Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi, bổ sung một số điều) sau khi có ý kiến của ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 10/3/2015 và theo tờ trình số 36/TTr-BTC ngày 30/3/2015 của Bộ Tài chính đã tiếp thu một số ý kiến tham gia của các tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia. Theo tờ trình của Bộ Tài chính ngày 30/3/2015, Bộ Tài chính đã rà soát toàn bộ nội dung cần sửa đổi và hoàn chỉnh dự án Luật. Bộ Tài chính đã giải trình tiếp thu 7 nội dung và giải trình bảo lưu 4 nội dung. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã hợp nhất Luật Sửa đổ bổ sung một số điều Luật Kế toán gồm 7 Chương, 72 Điều. Đây là sự cố gắng lớn của Ban soạn thảo và tổ biên tập.
Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn không thoát khỏi các tư duy đã định sẵn và không đầy đủ về kế toán và trong chừng mực nhất định vẫn thiếu một tầm nhìn mang tính chiến lược về hoạt động kế toán, kiểm toán. Vì vậy, rất cần thiết có sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán một cách toàn diện, căn bản hơn.
1-Về nhận thức và với cách nhìn tổng thể
Luật Kế toán năm 2003 được Quốc hội thông qua trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, sự nghiệp cải cách kế toán mới tiến hành chưa được 10 năm. Mặc dù đã tính đến và cân nhắc nhiều tính chất và yêu cầu của nền chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, nhưng không ít đặc điểm, yêu cầu và nội dung của nền kinh tế trong quá trình phát triển chưa hình dung, nhận thức, nhận dạng một cách thật đầy đủ. Cần nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện và thực tế hơn bối cảnh ra đời Luật Kế toán 2013 và những đổi mới của nền kinh tế từ sau khi ban hành Luật Kế toán 2003 đến nay (2015) có tính tới thời điểm áp dụng Luật Kế toán mới năm 2016 hoặc 2017. Có 4 vấn đề cần quan tâm:
1.1. Hàng loạt vấn đề mới về thể chế kinh tế đã được xác lập, bao gồm cả thể chế kinh tế vĩ mô, thể chế kinh tế tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là Hiến pháp 2013, sửa đổi bổ sung hiến pháp 1992, đã có hiệu lực từ 1/1/2014, trong đó có nhiều chế định mới về quyền công dân, quyền kinh doanh, về hình thức sở hữu, thành phần kinh tế về trách nhiệm và quyền của Nhà nước pháp quyền. Các Luật Đầu tư, Luật DN, Thương mại, Cạnh tranh, Phá sản, Luật Ngân hàng, Chứng khoán, Thuế, Hải quan, Luật Ngân sách Nhà nước… đã và đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một cách khá căn bản. Đây là những nội dung cần được cân nhắc và tính toán trong các nội dung sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Luật Kế toán, với tư cách Kế toán là công cụ quản lý kinh tế, tài chính, là hệ thống thông tin và là một loại hình dịch vụ hỗ trợ DN trong kinh tế thị trường.
1.2- Nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và toàn diện vào kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2006, Việt Nam đã gia nhập WTO, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán là một trong các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa toàn diện. Từ năm 2015, Việt Nam là thành viên chính thức của khối kinh tế Đông á. Việt Nam đã và đang gia nhập nhiều điều ước quốc tế… Trong đó có cam kết của các nước ASEAN về di chuyển tự do của các chuyên gia kế toán cung cấp dịch vụ kế toán và thừa nhận chứng chỉ kế toán theo chuẩn mực ASEAN (CPA ASEAN). Đây là những điều phải tính tới những quy định mới trong Luật Kế toán khi sửa đổi và bổ sung Luật để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quốc tế, chuẩn bị các điều kiện về thể chế để Việt Nam được thừa nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ vào năm 2018. Trong nền kinh tế thị trường, tổ chức nghề nghiệp kế toán – kiểm toán với tư cách là tổ chức xã hội dân sự đã hình thành và ngày càng có vai trò quan trọng trong quản lý nghề nghiệp, tư vấn khoa học và phản biện xã hội đối với Nhà nước.
1.3- Công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ và xâm nhập sâu rộng và đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, Kế toán và kiểm toán là một trong những lĩnh vực tiếp cận khá sớm và áp dụng có hiệu quả công nghệ xử lý thông tin và kỹ thuật truyền tin, công nghệ mạng và gần đây là điện toán đám mây. Những tiến bộ này của khoa học kỹ thuật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quy định về chứng từ kế toán, về sổ kế toán và báo cáo tài chính, trong đó đặc biệt là các quy định pháp lý liên quan chứng từ kế toán, sổ kế toán tổng hợp và báo cáo tài chính (BCTC).
1.4- Dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán đã được thừa nhận, phát triển dần trở thành một lĩnh vực thương mại dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP mà còn là dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả cho các DN, các tổ chức kinh tế. Theo thông lệ quốc tế và thực tế ở Việt Nam sẽ có hàng trăm nghìn DN (Đặc biệt là các DN nhỏ và vừa) sẽ được quyền thuê dịch vụ kế toán, dịch vụ lập và soát xét BCTC. Luật cần quy định về loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện này. Đồng thời, phải quy định giá trị pháp lý của BCTC DN do các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ thực hiện. Hơn nữa, khi thuê dịch vụ làm kế toán, cũng có nghĩa, nhiều DN không tổ chức bộ máy kế toán, không tuyển người làm kế toán. Vậy các quy định về bộ máy kế toán, về người làm kế toán, kế toán trưởng DN cần có quy định lại phù hợp hơn, mềm mại hơn, chứ không thể như quy định tại Điều 50: Đơn vị kế toán phải tổ chức Bộ máy kế toán. Quy định này chỉ phù hợp với các cơ quan, tổ chức Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp, hoàn toàn không còn phù hợp với DN.
Chỉ có trên cơ sở nhận thức và nhận dạng đầy đủ các yếu tố mới, trong bối cảnh mới của nền kinh tế mới có thể thiết kế và soạn thảo Luật Kế toán đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng không thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán 2003, mà phải chỉnh sửa một cách toàn diện, triệt để, cơ cấu lại và thậm chí cần ban hành mới Luật Kế toán.
2- Chúng tôi đề nghị, Quốc hội cho phép ban hành Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc thay đổi lại kết cấu Luật và sửa đổi hầu hết các điều khoản từ quy định về phạm vi điều chỉnh, về nội dung tổ chức công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán đến quy định về dịch vụ kế toán, DN dịch vụ kế toán, hành nghề kế toán và quản lý Nhà nước về kế toán. Cụ thể:
2.1- Luật Kế toán nên thiết kế 8 chương
Chương 1. Những quy định chung
Chương 2. Nội dung công tác kế toán
Chương 3. Kế toán Nhà nước và Tổng Kế toán Nhà nước
Chương 4. Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
Chương 5. Dịch vụ kế toán và nghề nghiệp kế toán
Chương 6. Quản lý Nhà nước về kế toán
Chương 7. Xử lý vi phạm về kế toán
Chương 8. Điều khoản thi hành
Bổ sung 1 chương:
Chương: 3. Kế toán Nhà nước và Tổng Kế toán Nhà nước
Đổi tên Chương 4. Hoạt động nghề nghiệp kế toán, thành chương 5: Dịch vụ kế toán và nghề nghiệp kế toán.
Chương IV – Kế toán Nhà nước và Tổng Kế toán Nhà nước, nên thiết kế khoảng 10 điều, quy định về trách nhiệm tổ chức kế toán của các tổ chức quản lý và sử dụng tài chính Nhà nước, ngân quỹ Nhà nước, quy định về chứng từ kế toán Nhà nước, về sổ và quyết toán kinh phí Nhà nước, quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, tổ chức và thực hiện kế toán Nhà nước, Tổng Kế toán Nhà nước, về lập và công khai BCTC Nhà nước. Người làm kế toán và tổ chức bộ máy kế toán ở các đơn vị kế toán Nhà nước, BCTC (Đơn vị quản lý ngân sách, ngân quỹ Nhà nước, đơn vị hành chính, hành chính sự nghiệp… cần có những quy định riêng chặt chẽ hơn, có tính pháp lý cao hơn. Cần phải có những quy định riêng khác với quy định cho các DN.
Chương V – Dịch vụ kế toán và nghề nghiệp kế toán, gồm 3 Mục, khoảng 15 Điều:
Mục I -Dịch vụ kế toán: Cần có các điều quy định về tính chất, nội dung dịch vụ kế toán, DN dịch vụ kế toán, điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, quyền và nghĩa vụ của các DN dịch vụ kế toán, Phí dịch vụ, giá trị tài liệu kế toán do dịch vụ kế toán thực hiện; Đơn vị được cung cấp dịch vụ kế toán, quyền và nghĩa vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán…
Mục II -Hành nghề kế toán: Cần có các quy định về kế toán viên hành nghề, tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề kế toán, đăng ký hành nghề kế toán, quyền và nghĩa vụ của kế toán viên hành nghề…
Mục III. Nghề nghiệp kế toán: Cần có quy định về: Tổ chức nghề nghiệp kế toán, Hội viên, quyền và nghĩa vụ của Tổ chức nghề nghiệp trong việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán.
3- Về nội dung cụ thể một số điều khoản:
Việc chỉnh sửa nội dung của 20 điều là cần thiết: Gồm các điều 1, 6, 7, 8, 12, 13, 14, 19, 21, 23, 27, 29, 49, 51, 52, 54, 55, 57, 58, 59.
Tuy nhiên còn nhiều điều, nhiều nội dung khác cũng cần được sửa đổi và đặc biệt là bổ sung hàng chục điều. Các điều đã sửa đổi theo dự thảo cũng cần có sự trao đổi thêm.
Trong phạm vị bài tham luận này, xin nêu và đề xuất một số nội dung, một số điều cần bổ sung, chỉnh sửa và hướng xử lý.
(1)- Cần bổ sung phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Bổ sung thêm: người làm kế toán, người hành nghề kế toán, người được cung cấp dịch vụ kế toán và tổ chức nghề nghiệp kế toán.
(2) Thuật ngữ “Đơn vị kế toán” cần hiểu lại và giải thích lại, xem có còn phù hợp trong bối cảnh tồn tại các loại hình tổ chức kinh tế, tổ chức DN hiện nay không?
(3)- Bổ sung thêm các thuật ngữ (Điều 4): Đạo đức nghề kế toán, Đơn vị tiền tệ lập BCTC. Chỉnh sử giải thích các Thuật ngữ: Kỳ kế toán (Điều 13), hình thức kế toán, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán thuế (Điều 10) …
(4)- Điều 7: Nguyên tắc kế toán: cần bổ sung cho đầy đủ hơn. Cân nhắc quy định về nguyên tắc giá gốc, trị giá hợp lý của tài sản.
Nguyên tắc giá gốc hay còn gọi là nguyên tắc tài sản được tính theo giá gốc, có nghĩa là giá khi mua sắm, xây dựng, lắp ráp đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Đây là căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá hoạt động kinh tế – tài chính và đề ra các quyết định cần thiết. Luật Kế toán quy định: “Đơn vị kế toán không được tự điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Khoản 1, Điều 17). Cần xem xét và tính đến nguyên tắc và khả năng cho phép hạch toán theo giá trị hợp lý, hoặc phản ảnh theo giá trị hợp lý trên BCTC. Cần cân nhắc kỹ và có lộ trình phù hợp. Quy định rõ nguyên tắc và phạm vi, điều kiện áp dụng.
– Nguyên tắc nhất quán: chất lượng và mức độ tin cậy của thông tin kế toán ít nhiều phụ thuộc vào việc chọn lựa và áp dụng các quy định và phương pháp kế toán. Để tiến hành kế toán, bên cạnh việc phải tuân thủ các quy định của luật pháp, các chuẩn mực kế toán quốc gia, đơn vị kế toán có quyền lựa chọn các quy định, các phương pháp kế toán trong khuôn khổ luật pháp và chuẩn mực kế toán phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản lý của mình như: quy định về sổ kế toán, về mức độ chi tiêu của tài khoản, của sổ kế toán, của chỉ tiêu trên báo cáo kế toán, phương pháp đánh giá hàng tồn kho; tính, trích khấu hao tài sản cố định; tính, trích dự phòng; đánh giá sản phẩm dở dang… việc lựa chọn các phương pháp và quy định kế toán để áp dụng thuộc quyền của đơn vị kế toán, nhưng luật quy định phải nhất quán ít nhất là trong 1 kỳ kế toán (năm); trường hợp có sự thay đổi về quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong báo cáo (Khoản 2, Điều 7). Đồng thời, khi lựa chọn và sử dụng “phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế – tài chính của đơn vị kế toán” (Khoản 6, Điều 7).
(5) – Điều 8, quy định về Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp kế toán, chứ không chỉ đạo đức hành nghề kế toán.
(6) Các hành vi nghiêm cấm cần tách riêng các hành vi nghiêm cấm:
– Đối với người làm kế toán nói chung
– Đối với người hành nghề kế toán, đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán (Lưu ý Khoản 7, Điều 14)
– Đối với đơn vị nhận và được cung cấp dịch vụ kế toán.
– Đối với các tổ chức nghề nghiệp kế toán, các cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán.
(7)- Điều 15, Giá trị của tài liệu, số liệu kế toán, cần quy định rõ hơn, kể cả tài liệu, số liệu kế toán do dịch vụ kế toán cung cấp. Cần có quy định về trách nhiệm và quyền của người cung cấp dịch vụ kế toán khi ký trên các BCTC, các bảng kê khai thuế, hải quan.
(8)- Về Chứng từ điện tử: Cần đánh giá và quy định lại về Chứng từ điện tử: (Điều 19, Khoản 6) có cần in ra giấy và lưu trữ theo quy định tại Điều 42 không?
Xu thế phát triển tất yếu của thương mại điện tử trên thế giới thể hiện qua tốc độ phát triển của thương mại điện tử và đã đem lại những lợi ích to lớn cho DN, người tiêu dùng và Chính phủ. Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM phấn đấu thực hiện “thương mại phi giấy tờ” vào năm 2015. Hiện nay, ở nước ta về pháp lý các hình thức thông tin điện tử đề cập ở Luật Thương mại (Điều 49) quy định về điện báo, telex, fax. Nghị định 44/2002/NĐ-CP ngày 21/3/2002 của Chính phủ thừa nhận các yếu tố của chứng từ điện tử và chữ ký điện tử trong thanh toán của hệ thống ngân hàng. Luật Kế toán quy định chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có đầy đủ các nội dung quy định cho chứng từ kế toán và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hoá và không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng vi tính hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán. Xem lại quy định về Chứng từ điện tử phải in ra giấy để lưu trữ như tài liệu kế toán khác.
Cần tính toán và quy định thêm phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin.
(9)- Các điều 17 Nội dung chứng từ kế toán, Điều 2 Lập chứng từ kế toán, Điều 25, 26: Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán. Cần đối chiếu những quy định của Thông tư 200 của Bộ Tài chính mới ban hành, đồng thời cần cân nhắc đến quy định của Luật DN 2014 về chữ ký và dấu của DN.
Các quy định Chứng từ kế toán phải được lập theo nội dung trên mẫu (Điều 19), Vậy là mẫu nào, ai quy định. Chứng từ kế toán… liên gửi cho bên ngoài phải có dấu của đơn vị kế toán (Điều 19. Khoản 4). Sổ kế toán phải đóng dấu giáp lai (Điều 25, Khoản 2). Đơn vị kế toán căn cứ hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị (Điều 26, Khoản 2).
(10)- Về BCTC: Điều 29, 30, 31, 32, 33, 34. Cần quy định riêng: BCTC DN, BCTC Nhà nước, BCTC các đơn vị hành chính sự nghiệp. Vấn đề kiểm toán cũng cần được quy định riêng cho việc kiểm toán BCTC DN do kiểm toán độc lập thực hiện và kiểm toán BCTC do kiểm toán Nhà nước thực hiện. Mức độ công khai của các BCTC cũng khác nhau. Nên có quy định về công khai BCTC giữa niên độ kế toán.Quy định rõ hơn cách thức công khai như phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản, niêm yết, các hình thức khác và thời hạn công khai BCTC.
(11)- Về Kế toán Nhà nước và Tổng Kế toán Nhà nước. Cần thiết có một chương riêng, quy định rõ quyền và trách nhiệm kế toán, lập BCTC Nhà nước, giá trị thông tin kế toán Nhà nước, quyền và nghĩa vụ sử dụng thông tin về kế toán Nhà nước (Tổng Kế toán Nhà nước).
(12)- Về dịch vụ kế toán, hành nghề kế toán cần thiết kế một chương mới, đầy đủ với khoảng 15 điều. Quy định đầy đủ nội dung dịch vụ kế toán, điều kiện, giá trị của dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của cá nhân hành nghề kế toán và tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán. Luật Kế toán quy định chứng chỉ hành nghề kế toán được cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài. Cần có quy định về mặt pháp lý các chứng chỉ nghề nghiệp và chứng chỉ hành nghề kế toán phù hợp thông lệ quốc tế để có thể được các nước thừa nhận.
Trao đổi lại quy định về điều kiện vốn, số lượng kế toán viên hành nghề, về quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán…
(13)- Quy định lại tổ chức bộ máy kế toán, đặc biệt là trong điều kiện DN thuê làm kế toán và có không ít DN không có bộ máy kế toán hoặc bộ máy kế toán không hoàn chỉnh (Khoảng 200.000 DN) (Điều 50, 51). Cần xem xét và bổ sung quy định trong điều kiện Nhà nước chấp nhận và cho phép hoạt động dịch vụ kế toán. Những quy định này chỉ thích hợp cho các đơn vị kế toán là cơ quan Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp.
(14)- Về kế toán trưởng (Điều 54, 55, 56). Cần cân nhắc và quy định lại vị thế, trách nhiệm, quyền của kế toán trưởng trong các tổ chức quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân… Người có chứng chỉ CPA đương nhiên đủ tiêu chuẩn là kế toán trưởng.
(15)- Quy định về quản lý Nhà nước về kế toán (Điều 59, 60..) Cần quy định lại theo tư duy quản lý mới, làm rõ nội dung quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức nghề nghiệp.
(16)- Về tổ chức nghề nghiệp kế toán:
Điều 58 cần được bổ sung quyền và nghĩa vụ của Tổ chức nghề nghiệp trong bồi dưỡng kiến thức kế toán cho hội viên và quản lý chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp của các hội viên. Tổ chức nghề nghiệp phải có nhiệm vụ đào tạo và tổ chức thi kế toán viên, kiểm toán viên. Cần phân biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng dịch vụ trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Đề nghị quy định rõ hơn:
– Hội là tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người làm nghề kế toán và kiểm toán.
– Hội có chức năng hỗ trợ quản lý hội viên làm kế toán, kiểm toán trong cả nước, tư vấn khoa học và phản biện xã hội…
– Hội quản lý đăng ký hành nghề kế toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và đạo đức nghề nghiệp kế toán viên, kiểm toán viên.
Hội là tổ chức nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng và thi, cấp chứng chỉ CPA cho kế toán viên.
– Người hành nghề kế toán phải là hội viên Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam.
Tóm lại, trên đây là một số ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2003. Còn nhiều vấn đề cụ thể muốn trao đổi thêm, nhưng chỉ ngần đó nội dung cũng đã cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán (2003) một cách căn bản và toàn diện hơn, chứ không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều.
Đề nghị, cần ban hành Luật Kế toán mới thay thế Luật Kế toán 2003.
(Theo: TapchiKetoanvaKiemtoan)