Câu Lạc Bộ Kế Toán Trưởng Toàn Quốc (VCCA)

Minh bạch thông tin chi tiêu của Nhà nước

Tiêu đề Minh bạch thông tin chi tiêu của Nhà nước Ngày đăng 2014-12-02
Tác giả Admin Lượt xem 842

Cho đến nay chưa có quy định cơ quan, đơn vị nào có trách
nhiệm lập báo cáo tài chính Nhà nước. Mặc dù, các báo cáo này rất quan trọng
trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản và nguồn lực của Nhà nước, nhằm
nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành NSNN, đánh giá hiệu quả chi tiêu công…

 

Trong dự thảo Luật Kế toán sửa đổi,
bổ sung, Bộ Tài chính đã đưa nội dung về lập báo cáo tài chính Nhà nước bao
gồm: Khái niệm báo cáo tài chính Nhà nước, trách nhiệm lập báo cáo Nhà nước,
trách nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính Nhà nước, báo cáo tài
chính địa phương… Đây sẽ là cơ sở để có hệ thống thông tin tài chính Nhà nước
một cách toàn diện.

 

Hạn chế thông tin về tài chính Nhà nước

Theo Vụ trưởng Vụ Kế toán Nhà nước – KBNN Vũ Đức
Chính, xét về góc độ thông tin tài chính Nhà nước, công tác kế toán tại KBNN và
các đơn vị chi tiêu NSNN, các quỹ tài chính, các DN có vốn Nhà nước… hiện nay
còn có tồn tại như: Các thông tin về kế toán NSNN, nợ của Nhà nước, thuế XNK,
thuế nội địa, tình hình quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, tình hình tiếp cận
và sử dụng kinh phí NSNN của các đơn vị, hình thành và sử dụng các quỹ tài
chính… đã được phản ánh tại các đơn vị.

Tuy nhiên các thông tin này chưa được tổng hợp
chung thành báo cáo tài chính Nhà nước của Chính phủ hoặc của chính quyền địa
phương; chưa tổ chức một bộ máy kế toán Nhà nước chuyên trách ở cấp Chính phủ,
từng cấp chính quyền địa phương để tiếp nhận, phân loại và tổng hợp các thông
tin tài chính nhà nước để cung cấp cho cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng
điều hành hoạt động kinh tế…

“Nguyên nhân của tồn tại này là do hiện nay chưa
có quy định về lập báo cáo tài chính Nhà nước trong Luật Kế toán và các văn bản
hướng dẫn. Vì vậy, chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện lập và
trình bày báo cáo tài chính Nhà nước của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, của
chính quyền địa phương trên từng địa bàn” – ông Vũ Đức Chính nói.

Còn dưới góc độ của cơ quan giám sát NSNN, ông Nguyễn
Minh Tâm – Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, thời gian qua các
thông tin giám sát NSNN được cung cấp như: Giám sát việc phân bổ số tăng thu
ngân sách Trung ương, việc sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương, giám sát các
tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu ngân sách, giám sát việc ban hành các
định mức phân bổ ngân sách trong mỗi thời kỳ… đã giúp cho Ủy ban trình Quốc hội
xem xét và điều chỉnh dự toán NSNN hàng năm nhằm phân bổ ngân sách ưu tiên cho
một số lĩnh vực trọng yếu và địa bàn có nhiều khó khăn; chấn chỉnh kỷ cương –
kỷ luật tài chính…

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều hạn chế của thông
tin đang được cung cấp phục vụ giám sát của Quốc hội như: Nội dung báo cáo hiện
nay chưa phản ánh đầy đủ và có tính hệ thống về tình hình tài sản Nhà nước,
nguồn lực tiềm năng của Nhà nước. Chưa có đủ thông tin nhiều năm để đánh giá sự
phân phối và phân phối lại cũng như hiệu quả chi tiêu công. Đặc biệt là các
công trình xây dựng cơ bản cần có báo cáo cụ thể về thời gian khởi công, hoàn
thành, tổng mức đầu tư, tiến độ bố trí vốn đầu tư trong những năm tới…

Ngoài ra, dự toán thu – chi NSNN được trình Quốc
hội chưa có đủ thông tin tổng hợp cần thiết trong ngắn hạn và thông tin về kế
hoạch tài chính trung và dài hạn; các khoản vay và trả nợ cùng với chiến lược
vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ…

Tạo cơ chế giám sát

Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán – Bộ
Tài chính Đặng Thái Hùng cho hay, cùng với mục tiêu cải cách nền kinh tế nói
chung, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là xây dựng Hệ thống kế toán Nhà
nước thống nhất, hiện đại hướng đến nguyên tắc dồn tích, phục vụ yêu cầu quản
lý ngân sách và tài chính.

Để làm được điều đó, chúng ta cần có các báo cáo
tổng hợp và trình bày thông tin báo cáo tài chính Nhà nước của Chính phủ trên
phạm vi toàn quốc và của chính quyền địa phương trên từng địa bàn; trong đó
phản ánh được toàn bộ tài sản Nhà nước, các nguồn lực thuộc sở hữu Nhà nước,
nghĩa vụ của Nhà nước; các thông tin về NSNN về kết quả hoạt động điều hành tài
chính – NSNN, vốn Nhà nước tại các DN, tài sản khác được xác lập sở hữu Nhà
nước.

Do vậy, trong dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ
sung, Bộ Tài chính đã đưa nội dung về lập báo cáo tài chính Nhà nước bao gồm:
Khái niệm báo cáo tài chính Nhà nước, trách nhiệm lập báo cáo Nhà nước, trách
nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính Nhà nước, báo cáo tài chính
địa phương…

Đây sẽ là cơ sở để có hệ thống thông tin tài
chính Nhà nước một cách toàn diện. Hơn thế nữa, báo cáo tài chính Nhà nước còn
góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch của các
cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước.

Ông Nguyễn Minh Tâm kỳ vọng nếu thực hiện quy
định này, chúng ta sẽ hình thành hệ thống thông tin báo cáo tài chính Nhà nước
của các đơn vị từ cơ quan thực hiện thu, chi NSNN như KBNN, Tổng cục Thuế, Hải
quan… Các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí
NSNN; Đơn vị quản lý quỹ dự trữ của Nhà nước, quỹ dự trữ của các ngành, các
cấp, quỹ tài chính khác của Nhà nước; các tổ chức quản lý tài sản quốc gia…

Ngoài ra báo cáo tài chính Nhà nước còn bao gồm
thông tin từ các DN có vốn Nhà nước, sử dụng và kinh doanh vốn Nhà nước. Điều
này sẽ góp phần cung cấp đầy đủ hơn lượng thông tin về tài chính và NSNN cho cơ
quan, tổ chức liên quan. Đây sẽ là căn cứ đánh giá kết quả hoạt động, điều hành
của Chính phủ, UBND các cấp; căn cứ để cung cấp thông tin phân tích dự báo kinh
tế; công khai ra công chúng theo quy định của pháp luật.

Còn theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Hanh –
Kiểm toán Nhà nước, việc đổi mới và hoàn thiện thông tin tài chính và tài sản
Nhà nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán bởi đây sẽ là nguồn
cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao; phát huy vai trò của kiểm toán đối với quản lý
tài chính và tài sản Nhà nước.

Đồng thời, mở rộng phạm vi kiểm toán và tiến tới kiểm toán
tài chính thường niên đối với các đầu mối kiểm toán bộ, ngành Trung ương, địa
phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước…

(Theo baohaiquan)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *