(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2018)
Nhận: 19/03/2018
Biên tập: 20/04/2018
Duyệt đăng: 24/04/2018
Hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên tất các các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán (DVKT). Việc gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO, AEC,… đã và đang đòi hỏi Việt Nam cần có những thay đổi kịp thời để đáp ứng được những yêu cầu này, đặc biệt đối với DVKT bao gồm nguồn nhân lực, bằng cấp chứng chỉ, ngoại ngữ,… Vậy cần thiết phải có những nhóm giải pháp thiết thực cụ thể đó là: Nâng cao nhận thức về chất lượng DVKT; Phát triển nguồn nhân lực kế toán; Hoàn thiện cơ sở pháp lý DVKT; Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp (DN) DVKT; Tăng cường kiểm soát chất lượng DVKT; Tăng cường áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán trong chất lượng DVKT; với Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam.
Từ khóa: Chất lượng DVKT; kiểm soát chất lượng DVKT; hội nhập kế toán; hội nhập DVKT
Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về chất lượng DVKT
Theo báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc các Chuẩn mực kế toán và kiểm toán 2016 của Ngân hàng thế giới thì “chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) các đơn vị có lợi ích công chúng tại Việt Nam hiện chưa nhất quán với các thông lệ quốc tế tốt nhất”, còn nhiều tồn tại như chưa cập nhật theo phát triển của IFRS, BCTC của một số tổ chức và DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội khi lập và trình bày được ưu tiên tuân thủ các quy chế tài chính đặc thù cho chính phủ hơn là các chuẩn mực kế toán. Sự gia nhập các Hiệp định thương mại và quốc tế sẽ làm gia tăng nhu cầu về BCTC chất lượng cao. Mục II trong ROS cũng đã nêu yêu cầu nhận thức về chất lượng của BCTC và kiểm toán đã chỉ rõ, mặc dù các BCTC đã được lập và trình bày theo VAS và đã được kiểm toán nhưng chất lượng chưa cao. Vì thế, cần có các giải pháp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về DVKT bao gồm cung cấp DVKT, sử dụng DVKT, kiểm soát chất lượng DVKT,… đặc biệt là trong điều kiện hội nhập và Việt Nam cam kết thực hiện AEC. Để ngày càng tăng cường cung cấp chất lượng DVKT thì cần thiết phải tăng cường tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ, nâng cao sự nhận thức về giá trị pháp lý của thông tin kế toán được cung cấp.
Nhận thức về tuân thủ các quy định của Nhà nước về cung cấp DVKT tại Chương 4, Luật Kế toán 2015, quy định về kinh doanh DVKT, bao gồm: Điều 57, Chứng chỉ Kế toán viên; Điều 58, Đăng ký hành nghề DVKT; Điều 59, DN kinh doanh DVKT; Điều 60, Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; Điều 61, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; Điều 62, Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; Điều 63, Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; Điều 64, Phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT; Điều 65, Hộ kinh doanh DVKT; Điều 66, Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính; Điều 67, Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề (KTVHN), DN kinh doanh DVKT, hộ kinh doanh DVKT; Điều 68, Trường hợp không được cung cấp DVKT; Điều 69, Đình chỉ kinh doanh DVKT và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề DVKT; Điều 70, Tổ chức nghề nghiệp về kế toán cũng chưa đề cập đến việc cung cấp DVKT qua biên giới, trong điều kiện hội nhập,…
Nhận thức về chất lượng và quản lý chất lượng DVKT: Quản lý chất lượng DVKT là yêu cầu rất cần thiết cho các đối tượng liên quan đến DVKT. Kiểm soát chất lượng DVKT cần dựa vào những tiêu thức nhất định đã được xây dựng, để có sự đánh giá khắc phục, phát huy những kết quả sẵn có.
Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực kế toán
Lĩnh vực đào tạo được đề xuất thực hiện ở cấp học Đại học và Thạc sỹ đối với từng cấp học, đều có những mục tiêu khác nhau nhưng đều hướng đến chương trình, nội dung đào tạo đều được khu vực và quốc tế thừa nhận;
Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý DVKT
Điều kiện tham dự đầu vào; cách thức học và thi; tên gọi và nội dung các môn thi. Đặc biệt, ngoại ngữ sử dụng theo quy định hiện hành của Việt Nam thì thí sinh được phép lựa chọn một trong năm ngoại ngữ thi và chỉ cần đạt yêu cầu, còn theo quy định của chứng chỉ khu vực và quốc tế không đề cập đến ngoại ngữ vì họ mặc nhiên sử dụng tiếng Anh trong thi cũng như trong làm việc. Tuy nhiên, với sự hội nhập kinh tế quốc tế như gia nhập TPP, AEC, … bắt buộc vấn đề ngoại ng ữ/tiếng Anh phải đặc biệt quan tâm thì mới đáp ứng được yêu cầu là sự dịch chuyển DVKT khu vực, quốc tế. Vấn đề đặt ra là, phải giải quyết đối với số lượng nhân lực hiện tại đáp ứng được yêu cầu cũng như xây dựng chương trình, nội dung đào tạo bồi dưỡng và quy trình sát hạch đối với nguồn nhân lực tương lai.
+ Giải quyết đối với nguồn nhân lực hiện tại: Yêu cầu từng đơn vị sử dụng lao động, yêu cầu từng cá nhân phải có trách nhiệm trau dồi, bồi dưỡng để hướng đến mục tiêu bắt buộc phải đạt các chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ và coi đây là một trong những bắt buộc khi đủ điều kiện hành nghề. Việc cập nhật kiểm tra kiến thức hàng năm cũng phải đưa điều kiện bắt buộc này.
+ Giải quyết nguồn nhân lực tương lai: Trong chương trình của các cơ sở đào tạo đều đã có chương trình, nội dung đào tạo tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, có cam kết và chuẩn ngoại ngữ đầu ra, nhưng thực tế do nhiều nguyên nhân thì vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa có thể thành thạo. Vì thế, trong chương trình thi cấp chứng chỉ hàng năm cần thiết phải đưa môn ngoại ngữ với yêu cầu ở cấp độ cao hơn quy định hiện hành. Hơn thế nữa, đề thi sát hạch ngoại ngữ cần tập trung vào chuyên ngành, pháp luật, giải quyết tình huống,…
Nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển các DN DVKT
Để giúp các DN DVKT vượt qua thách thức, phát triển vững mạnh và chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên, trong thời gian tới cần phải có các biện pháp đồng bộ sau:
+ Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hành nghề kế toán (HNKT): Vấn đề mấu chốt để nâng cao quản lý chất lượng DVKT là lựa chọn xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, thỏa mãn yêu cầu của kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế phổ biến, đảm bảo tính pháp lý và thống nhất cao, bao quát đầy đủ, toàn diện các mặt quản lý lĩnh vực hoạt động. Phải nhanh chóng triển khai đưa các văn bản đã ban hành vào cuộc sống. Việc đổi mới và hoàn thiện văn bản pháp luật là công việc thường xuyên, liên tục. Văn bản được ban hành không có nghĩa là kết thúc mà phải thực hiện phổ biến, giảng dạy, hướng dẫn để pháp luật đi vào cuộc sống. Thông qua đó phải rà soát, xem xét các quy định đã bị cũ, không còn phù hợp với điều kiện hiện tại, điều chỉnh những điểm còn chưa thống nhất; Tổng kết những điểm chưa phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, để bổ sung những văn bản đã có và ban hành thêm các văn bản mới. Việc hoàn thiện văn bản pháp luật trước hết là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng Hội nghề nghiệp và các đối tượng HNKT, kiểm toán cũng phải tích cực tham gia để lựa chọn mô hình quản lý phù hợp với thực tế và đi vào cuộc sống. Hiện tại, trách nhiệm quản lý HNKT của cơ quan Nhà nước đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể nhưng vai trò của Hội nghề nghiệp về kiểm toán thì bị giảm sút so với trước đây. Hội nghề nghiệp về kế toán cần quan tâm đến việc đang hoàn thiện pháp luật về kế toán, để nâng cao hơn vai trò QLHNKT của Hiệp hội nghề nghiệp về kế toán.
+ Đào tạo bồi dưỡng: Chú trọng đào tạo cập nhật kiến thức cho những người HNKT, kiểm toán. Việc đào tạo và cập nhật kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ phải được tiến hành thường xuyên kết hợp với việc kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm và không ngừng đề cao năng lực, trách nhiệm cá nhân của người hành nghề. Quan tâm đào tạo các bằng cấp hỗ trợ những người HNKT, kiểm toán như: Đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ quản trị DN, Luật và đặc biệt là ngoại ngữ, nhằm tạo khả năng giao tiếp cho đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề.
+ Phía các Công ty DVKT: Các công ty cần từng bước ổn định và tăng cường về mặt nhân sự, nhất là tăng số lượng kế toán / kiểm toán viên hành nghề, tăng dần quy mô hoạt động; Từng bước hoàn thiện các quy chế quản lý, nên xây dựng quy chế tuyển dụng, quản lý nhân viên; Xem xét lại và hoàn chỉnh quy chế kiểm soát chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ chung cho toàn công ty và tiến tới từng loại hợp đồng dịch vụ; Xây dựng quy chế đào tạo và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên chưa là KTVHN; Cần phải bố trí thời gian, ngân sách cho việc cập nhật phù hợp; Tiếp tục hoàn chỉnh quy trình cung cấp và kiểm soát chất lượng dịch vụ chi tiết cho các loại dịch vụ. Cần cân nhắc tính hiệu quả và lợi ích kinh tế khi thương lượng phí dịch vụ, để đảm bảo chất lượng dịch vụ khi cung cấp.
Nhóm giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng DVKT
Kiểm soát chất lượng từ phía Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: VAA cần sớm hoàn chỉnh quy trình chi tiết về thủ tục và mẫu biểu thống nhất liên quan đến hành nghề và kiểm soát chất lượng hành nghề, để các công ty thực hiện thống nhất; Hoàn chỉnh và hướng dẫn thống nhất cách chấm điểm trên bảng chấm điểm kiểm soát chất lượng. Quy định về giá trị pháp lý của DVKT, từ đó gắn trách nhiệm của KTVHN với chất lượng dịch vụ và đây cũng là biện pháp đưa dần việc cung cấp dịch vụ tuân thủ theo pháp luật, để loại trừ dần các công ty không đăng ký hành nghề mà vẫn cung cấp DVKT.
Kiểm soát chất lượng DVKT từ phía các công ty cung cấp DVKT: Các công ty cần từng bước ổn định và tăng cường về mặt nhân sự nhất là tăng số lượng kế toán / kiểm toán viên hành nghề, tăng dần quy mô hoạt động; Từng bước hoàn thiện các quy chế quản lý, nên xây dựng quy chế tuyển dụng, quản lý nhân viên; Xem xét lại và hoàn chỉnh quy chế kiểm soát chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ chung cho toàn công ty và tiến tới từng loại hợp đồng dịch vụ; Thực hiện quy chế đào tạo và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên chưa là KTVHN; Cần phải bố trí thời gian, ngân sách cho việc cập nhật phù hợp; Tiếp tục hoàn chỉnh quy trình cung cấp và kiểm soát chất lượng dịch vụ chi tiết cho các loại dịch vụ. Cần cân nhắc tính hiệu quả và lợi ích kinh tế khi thương lượng phí dịch vụ, để đảm bảo chất lượng dịch vụ khi cung cấp.
Giải pháp tăng cường áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong chất lượng DVKT
Thực tiễn cho thấy, chất lượng DVKT, kiểm toán với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán là hai vấn đề có liên quan hữu cơ mật thiết với nhau, tác động chế ngự nhau, trong những trường hợp nhất định nếu không kiểm soát chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp, nó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán đề ra những nguyên tắc cơ bản gồm: Độc lập; Chính trực; Khách quan; Năng lực chuyên môn và tính thận trọng; Tính bảo mật; Tư cách nghề nghiệp và tuân thủ chuẩn mực chuyên môn.
Nhóm giải pháp với hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam
Nâng cao vai trò và năng lực của tổ chức nghề nghiệp tham gia quản lý HNKT: Cơ quan Nhà nước chỉ đưa ra các chế tài bằng cách ban hành hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán, còn các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể như: Soạn thảo chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng hoạt động các công ty kế toán, kiểm toán nên chuyển giao cho hội nghề nghiệp thực hiện. Những người làm kế toán Việt Nam đã nhận thấy sự đổi mới và cải cách rất tích cực từ Bộ Tài chính, bằng việc ban hành Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC, ngày 24/7/2005, chuyển giao một phần chức năng quản lý HNKT, kiểm toán cho Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Tiếp tục xây dựng và phát triển các tổ chức nghề nghiệp theo mô hình độc lập, tự chủ và tự quản, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Đồng thời, tăng cường kiện toàn tổ chức hội đủ mạnh để có thể đảm đương công việc hỗ trợ Nhà nước quản lý HNKT, kiểm toán góp phần nâng cao chất lượng người hành nghề và chất lượng dịch vụ. Để tham gia quản lý người HNKT, kiểm toán, Hội nghề nghiệp trước hết phải xác định nội dung quản lý:
+ Danh sách người hành nghề, công ty HNKT: Phải làm sao để họ tự nguyện được Hội quản lý, như được hỗ trợ các lợi ích, được cung cấp thông tin, được bảo vệ quyền lợi, được nâng cao uy tín và là hội viên thì có nhiều khách hàng, doanh thu, thu nhập cao hơn.
+ Các chỉ tiêu quản lý sao cho thể hiện đúng sự đánh giá, phân loại hội viên, bảo mật và bình đẳng. Chỉ tiêu quản lý phải vì lợi ích của hai bên Hội, xã hội và Hội viên.
+ Cách thức quản lý hội viên thể hiện sự độc lập và bình đẳng. Hội là người đồng hành với Hội viên chứ không phải là cấp trên của Hội viên. Quản lý người hành nghề là để giúp họ, tạo điều kiện cho họ hành nghề tốt hơn, hiệu quả hơn chứ không phải để làm khó cho Hội viên, để kỷ luật Hội viên.
Để nâng cao chất lượng quản lý người HNKT, kiểm toán, Hội nghề nghiệp cũng phải có cán bộ chuyên môn có năng lực và thực tế. Hội nghề nghiệp không có quyền lực pháp luật mà chỉ có thể làm quản lý bằng chuyên môn và kinh nghiệm, bằng uy tín nghề nghiệp, phải nói và làm được như hoặc hơn người HNKT, kiểm toán. Qua đó, giúp đối tượng quản lý hiểu hơn và làm đúng hơn trong hoạt động hành nghề. Hội nghề nghiệp phải xây dựng và tạo lập được các công cụ quản lý hiệu quả như: Tư vấn chuyên môn giúp người hành nghề xử lý được các vướng mắc; Có quy trình quản lý trực tiếp từng cá nhân, từng công ty hội viên; Có chương trình phần mềm hỗ trợ quản lý hội viên; Hội có các phương tiện giúp quảng bá nghề nghiệp, giúp thị trường nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ngày càng rộng mở.
+ Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để các DN hiểu được DVKT chuyên nghiệp là người bạn đồng hành tin cậy với DN trong quá trình phát triển, tư vấn cho DN thực hiện các quy định của pháp luật, tối đa hóa lợi ích, hỗ trợ bảo vệ DN trong các tranh chấp với các cơ quan và cộng đồng, thúc đẩy DN phát triển bền vững.
+ Nâng cao năng lực quản trị các hoạt động của Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), tổ chức nghề nghiệp của các kế toán viên và những người HNKT. Hội đảm bảo tư vấn và hỗ trợ tốt nhất cho hội viên và kế toán viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, tuyên truyền quảng bá cho hội viên và những người HNKT, hỗ trợ nâng cao chất lượng và giá trị DVKT chuyên nghiệp và chấp hành tốt đạo đức nghề nghiệp kế toán.
+ Tăng cường công tác quản lý và phát triển hội viên, công tác nghiên cứu pháp luật và tư vấn cho hội viên, tổ chức các hình thức sinh hoạt phù hợp cho hội viên.
+ Tăng cường công tác đào tạo và nâng cao trình độ cho lực lượng kế toán viên và lực lượng HNKT, xây dựng chương trình đào tạo kế toán viên, tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo và các kỳ thi kế toán viên, chú trọng cả kiến thức về quản lý, pháp luật, chuyên môn và ngoại ngữ, đảm bảo tiếp cận được các chuẩn mực về đào tạo của Hiệp hội Kế toán Đông Nam á (AFA) và Liên đoàn Kế toán Thế giới (IFAC). Nhà nước Việt Nam cần có lộ trình chuyển giao những việc này cho tổ chức nghề nghiệp thực hiện.
+ Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát thị trường DVKT, kiểm tra các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu HNKT không đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong lĩnh vực thị trường DVKT.
+ Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường DVKT, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính cho các DN và kế toán viên, trong việc đăng ký HNKT và giảm bớt chế độ báo cáo thông tin cho cơ quan Nhà nước./
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, Thông tư 292/2016/TT-BTC, ngày 15/11/2016; 296/2016/TT-BTC, ngày 15/11/2016; 70/2015/TT-BTC, 8/5/2015; Quyết định 32/2007/QĐ -BTC, ngày 15/7/2007.
2. Chính phủ, Nghị định 174/2016/NĐ -CP, ngày 30/12/2016.
3. Quốc hội, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015; Luật Thương mại.
4. Hội Kế toán (2013), Quyết định số 243/QĐ -HKT ngày 19/12/2013 ban hành quy chế chấm điểm chất lượng DVKT.
5. Phạm Công Tham (2012), Giải pháp phát triển lành mạnh nghề kế toán tại Việt Nam.
6. Chúc Anh Tú, Con đường để bằng cấp kế toán, kiểm toán Việt Nam được quốc tế thừa nhận; Chứng chỉ quốc tế ICAEW – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hội nhập về lĩnh vực kế toán; Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay; Bàn về xây dựng chương trình Thạc sỹ kế toán theo hướng ứng dụng; Định hướng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán đáp ứng yêu cầu hội nhập; Kế toán viên công chứng quốc tế – Định hướng phát triển cho Việt Nam trong quá trình hội nhập; Đề tài cấp Bộ Tài chính Giải pháp nâng cao chất lượng DVKT trong điều kiện hội nhập.