Nghiên cứu trao đổi

CÁC THUYẾT GIẢI THÍCH SỰ TỰ NGUYỆN CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Tiêu đề CÁC THUYẾT GIẢI THÍCH SỰ TỰ NGUYỆN CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP Ngày đăng 2016-09-08
Tác giả Admin Lượt xem 966

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số T6/2016)

Trong những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp (DN) công bố thông tin về môi trường và trách nhiệm xã hội (XH) ngày càng tăng, cả về mặt định lượng và định tính. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi xuất hiện báo cáo về môi trường, khi mà không có các quy định bắt buộc, các DN vẫn công bố chúng một cách tự nguyện. Bài báo hệ thống các thuyết luận giải cho hiện tượng trên. Các thuyết đó bao gồm: Thuyết hợp pháp hóa, thuyết các bên liên quan và thuyết tổ chức.

Thuyết thứ nhất được sử dụng để giải thích hiện tượng, DN tự nguyện công bố thông tin về môi trường và XH, là thuyết hợp pháp hóa. Theo thuyết này, các DN phải tìm kiếm những giải pháp, nhằm đảm bảo hoạt động của họ nằm trong phạm vi và quy chuẩn của XH nó hoạt động. Những phạm vi và quy chuẩn này, không luôn ở trạng thái tĩnh mà nó thay đổi theo thời gian. Chính vì vậy, DN bắt buộc cũng phải thay đổi hoạt động, nhằm đáp ứng một cách phù hợp. Những phạm vi và chuẩn mực này, dựa trên ý niệm hợp đồng XH “social contract”. Hợp đồng XH chỉ ra những kỳ vọng hoặc ngầm định, hoặc rõ ràng XH yêu cầu DN cần thực thi hoạt động của nó, nhằm hướng tới những kỳ vọng này. Trong khi, những kỳ vọng rõ ràng được thể hiện trong hệ thống pháp luật, thì những kỳ vọng ngầm định không được luật pháp hóa. Theo quan điểm truyền thống, những kỳ vọng của XH trước đây được đánh giá theo mức độ tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã thay đổi, chuyển hướng sang các vấn đề liên quan đến con người, môi trường và XH. Hợp đồng XH cung cấp các chuẩn mực pháp luật, cho phép các DN sở hữu và sử dụng nguồn tài nguyên cũng như nguồn nhân lực. Bằng việc sử dụng các nguồn lực này, sản phẩm đầu ra của các DN có thể là các sản phẩm tốt và cả những phế thải ra ngoài môi trường. DN chỉ được tồn tại, khi mà lợi ích XH kỳ vọng cao hơn so với chi phí nó gánh chịu (Mathews, 1993). Nói chung, XH chỉ cho phép DN tiếp tục hoạt động, khi nào DN đáp ứng được kỳ vọng của nó. Một khi, kỳ vọng của XH bị vi phạm thì DN sẽ gặp khó khăn, trong huy động và sử dụng nguồn lực để tiếp tục hoạt động. Những hành động có thể xảy ra là bắt buộc DN ngừng hoạt động, trên cơ sở tính tuân thủ của luật pháp, hoặc hạn chế cung cấp nguồn lực hoặc giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của DN. Rõ ràng là, sự tồn tại và phát triển của DN khi và chỉ khi hoạt động của nó phù hợp với kỳ vọng của XH, đáp ứng được nguyên tắc đề ra, không vi phạm hợp đồng XH và được coi là hợp pháp hóa.

Nhưng hợp pháp hóa của một DN vẫn có thể bị đe dọa, ngay cả khi những hoạt động của nó không lệch hướng kỳ vọng của XH, do DN không công bố các thông tin ra công chúng, cung cấp minh chứng cho thấy hoạt động của nó là phù hợp với kỳ vọng của XH. DN có thể cung cấp cho các bên liên quan về sự hợp pháp hóa của nó bằng nhiều kênh thông tin khác nhau như báo cáo hàng năm, báo cáo phát triển bền vững hoặc qua mạng điện tử. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, những công bố này có thể là “có thực” hoặc cũng có thể chỉ là “giả tạo”. 

Kết quả của một số nghiên cứu thực chứng, đã được giải thích bằng thuyết hợp pháp hóa. Ví dụ, nghiên cứu của Patton (1992) đã chỉ cho thấy, những công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí của Mỹ đã mở rộng phạm vi thông tin công bố về môi trường, sau sự cố tràn dầu của công ty Exxon Vaidez tại Alaskan năm 1989. Thuyết hợp pháp hóa cũng là cơ sở lý luận được sử dụng để giải thích cho các công ty trong ngành dầu khí. Làm như vậy, nhằm minh chứng cho XH thấy rằng, hoạt động của nó là hợp pháp, là phù hợp với kỳ vọng của XH. Deegan và Rankin (1996) cũng chỉ ra cho thấy, các DN sẽ công bố thông tin về môi trường trong năm bị khởi kiện sẽ nhiều hơn những năm khác và những DN đang bị kiện sẽ công bố nhiều thông tin về môi trường hơn so với các DN không bị khởi kiện. 

Thuyết thứ hai được sử dụng để giải thích hiện tượng, DN tự nguyện công bố thông tin về môi trường và XH, là thuyết các bên liên quan. Các bên liên quan có thể là một nhóm người hoặc cá nhân, có ảnh hưởng đến mục tiêu của DN hoặc bị mục tiêu của DN chi phối. Đều xuất phát từ thuyết các bên liên quan, nhưng có 02 quan điểm khác nhau: Thuyết các bên liên quan chuẩn mực (ethical stakeholders) và các bên liên quan quyền lực (powerful stakeholders). 

Theo thuyết các bên liên quan chuẩn mực, toàn bộ các bên liên quan đều được đối xử công bằng, DN được xem là đơn vị, hoạt động của nó, nhằm hòa hợp các lợi ích của các bên liên quan. Một khi lợi ích của các bên xung đột, thì nhà quản trị DN tìm cách để cân bằng các lợi ích kinh tế đó, theo phương pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, thuyết các bên liên quan quyền lực cho rằng, nhà quản trị DN có chủ ý quan tâm đến kỳ vọng của các đối tượng liên quan có quyền lực. Các bên liên quan được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, theo mức độ ảnh hưởng của họ đến sự thành công hay thất bại của DN. Mức độ này, là khả năng ảnh hưởng đến sự kiểm soát toàn bộ nguồn lực cần thiết cho sự tồn tại và phát triển DN như nguồn nhân lực, nguồn tài chính,… Nhà quản trị DN phải nhận thức và thực hiện được yêu cầu của các bên liên quan, để đạt được mục tiêu của tổ chức. Kỳ vọng của các bên liên quan thay đổi theo thời gian, do vậy DN phải thường xuyên điều chỉnh hoạt động và công bố thông tin của họ, cho phù hợp với kỳ vọng đó.

Những thông tin do DN công bố, bao gồm cả thông tin tài chính và thông tin môi trường, XH là những căn cứ quan trọng, để các bên liên quan đánh giá về hoạt động của nó, đưa ra quyết định chấp thuận hay không đồng ý hoạt động của DN.

Nghiên cứu của Neu, Warsame và Pedwell (1998) chỉ ra cho thấy, các DN đáp ứng công bố nhiều thông tin về môi trường theo yêu cầu của cơ quan pháp luật và cổ đông, hơn là những người hoạt động vì môi trường. Kết quả nghiên của Islam và Deegan (2008) cho thấy, các DN trong ngành may mặc của Bangladesh đã thay đổi điều kiện làm việc cho công nhân, sử dụng lao động trẻ em,… theo yêu cầu của các khách hàng châu Âu sử dụng sản phẩm của họ.

Thuyết cuối cùng được sử dụng để giải thích hiện tượng, DN tự nguyện công bố thông tin về môi trường và XH, là thuyết tổ chức. Thuyết tổ chức được sử dụng, làm luận giải nguyên nhân các DN hành động tương tự hoặc khác biệt với các tổ chức khác, để đảm bảo tính hợp pháp của nó. Dạng thứ nhất của thuyết tổ chức là tương đồng. Theo đó, tương đồng là quá trình bắt buộc một đơn vị trong tổng thể, phải tương thích với những đơn vị khác. Cụ thể hơn, đối với vấn đề công bố thông tin về môi trường thì đơn vị không công bố thông tin liên quan về môi trường, trong một hoàn cảnh có nhiều đơn vị khác thực hiện công bố, thì bắt buộc nó phải tương đồng với những đơn vị này, bằng việc công bố những thông tin tương tự. Quá trình tương đồng có thể diễn ra theo 3 quá trình khác nhau: Tương đồng bắt buộc, tương đồng sao chép và tương đồng dạng chuẩn. Tương đồng bắt buộc phát sinh, khi DN thay đổi những hành vi của nó do sức ép từ các bên liên quan có quyền lực. Các bên liên quan này, có kỳ vọng giống như những bên liên quan có quyền lực của các DN khác. Do vậy, các hành vi của các DN bao gồm cả các báo cáo sẽ có nhiều nét tương đồng. Các tổ chức tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), khi tài trợ cho các nước phát triển thường có quyền lực ép buộc báo cáo tài chính của các nước này, phải tuân thủ theo yêu cầu của nó. Theo đó, những đơn vị, DN nhận được vốn từ WB có xu hướng lập các báo cáo theo quy tắc chung do tổ chức này (Neu& Ocampo, 2007). Tương đồng sao chép được hiểu là tương đồng mà DN chủ động sao chép những hành vi của đơn vị khác để có được thế lợi cạnh tranh và giảm bớt rủi ro. Những DN hoạt động trong cùng một lĩnh vực, sẽ sao chép các hành vi của những đơn vị tiên tiến, do vậy sẽ có được sự ủng hộ gia tăng của các bên liên quan về tính hợp pháp hóa của nó. Nếu không có tương đồng bắt buộc thì sự tương đồng thường diễn ra theo dạng tương đồng sao chép. Tương đồng chuẩn, phát sinh từ sức ép quy tắc của nhóm được áp dụng cho một DN cụ thể, trong một lĩnh vực cụ thể. Nếu như, DN nào không tuân thủ quy tắc nhóm này sẽ chịu sự hình phạt của nhóm.  Kết quả của tương đồng sẽ dẫn đến, cơ cấu và quá trình hoạt động kinh doanh của các DN trong nhóm sẽ tương đồng.

Dạng thứ hai của thuyết tổ chức là tách biệt. Mặc dù, các nhà quản trị thường áp dụng kiểu tương đồng, nhưng có những DN lại có những có những hành vi khác biệt với những đơn vị khác. Ví dụ, trong khi các DN hoạt động chỉ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và giá trị của các cổ đông, thì lại có những DN đã xây dựng hình ảnh khác biệt của mình đối với công chúng, qua các báo cáo tài chính và những công bố liên quan đến môi trường, cũng như trách nhiệm XH.

Nhìn chung, khi nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tính tự nguyện công bố thông tin liên quan đến môi trường và XH thì trong 03 thuyết trên, thường được sử dụng để lý giải. Có thể thấy, có những trùng lặp nhất định giữa 3 thuyết. Tuy nhiên, sự giải thích cho một trường hợp cụ thể, sẽ đầy đủ, logic hơn nếu như các thuyết đều được vận dụng, để làm cơ sở lý luận./.

Tài liệu tham khảo

1. Deegan C. & M. Rankin (1996), Do Australian companies report environmental news objectively? An analysis of environmental disclosures by firms prosecuted successfully by the Environmental Protection Authority, Accounting, Auditing and Accountability Journal, 9(2), pp. 52-69.
2. Islam, M. & C. Deegan (2008), Media pressures and corporate disclosure of social responsibility performance: a study of two global clothing and sports retail companies, Accounting and Finance Association of Australia and Newzland Annual Conference, Sydney.
3. Mathews, M. R. (1993), Socially Responsible Accounting, London: Chapman & Hall.
4. Neu, D. & E. Ocampo (2007), Doing missionary work: the World Bank and the diffusion of financial pratices, Critical Perpectives on Accounting, 18, pp. 363-389.
5. Neu, D., H. Warsame & K. Pedwell (1998), Managing public impressions: environmental disclosures in annual reports, Accounting, Organizations and Society, 25(3), pp. 265-282.
6. Patten, D, M. (1992), Intra-industry environmental disclosures in response to the Alaskan oil spill: a note on legitimacy theory, Accounting, Organizations and Society, 55(5), pp. 471-475..

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *