Tin trong nước

Ông Nguyễn Đức Kiên:‘Đánh thuế tài sản cũng bình thường thôi’

Tiêu đề Ông Nguyễn Đức Kiên:‘Đánh thuế tài sản cũng bình thường thôi’ Ngày đăng 2018-04-19
Tác giả Admin Lượt xem 587

“Vấn đề đánh thuế hay không đánh thuế nhà cũng… bình thường thôi. Nó không khác gì việc đi đường cao tốc thì nộp phí hay không nộp phí” – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.


                           Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế

Sau khi Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà có trị trên 700 triệu đồng, ô tô từ 1,5 tỉ đồng… đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Liên quan đến vấn đề trên, Pháp Luật TPHCM đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên . Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài phỏng vấn này.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Một trong những mục tiêu mà đề xuất thuế tài sản đưa ra là để điều chỉnh hành vi của người dân đối với đất ở, nhà ở. Chuyện đó cũng bình thường thôi”.

“Tại sao cứ phải sở hữu nhà”

.Phóng viên: Thực tế thì đang có nhiều loại thuế, thuế nhà, đất cũng đã có. Thời điểm này đưa ra đề xuất đánh thuế nhà giá trị trên 700 triệu đồng có phù hợp không? Có nên đánh đổi một đề xuất để lấy sự bức xúc của dư luận không?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Bức xúc hay không là do cách đưa thông tin chứ! Bản thân nội hàm của sự việc ấy là không phải thế. Bản thân cơ quan trình là “trình nửa mùa”.

Sao không dùng khái niệm thay thuế này bằng thuế kia mà chỉ nói dùng thuế này để thu thuế nhà? Sao không nhấn mạnh là nếu thuế này có hiệu lực thì bỏ hai loại thuế kia? Vấn đề cách tuyên tuyền, tiếp cận thông tin thôi.

Trong chiến lược phát triển VN sau khi trở thành nước CNH, HĐH thì chiến lược thuế thế nào để làm sao thống nhất, đồng bộ, quản lý được các nguồn thu. Nhưng quan trọng hơn là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn lực cho các thành phần kinh tế phát triển… Cái đó lẽ ra phải nói trước sau đó mới nói lộ tình thực hiện.

Bộ Tài chính hôm 13-4 thừa nhận: Việt Nam ai cũng phải có nhà và ngưỡng thu thuế nhà 700 triệu thì tác động đến hầu hết người dân. Dư luận thì cho rằng mức này đánh vào người nghèo. Ông nhận định thế nào?

+ Riêng quan điểm mỗi người dân có một nhà để ở là không đúng rồi. Đó là tư duy của sản xuất nông nghiệp nhỏ, lúa nước, nên mới yêu cầu mỗi người sở hữu một căn nhà. Chứ Hiến pháp quy định mỗi người có một chỗ ở, tức là mỗi người đi thuê, có thể mua nhà chứ không bắt buộc ai cũng phải có nhà.

Các nước phát triển tỉ lệ sở hữu nhà của cư dân có nhiều không? Không nhiều bằng VN. Tại sao Việt Nam “tính các kiểu” mới ra thu nhập 2.200 USD/người? Tại sao sở hữu nhà ở ta lại cao hơn những nước thu nhập 30.000 USD/người.

Nếu chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường, sức mua của người dân thị trường thấp thế, thu nhập thấp thế tại sao giá nhà lại cao thế?

Vấn đề là nhà phải phù hợp với sức mua. Bởi vậy vấn đề đặt ra là phải cải cách tiền lương, chính sách đất ở nhà ở để làm sao một người công nhân đủ tiền nuôi hai con và thuê chỗ ở ổn định đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Tại sao phải nhất nhất ai cũng sở hữu một cái nhà? Nếu vậy thế giới và đất nước này có đủ quỹ đất để phát triển nhà như thế không?

“Đi đường cao tốc thì nộp phí”

Vậy vấn đề nằm ở đâu trong đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố, thưa ông?

+ Tư duy nền sản xuất nông nghiệp nhỏ đã tác động tới lại cách hành xử của chúng ta khi đề xuất, ban hành luật. Chúng ta xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức.

Chúng ta vẫn có chủ nghĩa lý lịch, khi khai lý lịch ta vẫn thấy quê hương… Nếu chúng ta sang các nước, họ có khái niệm quê không? Hay họ khai nơi sinh và chỗ ở… Khi có nền kinh tế toàn cầu là người ta di chuyển theo công ăn việc làm. Vậy việc sở hữu một cái nhà là phức tạp hơn thuê một cái nhà.

Nếu phải nhìn ở tương lai phát triển như thế thì vấn đề đánh thuế hay không đánh thuế nhà cũng… bình thường thôi. Nó không khác gì việc đi đường cao tốc thì nộp phí hay không nộp phí.

Nhưng cho dù là đến 2021 chẳng hạn, tôi nghĩ người dân vẫn chưa thể bỏ được sở hữu nhà.

+ Chính vì thế, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… cao hơn là Chính phủ, rồi các phương tiện thông tin đại chúng phải góp phần vào thay đổi suy nghĩ của người dân, hướng đến nếp sinh hoạt công nghiệp.

Phương Tây có 300 năm để hình thành nhận thức về nếp sống công nghiệp. Ta mới được 30 năm đổi mới, thì việc người dân bức xúc như với đề xuất thuế tài sản, nhà nước phải nhìn nhận đó là rất bình thường và phải nói rõ cho dân hiểu
Ông Nguyễn Đức Kiên:‘Đánh thuế tài sản cũng bình thường thôi’ – Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Vấn đề lớn hơn là người dân cần có đủ tiền thuê một căn hộ đến cuối đời, hơn là mua 28m2 đất rồi xây nhà 5 tầng, mỗi tầng chỉ 1 buồng và toilet trong gầm cầu thang.

“Chuyện rất bình thường thôi”

Có ý kiến cho rằng: Sở dĩ phải có đề xuất này là để bù hụt thu cho ngân sách nhà nước.

+ Để bù nguồn thu thì nói thẳng thuế này là một nguồn nhỏ. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất vẫn là điều chỉnh nhận thức về nhà ở, đất ở, để tiết kiệm nguồn lực của đất nước và xã hội. Vấn đề phải nói với nhau là thay đổi nhận thức.

Thực ra mà nói, bù đắp nguồn thu ngân sách không phải là mục tiêu của đề xuất luật thuế tài sản. Nó chỉ thay sắc thuế này bằng sắc thuế khác cho minh bạch hơn, góp phần định hướng người dân không nhất thiết sở hữu một căn hộ.

Vấn đề lớn hơn là người dân cần có đủ tiền thuê một căn hộ đến cuối đời, hơn là mua 28m2 đất rồi xây nhà 5 tầng, mỗi tầng chỉ 1 buồng và toilet trong gầm cầu thang. Vấn đề là ở chỗ đó.

Còn tất nhiên chúng ta sẽ có góp ý cho các cơ quan quản lý nhà nước rút kinh nghiệm trong cách tiếp cận xã hội. Bây giờ không giống thời bao cấp khi Chính phủ, các bộ quyết là người dân phải chịu. Một xã hội dân chủ, dựa trên nền công nghệ thì hành xử của nhà nước phải thay đổi căn bản.

.Tôi vẫn muốn hỏi là chúng ta có nên đưa ra đề xuất thuế này không, trong thời điểm này?

+ Năm 2002, 2003 khi chủ trương đội mũ bảo hiểm được đề xuất, nhiều tờ báo đã châm biếm chua cay. Ai cũng gọi là nồi cơm điện, vẽ hình châm biếm… Nhưng sau đó khi vận động, thuyết phục xong thì ai cũng đội vì thay đổi nhận thức là bảo đảm an toàn cho chính mình, sau đó mới là góp phần giảm chi phí xã hội. Giờ ai ra đường không đội mũ bảo hiểm là bị phạt, lên án. Nhận thức là một quá trình…Chuyện rất bình thường thôi.

Ông cũng biết, dư luận bức xúc với ngưỡng nhà 700 triệu phải nộp thuế tài sản?

+ Bộ Tài chính có lý của họ khi dựa vào suất đầu tư, xây dựng mà Bộ Xây dựng ban hành. Dư luận cũng có lý khi suất tài chính mà ngân hàng chính sách xã hội cho vay mua nhà hơn 1 tỷ. Nhưng ngưỡng 700 triệu hay 1 tỷ đã quyết đâu.

Chính phủ chưa bàn, chưa thành dự luật, chưa được đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, Quốc hội chưa thông qua mà… Dĩ nhiên, khi cơ quan quản lý đưa ra đề xuất, thì như tôi nói, chúng ta cứ phải góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng.

.Cứ cho là như thế. Nhưng tôi đồ rằng khi có thuế tài sản, mà chủ yếu là nhắm vào nhà, đất thì xu hướng sở hữu nhà giảm xuống, nhưng giá thuê nhà sẽ cao lên… Rốt cuộc là người dân vẫn khó khăn.

+ Thế chúng ta phải đặt vấn đề rằng: Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải có biện pháp tạo tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước để thì người lao động có thể đi thuê được căn hộ 70m và khi về hưu, lương hưu của họ vẫn đủ để trả tiền thuê nhà, sinh sống, chữa bệnh… Đấy mới là chuyện quan trọng nhất. Phải nghĩ xa hơn một tí.

Rồi phải bàn chuyện làm sao đến thời điểm đó thu nhập của người dân ít nhất phải đạt được bình quân 10.000 USD. Bởi nguyên lý đơn giản là, nếu bình quân thu nhập là 10.000 USD, thì thực tế người lao động chỉ thu nhập thực tế khoảng 5.000 USD thôi. Việt Nam còn tới hơn 60 triệu nông dân cơ mà.

Vậy tức là mỗi người lao động cùng lắm là thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng thu nhập 20 triệu, khi hết tuổi lao động, theo luật bảo hiểm hiện hành, họ chỉ còn 65% thu nhập, tức khoảng 13 triệu. Vậy phải làm sao họ đủ tiền sống, thuê nhà, phòng khi ốm đau.

Đấy mới là đáng lo và đó mới là điều cần… cãi nhau!

Phóng viên: Thưa ông, nhưng tôi vẫn muốn hỏi rằng đánh thuế tài sản thì có cần thiết trong bối cảnh hiện nay không?

+ Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Nước nào cũng đánh thuế tài sản và gọi tên khác nhau. Nhưng đánh thuế quá trình sử dụng tài sản hay hoạt động mua bán, trao đổi tài sản lại tùy quan điểm, chiến lược của mỗi nước. Nếu so sánh thì cũng có phần khập khiễng.

Chẳng hạn có ý kiến so sánh đề xuất này với Úc, New Zealand. Hai nước này đất rộng, người thưa, dân ở nhà mấy trăm m2 trở lên cả, thu nhập bình quân mấy chục nghìn USD/năm.

Bởi vậy, theo tôi, chúng ta nên thống nhất nguyên tắc là thuế tài sản là cần thiết nhưng quan trọng là đánh thuế ở khâu nào trong chuỗi sử dụng tài sản. Cho nên đây là lúc chúng ta ngồi lắng nghe nhau.

Dư luận phản ứng với đề xuất này chắc cũng phải có lý chứ?

+ Trong lúc soạn thảo và công bố đề xuất, có thể một cơ quan đứng từ góc nhìn của họ. Vậy nên mới có quy trình lấy ý kiến của nhân dân, của các bộ… Ai có ý kiến gì thì trao đổi đi nhưng tuyệt đối tránh mạt sát , chụp mũ …

.Thực ra tôi đọc đề xuất và thấy Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Bộ này cũng nói nếu được thông qua thì năm 2020 Luật này mới có hiệu lực và hai luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, luật thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng hết hiệu lực…

+ Thì căn bản là mọi người không được đọc toàn bộ đề xuất, nên mọi người chỉ hiểu là thuế này đánh vào nhà và ai cũng bức xúc. Lẽ ra khi công bố đề xuất, thì Bộ Tài chính phải nói dự kiến tên thuế là thuế tài sản, làm rõ về phần động sản, qua số liệu quản lý của Bộ Tài chính là không có người Việt Nam nào có du thuyền, máy bay hoặc rất ít.

Vậy có cần gọi tên nó là thuế tài sản không hay là gọi tên nó là thuế khác cho đúng bản chất? Đây là lúc chúng ta cần trao đổi cho nó rõ.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *