Sau gần 8 năm hoạt động, đến nay Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) đã có 72 hội viên tổ chức và 42 hội viên cá nhân chính thức. Đây là sự phát triển đáng ghi nhận nhưng thực sự chưa tương xứng với quy mô của ngành Dịch vụ kế toán (DVKT) tại Việt Nam.
Để dễ hình dung, xin đưa ra vài phép khái toán sau:
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 611.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, trong đó:
Quy mô siêu nhỏ có 382.000 DN, chiếm 62,6%;
Quy mô nhỏ có 190.000 DN, chiếm 31,1%,
Quy mô vừa có 21.000 DN, chiếm 3,5%;
Quy mô lớn có 17.000 DN, chiếm 2,8%.
Như vậy, tổng số DN nhỏ và siêu nhỏ có 572.000 DN. Giả sử, trong đó có 400.000 DN (chiếm 70%) thuê DVKT và nếu tính trung bình 1 đơn vị cung cấp DVKT cho 100 DN thì số lượng đơn vị cung cấp DVKT đang hoạt động tại Việt Nam sẽ vào khoảng 4.000 đơn vị.
Nếu mỗi DN trung bình một tháng bỏ ra 1 triệu đồng để thuê DVKT thì quy mô doanh thu ngành nghề này sẽ là 400 tỷ đồng/ tháng và 4.800 tỷ đồng/ năm. Nhìn vào đó để thấy, lợi ích từ ngành DVKT cũng không hề nhỏ.
Theo số liệu mà văn phòng VICA cung cấp, hiện tại VICA có 72 hội viên tổ chức và 42 hội viên cá nhân chính thức. So với con số ước tính 4.000 đơn vị đang tham gia cung cấp DVKT ở trên, thì số Hội viên chính thức của VICA chiếm khoảng 2,7% tổng số. (Hội viên chính thức là những đơn vị, cá nhân có hoạt động cung cấp DVKT).
Nếu các con số ước tính ở trên là có thể tin cậy được thì có thể nói VICA vẫn còn nhỏ bé! Vị thế của VICA rất còn mờ nhạt! Với câu hỏi: “Giải pháp nào để nâng cao vị thế của VICA trên thị trường DVKT của Việt Nam”, tôi xin đóng góp một vài ý kiến như sau:
1. Phát triển hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Số lượng hội viên là yếu tố chính quyết định đến vị thế của hội nhóm trong xã hội. Nhưng hội viên sẽ chỉ tham gia hội nhóm, nếu họ thu được lợi ích từ việc tham gia đó.
Hiện công tác phát triển hội viên của VICA còn nhiều khó khăn. Cần một cuộc khảo sát trong cộng đồng người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam. Cần phải tìm hiểu xem các cá nhân, tổ chức tiềm năng cần các lợi ích nào, trông chờ điều gì từ việc gia nhập VICA để từ đó xây dựng được các chương trình hoạt động phù hợp.
Mặt khác, với những đối tượng khác nhau, VICA cần có những phương pháp tiếp cận khác nhau để quy tụ theo các nhóm Hội viên đã quy định tại Quy chế Hoạt động ban hành theo Quyết định số 43/QĐ-HKT, ngày 22/3/2013 của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Trong các hội viên đó, cần chú trọng đến 02 nhóm đối tượng:
Hội viên chính thức: Đây là nhóm hội viên quan trọng và mang lại chất lượng cao cho VICA. Theo số liệu Văn phòng VICA cung cấp, hiện tại còn gần 50 đơn vị đủ điều kiện và đang cung cấp DVKT nhưng chưa tham gia VICA;
Hội viên dự bị: Hiện tại nhóm này gồm những kế toán viên đang là hội viên của VAA, những người đang hành nghề kế toán, kiểm toán tại các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán nhưng chưa có chứng chỉ KTV hoặc chứng chỉ APC do Bộ Tài chính cấp.
Thực trạng cho thấy, Việt Nam có rất nhiều cá nhân, tổ chức chưa đủ điều kiện cung cấp DVKT theo quy định nhưng vẫn đang cung cấp DVKT và hiện tượng này sẽ còn tồn tại trong thời gian sắp tới. Tôi kiến nghị, VAA cân nhắc sửa đổi quy định để có thể huy động những tổ chức và cá nhân này trở thành hội viên dự bị của VICA. Nếu làm được điều này, trước mắt VICA sẽ có thêm nhiều hội viên, là ngôi nhà chung thực sự của giới hành nghề kế toán Việt Nam. Hơn nữa về lâu dài, VICA có thể định hướng các đơn vị này sớm đáp ứng các điều kiện cung cấp DVKT theo quy định của pháp luật.
2. Thay đổi phương pháp phân cấp và quản lý Hội viên
Bối cảnh hiện nay, hầu hết mọi người đều biết sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhau, không chỉ trong giải trí, mà còn sử dụng cho học tập, hội họp, kinh doanh. Ngoài việc quản lý hội viên theo phương pháp truyền thống, VICA cần nghiên cứu sử dụng mạng xã hội để kết nối và quản lý hội viên. Đây cũng là đường đi của nhiều Hội – Nhóm tự phát trên mạng xã hội hiện nay và họ rất thành công.
Chi Hội cần phân loại xem các hoạt động nào của mình phù hợp cho hình thức hoạt động trên mạng, đảm bảo chất lượng hoạt động cũng như tránh các rủi ro không đáng có trên môi trường mạng internet.
Nếu thực hiện được việc này, chắc chắn việc thu hút và giữ chân hội viên kể cả ở các vùng sâu, vùng xa sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều.
3. Nâng cao chất lượng và trách nhiệm của Thành viên Ban Chấp hành
Với bất kỳ tổ chức nào, đây có lẽ là vấn đề cốt lõi. VICA cần một tập thể mạnh, đoàn kết và có chung tầm nhìn phù hợp từng giai đoạn. Trước hết, thành viên BCH phải là những người tâm huyết, đặt quyền lợi của Chi hội lên trên hết. Để đạt được điều đó, VICA cần yêu cầu:
Những cá nhân ứng cử vào BCH phải có chương trình hành động khi ứng cử. Trong quá trình thực hiện, các chương trình hành động này phải được đánh giá lại về tính hiệu quả thực tế;
Cần có cơ chế đánh giá định kỳ tín nhiệm của các Thành viên BCH, từ đó làm cơ sở cho việc “rút lui” và bầu bổ sung các thành viên BCH mới nhằm đạt mục tiêu cao nhất là thực hiện được Nghị quyết của Chi Hội.
4. Hoạt động đa dạng mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên
VICA cần có nhiều hình thức hoạt động đa dạng hỗ trợ cho các hội viên của mình một cách phù hợp như sau:
4.1. Đổi mới công tác cập nhật kiến thức
Hiện tại, VICA đã và đang liên tục tổ chức các lớp Cập nhật kiến thức cho hội viên cũng như cá nhân, đơn vị ngoài Chi hội. Thế mạnh của VICA là luôn luôn mời được các chuyên gia cao cấp đứng lớp, mang lại giá trị thiết thực cho những người tham gia. Nhưng nhiều người có nhu cầu nhưng chưa biết tới các khóa học này.
Trong khi đó, các diễn đàn tự phát hình thành từ mạng xã hội lại hoạt động rất mạnh mẽ. Thậm chí, có nhóm cộng đồng mạng còn phát triển được nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành với các hoạt động rất đa dạng. Hoạt động chủ yếu của các cộng đồng này, cũng chính là việc trao đổi kiến thức. Và đương nhiên, chất lượng của nó vẫn còn là một dấu hỏi.
Liệu VICA, với thế mạnh của mình về chuyên môn và đội ngũ chuyên gia có thể làm tốt được như thế không?
4.2. Làm cầu nối DN các vùng miền
VICA cần phối hợp với Chi hội Kế toán các tỉnh kết nối tới Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như Cục Thuế, từ đó bắc cầu đến với các DN tại địa phương. Các thành viên của VICA với thế mạnh của mình sẽ có cơ hội cung cấp các dịch vụ ở phân khúc cao cấp mà địa phương còn thiếu.
Cùng với đó, nghiên cứu nhu cầu của kế toán địa phương để cập nhật kiến thức cũng như nâng cao nghiệp vụ cho họ, từ đó gia tăng hình ảnh VICA và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam để cùng nhau phát triển.
Đó là câu chuyện còn dài hơi, nhưng chắc chắn sẽ là hiện thực nếu chúng ta bắt tay vào việc ngay từ bây giờ.
4.3. Tạo Bộ Quy trình thực hiện Dịch vụ Kế toán mẫu
Hiện rất nhiều đơn vị cá nhân cung cấp DVKT với chất lượng chưa cao. Sở dĩ có điều này là do họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc Tổ chức và Quản lý việc cung cấp DVKT.
Nên chăng, VICA đưa ra một Bộ Quy trình cung cấp dịch vụ mẫu, các tình huống nghiệp vụ mẫu để các hội viên tham khảo phù hợp với trình độ của mình. Để Bộ Quy trình mẫu có hiệu quả, trên thực tế, VICA cần phân loại ngành DVKT theo nhiều tiêu chí để đưa ra nội dung phù hợp.
Ví dụ:
Phân loại theo ngành nghề: Sản xuất công nghiệp, Xây dựng, Thương mại;
Phân loại theo giai đoạn trong năm tài chính: Dịp báo cáo hàng Quý, Báo cáo cuối năm, báo cáo quản trị theo nhu cầu;
Phân loại khách hàng nước ngoài và trong nước;
…
5. Tính toán lộ trình nâng cấp VICA thành Hội có tư cách pháp nhân
Một trong các lý do kìm hãm sự phát triển của VICA, là việc Chi hội chưa có tư cách pháp nhân. Việc này ảnh hưởng lớn tới sự chủ động của Chi Hội trong mọi hoạt động của mình. Một VICA mạnh sẽ, lãnh đạo ngành DVKT Việt Nam góp phần làm minh bạch hóa công tác kế toán và quản trị tại các DN, đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế nước nhà. Việc này cũng được bàn bạc nhiều và đã tới lúc cần có một Ban vận động chuyên trách cho việc này.
Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 203, Tháng 8/2020 của Nguyễn Ngọc Quang* – * Chủ tịch công ty TNHH tư vấn QMC, Ủy viên BCH, thành viên của Ban tư vấn VICA.
(Email: banbientapvaa@gmail.com)
- Theo BBT