Nghiên cứu trao đổi

Làm rõ các quy định của chuẩn mực đạo đức nghề cho kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong doanh nghiệp

Tiêu đề Làm rõ các quy định của chuẩn mực đạo đức nghề cho kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp trong doanh nghiệp Ngày đăng 2015-12-29
Tác giả Admin Lượt xem 1558

Theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/05/2015 thì Kế toán viên (KTV), kiểm toán viên (KiTV) chuyên nghiệp “là cá nhân được tổ chức có thẩm quyền cấp Chứng chỉ KTV hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán”; KTV, KiTV chuyên nghiệp trong doanh nghiệp (DN) “là KTV, KiTV chuyên nghiệp làm việc trong các DN thuộc các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, dịch vụ, lĩnh vực công, giáo dục, lĩnh vực phi lợi nhuận, cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp” và KTV, KiTV hành nghề “là KTV, KiTV chuyên nghiệp làm việc trong DN kế toán, kiểm toán cung cấp các dịch vụ chuyên môn như kế toán, kiểm toán, thuế hoặc tư vấn”. Tức là KTV, KiTV chuyên nghiệp làm việc trong DN trước hết phải là KTV, KiTV được cấp các chứng chỉ hành nghề (chuyên nghiệp) và phải làm việc trong các tổ chức, đơn vị nhất định. Điều này có nghĩa bản thân những người này sẽ không trực tiếp tham gia các hoạt động hành nghề vì KTV, KiTV hành nghề thì ngoài việc có đầy đủ chứng chỉ hành nghề (chuyên nghiệp) họ phải làm trong các Công ty cung cấp dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán hay những cá nhân đủ điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán.
Câu hỏi đặt ra với đối tượng này, đó là có cần thiết phải áp dụng quy định về đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán không và nếu áp dụng thì mức độ áp dụng như thế nào? Nội dung bài viết sẽ làm rõ các vấn đề này.
Các nhà đầu tư, nhà cung cấp, chủ DN, chính phủ và công chúng có thể dùng công việc của KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN. KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN có thể là người làm thuê, thành viên Ban giám đốc, Giám đốc điều hành hoặc không tham gia điều hành DN, chủ DN kiêm Giám đốc, tình nguyện viên hay cá nhân làm việc cho một hay nhiều tổ chức. Họ có thể nắm giữ vị trí cao cấp trong DN, tổ chức đó. Đồng thời KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN có thể phải chịu trách nhiệm một cách độc lập hoặc liên đới về việc lập và trình bày Báo cáo tài chính và các thông tin khác mà DN, tổ chức và bên thứ ba sử dụng, có thể phải chịu trách nhiệm đối với việc quản lý tài chính hiệu quả và tư vấn liên quan đến hoạt động kinh doanh. Họ không được tham gia vào các hoạt động kinh doanh, công việc, hoạt động làm tổn hại hoặc có thể làm tổn hại đến tính chính trực, tính khách quan hoặc uy tín nghề nghiệp và vì vậy dẫn đến việc không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản.
Khi xuất hiện các nguy cơ không tuân thủ nguyên tắc đạo đức như nguy cơ do tư lợi, nguy cơ tự kiểm tra, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ từ sự quen thuộc và nguy cơ bị đe dọa thì KTV, KiTV chuyên nghiệp trong các DN phải áp dụng các biện pháp bảo vệ để nhằm loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được như các biện pháp bảo vệ do cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp quy định và các biện pháp bảo vệ trong môi trường làm việc. Trường hợp vẫn xảy ra nghiêm trọng, khi toàn bộ các biện pháp bảo vệ có thể thực hiện đều không hiệu quả và không thể làm giảm các nguy cơ đến mức có thể chấp nhận được thì KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải tính đến xin thôi việc. 
Một số nguy cơ phát sinh và biện pháp bảo vệ khi KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN đó là:
Xung đột về lợi ích: chương 310 quy định xung đột về lợi ích khi thực hiện các hoạt động chuyên môn đó là KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN (nơi KTV, KiTV chuyên nghiệp làm việc, nhà cung cấp, khách hàng, bên cho vay, cổ đông hoặc các bên khác) thực hiện hoạt động chuyên môn liên quan đến một vấn đề cụ thể cho hai hoặc nhiều bên xung đột về lợi ích liên quan đến vấn đề trên hoặc lợi ích của KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN liên quan đến một vấn đề cụ thể trong hoạt động chuyên môn bị xung đột với lợi ích của bên có liên quan đến hoạt động chuyên môn mà họ thực hiện. Khi xác định sự xung đột về lợi ích phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết để loại trừ hoặc làm giảm nguy cơ ảnh hưởng việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản xuống mức có thể chấp nhận được. Trường hợp phát sinh nguy cơ do xung đột về lợi ích lớn hơn mức có thể chấp, thì KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải từ chối thực hiện hoặc ngừng thực hiện hoạt động chuyên môn mà hoạt động đó làm phát sinh xung đột về lợi ích; hoặc chấm dứt các mối quan hệ có liên quan hoặc từ bỏ các lợi ích có liên quan nhằm loại trừ hoặc làm giảm nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được, thông qua việc xác định bản chất của lợi ích và mối quan hệ giữa các bên liên quan đến hoạt động chuyên môn và bản chất của hoạt động chuyên môn và ảnh hưởng của hoạt động chuyên môn đó đối với các bên liên quan; Có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ đó là:
+ Cơ cấu lại hoặc phân công lại trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể
+ Thực hiện sự giám sát phù hợp
+ Không tham gia quá trình ra quyết đinh có liên quan đến vấn đề làm phát sinh xung đột về lợi ích
+ Tham khảo ý kiến tư vấn từ bên thứ ba như tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia tư vấn pháp luật hoặc kế toán viên, KiTV chuyên nghiệp khác.
Lập và báo cáo thông tin: Chương 320 quy định KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN thường tham gia vào việc lập và báo cáo thông tin có thể được công bố ra công chúng hoặc được các đối tượng khác trong và ngoài DN sử dụng, đó là những thông tin tài chính hoặc thông tin quản lý, do đó yêu cầu thông tin phải được trình bày một cách trung thực, hợp lý và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và các quy định về pháp lý có liên quan đến lập và trình bày thông tin để các thông tin này được hiểu đúng bản chât. Đặc biệt, đối với các Báo cáo tài chính thì KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN chịu trách nhiệm lập hoặc phê duyệt báo cáo tài chính cho mục đích chung của DN phải đảm bảo rằng báo cáo tài chính đó được lập và trình bày phù hợp với các chuẩn mực và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày Báo cáo tài chính được áp dụng. KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của nguy cơ và áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để loại trừ hoặc giảm trừ các nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được, trường hợp không thể làm giảm ảnh hưởng các nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được, KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải từ chối không tham gia vào việc lập và trình bày thông tin mà KTV, KITV chuyên nghiệp xác định là sai lệch.
Hành động với đầy đủ kỹ năng chuyên môn: Chương 330 quy định KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN chỉ được đảm nhận các trọng trách mà người có đủ năng lực và kinh nghiệm, không được cố ý làm chủ DN hiểu nhầm về trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm của mình, mà phải tham khảo ý kiến tư vấn chuyên gia phù hợp khi cần thiết. Khi không thể loại trừ hoặc làm giảm nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được, KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải quyết định liệu có từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao hay không và phải trình bày rõ lý do.
Lợi ích tài chính, tiền lương, tiền thưởng gắn với việc lập và trình bày Báo cáo tài chính và ra quyết định: Chương 340 quy định KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN có thể có lợi ích tài chính bao gồm lợi ích phát sinh từ các thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng hoặc có thể biết về lợi ích tài chính của thành viên có quan hệ trực tiếp hoặc gần gũi họ mà trong một số trường hợp có thể làm phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản, do đó không được phép làm sai lệch thông tin hoặc sử dụng các thông tin bảo mật cho lợi ích cá nhân hoặc cho lợi ích tài chính của người khác, càng ở những vị trí cao, thì áp lực sai lệch thông tin từ cấp trên và đồng nghiệp càng lớn nên phải đặc biệt chú ý đến việc tuân thủ với nguyên tắc đạo đức về tính chính trực, thẳng thắn và trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh. KTV, KiTV chuyên nghiệp trong DN phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của nguy cơ phát sinh từ lợi ích tài chính và áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ đó xuống mức có thể chấp nhận được.
Các ưu đãi: Chương 350 quy định về việc nhận các ưu đãi và đưa ra các đề nghị ưu đãi. Ưu đãi có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như quà biếu, quà tặng, chiêu đãi, đối xử ưu ái, quan hệ bạn bè hay khách hàng thân thiết theo cách thức không phù hợp, đây là nguy cơ do tư lợi. Sự tồn tại và mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ này phụ thuộc vào bản chất, giá trị và ý đồ sau đề nghị nhận ưu đãi. Bên cạnh đó, họ cũng được kỳ vọng, hay chịu sức ép, phải đưa ra các đề nghị ưu đãi để tác động đến xét đoán hoặc quá trình ra quyết định của một cá nhân hay tổ chức, hoặc để lấy thông tin mật. Trường hợp này phải sử dụng các biện pháp bảo vệ  phù hợp như thông báo cho cấp lãnh đạo cao hơn hơn Ban quản trị DN; thông báo đề nghị ưu đãi đó cho bên thứ ba như tổ chức nghề nghiệp hay DN nơi người đưa ra đề nghị nơi làm việc; thông báo cho thành viên có quan hệ gia đình trực tiếp hoặc gần gũi của mình biết về các nguy cơ…/.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC ngày 08/5/2015, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *