Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Thực trạng kế toán chi phí sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung theo quan điểm kế toán tài chính

Tiêu đề Thực trạng kế toán chi phí sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung theo quan điểm kế toán tài chính Ngày đăng 2019-03-27
Tác giả Admin Lượt xem 2222

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T1+2/2019)

Nhận: 09/01/2019
Biên tập: 19/01/2019
Duyệt đăng:25/01/2019

Với cơ chế hội nhập và phát triển như hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều có đối thủ cạnh tranh. Do đó, trước khi lựa chọn sản xuất bất kỳ một loại sản phẩm nào đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, giá cả thị trường và điều tất yếu phải xác định đúng đắn mức chi phí sản xuất, tiêu hao sản phẩm mà doanh nghiệp phải đầu tư. Trong đó, kế toán chi phí sản xuất với tư cách là một bộ phận của hệ thống kế toán doanh nghiệp, nó đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí sản xuất phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính và giúp cho nhà quản trị thực hiện việc hoạch định, kiểm soát và ra quyết định. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung đang ngày càng chú trọng đến việc hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất nhằm kiểm soát chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tối đa hóa lợi nhuận.
Abbreviate:
In the global context, any company has the competitor. Therefore, before manufacturing a product, enterprises should acknowledge the demand, price and potential production expenses as well as venture capital. Production-cost accounting that is one of the components of accounting department takes the main role in providing information of production costs for decision-making, planning, monitoring and financial reports. Hence, steel companies in the central provinces of Vietnam has been more and more focusing on improving production-cost accounting in order to control production expenses, reduce the price and maximize profit.

Trong các doanh nghiệp (DN) sản xuất nói chung và các DN sản xuất thép nói riêng, việc thực hiện công tác kế toán chi phí sản xuất (KTCPSX) một cách khoa học, hợp lý và đúng đắn có ý nghĩa rất lớn trong việc lập kế hoạch điều hành, tổ chức thực hiện và quản lý chi phí, giá thành nói riêng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của một DN, góp phần tăng cường quản lý tài sản, vaajt tư, lao động, tiền vốn một cách tiết kiệm có hiệu quả. Đó là một trong những điều kiện quan trọng, tạo cho DN một ưu thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, KTCPSX còn là công cụ quản lý quan trọng, hữu hiệu về chi phí sản xuất, kiểm soát chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung đang ngày một hoàn thiện, nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tế KTCPSX tại các DN. Cụ thể:

Một là, đối tượng và phương pháp tập hợp chi phí sản xuất
– Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất: Qua khảo sát tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung cho thấy, đối tượng tập hợp chi phí của các DN chủ yếu theo 2 xu hướng: Đối tượng tập hợp chi phí là phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc đối tượng tập hợp chi phí là chủng loại sản phẩm, nhóm sản phẩm. Đối tượng tập hợp chi phí là phân xưởng, tổ đội sản xuất có: Công ty cổ phần (CTCP) sản xuất Thép Việt Mỹ, CTCP sản xuất Thép Dana – ý, CTCP sản xuất Thép Dana – úc,…
– Phương pháp tập hợp chi phí sản xuất: Bao gồm phương pháp tập hợp trực tiếp: Các DN áp dụng phương pháp tập hợp trực tiếp đối với chi phí trực tiếp. Tùy thuộc đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, đối với các DN tập hợp chi phí theo phân xưởng, tổ đội sản xuất thì chi phí trực tiếp phát sinh đều tập hợp cho từng phân xưởng, tổ đội sản xuất. Đối với các DN tập hợp chi phí sản xuất theo sản phẩm thì chi phí phát sinh liên quan đến sản phẩm nào sẽ được tập hợp chi phí cho từng sản phẩm đó; Phương pháp phân bổ gián tiếp: Đối với chi phí gián tiếp liên quan đến nhiều phân xưởng, tổ đội. Nhiều sản phẩm thì được tập hợp riêng, sau đó phân bổ cho từng đối tượng.

Hai là, các nguyên tắc KTCPSX
Qua khảo sát, công tác quản lý cũng như công tác kế toán tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung đều tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc này ảnh hưởng đến KTCPSX và tính giá thành sản phẩm. Cụ thể:
– Nguyên tắc giá phí: Tất cả các nguyên vật liệu ở các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đều tính theo giá thực tế của nguyên vật liệu bỏ ra.
– Nguyên tắc nhất quán: Các chính sách và phương pháp kế toán tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đã được áp dụng thống nhất cho một kỳ kế toán năm. Mặt khác, các chi phí đều được áp dụng thống nhất trong quá trình hạch toán. Chẳng hạn: Giá thực tế tại các DN sản xuất thép đều được thống nhất theo phương pháp bình quân gia quyền (đối với các CTCP sản xuất thép), theo phương pháp nhập trước – xuất trước đối với các DN tư nhân hoặc các công ty TNHH sản xuất thép trong các kỳ hạch toán. – Nguyên tắc thận trọng: Việc ghi nhận chi phí sản xuất tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, phù hợp với tình hình phát sinh thực tế đảm bảo theo nguyên tắc thận trọng.

Ba là, phương pháp KTCPSX
(1) Kế toán tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
– Chứng từ phản ánh chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (CPNVLTT): Qua khảo sát cho thấy, tùy thuộc vào sản phẩm các DN sản xuất mà các chứng từ phản ánh chi phí nguyên vật liệu (NVL) của từng DN có khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản để phản ánh CPNVLTT các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung sử dụng các chứng từ sau: Căn cứ vào dự toán NVL sử dụng trong kỳ kinh doanh, các DN thường tiến hành mua trước một số lượng NVL dự trữ, để đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh luôn được diễn ra bình thường và liên tục, NVL lúc nào cũng được đáp ứng kịp thời nhu cầu của sx. Các chứng từ liên quan đến mua bán NVL thường là: Phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, biên bản kiểm nghiệm vật tư sản phẩm hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn, bảng kê mua hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, biên bản giao nhận phôi,…. Để theo dõi NVL xuất nhập trong kỳ, kế toán căn cứ vào các chứng từ để phản ánh lên các sổ sách có liên quan: Biên bản kiểm kê vật tư sản phẩm hàng hóa; bảng phân bổ NVL, công cụ, dụng cụ; Thẻ kho; Bảng tổng hợp NVL chính; Bảng tổng hợp NVL phụ (mẫu do DN thiết kế);… Ngoài ra, đối với những DN có NVL nhập khẩu còn có thêm các chứng từ như: Parking list, Bill of lading, tờ khai hải quan, giám định hàng hóa,..
– Tài khoản CPNVLTT: Để theo dõi và hạch toán CPNVLTT, các DN đều mở tài khoản 621 “CPNVLTT” để phản ánh các CP này. Các DN đều thực hiện mở tài khoản chi tiết cho tài khoản này theo yêu cầu quản lý của đơn vị. Đa số DN mở chi tiết tài khoản này theo từng yếu tố chi phí như: CTCP sản xuất Thép Việt Mỹ (tài khoản 6211 chi phí NVL chính trực tiếp, Tài khoản 6212 chi phí NVL phụ trực tiếp); CTCP sản xuất thép Dana – ý (TK6211 – Chi phí NVL chính trực tiếp, TK 6212 – Chi phí vật liệu phụ trực tiếp: TK 62121 – Điện, TK 62122 – Nước, TK 62125 – Dầu FO); CTCP sản xuất thép Dana – úc (TK 6211 – Chi phí NVL chính, TK 6212 – Chi phí NVL phụ, TK 6213 – CPNVLTT khác). Một số DN mở chi tiết tài khoản này theo từng loại sản phẩm, CPNVLTT liên quan đến sản phẩm nào thì được tập hợp trực tiếp vào sản phẩm đó. CTCP sản xuất Thép Đà Nẵng (TK 621100 – CP phôi sx thép cuộn, TK 621210 – CP phôi sx thép cây SD30, TK 621220 – CP phôi sx thép cây SD40)…
– Phương pháp kế toán tập hợp CPNVLTT:
Theo kết quả khảo sát, trước khi tiến hành sản xuất, trên cơ sở kế hoạch sản xuất tuần, các phân xưởng sản xuất lập giấy đề nghị xuất nhận vật tư, căn cứ vào giấy đề nghị xuất vật tư, kế toán vật tư lập phiếu xuất kho vật tư theo hạn mức. Sau đó, các phân xưởng sản xuất điền số liệu thực xuất của từng ngày vào phiếu xuất kho vật tư theo hạn mức gửi lại kế toán vật tư. Cuối tháng, kế toán vật tư tổng hợp số lượng vật liệu thực xuất dùng trên các phiếu xuất kho theo hạn mức, tính đơn giá vật liệu thực tế xuất kho theo phương pháp bình quân cuối kỳ và lập bảng chi tiết CPNVLTT

(2) Kế toán tập hợp chi phí nhân công trực tiếp
– Chứng từ phản ánh chi phí nhân công trực tiếp (CPNNCTT): Qua số liệu khảo sát cho thấy, những căn cứ để các DN xác định tiền lương (thù lao) phải trả cho người lao động là những chứng từ (bảng chấm công của phòng ban chức năng; phiếu xác nhận công việc, sản phẩm hoàn thành từng phân xưởng, tổ, đội SX; biên bản kiểm nghiệm vật tư sản phẩm hàng hóa,…). Trên cơ sở đó, kế toán sẽ lập các bảng thanh toán để chi trả cho người lao động và cơ quan BHXH (bảng thanh toán lương, bảng kê những khoản trích theo lương,…), nếu DN thuê lao động theo hình thức thuê khoán thì còn có các chứng từ (hợp đồng giao khoán, thanh lý hợp đồng giao khoán, phiếu nghiệm thu và bàn giao sản phẩm công việc hoàn thành,…), nếu có làm ngoài giờ hoặc vượt năng suất hoặc DN thực hiện thưởng cuối năm thì có thêm các chứng từ (bảng thanh toán tiền thưởng năng suất, bảng thanh toán tiền làm thêm giờ, bảng thanh toán tiền thưởng năm, bảng thanh toán tiền ăn giữa ca cho cán bộ công nhân viên,…), khi thực hiện trả lương cho người nghỉ ốm, nghỉ phép, ốm đau, tai nạn, thai sản thì các DN căn cứ vào các chứng từ (giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, giấy xin nghỉ phép, danh sách những người được hưởng trợ cấp ốm đau…)
– Tài khoản CPNCTT: Tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, để theo dõi và hạch toán CPNCTT, các DN đều mở tài khoản 622 – CPNCTT. Theo kết quả khảo sát, các DN đều mở tài khoản chi tiết các cấp cho tài khoản này tùy theo yêu cầu quản lý của DN. Một số DN mở chi tiết tài khoản này theo từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất, tất cả các chi phí nhân công liên quan đến phân xưởng, tổ đội nào sẽ được tập hợp trực tiếp vào phân xưởng, tổ, đội đó như CTCP sản xuất thép Dana – ý (TK 6221 – CPNCTT Phân xưởng Luyện, TK 6222 – CPNCTT Phân xưởng Oxy, TK 6223 – CPNCTT Phân xưởng Cơ điện, TK 6224 – CPNCTT Phân xưởng Cán),…
Một số DN mở chi tiết tài khoản này theo từng nội dung CP, mỗi nội dung CP liên quan đến CPNCTT được theo dõi trên một tài khoản chi tiết, ví dụ như CTCP sản xuất Thép Dana – úc, CTCP sản xuất Thép Việt Mỹ… mở chi tiết tài khoản 622 đến tài khoản cấp 3 như sau: (TK6221- CPNCTT: TK 62211 tiền lương cơ bản, TK 62212- phụ cấp ca đêm, TK 62213 – Thưởng (622131 thưởng năng suất, TK 622132 – Thưởng lợi nhuận cuối năm), TK 62214 – Thêm giờ, TK 62215 BHXH, TK 62216 – BHYT, TK 62217- Trợ cấp thất nghiệp, TK 62218 – Kinh phí công đoàn); DN TNHH Việt Quang (TK 6221- Lương công nhân sản xuất, tiền ăn ca; TK 6222 – CP BHXH, BHYT; TK 6223 – CP BHTN, KPCĐ)… Cuối tháng, các DN này sẽ tiến hành phân bổ cho từng loại sản phẩm theo các tiêu thức phân bổ thích hợp, tiêu thức phân bổ thường được các DN sử dụng là tổng khối lượng các loại sản phẩm đã sản xuất hoàn thành trong kỳ:
CPNCTT phân bổ cho từng loại sản phẩm = (Chi phí NCTT phát sinh trong kỳ /Tổng khối lượng các loại sản phẩm sản xuất hoàn thành trong kỳ) x Khối lượng từng loại sản phẩm hoàn thành trong kỳ
Một số ít DN mở chi tiết tài khoản này theo sản phẩm với mục đích tập hợp CPNCTT cho từng loại sản phẩm, như: CTCP sản xuất Thép Dana – Úc (TK6221- CPNCTT sản phẩm chính, TK 6222 – CPNCTT sản phẩm phụ), sau đó DN gán mã để theo dõi chi tiết hơn các khoản chi phí liên quan đến tài khoản cấp 2.
– Phương pháp tập hợp CPNCTT: Qua khảo sát, hầu hết CPNCTT tại các DN bao gồm tiền lương cơ bản, lương theo sản phẩm và các khoản trích theo lương phải trả cho bộ phận công nhân sản xuất trực tiếp tại các phân xưởng liệu, phân xưởng luyện, phân xưởng cán. Căn cứ vào bảng chấm công do các phân xưởng sản xuất lập vào cuối thángC, báo cáo kết quả sản xuất của công nhân, đơn giá lương sản phẩm cùng với hồ sơ lương nhân viên (gồm các thông tin như phụ cấp, các khoản bảo hiểm…), kế toán công ty xác định được số tiền lương phải trả cho công nhân sản xuất, lập bảng phân bổ lương và các khoản trích theo lương theo từng phân xưởng. Sau đó, kế toán tiền lương cập nhật chi phí tiền lương vào phần mềm kế toán.

(3) Kế toán tập hợp chi phí sản xuất chung
– Chứng từ phản ánh chi phí sản xuất chung (CPSXC): Theo kết quả khảo sát, những chứng từ phản ánh CPSXC của các DN là chứng từ phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động chung ở phân xưởng tổ đội sản xuất như: Trả tiền lương cho nhân viên phân xưởng (Bảng chấm công, bảng thanh toán tiền lương, bảng thanh toán tiền thưởng năm, bảng thanh toán tiền thưởng năng suất, phiếu báo làm việc ngoài giờ, bảng thanh toán tiền làm thêm giờ, bảng thanh toán tiền ăn giữa ca, bảng phân bổ tiền lương và các khoản trích theo lương, giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội,…), thanh toán các dịch vụ mua ngoài (hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn tiền tiếp khách, hóa đơn mua NVL, hóa đơn vận chuyển bốc dỡ,…), thanh toán các chi phí khác (giấy đi đường, hóa đơn thuê phòng nghỉ, hợp đồng và thanh lý hợp đồng sửa chữa lớn TSCĐ, giấy nộp tiền thuế phí các loại,…), các bảng phân bổ chi phí (bảng phân bổ NVL công cụ dụng cụ, bảng phân bổ tiền lương, bảng phân bổ khấu hao TSCĐ,…).
Những chi phí nào phân định được đối tượng chịu chi phí thì hạch toán thẳng cho đối tượng đó, những chi phí liên quan tới nhiều đối tượng sẽ được tập hợp và cuối kỳ phân bổ cho đối tượng theo tiêu thức phù hợp (chi phí NVL chính, định mức CPNCTT,…)
– Tài khoản CPSXC: Để theo dõi và hạch toán CPSXC, các DN đều mở tài khoản 627 – CPSXC. Theo kết quả khảo sát, các DN đều thực hiện mở chi tiết tài khoản các cấp cho tài khoản này theo từng nội dung chi phí như: CTCP sản xuất Thép Dana – úc, CTCP sản xuất Thép Việt Mỹ,… (ví dụ: TK 6271- Chi phí nhân viên phân xưởng, TK 6272 – Chi phí vật liệu, TK 6273 – Chi phí dụng cụ sản xuất,…). Một số DN còn mở chi tiết đến cấp 4 cho tài khoản này để theo dõi từng nội dung chi phí liên quan đến sản xuất chung như: CTCP sản xuất Thép Dana – ý… Bên cạnh đó, cũng có một số DN thực hiện mở chi tiết tài khoản theo từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Theo đó, CP sản xuất chung của phân xưởng nào sẽ được tập hợp theo phân xưởng đó, những chi phí không tách riêng ra được sẽ được tập hợp vào tài khoản chung. Cuối tháng sẽ tiến hành phân bổ chi phí này vào các phân xưởng, tổ đội sản xuất.
– Phương pháp kế toán tập hợp CPNVLTT: CPSXC của các công ty bao gồm nhiều khoản mục như chi phí nhân viên, chi phí vật liệu, chi phí nhiên liệu, chi phí công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí điện cho sản xuất, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền,…
Để hạch toán chi phí SXC công ty sử dụng TK 627 “CPSXC” theo dõi riêng chi tiết cho từng loại chi phí, chi tiết cho từng phân xưởng.
– Chi phí nhân viên: Căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương và BHXH.
– Chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ: căn cứ vào các PXK vật tư, bảng phân bổ chi phí trả trước.
– Chi phí khấu hao TSCĐ: Công ty trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Căn cứ trên bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ.
– Các chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí sửa chữa, chi phí khác bằng tiền căn cứ vào các chứng từ: Hóa đơn thanh toán, phiếu chi, giấy báo nợ,…
Trên cơ sở các chứng từ gốc như: Phiếu chi, phiếu xuất kho, bảng phân bổ tiền lương, bảng tính khấu hao TSCĐ,… cho phân xưởng sản xuất, kế toán cập nhật số liệu vào phần mềm kế toán những khoản CPSXC phát sinh trong tháng. Cuối tháng, cuối quý tập hợp CPSXC.

(4) Sổ kế toán
Theo kết quả khảo sát, hệ thống sổ kế toán hiện nay đang được áp dụng tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung hầu hết đều tuân thủ chế độ kế toán DN, theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính.
Bốn là, trình bày thông tin chi phí sản xuất
Qua khảo sát, thông tin về chi phí của các DN chủ yếu được trình bày ở hai báo cáo: Báo cáo kết quả kinh doanh và thuyết minh báo cáo tài chính. Về cơ bản đã được các DN phân tích kỹ nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số nội dung chủ yếu trong phân tích báo cáo tài chính như cơ cấu vốn, cơ cấu nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán, tỷ suất lợi nhuận, khả năng lưu chuyển vốn,… Dó đó, để cung cấp thông tin cho công tác quản lý điều hành thường xuyên chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm thép của DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung thì ngoài hệ thống báo cáo tài chính bắt buộc, các DN cần lập các báo cáo kế toán quản trị nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý của DN.

Qua đây, là những tồn tại trong việc tổ chức công tác kế toán chi phí trong các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung theo quan điểm kế toán tài chính, đang là rào cản chi phối đến việc sản xuất kinh doanh của các DN. Chính vì vậy, việc hoàn thiện kế toán chi phí theo quan điểm kế toán tài chính trong các DN này là điều hết sức cần thiết, góp phần cung cấp cho nhà quản lý các thông tin kịp thời, đầy đủ để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, giúp các DN có những thành công lớn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Qua đó, tác giả xin đưa ra một số giải pháp hoàn thiện kế toán chi phí tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung Việt Nam theo quan điểm kế toán tài chính như sau:

Thứ nhất là, hoàn thiện phương pháp tập hợp chi phí sản xuất
Tại các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, chi phí bộ phận phục vụ tập hợp và phân bổ cho các bộ phận phục vụ. Do đó, để kiểm soát chi phí của các bộ phận phục vụ và thúc đẩy các bộ phận phục vụ hoạt động có hiệu quả, thì cần thiết phải tổ chức kế toán chi tiết chi phí của bộ phận phục vụ và sau đó phân bổ chi phí của các bộ phận phục vụ cho các bộ phận chức năng.
Về các mô hình phân bổ chi phí cho các bộ phận, hiện nay có 3 mô hình: Phân bổ trực tiếp, phân bổ bậc thang và phân bổ đại số. Đối với các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung, cần áp dụng kết hợp mô hình phân bổ trực tiếp và phân bổ bậc thang. Từ việc kết hợp này, sẽ phân bổ theo chi phí thực tế nếu có 1 bộ phận chức năng và phân bổ theo chi phí kế hoạch hoặc chi phí định mức nếu có nhiều bộ phận chức năng.

Thứ hai là, hoàn thiện nguyên tắc KTCPSX
Để phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản lý của các DN cần đảm nguyên tắc phù hợp, nguyên tắc hiệu quả tránh lãng phí… để đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực hơn. Cụ thể:
– Nguyên tắc phù hợp: Xét về góc độ đặc tính sản phẩm thì ngành sản xuất thép là một lĩnh vực có đặc thù rất riêng như sản phẩm có sự kết hợp từ các khu vực nguyên liệu đa dạng, sản phẩm có quy trình sản xuất phức tạp, nguyên liệu đầu vào cũng có thể là sản phẩm hoàn thành… Do đó, khi mô hình KTCPSX phải phù hợp với đặc điểm quy trình sản xuất, phù hợp với trình độ và yêu cầu quản lý cũng như cơ sở vật chất của DN.
– Nguyên tắc hiệu quả tránh lãng phí: Khi nói đến hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì ta cần hiểu đó là việc cân nhắc giữa kết quả thu được và chi phí bỏ ra để có kết quả đó. Do đó, ngoài những kết quả mang tính dự toán thì phải chờ thực tế sau khi áp dụng mới có câu trả lời chính xác. Điều đó đòi hỏi, cần phải chuẩn bị tốt từ khâu ghi chép chứng từ, tổ chức và phân loại thông tin, xây dựng bộ máy quản lý và phân cấp phù hợp.

Thứ ba là, hoàn thiện phương pháp KTCPSX
– Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán: Việc tổ chức tài khoản kế toán để tập hợp chi tiết chi phí cần theo yêu cầu của kế toán quản trị, vừa đảm bảo khả năng đối chiếu thông tin chi tiết với thông tin tổng hợp liên quan của các đối tượng kế toán cụ thể trong các DN. Do đó, các DN nên thiết kế tài khoản kế toán quản trị chi phí sản xuất kết hợp với một số tài khoản tổng hợp của kế toán tài chính. Hệ thống tài khoản kế toán được thiết kế sao cho các tài khoản đó phản ánh được chi phí sản xuất theo cách ứng xử của chi phí, tức là tài khoản kế toán quản trị chi phí phải nhận diện được biến phí và định phí nhằm kiểm soát, phân tích, quản lý chi phí có hiệu quả.
– Xây dựng hệ thống sổ kế toán: Căn cứ vào yêu cầu quản lý của các DN và đối tượng chi tiết mà các DN đã xác định để xây dựng hệ thống sổ kế toán chi tiết nhằm đảm bảo theo dõi chi tiết từng khoản mục chi phí, yếu tố chi phí kết hợp với việc vận dụng chi phí biến đổi và chi phí cố định, để làm cơ sở cho việc phân tích biến động chi phí; Phân tích chi phí theo đối tượng tập hợp chi phí đã xác định phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về chi phí, để phục vụ yêu cầu quản lý chi phí.

Thứ tư là, hoàn thiện thông tin chi phí sản xuất
Để có cơ sở thực hiện phân tích thông tin chi phí có hiệu quả, tính giá phí và báo cáo kết quả kinh doanh cho từng sản phẩm từng đơn đặt hàng, tác giả kiến nghị các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung nên lập báo cáo giá thành theo công việc và theo quá trình sản xuất, nhằm rút ra biến động tăng giảm để xác định nguyên nhân biến động và có biện pháp quản lý kịp thời. Ngoài ra, các DN sản xuất phần mềm có thể phân tích biến động chi phí thông qua báo cáo giá thành và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Tóm lại, để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các DN sản xuất thép trên địa bàn các tỉnh miền Trung cần sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chi phí, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận được phương pháp quản lý mới, tăng cường khả năng cạnh tranh và khẳng định được vị thế trên thị trường./.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2003), Luật số 03/2003/QH11, ngày 17/6/2003 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Văn phòng quốc hội.
2. Bộ Tài chính (2006), Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, ngày 20/03/2006, ban hành chế độ kế toán DN, Hà Nội.
3. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 244/2009/QĐ-BTC, ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính.
4. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2016/QĐ-BTC, ngày 22/12/2014, ban hành chế độ kế toán DN, Hà Nội.
5. Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh (2014), Ths. Huỳnh Lợi, Giáo trình Kế toán chi phí, NXB Thống kê.
6. Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh (2016), Ths. Bùi Văn Trường, Giáo trình Kế toán chi phí, NXB Lao động xã hội.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *