Theo quy định mới tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì hành vi làm mất hóa đơn sẽ chịu mức phạt tiền thấp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP (từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng). Cụ thể:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu làm mất hóa đơn:
+ Đã phát hành nhưng chưa lập;
+ Đã lập nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn;
+ Đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.
(Trừ trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền).
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí.
Tạm giữ giấy tờ để bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 12/2016/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Theo đó, trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ và chỉ tạm giữ bản chính một trong các giấy tờ theo thứ tự sau đây cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt:
– Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện;
– Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp;
– Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;
– Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của máy trưởng;
– Giấy tờ liên quan đến tang vật, phương tiện khác.