Tin trong nước

“Các cấp, các ngành cùng chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững”

Tiêu đề “Các cấp, các ngành cùng chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững” Ngày đăng 2018-07-25
Tác giả Admin Lượt xem 519

Là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” do Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 24/7 tại Hà Nội.


                Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899) về kết quả triển khai và giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 1899 trình bày cho thấy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện quyết tâm của Chính phủ về cải cách cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển và đặc biệt là thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam đã hoàn thiện một bước về thể chế thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, nhưng so với yêu cầu cần thực hiện còn nhiều nội dung cần hoàn thiện.

11 Bộ, ngành kết nối 53 TTHC; chính thức trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước ASEAN

Trong những năm qua, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác quản lý chuyên ngành và TTHC trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh những thành tựu đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ghi nhận, quá trình triển khai cũng đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại và những nội dung không còn phù hợp.

Từ cuối năm 2014, khi bắt đầu kết nối 05 thủ tục hành chính của 05 Bộ, ngành qua Cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đã có 11 Bộ, ngành kết nối 53 thủ tục hành chính. Đến ngày 15/7/2018, hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình, thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 15 tháng 07 năm 2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 32.949 C/O. Tổng số C/O Việt Nam gửi tới 04 nước là 16.214 C/O. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines để thiết lập, kết nối hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời đang phối hợp với các nước: Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị

Với vai trò là đơn vị đầu mối, phối hợp với các Bộ liên quan triển khai thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong các năm từ 2015 đến 2017, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, từ trên 82 nghìn mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan tại cửa khẩu năm 2015, đã cắt giảm xuống còn khoảng 78 nghìn mặt hàng đến hết quý I năm 2018. Một số Bộ, cơ quan đã bắt đầu đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tỷ lệ tờ khai hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30% năm 2015 đã giảm xuống còn 19% vào cuối năm 2017.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Nhìn chung tiến độ thực hiện còn chậm; kết quả còn rất khiêm tốn so với mục tiêu, kế hoạch đã đề ra (đến nay số thủ tục triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt 53/284 thủ tục phải triển khai, gần 19%); số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiểm tỷ trọng lớn; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn đọng nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chưa được khắc phục; phí kiểm tra chuyên ngành một mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao…

Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến kết quả triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN chưa đạt như mong muốn. Đồng thời đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.

Việt Nam cần ưu tiên cải cách về chi phí thương mại và năng lực cạnh tranh

Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao các kết quả mà Uỷ ban Chỉ đạo 1899 mà trực tiếp là Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan là Cơ quan Thường trực đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: tại Việt Nam, chi phí thương mại khá lớn. Xét cụ thể, trong thời gian nhập khẩu, việc tuân thủ kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 76 giờ trong khi việc tuân thủ tại cửa khẩu là 56 giờ. Trong thời gian xuất khẩu, việc tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là 50 giờ trong khi việc tuân thủ tại cửa khẩu là 55 giờ. Tất cả các chỉ số đều cơ bản thấp hơn trung bình của ASEAN 4. Đối với nhập khẩu, thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là lớn nhất, tới 55%. Còn đối với xuất khẩu thời gian xếp dỡ và lưu kho tại cảng là lớn nhất (44%). Những vấn đề này ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu vì lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, do vậy cần ưu tiên cắt giảm thời gian và chi phí nhập khẩu.

Đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên cải cách về chi phí thương mại và năng lực cạnh tranh. Theo đó, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện 4 trụ cột chính gồm: Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại; Cải thiện hạ tầng cơ sở cho thương mại và kết nối hiệu quả; Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; Củng cố phối hợp liên ngành và cơ chế tổ chức thực hiện mà ở đây Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899 đóng vai trò khá quan trọng. Đại diện Ngân hàng thế giới cho biết, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thực hiện chương trình 4 trụ cột chính này.


Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị một số giải pháp cải cách tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, Uỷ ban chỉ đạo 1899 cần mở rộng chức năng để bao trùm cả lĩnh vực phát triển logistics; thành lập bộ máy giúp việc thường trực có năng lực điều phối các hoạt động của Uỷ ban; thiết lập cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan về thực hiện kế hoạch giảm chi phí thương mại đã định; cho phép đại diện của khu vực tư nhân tham gia trong vai trò thành viên để phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế (hiện 98% các Uỷ ban tạo thuận lợi thương mại theo WTO có sự tham gia của khu vực tư nhân).

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong quá trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, việc lựa chọn cơ quan cung cấp hạ tầng dịch vụ công nghệ thông tin là hết sức quan trọng. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì về vấn đề này để làm sao kết nối được tất cả các Bộ, ngành.


                        Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị

Trong khi đó, đại diện cho hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Ông Nam cho rằng, thời gian qua, nhiều Bộ, ngành đã tích cực, chủ động trong công tác rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy nhiên, vấn đề kiểm tra chuyên ngành là vấn đề lớn, chưa được làm rõ về khái niệm, nội hàm, quy chuẩn,… để thực hiện đúng mức, tạo thuận lợi thương mại nên kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Ông Nguyễn Hoài Nam cũng bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành khi soạn thảo, ban hành văn bản, lấy ý kiến doanh nghiệp cần coi doanh nghiệp “là đối tác hơn là đối tượng”.

Không dựa vào kiểm tra chuyên ngành gây chậm trễ trong lưu thông hàng hoá

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899 trực tiếp là Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là cơ quan Thường trực; các cấp, các ngành (đặc biệt là Bộ Y tế, Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải); cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề quan trọng để triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Để cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trụ cột trong cải cách trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hạn chế mà Hội nghị đã nêu ra. Các cấp, các ngành cần chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, hỗ trợ tăng trưởng bền vững, thực hiện tốt các nhóm giải pháp đã được nêu ra tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899 tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại Hội nghị này, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại hơn nữa. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia 1899 về tình hình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Đối với kiểm tra chuyên ngành, Thủ tướng chỉ đạo: Không dựa vào kiểm tra chuyên ngành gây chậm trễ trong lưu thông hàng hoá. Phải làm rõ vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn của kiểm tra chuyên ngành một cách rõ ràng. Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước về vấn đề chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khoẻ người dân. Bên cạnh đó, rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá 50% danh mục hàng hoá, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hoá đặc thù).

Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và các Kế hoạch hành động để sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; đảm bảo minh bạch, công khai; không ôm giữ ở Bộ, ngành mình các điều kiện không cần thiết.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo, giám sát thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn địa phương mình.

Thủ tướng tin tưởng, Ban Chỉ đạo quốc gia 1899 mà trực tiếp là Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là cơ quan Thường trực; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy các kết quả bước đầu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua để thực hiện thành công hơn nữa Cơ chế này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế, khẳng định vị thế của Việt Nam không chỉ khu vực ASEAN mà còn ở khu vực Châu Á và thế giới.


                                                     Toàn cảnh Hội nghị

Thay mặt Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị. Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899 sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Cơ chế một cửa quốc gia là công cụ hữu hiệu để kết nối giữa các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại quốc tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính tiến hành các giao dịch thương mại thông qua phương thức điện tử. Đây cũng được coi là một cơ chế quan trọng trong thuận lợi hóa thương mại, đảm bảo khả năng hội nhập của doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN nhằm thực hiện kết nối các quốc gia thành viên, đảm bảo giao lưu hàng hóa trong khu vực theo đúng tinh thần chung của cộng đồng kinh tế ASEAN. Nếu coi Cơ chế một cửa quốc gia là công cụ thực thi thì việc cải cách thể chế chính sách liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành trong hàng hóa xuất nhập khẩu lại là nút thắt trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành. Chỉ khi các bộ quản lý chuyên ngành cải cách một cách thiết thực, thực chất nhất công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành thì công tác quản lý một cửa quốc gia mới có thể phát huy tối đa hiệu quả quản lý.

Để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, cần có sự chung tay của tất cả các bộ, ban, ngành, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các bên chịu tác động cũng như được hưởng lợi ích do cải cách mang lại.

Về phía các bộ, ngành, Bộ trưởng mong muốn có sự ủng hộ, vào cuộc tích cực hơn nữa, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp từ phía các bộ trưởng, trưởng ngành.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp tích cực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đóng góp và phản biện mang tính xây dựng khi được các cơ quan nhà nước tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp phải luôn đồng hành với cơ quan quản lý Nhà nước trong chuẩn bị về nguồn lực bao gồm cả đầu tư nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn nữa vào công tác giám sát, đánh giá độc lập một cách thực chất trong thực thi các cải cách tạo thuận lợi thương mại và các dịch vụ công của các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó, tạo áp lực và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tìm ra những điểm nghẽn, nút thắt để cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ công nói riêng và thủ tục hành chính nói chung nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *