầu tư, các khoản phải thu, bằng hiện vật (hàng tồn kho, tài sản cố định). Sự biến đổi hình thái của tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn ở DN diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

 Các khoản nợ phải trả là nghĩa vụ pháp lý của các DN đối với các tổ chức Nhà nước, tổ chức và cá nhân kinh tế khác, với các bộ phận, các thành viên và viên chức trong DN, như mua chịu hàng hoá, vật tư, vay mượn, thuế chưă thanh toán, dịch vụ phải thực hiện; tiền lương, tiền thưởng, phải trả nhưng chưa trả…
Các khoản nợ phải trả có nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, có nợ chưa đến hạn, nợ đến hạn, nợ quá hạn; có khoản nợ hợp pháp, có khoản nợ bất hợp pháp… Kế toán phải thiết kế phương pháp và chỉ tiêu kinh tế, tài chính thể hiện cho được các khoản nợ phải trả.

 Vốn chủ sở hữu (vốn chủ nhân) là biểu hiện quyền sở hữu của người chủ về các tài sản hiện có ở DN, nó chính là phần còn lại sau khi tất cả các khoản nợ đã được trang trải.
Đối với một DN, tổng số tài sản lớn hay bé thể hiện quy mô hoạt động là rất quan trọng. Nhưng trong kinh tế thị trường, điều quan trọng hơn là khối lượng tài sản do DN đang nắm giữ và sử dụng được hình thành từ những nguồn nào. Nguồn vốn của DN thể hiện trách nhiệm pháp lý của DN đối với từng loại tài sản của DN.

 Nợ phải trả là nguồn vốn bên ngoài vô cùng quan trọng đối với từng DN. Hầu như không có DN nào tiến hành sản xuất, kinh doanh chỉ bằng nguồn vốn của mình, mà luôn cố gắng, lợi dụng các nguồn vốn bên ngoài hợp pháp để tăng quy mô kinh doanh. Số nợ phải trả lớn hay nhỏ không phải là điều đáng quan tâm hay lo ngại của từng DN, mà điều quan trọng là khả năng trang trải nợ phải trả của các DN ở mọi thời điểm. Trong đó, quan trọng nhất là khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ đến hạn hoặc đã quá hạn. Khả năng thanh toán thể hiện tình trạng tài chính của DN. Do đó, đẳng thức kế toán có thể viết thành phương trình tài chính:
NGUỒN VỐN CHỦ SỞ HỮU = TÀI SẢN NỢ PHẢI TRẢ
ở một thời điểm nào đó, DN gặp khó khăn hoặc không có khả năng thanh toán Công nợ (đặc biệt là công nợ đến hạn và quá hạn) bằng số vồn bằng tiền và tài sản lưu động khác thì rất dễ có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản.

(Xem tiếp số sau)

 
Tài liệu tham khảo

– Chế độ Kế toán DN – 1141
– Bài phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 29/12/1994
– Đánh giá của ban cải cách kế toán


PGS. TS Đặng Văn Thanh *


       Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
       (Theo: TapchiKetoanvaKiemtoan)


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *