Nghiên cứu trao đổi

CHỈ TIÊU LÃI TRÊN CỔ PHIẾU KHI LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Tiêu đề CHỈ TIÊU LÃI TRÊN CỔ PHIẾU KHI LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH Ngày đăng 2016-09-15
Tác giả Admin Lượt xem 11001

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T6/2016)

Đối với các Công ty cổ phần (Công ty riêng hoặc theo Mô hình Công ty mẹ – Công ty con), chỉ tiêu liên quan đến cổ phiếu có vai trò quan trọng, vì phản ánh được tình trạng tài chính của doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng đến nhiều đối tượng liên quan. Theo hướng dẫn của Thông tư số 200/2014/TT-BTC, thì hệ thống Báo cáo tài chính sẽ có một số chỉ tiêu liên quan đến cổ phiếu như đó là:

Trên Bảng Cân đối kế toán, trường hợp DN hoạt động liên tục: Phần C, Nợ phải trả (chỉ tiêu 339 – Trái phiếu chuyển đổi và chỉ tiêu 340 – Cổ phiếu ưu đãi); Phần D, Vốn Chủ sở hữu (chỉ tiêu 411a – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết; Chỉ tiêu 411b – Cổ phiếu ưu đãi; Chỉ tiêu 413 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu; Chỉ tiêu 415 – Cổ phiếu quỹ. Trường hợp DN hoạt động không liên tục thì có chỉ tiêu 339 – Trái phiếu chuyển đổi và chỉ tiêu 340 – Cổ phiếu ưu đãi.
Trên Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh:  Chỉ tiêu 70 – Lãi cơ bản trên cổ phiếu và chỉ tiêu 71- Lãi suy giảm trên cổ phiếu.

Trên Bản Thuyết minh Báo cáo tài chính, trường hợp DN hoạt động liên tục Phần VI, Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Bảng cân đối kế toán: Chỉ tiêu 21- Trái phiếu phát hành; Chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu.

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ liên quan đến dòng tiền.
Việc lập các Chỉ tiêu này đã được hướng dẫn chi tiết, cụ thể theo Thông tư 200, tuy nhiên, chỉ tiêu Lãi cơ bản trên cổ phiếu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được chúng tôi làm rõ hơn. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là chỉ tiêu phản ánh kết quả (lãi hoặc lỗ) sau khi trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi tính theo số lượng cổ phiếu bình quân gia quyền đang lưu hành, minh họa theo công thức:

Lãi cơ bản trên cổ phiếu = (Kết quả trong kỳ – Phân tích lập quỹ khen thưởng phúc lợi)/ Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ
Đồng thời, chỉ tiêu lãi suy giảm trên cổ phiếu cách thức xác định có tính đến sự tác động của các công cụ trong tương lai, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc pha loãng giá trị cổ phiếu, minh họa theo công thức:

Lãi suy giảm trên cổ phiếu = (Kết quả trong kỳ – Phân tích lập quỹ khen thưởng phúc lợi)/( Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ + Số lượng cổ phiếu phổ thông dự kiến được phát hành thêm)

Cách xác định các chỉ tiêu này trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chỉ tiêu số 70 và chỉ tiêu số 71 và được trình bày trên BCTC của DN cổ phần, trường hợp Công ty mẹ là công ty cổ phần thì chỉ tiêu này được trình bày trên BCTC Hợp nhất không trình bày trên BCTC riêng của công ty mẹ. Nội dung các chỉ tiêu trong các công thức trên, được xác định như sau:

+ Kết quả trong kỳ /Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông đó là tổng kết quả sau thuế TNDN (chỉ tiêu số 60 trên Báo cáo KQHĐKD) cộng (+)các khoản điều chỉnh tăng và trừ c (-)các khoản điều chỉnh giảm.

Các khoản điều chỉnh tăng đó là: (1) Phần chênh lệch lớn hơn giữa giá trị ghi sổ của Cổ phiếu ưu đãi với giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho người sở hữu, khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu ưu đãi của người sở hữu, tức là mua lại Cổ phiếu ưu đãi của người chủ sở hữu với giá thấp hơn mệnh giá; (2) Các yếu tố làm tăng lợi nhuận sau thuế nếu chuyển đổi cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm thành cổ phiếu phổ thông. Các khoản này được cộng (+) vào kết quả.

Các khoản điều chỉnh giảm đó là: (1) Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi (có hai loại cổ tức là cổ tức ưu đãi lũy kế và cổ tức ưu đãi không lũy kế); (2) Phần chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho người sở hữu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu ưu đãi khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu ưu đãi của người sở hữu, tức là mua lại Cổ phiếu ưu đãi của người chủ sở hữu với giá cao hơn mệnh giá; (3) Phần chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu phổ thông hoặc các khoản thanh toán khác thực hiện theo điều kiện chuyển đổi có lợi, tại thời điểm thanh toán với giá trị hợp lý của cổ phiếu phổ thông được phát hành theo điều kiện chuyển đổi gốc; (4) Các khoản cổ tức, lãi hoặc các khoản khác liên quan tới cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm; (5) Các yếu tố khác làm giảm lợi nhuận sau thuế, nếu chuyển đổi cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm thành cổ phiếu phổ thông. Các khoản này được trừ (-)khỏi kết quả

+ Cách xác định số lượng cổ phiếu phổ thông bình quân lưu hành trong kỳ (Qbq): Được xác định như sau:
Qbp = Số lượng CPPT đầu kỳ + Số lượng CPPT phát hành thêm trong kỳ x (Thời gian lưu hành trong kỳ / Tổng thời gian của kỳ) – Số lượng CPPT giảm thêm trong kỳ x (Thời gian giảm trong kỳ /Tổng thời gian của kỳ)

Nguyên tắc tính số lượng cổ phiếu bình quân là theo trọng số thời gian, các trường hợp cổ phiếu tăng trong kỳ đó là phát hành thêm, chia tách cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, còn các trường hợp giảm cổ phiếu trong kỳ là do mua lại cổ phiếu, gộp cổ phiếu.
Trường hợp tính lãi suy giảm trên cổ phiếu thì số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông, sẽ được phát hành thêm trong kỳ

Cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong kỳ, được coi là cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động làm suy giảm lãi trên cổ phiếu; Gồm quyền chọn mua chứng quyền và các công cụ tương đương; Công cụ tài chính có thể chuyển đổi; Cổ phiếu phổ thông phát hành có điều kiện; Hợp đồng được thanh toán bằng cổ phiếu phổ thông hoặc bằng tiền; Các quyền chọn đã được mua và quyền chọn bán đã phát hành./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2005), Chuẩn mực kế toán số 30 – Lãi trên cổ phiếu và Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán.
2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *