Tin trong nước

663 doanh nghiệp thuộc bộ, tỉnh nợ hơn 139,3 nghìn tỷ đồng

Tiêu đề 663 doanh nghiệp thuộc bộ, tỉnh nợ hơn 139,3 nghìn tỷ đồng Ngày đăng 2014-12-04
Tác giả Admin Lượt xem 417

Không
chỉ có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới ngập trong nợ nần, mà các công
ty TNHH một thành viên độc lập trực thuộc bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp
tỉnh cũng giảm lãi, tăng nợ.

                                                                                                       Ảnh minh họa

Nợ tăng 61%, lãi giảm gần 5%

Cụ thể theo báo cáo của Chính phủ, cả
nước hiện có 663 công ty TNHH 1TV độc lập trực thuộc bộ quản lý ngành, UBND cấp
tỉnh. Bao gồm 309 doanh nghiệp hoạt động cung ứng sản phấm, dịch vụ công ích,
phục vụ an ninh, quốc phòng và 354 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh
thương mại.

Kết thúc năm 2013,  tài sản của các
doanh nghiệp này chiếm 8% tổng tài sản chung của toàn bộ 796 doanh nghiệp Nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trên toàn quốc. Các chỉ tiêu tương ứng tiếp theo
lần lượt là 8% tổng doanh thu; 5% tổng lợi nhuận trước thuế và 8% tổng thu
nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể, khối các doanh nghiệp này đã đạt
tổng tài sản 229.204 tỷ đồng trong năm 2013, tăng 33% so với năm 2012, tổng vốn
chủ sở hữu 103.198 tỷ đồng, tăng 10,3%.

Cùng với đó, tổng nợ phải trả của 663 DN
trong năm 2013 đã lên đến 139.357 tỷ đồng, tăng 61% so với con số nợ của năm
2012.

Chính phủ cũng cho biết, mặc dù doanh
thu của 663 doanh nghiệp đạt 134.462 tỷ đồng trong năm 2013, tăng 5,5%; tổng số
thu nộp ngân sách: 22.965 tỷ đồng, tăng 12,3%.

Tuy nhiên lãi phát sinh trước thuế trong
năm 2013 chỉ đạt 9.860 tỷ đồng, giảm 4,6% so với thực hiện năm 2012. Tỷ suất
lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 9,6% (năm 2012 là 11,5%), tỷ suất lợi nhuận/tổng
tài sản là 4,3% (năm 2012 là 6%).

Cũng trong năm 2013, các doanh
nghiệp lỗ phát sinh thêm 455 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến hết 2013 là 2.143 tỷ
đồng.

Tài chính ngày càng “bết bát”

Chiếm phần lớn trong tổng nợ của các
doanh nghiệp một thành viên độc lập, theo tổng hợp từ các bộ, địa phương cho
thấy, chủ yếu là nợ của khối doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thương
mại. Riêng phần nợ phải trả của 354 doanh nghiệp thuộc khối này đã lên tới
112.792 tỷ đồng, tăng 90,5% so với năm 2012. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu
bình quân là 2,98 lần.

Trong khi đó thì tình hình tài chính lại
kém lạc quan hơn khi doanh thu đạt 95.952 tỷ đồng, tăng 4%, chủ yếu từ doanh
thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm 97% tống doanh thu.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh
nghiệp khối này đạt 7.756 tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm 2012. Tỷ suất lợi
nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 20,5%; tỷ suất lợi nhuận/tài sản bình quân
đạt 6%.

Khối các doanh nghiệp công ích khả quan
hơn khi nợ phải trả lại giảm 5% so với thực hiện năm 2012, với 26.565 tỷ đồng.
Trong đó, nợ ngắn hạn (22.476 tỷ đồng) chiếm 84,6% trong tổng số nợ phải trả.
Nợ dài hạn (4.089 tỷ đồng) chiếm 15,4% tổng số nợ phải trả.

Trong tổng số nợ phải trả, nợ vay từ các
ngân hàng và tổ chức tín dụng (8.191 tỷ đồng), chiếm 31% tổng nợ phải trả (8%
tổng tài sản). Nợ vay nước ngoài (946 tỷ đồng) chiếm 4% tổng nợ phải trả (1%
tổng tài sản). Vay lại vốn ODA của Chính phủ là 543 tỷ đồng, chiếm 2% tổng số
nợ phải trả.

Tuy nhiên, tình hình tài chính cũng
không khá hơn bao nhiêu với tổng doanh thu là 38.510 tỷ đồng, tăng 8,3% so với
năm 2012. Tỷ lệ doanh thu/tổng tài sản của các doanh nghiệp công ích là 38,4%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 2.104 tỷ đồng, giảm 5,3%.

Cũng trong năm 2013, khối các doanh
nghiệp công ích cũng phát lỗ thêm 69 tỷ đồng, chủ yếu tại các doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Điểm sáng được Chính phủ ghi nhận từ
khối các doanh nghiệp công ích là đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thông qua
chính sách an sinh – xã hội với việc sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ theo yêu
cầu của địa phương, bộ.

Đặc biệt, do được chủ động hơn trong
việc thực hiện nhiệm vụ được giao, chuyển từ cơ chế giao kế hoạch sang đặt
hàng, đấu thầu nên chất lượng phục vụ nhân dân của khối này được nâng cao hơn
trước.

Hiện các doanh nghiệp công ích trên toàn
quốc đang tạo việc làm cho khoảng 196.000 người lao động với mức thu nhập bình
quân của người lao động là 7 triệu đồng/người/tháng (tăng 3,1% so với mức lương
bình quân năm 2012).

Trong
đó, mức thu nhập bình quân của khối doanh nghiệp công ích thuộc bộ quản lý
ngành cao hơn so với mức thu nhập bình quân của người lao động thuộc khối doanh
nghiệp công ích thuộc địa phương (9,7 triệu đồng/người so với 5,3 triệu đồng/người).

                              ( Theo ThoibaoTaichinhVietNam)

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *