(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T1+2/2019)
Nhận: 17/01/2019
Biên tập: 20/01/2019
Duyệt đăng: 25/01/2019
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong vòng hai thập kỷ trở lại đây có sự lan toả mạnh mẽ trên thị trường thế giới, từ những nền kinh tế phát triển đến những thị trường mới nổi và thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Làn sóng M &A tại Việt Nam thực sự bùng nổ sau năm 2007, khi khung pháp lý cho hoạt động này dần được hình thành và hoàn thiện. Đồng thời, Chính phủ cũng có những chương trình thiết thực nhằm đẩy mạnh hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hoạt động M &A tại Việt Nam, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam còn khá khiêm tốn và có xu hướng tập trung vào việc làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, cũng như khung pháp lý cho hoạt động này. Do vậy, việc nghiên cứu rõ hơn về quy trình thực hiện hoạt động M &A các doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam là vô cùng cần thiết. Trong bài báo này, tác giả đưa ra một số đề xuất cho quy trình thực hiện hoạt động M &A tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Việt Nam.
Từ khoá: M&A, doanh nghiệp có vốn nhà nước, quy trình
Abstract:
M&A has been increased signifticantly widely around the world, from developed economies to emerging and developing economies. The wave of M&A in the Vietnamese market exploded after 2007, when the institutional frameworks for M&A activities had been esrablished and completed. Furthermore, the Government has launched a number of practical programs to enhance the equitization and divestment from State- Owned Enterprise (SOEs). However, the current research on M&A activities in Vietnam is spare and tends to concentrate on investigating definitions, terminologies, and the legal issues of M&A.Therefore, it is necessary to research more clearly about the process of implementing M&A activities of enterprises with state owned enterprises in Vietnam. This paper, attempts to make some suggestions for the process of implementing M&A activities in State-Owned enterprises in Vietnam.
Keywords: M&A, SOEs, procedure…
1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu
M&A (Merger & Acquisitions) là một hoạt động kinh doanh và quản trị phổ biến tại các nền kinh tế phát triển. Xu hướng M &A doanh nghiệp (DN) đang tràn sang khu vực nền kinh tế mới nổi và các thị trường đang phát triển, với sự tập trung vào một số ngành trọng yếu như năng lượng, tài chính và công nghiệp. Tại Việt Nam, việc Chính phủ tích cực đẩy nhanh chương trình cổ phần hoá và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đặc biệt từ năm 2015, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết về DNNN tại các FTAs cũng như việc xây dựng và duy trì một sân chơi bình đẳng và hiệu quả cho tất cả các chủ thể của nền kinh tế. Cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, bán phần vốn nhà nước tại các DN có vốn đầu tư nhà nước là những tiền đề quan trọng nhằm đưa DNNN đến với hoạt động M &A chuyên nghiệp và tháo gỡ những rào cản hiện tại của khối DN này.
2. Quy trình thực hiện hoạt động M &A DN có vốn nhà nước
Quy trình thực hiện M &A DN có vốn nhà nước, về cơ bản tuân thủ quy trình chuẩn của một thương vụ M &A với ba giai đoạn như sau: Giai đoạn lập kế hoạch /phương án M &A; Giai đoạn thực hiện M &A/Giai đoạn triển khai; Giai đoạn sau khi thực hiện M &A/Giai đoạn kết thúc.
2.1. Giai đoạn 1- Giai đoạn lập kế hoạch M &A
Đối với các DN có vốn nhà nước, do đặc thù về cơ cấu bộ máy quản lý, sự phân cấp giữa người đại diện vốn nhà nước, cơ quan đại diện vốn nhà nước, đơn vị chủ quản trực tiếp, giai đoạn này được gọi là giai đoạn lập kế hoạch M &A. Do phương thức thực hiện hoạt động M &A sau năm 2010 là phương thức cổ phần hoá và thoái vốn, giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn lập kế hoạch cổ phần hoá hoặc /và thoái vốn nhà nước tại DN. Kế hoạch này cần được sự thông qua của bộ máy quản lý và các chủ thể khác có liên quan trong DN. Việc thực hiện M &A của các DN có vốn nhà nước xuất phát từ mục tiêu tái cấu trúc các DNNN, tập trung nguồn lực vào những mảng hoạt động quan trọng và thực sự hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước. Những nội dung chi tiết liên quan đến giai đoạn lập kế hoạch /phương án cổ phần hoá/thoái vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước được chi tiết như sau.
(1) Xây dựng phương án CPH /thoái vốn
Căn cứ vào các đề án cổ phần hóa (CPH) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu trên, các cơ quan đại diện chủ sở hữu DN có thẩm quyền (theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu (CSH) Nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại DN và kế hoạch, lộ trình triển khai công tác theo 03 bước chính là: (1) Xây dựng phương án CPH, thoái vốn; (2) Tổ chức thực hiện phương án CPH, thoái vốn đã được phê duyệt; và (3) Hoàn tất việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP hoặc bán vốn nhà nước tại DN. Các DNNN CPH chủ động xây dựng phương án CPH DN, bán vốn nhà nước trình cơ quan đại diện CSH có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Trong quá trình thực hiện CPH, nếu có khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của DN và cơ quan đại diện CSH, Chính phủ hoặc Thủ tướng kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến trình CPH theo đúng quy định của pháp luật. Các DN CPH đều tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH nhằm ngăn chặn, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Một số trường hợp tổ chức CPH có sai phạm đã được Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
(2) Lựa chọn phương pháp định giá và tổ chức định giá DN khi CPH
Thực hiện quy định hiện hànhT, việc xác định giá trị DN đã công khai, minh bạch và phù hợp hơn theo nguyên tắc thị trường. Ngoài phương pháp định giá tài sản, các DN đã bổ sung thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu trong xác định giá trị DN. Các DN có vốn nhà nước trên 10 tỷ đồng hoặc giá trị DN theo sổ sách kế toán trên 30 tỷ đồng, phải thuê các tổ chức tài chính trung gian có chức năng định giá để tư vấn xác định giá trị DN. Đồng thời, quy định thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN và xử lý các tồn tại tài chính trước khi công bố giá trị DN CPH. Các DN CPH có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên, phải thuê các tổ chức có chức năng định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị DN. Các tổ chức tư vấn định giá được lựa chọn các phương pháp định giá khác nhau, để định giá DN và phải được so sánh với kết quả xác định giá trị DN theo nguyên tắc không được thấp hơn phương pháp tài sản. Trên cơ sở kết quả xác định giá trị DN của đơn vị tư vấn, Ban chỉ đạo thẩm tra kết quả xác định giá trị DN, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị DN.
Đối với các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác), các công ty mẹ thuộc TĐKT, TCT nhà nước và các DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đều được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị DN.
(3) Xác định giá trị quyền sử dụng đất đai trong CPH DNNN
Theo quy định của pháp luật về đất đai, DN nói chung và DN CPH nói riêng được quyền lựa chọn một trong hai hình thức là được giao đất hoặc thuê đất đối với từng diện tích đất DN đang quản lý, sử dụng. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền quyết định cho DN được giao đất hoặc thuê đất. DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đai vào giá trị DN CPH đều tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. Khi CPH, DN được lựa chọn hình thức thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định hoặc hình thức giao đất và tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH.
2.2. Giai đoạn 2- Giai đoạn thực hiện hoạt động M &A
Hai nội dung quan trọng nhất của giai đoạn này là xác định mức giá khởi điểm để chào bán cổ phần Nhà nước, lựa chọn phương thức chào bán hiệu quả, lựa chọn người mua chiến lược.
(1) Xác định giá khởi điểm để bán cổ phần lần đầu và trình tự bán cổ phần lần đầu (IPO)
Việc xác định giá khởi điểm để bán cổ phần lần đầu là do tổ chức tư vấn xác định theo nguyên tắc sát với giá thị trường trên cơ sở tính toán đầy đủ giá trị DN và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giá bán cổ phần được niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường đối với mọi nhà đầu tư trên thị trường.
Về trình tự bán cổ phần lần đầu (IPO): Để thúc đẩy quá trình CPH với sự tham gia của các nhà đầu tư, thu hút thêm nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác, Chính phủ quy định trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định, cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án CPH quyết định cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, bao gồm: (i) Cổ phần nhà nước nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN trong từng thời kỳ; (ii) Cổ phần bán cho người lao động; (iii) Tổ chức công đoàn; (iv) Số còn lại (không thấp hơn 25% vốn điều lệ) sẽ được bán công khai cho các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư chiến lược có thể mua theo hình thức thỏa thuận hoặc đấu giá (giữa các nhà đầu tư chiến lược) theo nguyên tắc không thấp hơn giá khởi điểm.
(2) Thu hút và lựa chọn cổ đông chiến lược trong CPH và bán vốn nhà nước
Việc thu hút các cổ đông chiến lược trong CPH, bán vốn nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn, áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị của DN, suy cho cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH hoặc bán vốn. Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 đã quy định rõ nhà đầu tư (NĐT) chiến lược phải đáp ứng đủ các điều kiện: (i) có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; (ii) có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; (iii) tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành NĐT chiến lược; (iv) không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong khi sức mua giảm, TTCK phục hồi chậm, để bảo đảm khả năng bán được cổ phần và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH, nhiều DN đã chú trọng việc thu hút, bán cổ phần các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, công nghệ và năng lực quản trị khi CPH và cả sau khi DN đã chuyển thành CTCP.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tìm kiếm, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DN CPH còn thấp hơn kì vọng. Cũng theo báo cáo của ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt được mục tiêu là giảm vốn nhà nước trong DN và thu hút vốn đầu tư tư nhân. Kết quả thực hiện bán cổ phần lần đầu của DN CPH ra công chúng qua hình thức đấu giá (IPO) năm 2015, chỉ đạt khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Nhà nước vẫn giữ 81% vốn cổ phần của các DN sau CPH. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm 7,3% (kế hoạch là 15,8%). Trong khi các DNNN CPH trong giai đoạn này phần lớn là các Tập đoàn, tổng công ty có quy mô tương đối lớn về cả về vốn, quy mô thị trường và năng lực sản xuất, được đánh giá là những DNNN có sức hấp dẫn lớn và có khả năng thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện CPH.
Kết quả tổng hợp và phân tích các thông tin đối với 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH, trong giai đoạn 2011– 2016, của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho thấy: Tổng vốn điều lệ của 46 tổng công ty đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ là 124.835 tỷ đồng (chiếm 73% tổng vốn điều lệ); phần phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược 28.369 tỷ đồng (chiếm 16,57% tổng vốn điều lệ). Trong số 46 DNNN này, có đến 14 DN (chiếm 30,4%) trong phương án CPH không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; có 2 DN (chiếm 4,4%) bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt; 17 DN (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 DN (chiếm 19,6%) không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 DN còn lại (chiếm 8,7%) không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược. Thực tế, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 số vốn được phê duyệt. Nếu xem xét tỷ lệ cổ phần bán được cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tỷ lệ này rất nhỏ, chỉ chiếm 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua tỷ lệ cổ phần thấp (cao nhất là 20%) .
Về nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa quan tâm đầu tư vào các DNNN CPH là do: việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài thấp; định giá DN và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin DN; quy trình mua cổ phần phức tạp và phương thức bán cổ phần còn thiếu linh hoạt.
(3) Việc phương thức chào bán cổ phần nhà nước trên thị trường chứng khoán
Việc bán cổ phần lần đầu, thoái vốn nhà nước được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Thực hiện bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán (tại Sở GDCK nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên) hoặc đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian (nếu khối lượng cổ phần bán ra có mệnh giá dưới 10 tỷ đồng). Phương thức đấu giá bán cổ phần cũng được áp dụng đối với trường hợp bán đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược, khi số lượng cổ phần đăng ký mua của các nhà đầu tư chiến lược lớn hơn số lượng cổ phần chào bán để tăng tính cạnh tranh.
Để thúc đẩy các DN CPH đăng ký giao dịch trên TTCK, Chính phủ có Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014, về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg, ngày 15/9/2014, về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DN nhà nước đã quy định rõ các nội dung trong tiến trình thực hiện phương thức chào bán cổ phần nhà nước trên TTCK.
Việc CPH DNNNV, bán vốn nhà nước tại DN được gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho TTCK những hàng hóa có chất lượng hơn, có tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của DN. Theo báo cáo của ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2011 đến hết năm 2015 đã có 276 DN CPH bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số cổ phần chào bán là 3.068.158.697 cổ phiếu, trị giá 17.558 tỷ đồng. Số cổ phiếu bán được là 1.500.663.351 cổ phiếu, trị giá 20.547 tỷ đồng, đạt 49% tổng số lượng cổ phần chào bán. Đến cuối năm 2017, đã có 411 DN CPH niêm yết cổ phiếu trên TTCK (trong đó 263 DN trên sàn giao dịch HNX, 148 DN trên sàn giao dịch HSX); ngoài ra còn có 207 DN đăng ký giao dịch trên sàn Upcom. Riêng giai đoạn 2011-2015, có 67 DN niêm yết (43 DN trên sàn HNX, 24 DN trên sàn HSX), 128 DN đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
2.3. Giai đoạn 3- Giai đoạn kết thúc /hoàn tất M &A
Đối với một thương vụ M &A, sự thành công của giai đoạn này không chỉ dừng lại ở việc cải thiện tình hình tài chính, nâng cao gía trị thị trường, mà còn liên quan đến sự kết hợp văn hoá DN, bộ máy quản trị, đảm bảo lợi ích cho người lao động. Đối với các DN có vốn nhà nước, quá trình này đòi hỏi thời gian và nỗ lực bởi lich sử hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, hình thức pháp lý của các DN này.
Giải quyết chế độ ưu đãi đối với người lao động tại DN CPH
Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, người lao động trong DN CPH được mua 100 cổ phần /01 năm làm việc tại khu vực nhà nước với giá ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai, hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước). Trường hợp người lao động có cam kết làm việc cho DN ít nhất 3 năm sau CPH, thì được mua thêm cổ phần với giá ưu đãi là giá đấu thành công thấp nhất theo mức 200 cổ phần /01 năm cam kết làm việc tiếp trong DN nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần cho một người lao động. Thông qua cơ chế bán cổ phần ưu đãi, người lao động được tạo điều kiện để sở hữu cổ phần để trở thành cổ đông của DN sau CPH. Ngoài ra, người lao động trong DN CPH cũng được hưởng chế độ lao động dôi dư theo thâm niên công tác theo quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP, ngày 20/8/2010 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH MTV do Nhà nước làm CSH (nay là Nghị định số 63/2015/NĐ-CP, ngày 22/7/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 91/2010/NĐ-CP). Đối với người lao động dôi dư trong quá trình CPH được xử lý theo đúng quy định của Bộ Luật lao động như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, ngoài ra Nhà nước cũng hỗ trợ thêm một phần kinh phí từ tiền thu khi CPH và bán vốn nhà nước tại DN (từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN), không dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ DN xử lý lao động dôi dư. Lao động dôi dư tại DN cũng được hỗ trợ, đào tạo nghề mới để có thể chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu.
3. Kết luận
Mặc dù hoạt động M &A DN có nhiều hình thức thực hiện khác nhau, song với điều kiện đặc thù của Việt Nam trong những năm qua đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với một thành phần kinh tế sang nền KTTT nhiều thành phần, nội dung và hình thức chủ yếu của hoạt động M &A DN có vốn nhà nước chính là quá trình CPH, bán vốn nhà nước tại các DN. Đây cũng là quá trình từng bước làm thay đổi cơ cấu sở hữu trong toàn bộ khu vực DNNN cũng như từng DNNN được CPH, mà bản chất là sự dịch chuyển quyền sở hữu vốn, tài sản trong DN từ nhóm cổ đông này sang nhóm cổ đông khác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, do các DNNN là thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện CSH cho nên việc CPH, bán vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước phải tuân thủ các trình tự, thủ tục quy định mang tính hành chính – pháp lý do nhà nước quy định./.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ ( 2016), Quyết định 58/ 2016/QĐ- TTg, về Tiêu chí phân loại DN có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016- 2020.
2. Chính phủ ( 2017), Nghị định số 87/2017/NĐ- CP ngày 26/7/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
3. Quyết định 12323/QĐ-TTg ngày 17/08/2017 về phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020.
4. Chính phủ (2017), Quyết định 707/QĐ- TTg ngày 25/5/017 về phê duyệt đề án Cơ cấu lại DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016- 2020.
5. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 122/2017/TT- BTC về ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 12.
6. Chính phủ (2013), Nghị định số 89/2013/NĐ- CP, ngày 6/8/2013 về quy định chi tiết thi hành một số điều của luật giá về thẩm định giá.