Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Tìm hiểu về công nghệ blockchain và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực kế toán – tài chính – ngân hàng

Tiêu đề Tìm hiểu về công nghệ blockchain và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực kế toán – tài chính – ngân hàng Ngày đăng 2018-11-23
Tác giả Admin Lượt xem 9121

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T8/2018),…

Nhận: 11/7/2018
Biên tập: 01/8/2018
Duyệt đăng: 10/8/2018

Công nghệ ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ kéo theo đó là những mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống con người nói chung và các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nói riêng. Trong đó, nghề nghiệp Kế toán Kiểm toán và Tài chính Ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng. Kể từ khi những nhân viên kế toán ghi sổ bằng tay theo phương pháp thủ công đến sự trợ giúp của những phần mềm kế toán đã là một bước phát triển vượt bậc. Ngày nay, công nghệ Blockchain xuất hiện và một lần nữa ngành Kế toán, Kiểm toán và Tài chính Ngân hàng lại đứng trước sự thay đổi. Bài viết này nhằm liệt kêý kiến của các chuyên gia đánh giá những tác động của công nghệ Blockchain đến tương lai nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán và tài chính Ngân hàng.
Từ khóa: Blockchain; Kế toán; Kiểm toán; Tài chính; Ngân hàng.
Abstract
The technology has grown steadily, and the level of influence has grown increasingly in people’s lives in general and in the fields of occupational activity in particular. In that profession Accounting Auditing and Finance Banking is not out of the trend. Since manual accounting by manual methods to the aid of accounting software has been a boom. Today, Blockchain technology emerges and again the Accounting, Auditing and Finance industries are facing change. This article aims to list the opinions of experts assessing the impact of Blockchain technology on the future of Accounting and Auditing.
Keywords:Blockchain; Accounting; Audit; Finance; Banking.

1. Đặt vấn đề
Ngày 07/07/2018 trang web vaa.net.vn của Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đăng bài: Blockchain hoạt động như thế nào? Có một số nội dung chủ yếu như sau:
“Blockchain được coi là một đột phá về công nghệ, được thiết lập để tạo ra những biến đổi trong công việc kế toán, kiểm toán và ngân hàng. Nhưng công nghệ này hoạt động như thế nào? Blockchain là một sổ cái duy nhất ghi lại các giao dịch giữa các tổ chức. Mọi người có quyền tham gia có thể cùng xem một thông tin trong thời gian thực.

“Người ta cho rằng Blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán. Các tổ chức như cơ quan nghiên cứu của Chính phủ úc, Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp úc (CSIRO) và Sở giao dịch chứng khoán úc (ASX) đang nghiên cứu ứng dụng của công nghệ này. Blockchain có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến quản lý chuỗi cung ứng và kế toán giao dịch; công nghệ này cũng có thể tạo ra các cơ hội cho kế toán viên có thể làm việc với khách hàng và đồng nghiệp nhằm gặt hái những lợi ích của công nghệ?”

“Một công ty có thể có một Blockchain với nhà cung cấp, với khách hàng, ngân hàng và với cơ quan thuế của họ. Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với các kế toán viên?”
“Bằng cách tạo ra một sổ cái duy nhất trên một mạng lưới máy tính; các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế của họ ghi chép và chia sẻ thông tin. Khi bất kỳ người nào trong số họ thêm thông tin, sổ cái sẽ tự động xác minh và điều chỉnh dữ liệu.”
“Mỗi bên có liên quan không cần duy trì sổ cái riêng của họ, nhờ đó các kế toán viên sẽ không phải thực hiện tất cả việc xử lý và điều chỉnh giao dịch.”

“Blockchain có thể làm giảm các sai sót và gian lận kế toán. Khi một khối dữ liệu được thêm vào chuỗi, phần còn lại của mạng lưới phải xác minh dữ liệu đó. Khi bạn thực hiện giao dịch trên chuỗi, tất cả các máy tính trong mạng lưới sẽ xác định bạn và kiểm tra xem bạn có quyền giao dịch hay không. Vì vậy, nếu bạn cần phải trả $120 mà bạn chỉ chuyển $100 do nhầm lẫn, các khối khác sẽ chỉ ra sai sót đó.”

“Blockchain có thể gây ảnh hưởng tới nghề kiểm toán Chuỗi khối tạo ra một hồ sơ truy nguyên theo thời gian thực, do vậy nếu công nghệ Blockchain được chấp nhận rộng rãi, vai trò của các kiểm toán viên trong việc xác minh các giao dịch được thực hiện trong Blockchain sẽ không còn cần thiết. Không chỉ nghề kế toán và kiểm toán phải đối mặt với sự ảnh hưởng này. Blockchain là một mạng lưới đồng đẳng cắt giảm các kênh trung gian như ngân hàng. Sàn giao dịch chứng khoán úc đang xem xét cách công nghệ Blockchain có thể thay thế hệ thống thanh toán bù trừ hiện có cho các giao dịch cổ phiếu.”

“Blockchain có thể thực hiện thanh toán quốc tế và chuyển tiền nhanh hơn, và giúp cho việc xác thực danh tính của một cá nhân hoặc danh tính của công ty được thực hiện một cách an toàn hơn. Đó là lý do tại sao tổ chức nghiên cứu và khoa học của Chính phủ úc, CSIRO, đang tìm tòi cách công nghệ Blockchain có thể hoạt động trong các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân. Blockchain mới ở những ngày đầu trên con đường phát triển, nhưng nếu Blockchain được phát triển như đúng kỳ vọng thì công nghệ này sẽ thay đổi đáng kể các chức năng kế toán và kiểm toán. Kế toán viên và kiểm toán viên sẽ cần cân nhắc lại cách thức làm việc và có thể cần cung cấp cho khách hàng những sản phẩm công việc có giá trị cao hơn liên quan đến hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ chiến lược. Blockchain có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội.”

Như vậy khi công nghệ Blockchain phát triển, một trong những lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng là lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính Ngân hàng. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu và đánh giá những tác động của công nghệ này.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1 Các khái niệm cơ bản
Theo định nghĩa từ trang wikipedia thì: Blockchain (chuỗi khối), tên ban đầu Block Chain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế sử dụng hệ thống tính toán phân cấp với khả năng chịu lỗi byzantine cao. Vì vậy sự đồng thuận phân cấp có thể đạt được nhờ Blockchain. Vì vậy, Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Blockchain đầu tiên được phát minh và thiết kế bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008 và được hiện thực hóa vào năm sau đó như là một phần cốt lõi của Bitcoin, khi công nghệ Blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Qua việc sử dụng mạng lưới ngang hàng và một hệ thống dữ liệu phân cấp, Bitcoin Blockchain được quản lý tự động. Việc phát minh ra Blockchain cho Bitcoin đã làm cho nó trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề Double Spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt các ứng dụng khác.
Cũng theo wikipedia thì: Công nghệ Blockchain tương đồng với cơ sở dữ liệu, chỉ khác ở việc tương tác với cơ sở dữ liệu. Để hiểu Blockchain, cần nắm được năm định nghĩa sau: chuỗi khối (Blockchain), cơ chế đồng thuận phân tán (Decentralized Consensus), tính toán tin cậy (Trusted Computing), hợp đồng thông minh (Smart Contracts) và bằng chứng công việc (Proof of Work). Mô hình tính toán này là nền tảng của việc tạo ra các ứng dụng phân tán.

Như vậy có thể hiểu, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối (Blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Đặc biệt Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống Blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”. Về cơ bản Blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị luật sư hay một ngân hàng nào đó.

2.2 Phương pháp nghiên cứu và thu thập thông tin
Bài viết sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả và phương pháp nghiên cứu nhân quả để phân tích nghiên cứu này, cụ thể như sau: Phương pháp nghiên cứu mô tả được tác giả sử dụng để mô tả lại thực trạng nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán và Tài chính, Ngân hàng hiện nay, còn phương pháp nghiên cứu nhân quả lại được sử dụng để chỉ ra mức độ ảnh hưởng của công nghệ Blockchain đến tương lai nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán và Tài chính, Ngân hàng. Từ đó, tác giả đánh giá những vấn đề còn tồn tại và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm mà công nghệ Blockchain mang lại.

Thông tin trong bài viết chủ yếu là thông tin thứ cấp được tác giả thu thập, chọn lọc, phân loại và sắp xếp từ các bài báo viết về chủ đề Blockchain đăng trên các trang web chuyên ngành Kinh tế, Tài chính, Kế toán và Kỷ yếu hội thảo khoa học.

3. Thống kê ý kiến chuyên gia về tác động của công nghệ Blockchain đến lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính, Ngân hàng
Bài báo “Bạn có biết bao nhiêu việc làm trong ngành kế toán, kiểm toán đã bị thay thế bởi Blockchain?” cho biết: Tại Hội thảo “Blockchain và thuế số hoá – Những tác động đến ngành kinh doanh” do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức vào sáng ngày 14/11, ông David Lyford -Smith – Đại diện ICAEW đã chỉ ra 3 đặc điểm của công nghệ Blockchain: Thứ nhất là tính phổ biến. Blockchain có thể cung cấp những bút toán giống hệt nhau cho mọi người. Không phân biệt tính chất thông tin hay đối tượng nhận thông tin là ai, Blockchain phổ biến tất cả thông tin được cập nhật cho tất cả những ai tham gia vào mạng lưới. Thứ hai là tính cố định. Nhờ cấu trúc chuỗi khối, Blockchain chống lại mọi sự thay đổi thông tin một khi đã được cập nhật vào hệ thống. Blockchain không ký bút toán cho một giao dịch độc lập mà giao dịch sau xác nhận cho giao dịch trước. Do đó, tính phân quyền của Blockchain là rất cao. Thứ ba là tính lập trình. Một số Blockchain tiêu biểu như Blockchain Ethereum có thể lập trình để trở thành hợp đồng thông minh cho các giao dịch cụ thể mà không cần có sự tham gia của con người.

Vậy Blockchain có ảnh hưởng gì đến ngành Kế toán, Kiểm toán?
Nếu như trong hoạt động kế toán thông thường, một nhân viên kế toán cần phải ghi bút toán kép thì Blockchain chỉ cần một bút toán có thể cung cấp thông tin cho tất cả các bên mà không lo về tính xác thực. Hồ sơ kế toán sẽ không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng Blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.

Chia sẻ về số lượng công việc trong ngành kế toán, kiểm toán đã bị thay thế bởi blockchain, ông David khẳng định con số này là bằng 0. “Blockchain có nhiều tiềm năng ảnh hưởng đến tương lai nhưng ở thời điểm hiện tại Blockchain vẫn chỉ dừng lại ở quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trong tương lai blockchain sẽ có những tác động”.

“Nếu tôi là một nhân viên kế toán tôi sẽ cảm thấy chắc chắn hơn với những số liệu mà tôi nhận được là chính xác. Blockchain có thể là một công nghệ bổ trợ nhưng không thể thay thế được nhiều công việc trong ngành kế toán, kiểm toán”, ông David nói thêm.

Đại diện ICAEW cũng đưa ra lời khuyên tới các bạn trẻ, sinh viên hiện đang nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán: “Các bạn sinh viên cần phải tìm hiểu và liên tục cập nhật các xu hướng mới của công nghệ để áp dụng vào công việc của mình. Bởi Blockchain thay đổi trực tiếp đến hành vi kế toán, kiểm toán thực tiễn như công việc ghi chép hay đối chiếu sổ sách”.Theo số liệu từ Nasdaq, cho đến nay 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu thế giới bao gồm PwC, Deloitte, Ernst & Young và KPMG đều đã thành lập ban nghiên cứu về Blockchain và những ứng dụng của công nghệ này trong ngành kế toán, kiểm toán.

Ở lĩnh vực ngân hàng. Nhật Bản có lẽ là nước tiên phong trong sử dụng công nghệ Blockchain khi mới đây, Nikkei đưa tin 3 siêu ngân hàng Nhật Bản đang chuẩn bị tiến hành cuộc thử nghiệm dịch vụ chuyển tiền ngang hàng xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain. Theo đó, khách hàng có thể mở ra tài khoản ảo gắn vào tài khoản ký thác để nhận và gửi tiền chỉ cần thông qua số điện thoại hoặc địa chỉ email. Hệ thống này sẽ cho phép người dùng chuyển tiền chỉ trong 24 giờ với chi phí đặc biệt thấp.

Ba siêu ngân hàng tham gia vào dự án bao gồm Mizuho Bank, Sumitomo Mitsui Banking và Bank of Tokyo -Mitsubishi UFJ. Lâu nay, các ngân hàng này thường bị người tiêu dùng phàn nàn vì phí dịch vụ chuyển tiền cao. Dự án chuyển tiền ngang hàng sử dụng công nghệ Blockchain là một phần trong những nỗ lực cung cấp dịch vụ tài chính giá rẻ – một lĩnh vực mà các ngân hàng lớn đang bị bỏ xa bởi các đối thủ nhỏ hơn. Khách hàng sử dụng vân tay và mật mã để truy cập vào một ứng dụng đặc biệt dành cho dịch vụ thanh toán di động. Do hệ thống chỉ yêu cầu số điện thoại hoặc địa chỉ email để gửi tiền, người sử dụng không cần biết thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng của người nhận như tên chi nhánh hoặc số tài khoản.

Nhật Bản hiện đã có một số dịch vụ thanh toán di động như Line Pay, nhưng dịch vụ chuyển tiền mà 3 ngân hàng này cung cấp có ưu điểm là dễ dàng hơn bởi người dùng không cần phải ký quỹ trong tài khoản số tiền mà họ muốn chuyển. Tiền sẽ được tự động ghi nợ vào tài khoản ngân hàng của người chuyển tiền.

Hơn nữa, do không sử dụng hệ thống Zengin – mạng lưới ngân hàng trực tuyến toàn quốc vận hành bởi phòng thanh toán bù trừ NHTW Nhật Bản, phí chuyển tiền dự kiến chỉ bằng chưa đến 1/10 mức hiện tại nhờ vào chi phí hạ tầng và bảo trì hệ thống thấp. Hiện nay, chi phí để gửi liên ngân hàng khoản tiền 30.000 yên (266 USD) hoặc lớn hơn ở Nhật Bản là hơn 400 yên /giao dịch. Với hệ thống mới, chi phí có thể chỉ vài chục yên hoặc ít hơn.

Còn báo cáo Capgemini năm 2016 với tựa đề “Hợp đồng thông minh trong dịch vụ tài chính: Từ quảng cáo đến đời thực” cho biết nhiều ngân hàng đi đầu đã bắt đầu nghiên cứu về hợp đồng thông minh và một vài trong số họ “lạc quan về một cuộc cách mạng đến từ hợp đồng thông minh và sự thay đổi toàn diện trong ngành ngân hàng trong vòng vài năm tới”.

Đầu năm nay. Mạng lưới FinTech và Zerado đã kết hợp phát hành sách trắng về hợp đồng thông minh cho các ngân hàng. Mặc dù thừa nhận thách thức hàng đầu mà hợp đồng thông minh phải vượt qua đó là cho phép hợp đồng truyền thống được mã hóa thành hợp đồng thông minh, sách trắng kết luận rằng “hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain có thể cung cấp cho các ngân hàng nhiều lợi ích trên diện rộng bao gồm giảm thiểu rủi ro, giao dịch đúng thời hạn, bớt đi trung gian và giảm thiểu chi phí”.

Một khi các ngân hàng áp dụng công nghệ hợp đồng thông minh và phát triển hạ tầng khả năng tương tác, hợp đồng thông minh có thể kích hoạt giao dịch bằng tiền giấy từ một tài khoản ngân hàng với đầy đủ chức năng cần thiết như đổi tiền và chuyển khoản được tiến hành tự động một khi điều kiện giữa hai bên đều được đáp ứng, đã được báo cáo với cơ quan thuế và xác minh tuân thủ theo yêu cầu của chính quyền.

Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện một làn sóng Startup Blockchain mới hoạt động trong mảng ngân hàng. Một trong số đó là Bankera. Công ty này hỗ trợ cả giao dịch tiền giấy lẫn tiền số và cung cấp các dịch vụ ngân hàng như những ngân hàng truyền thống khác trong đó có thực hiện thanh toán và cung cấp thẻ ghi nợ. Tờ The Next Web nhận định: “Mặc dù Bankera hoạt động như một ngân hàng truyền thống, bản chất nó được sinh ra từ một cái nôi số hóa có công tiên phong đưa tiền số vào làm tài sản ký quỹ vay nợ”. Trên trang web của Bankera tuyên bố rằng tất cả các dịch vụ của phía này đều hỗ trợ cả tiền giấy lẫn tiền số như bitcoin, ethereum và ERC20.

Ở lĩnh vực đầu tư và quản lý quỹ cũng không ngoài cuộc khi Vanguard – quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tiết lộ kế hoạch sử dụng Blockchain cho cuộc cách mạng ngành tài chính.
Vanguard là một trong hai quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, hiện quản lý khối tài sản lên tới gần 5.000 tỷ USD. Mới đây, quỹ đầu tư này đã chuyển sang sử dụng công nghệ Blockchain để đơn giản hóa cách thức cập nhật số liệu, giám đốc Vanguard cho biết. Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy triển vọng của Blockchain – công nghệ mang tính cách mạng trong ngành tài chính. Vanguard đã thành công trong việc thử nghiệm công nghệ Blockchain vào việc cập nhật số liệu tự động như tên và giá cổ phiếu của các công ty trong các quỹ chỉ số – quy trình hiện được giám sát chặt chẽ bởi các cá nhân, Warren Pennington – người đứng đầu nhóm quản lý đầu tư thuộc Vanguard tại Pennsylvania cho biết.

Không chỉ có Vanguard, một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn cũng đã đầu tư vào công nghệ này nhằm đơn giản hóa và cắt giảm chi phí back -office.
Mặc dù không cung cấp cụ thể ngày nâng cấp toàn bộ hệ thống sử dụng Blockchain, Pennington cho biết mục tiêu của quỹ không phải là dùng công nghệ để thay thế người lao động mà giải phóng họ sang những nhiệm vụ khác. Ông dự đoán trong tương lai blockchain sẽ trở thành một quy trình cập nhật số liệu thực tự động.

Vanguard đã thử nghiệm công nghệ Blockchain trên các chỉ số quỹ tại Trung tâm nghiên cứu giá chứng khoán thuộc Booth School of Business, trường ĐH Chicago. Vanguard hiện quản lý 17 quỹ đầu tư chỉ số trong đó quỹ lớn nhất là Total Stock Market Index Fund trị giá 650 tỷ USD. Những người hâm mộ tiền số rất hy vọng các nhà đầu tư tổ chức lớn có thể sớm bắt đầu cung cấp các sản phẩm chính thống dựa trên Blockchain. Tuy nhiên, các công ty quỹ có vẻ thích thú với việc sử dụng công nghệ này vào hoạt động hơn là phát hành cổ phiếu.

BlackRock cũng là một quỹ đầu tư lớn sử dụng Blockchain trong công tác chăm sóc khách hàng ngân hàng. Hồi tháng 10, CEO Larry Fink nói với các nhà phân tích rằng nỗ lực này sẽ giúp giảm sai sót và có thể nhân rộng. “Hãy nhớ rằng, sổ cái phân quyền là một điều thực. Tôi rất hào hứng với việc nhìn thấy nó có mặt trong tổng thể hệ thống tài chính hợp pháp, được giám sát”.

Về dự án Blockchain của Vanguard, quỹ này đã hợp tác với công ty công nghệ Symbiont có trụ sở tại New York. CEO Mark Smith cho biết không chỉ có Vanguard, công ty có thể cấp giấy phép công nghệ này cho các công ty khác, bao gồm cả các nhà quản lý tài sản và nhà cung cấp số liệu. “Nó có thể được sử dụng để tự động hóa mọi quy trình tài chính”, ông Smith nói.
Đối với thị trường chứng khoán. Nước Pháp sắp cho phép giao dịch chứng khoán thông qua công nghệ Blockchain. Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire thông báo Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép giao dịch một số mã cổ phiếu chưa được niêm yết thông qua công nghệ Blockchain, cơ sở của các loại tiền ảo như Bitcoin… Quy định trên, đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Bruno Le Maire trình lên chính phủ, có hiệu lực sớm nhất vào tháng 7/2018 và sẽ áp dụng cho các cổ phiếu chưa được niêm yết, mà luật pháp Liên minh châu Âu (EU) không yêu cầu phải giao dịch qua trung quan, một thị trường tiềm năng trị giá hơn 3.000 tỷ euro. Bộ trưởng Le Maire cho hay, việc sử dụng công nghệ này sẽ cho phép các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) và các nhà điều hành tài chính khác cung cấp các giải pháp mới để trao đổi chứng khoán, những giải pháp nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn. Trở thành nước đầu tiên ở châu Âu cho phép giao dịch qua Blockchain sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Paris đối với các Fintech và khuyến khích đổi mới.

4. Kết luận
Ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu trong công việc hàng ngày, đặc biệt là những lĩnh vực luôn luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy và chính xác như Kế toán, Kiểm toán và Tài chính, Ngân hàng. Công nghệ ngày càng phát triển thì mức độ ảnh hưởng càng lớn nhất là cơ hội và việc làm của những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Có thể hiện nay, Blockchain vẫn chưa chính thức thay thế việc làm trong ngành kế toán, kiểm toán, nhưng không quá sớm để chúng ta nghiên cứu về công nghệ này và từ đó xây dựng cho mình một chiến lược hợp lý. Trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, cởi mở và chủ động tiếp cận nguồn thông tin mới là cách duy nhất để thành công./.

Tài liệu tham khảo

[1] Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (2018). Blockchain hoạt động như thế nào?. Vaa.net.vn (10/07/2018)
[2] Trí Thức Trẻ (2017). Bạn có biết bao nhiêu việc làm trong ngành kế toán, kiểm toán đã bị thay thế bởi Blockchain? Cafef.vn (10/07/2018).
[3] Trí Thức Trẻ. (2017). Công nghệ blockchain đằng sau bitcoin là gì và nó được ứng dụng như thế nào?. Cafef.vn(10/07/2018).
[4] Trí Thức Trẻ. (2017). Pháp sắp cho phép giao dịch chứng khoán thông qua Blockchain. Cafef.vn (10/07/2018).
[5] Trí Thức Trẻ. (2017). Vanguard – quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tiết lộ kế hoạch sử dụng blockchain cho cuộc cách mạng ngành tài chính. Cafef.vn (10/07/2018).
[6] Trí Thức Trẻ. (2017). Không cần thông tin tài khoản, 3 ngân hàng lớn Nhật Bản chuẩn bị đưa ra dịch vụ chuyển tiền ngang hàng sử dụng công nghệ Blockchain. Cafef.vn (10/07/2018).
[7] Trí Thức Trẻ. (2017). Công nghệ Blockchain đã thay đổi thế giới nhưng rất nhiều người chưa nhận ra. Cafef.vn(10/07/2018).


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *