Tin trong nước

Vì sao Bộ Tài Chính lại phải đề nghị vay NHNN 30.000 tỷ đồng?

Tiêu đề Vì sao Bộ Tài Chính lại phải đề nghị vay NHNN 30.000 tỷ đồng? Ngày đăng 2015-07-30
Tác giả Admin Lượt xem 464

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho năm 2015 và triển khai nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã giao một số nhiệm vụ cho các vụ ngành liên quan.

Trong đó, đáng chú ý là đề nghị Ngân hàng nhà nước tạm ứng hoặc cho ngân sách Nhà nước vay khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trình cấp có thẩm quyền cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm cho đầu tư phát triển và đảo nợ…

Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, Ngân sách nhà nước năm 2015 được dự toán với mức thu là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi mức chi là 1147,1 nghìn tỷ đồng. Mức chênh lệch thu – chi được bù đắp thông qua vay nợ, trong đó có kênh phát hành trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian qua việc phát hành trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trong bối cảnh lạm phát thấp, chỉ dưới 1%, Bộ Tài chính đã nâng lãi suất huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm lên mức 6,4%, nhưng vẫn khó huy động vốn.

Điều này dẫn đến thanh khoản của Kho bạc Nhà nước rơi vào tình trạng căng thẳng, khi các khoản chi vẫn được thực hiện theo dự toán. Ngoài ra, tình trạng lạm phát thấp, giá dầu giảm mạnh so với kế hoạch cũng đe dọa khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2015.

Nếu không thu đủ, vay cũng không được, các khoản chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, sẽ bị cắt giảm (do chi thường xuyên và chi trả nợ được ưu tiên) và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng thấp, lạm phát và thu ngân sách cũng thấp, từ đó có thể tạo nên một vòng luẩn quẩn: “Tăng trưởng thấp – thu/chi ngân sách thấp – tăng trưởng thấp…”

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính buộc phải đưa ra đề xuất tạm ứng hoặc vay 30 nghìn tỷ đồng từ NHNN.
Nếu đề nghị trên của Bộ Tài chính được các cơ quan liên quan chấp thuận thông qua thì liệu áp lực thu ngân sách năm nay có được giải quyết không, thưa ông?

Có 2 vấn đề cần phải nói đến ở đây, đó là:

Thứ nhất là thu đủ theo dự toán. Đây là nhiệm vụ chính trị của Bộ Tài chính. Nếu nhìn vào con số tăng trưởng thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2015 ở mức 15,4% so với cùng kỳ, gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát cộng lại, có thể thấy đó là một nỗ lực rất lớn của ngành tài chính. Các biện pháp tăng thu, chống thất thu bằng mọi giá cũng đã và đang được triển khai.

Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục giảm, áp lực thu ngân sách sẽ rất lớn trong những tháng còn lại của năm 2015, bởi thu nội địa khó có thể tăng cao trong giai đoạn dài.
Tất nhiên, ngân sách còn một số nguồn huy động khác như từ cổ tức hay từ nguồn thu cổ phần hóa các DNNN để giải quyết vấn đề. Đây cũng là các giải pháp đang được cân nhắc.

Thứ hai là vay nợ. Bộ Tài chính đã phát hành tín phiếu, dự định vay từ Bảo hiểm xã hội, đề xuất phương án xin cấp có thẩm quyền cho phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm. Mặc dù vậy, để thu hút các nhà đầu tư trái phiếu, kỳ hạn ngắn có thể chưa đủ.

Còn có những vấn đề khác mà các nhà đầu tư quan tâm như: Xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ ra sao? giới hạn nắm giữ trái phiếu tối đa đối với các NHTM do Thông tư 36 quy định có được điều chỉnh không?… Đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của NHNN.
Theo ông thì liệu những hệ quả hay nói một cách khác là mặt trái của việc NHNN cho ngân sách vay 30 nghìn tỷ đồng sẽ là gì?

Khi NHNN cho ngân sách vay 30 nghìn tỷ đồng mà không có các biện pháp trung hòa đi kèm, cung tiền sẽ tăng. Nếu NHNN vẫn còn lo ngại việc tăng cung tiền này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá, cũng như mục tiêu lạm phát đã đặt ra, đề nghị này sẽ khó có thể được thực hiện.
Hơn nữa, nếu NHNN quyết định cho ngân sách vay và tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế, giao dịch này hoàn toàn có thể được thực hiện thông qua nghiệp vụ thị trường mở, theo đó các tổ chức tín dụng mua trái phiếu chính phủ rồi sau đó bán lại cho NHNN.

Vấn đề ở chỗ NHNN có muốn nới lỏng tiền tệ hay không mà thôi.
Ông có nghĩ rằng để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách hầu hết các giải pháp được Bộ Tài chính đưa gần đây ra đều mang tính khá tình thế không?

Khi giá dầu và lạm phát thấp hơn nhiều so với kế hoạch, công tác thu ngân sách sẽ rơi vào tình trạng bị động. Vì vậy, rất khó tránh khỏi việc áp dụng các giải pháp mang tính tình thế.
Nếu trong thời gian tới, dự toán ngân sách được xây dựng trên cơ sở lạm phát và giá dầu ở mức hợp lý hơn, khả năng rơi vào trạng thái bị động sẽ được hạn chế.
Xin cảm ơn ông

(Theo: Trí thức trẻ)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *