Nghiên cứu trao đổi

30 năm ngày ban hành Pháp lệnh Kế toán và Thống kê (1988 – 2018) Nền tảng pháp lý về kế toán Việt Nam

Tiêu đề 30 năm ngày ban hành Pháp lệnh Kế toán và Thống kê (1988 – 2018) Nền tảng pháp lý về kế toán Việt Nam Ngày đăng 2018-08-29
Tác giả Admin Lượt xem 1239

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T6/2018),…

Cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 10/5/1988, Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về kế toán. Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước công bố nằm trong tiến trình đổi mới và cải cách kinh tế của Việt Nam. Từ năm 1986, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành cải cách cơ chế quản lý kinh tế, chuyển đổi từ cơ chế quản lý kinh tế hành chính, quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đây là sự chuyển đổi căn bản cả mục tiêu phát triển kinh tế và hệ thống chính sách kinh tế. Nhà nước Việt Nam kiên quyết từ bỏ phương thức quản lý kinh tế bằng biện pháp hành chính sang cơ chế quản lý kinh tế bằng biện pháp kinh tế, bằng luật pháp. Hạch toán kế toán với tư cách là công cụ quản lý kinh tế cần và đòi hỏi phải được đổi mới phù hợp với yêu cầu cơ chế quản lý kinh tế mới, cơ chế hạch toán kinh tế. Cùng với quá trình cải tiến hệ thống kế toán, cải tiến phương pháp hạch toán kế toán theo yêu cầu kinh tế thị trường, kế toán cần được Luật hóa. Luật hóa kế toán là việc làm rất mới mẻ ở Việt Nam, nhưng là đòi hỏi cấp bách để Việt Nam mở cửa nền kinh tế với thế giới, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Do nhận thức từ thời bao cấp, từ cơ chế quản lý kinh tế bằng biện pháp hành chính nên cho rằng kế toán và thống kê đều là công cụ tạo lập hệ thống thông tin kinh tế tài chính phục vụ cho quản lý nhà nước. Vì vậy, kế toán và thống kê mặc dù là hai công cụ hoàn toàn khác biệt nhưng có sự thống nhất về nguồn thông tin, nguồn ghi chép ban đầu và các thông tin trên báo cáo thống kê – kế toán. Hơn nữa, cũng phải nhìn nhận bối cảnh của những năm 80 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế dựa trên nền tảng chế độ công hữu với hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể. Hơn 12.000 doanh nghiệp trong nền kinh tế đều là xí nghiệp quốc doanh, thuộc sở hữu Nhà nước, vì vậy về thực chất kế toán và thống kê đều là công cụ của Nhà nước để quản lý kinh tế tài chính. Với tư cách là văn bản pháp lý đầu tiên ở Việt Nam, Pháp lệnh Kế toán và Thống kê chế tài các quy định mang tính pháp lý về ghi chép ban đầu, về xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin kinh tế – tài chính cho Nhà nước. Đồng thời, pháp lệnh cũng quy định về tổ chức công tác kế toán, tổ chức công tác thống kê trong nền kinh tế, tổ chức bộ máy kế toán, bộ máy thống kê, người làm kế toán, thống kê trong các tổ chức Nhà nước, trong các xí nghiệp, hợp tác xã. Pháp lệnh đã thiết lập kỷ cương kỷ luật trong công tác kế toán những ngày đầu đổi mới và quan trọng hơn đã góp phần nâng cao độ tin cậy, minh bạch về thông tin kinh tế tài chính do kế toán cung cấp. Trên cở sở các quy định pháp lý của Pháp lệnh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức kế toán trưởng, về Điều lệ kế toán trưởng. Vai trò và vị thế của kế toán, kế toán trưởng được đề cao. Kế toán không thuần túy là công cụ phản ảnh và cung cấp thông tin kinh tế tài chính mà quan trọng hơn là công cụ kiểm kê, kiểm soát tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp, của các tổ chức tài chính Nhà nước, kiểm kê kiểm soát nguồn tài chính quốc gia. Kế toán trưởng không chỉ là người đứng đầu bộ máy kế toán tài chính, người tổ chức các công việc kế toán mà còn được giao chức năng là kiểm soát viên tài chính tại đơn vị. Quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi của kế toán trưởng đã được xác định và quy định như Phó giám đốc của doanh nghiệp, của tổ chức tài chính Nhà nước. Trong một giai đoạn dài của thời kỳ đầu đổi mới, kế toán đã tham gia tích cực trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý và điều hành kinh doanh của đơn vị. Nền tài chính quốc gia, và tài chính doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch. Nhiều kế toán trưởng đã làm tốt cả hai vai trò: nhà tài chính – kế toán và người kiểm soát viên tài chính tại đơn vị. Không ít kế toán trưởng đã trưởng thành, được tin cậy và được tín nhiệm giao các vị trí công tác quan trọng: Giám đốc, Tổng giám đốc xí nghiệp, Liên hiệp các xí nghiệp, lãnh đạo trong các ngành kinh tế tài chính ở địa phương, lãnh đạo Bộ ngành kinh tế Trung ương.

Pháp lệnh Kế toán và Thống kê năm 1988 là nền tảng pháp lý cho công cuộc cải cách kế toán Việt Nam năm 1994 -1995, để kế toán Việt Nam thực sự đổi mới toàn diện theo yêu cầu kinh tế thị trường. Đồng thời là nền tảng, là cơ sở để 15 năm sau (2003) Luật Kế toán được Quốc hội khóa XI thông qua và Chủ tịch nước công bố.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, nhiều yếu tố của kinh tế thị trường được hình thành, Kế toán Việt Nam đã từng bước tiếp cận và vận dụng có chọn lọc nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực quốc tế về kế toán, các quy định pháp lý về kế toán cũng dần được hoàn thiện và đổi mới. Quốc hội đã thông qua Luật Kế toán năm 2015. Đây là bước tiến dài và bước tiến mới trong phát triển kế toán Việt Nam. Kế toán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong một nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò tổ chức hệ thống thông tin kinh tế tài chính tin cậy và hữu ích. Kế toán Việt Nam và thị trường dịch vụ Kế toán Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam. Có được ngày hôm nay, không thể quên những gian khó của buổi ban đầu, của sự chuyển đổi một cách chủ động, trí tuệ, bản lĩnh. 30 năm là một khoảng thời gian dài của một đời người, nhưng không dài của một đất nước, một nghề nghiệp. Thế hệ những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam hôm nay tự hào và trân quý bản lĩnh, trí tuệ, tình yêu nghề nghiệp của cái thuở ban đầu, của những thế hệ cha anh đã dấn thân vì quy định pháp lý kế toán đầu tiên, mở đầu cho sự nghiệp cải cách kế toán Việt Nam. Hãy tiếp nối và làm tốt hơn những gì đã có của nghề nghiệp./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *