Tin trong nước

HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN HƠN CÔNG TÁC KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ

Tiêu đề HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN HƠN CÔNG TÁC KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ Ngày đăng 2020-07-10
Tác giả Admin Lượt xem 731

Trong quá trình kiểm toán tài chính công, tài sản công tại các địa phương những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã quan tâm kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp (DN) nói chung và một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng. Qua đó, KTNN đã phát hiện hành vi chuyển giá và trốn thuế của nhiều DN. Tuy nhiên, việc kiểm toán hành vi chuyển giá của các DN, đặc biệt là DN FDI vẫn còn nhiều khó khăn.

Kiểm toán chuyển giá vẫn còn nhiều khó khăn

Thực tế hiện nay còn có cách hiểu chưa thống nhất về đối tượng kiểm toán của KTNN, đặc biệt là cụm từ “tài chính công, tài sản công”. Vì vậy, KTNN chưa thực hiện được việc kiểm toán đối với các hành vi chuyển giá của các DN FDI, nếu có thì chỉ thực hiện thông qua việc đối chiếu nghĩa vụ với NSNN qua cơ quan thuế. 

Còn đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, KTNN đã kiểm toán toàn diện, trong đó rà soát sai phạm chuyển giá trong các giao dịch giữa các công ty con của tập đoàn với nhau và đã có những phát hiện đáng ghi nhận, góp phần vào công cuộc chống chuyển giá của Nhà nước. Đơn cử, tại cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của tỉnh A năm 2012, khi thực hiện đối chiếu đối tượng nộp thuế tại cơ quan thuế, KTNN đã phát hiện hành vi chuyển giá và trốn thuế với số tiền lớn của một Công ty. Theo đó, lợi nhuận từ các công ty kinh doanh trên địa bàn một tỉnh không được miễn giảm thuế thu nhập DN đã được chuyển sang Công ty đóng trên địa bàn tỉnh A để được miễn giảm thuế. 

Tại cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của tỉnh B năm 2013, khi thực hiện đối chiếu đối tượng nộp thuế tại cơ quan thuế, KTNN đã phát hiện hành vi chuyển giá và trốn thuế với số tiền lớn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ĐM, cụ thể: Tháng 3/2012, Công ty này chuyển nhượng 44,77% vốn sở hữu trong Công ty Cổ phần HT cho Công ty SC, lãi là 198,96 tỷ đồng, kết chuyển thu nhập tài chính năm 2012. Cùng thời điểm đó, Công ty ĐM đã bán toàn bộ cổ phần tại một Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát với giá 60 tỷ đồng, ghi nhận lỗ 152,7 tỷ đồng, làm giảm thu nhập chịu thuế phải nộp tương ứng với số thuế thu nhập DN là 38,18 tỷ đồng… 

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán, KTNN còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến Luật KTNN, các luật và quy định khác có liên quan hướng dẫn về đối tượng kiểm toán chưa rõ ràng nên khi kiểm tra, đối chiếu với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3), KTNN phải tác nghiệp thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (tài chính, tài nguyên môi trường…). Song do nhận thức và việc áp dụng pháp luật của một bộ phận (cả chủ quan và khách quan) chưa thống nhất nên không ít trường hợp có hành vi chống đối, không hợp tác, không cung cấp tài liệu, gây khó khăn rất lớn đối với KTNN trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nói chung và nhiệm vụ đấu tranh, chống chuyển giá nói riêng. 

Bên cạnh đó, quy trình, chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn có liên quan còn thiếu do việc kiểm toán đối với hoạt động chuyển giá còn mới. KTNN chưa ban hành chuẩn mực, quy trình riêng về kiểm toán hoạt động chuyển giá của các DN FDI mà chủ yếu đối chiếu thuế đối với một số DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Các bộ tiêu chí nhận diện dấu hiệu chuyển giá cũng chưa được xây dựng nên việc xác định trọng tâm và rủi ro kiểm toán còn khó khăn. Ngoài ra, KTNN còn gặp khó khăn về việc tiếp cận thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu. 

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm toán chuyển giá

Chuyển giá là hiện tượng phổ biến trong những năm gần đây và hoạt động này đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định nghĩa vụ NSNN của các DN. Hiện nay, tình trạng chuyển giá tại các DN, đặc biệt là DN FDI có phần tinh vi, phức tạp hơn. Do đó, kiểm soát hoạt động chuyển giá sẽ góp phần đảm bảo số thu cho NSNN, tạo nên sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện hơn công tác kiểm toán trong thời gian tới. 

Việc hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chống chuyển giá đặt ra yêu cầu tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý của KTNN khi thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế đối với các DN. Cùng với đó, Chính phủ cần củng cố cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước về tác động và mức độ tác động của hoạt động chuyển giá đối với nền kinh tế. 

KTNN cần phối hợp với cơ quan thuế trong công tác kiểm soát nhà nước về hoạt động chuyển giá và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ kiểm soát hoạt động này, hợp tác trong công tác đào tạo cán bộ về nghiệp vụ chống chuyển giá… Cùng với đó, KTNN cần tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin phục vụ việc cập nhật cơ sở dữ liệu về giá, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhân sự thực hiện kiểm soát vĩ mô giá chuyển giao cũng như xác minh các giao dịch với bên liên kết qua biên giới; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên về lĩnh vực chống chuyển giá cũng như xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện.
 

* TS. Nguyễn Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ 

Theo Mạnh Cường/baokiemtoannhanuoc.vn

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *