Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Giải đáp thắc mắc

Tiêu đề Giải đáp thắc mắc Ngày đăng 2019-03-05
Tác giả Admin Lượt xem 1039

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2018)

Câu hỏi: Trường hợp khách hàng không thanh toán bằng tiền mà thanh toán bằng hàng (theo phương thức hàng đổi hàng) thì hạch toán như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điểm 3.7, Mục 3, Điều 18, Thông tư 200 thì trường hợp khách hàng không thanh toán bằng tiền mà thanh toán bằng hàng (theo phương thức hàng đổi hàng), căn cứ vào giá trị vật tư, hàng hoá nhận trao đổi (tính theo giá trị hợp lý ghi trong hoá đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng của khách hàng) trừ vào số nợ phải thu của khách hàng, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Nợ TK 611- Mua hàng (hàng tồn kho kế toán theo phương pháp KKĐK)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

Câu hỏi: Khi lập báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ được đánh giá và hạch toán như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điểm 3.10, Mục 3, Điều 18, Thông tư 200 thì khi lập báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính:
– Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
Có TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
– Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

Câu hỏi: Chủ đầu tư có thành lập Ban quản lý dự án, khi dự án hoàn thành, nhận bàn giao công trình, kế toán chủ đầu tư hạch toán như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điểm 3.3, Mục 3, Điều 20, Thông tư 200 Khi dự án hoàn thành, nhận bàn giao công trình, kế toán chủ đầu tư ghi:
– Trường hợp nhận bàn giao công trình đã được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá đã được quyết toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 211, 213, 217, 1557
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
Có các TK 331, 333, … (nhận nợ phải trả nếu có).
– Trường hợp nhận bàn giao công trình chưa được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá tạm tính. Khi quyết toán phải điều chỉnh giá trị công trình theo giá được quyết toán, ghi:
+ Nếu giá được quyết toán lớn hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Có các TK liên quan.
+ Nếu giá được quyết toán nhỏ hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có các TK 211, 213, 217, 1557.

Câu hỏi: Phương pháp kiểm kê định kỳ thường áp dụng ở các doanh nghiệp như thế nào và có những ưu điểm gì?
Trả lời:
Căn cứ theo Mục 13, Điều 23, Thông tư 200 thì phương pháp kiểm kê định kỳ thường áp dụng ở các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư với quy cách, mẫu mã rất khác nhau, giá trị thấp, hàng hóa, vật tư xuất dùng hoặc xuất bán thường xuyên (cửa hàng bán lẻ…). Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho có ưu điểm là đơn giản, giảm nhẹ khối lượng công việc hạch toán. Nhưng độ chính xác về giá trị vật tư, hàng hóa xuất dùng, xuất bán bị ảnh hưởng của chất lượng công tác quản lý tại kho, quầy, bến bãi./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *