Nghiên cứu trao đổi

Kế toán, Kiểm toán trong cuộc chiến chống tham nhũng giữa đại dịch Covid – 19

Tiêu đề Kế toán, Kiểm toán trong cuộc chiến chống tham nhũng giữa đại dịch Covid – 19 Ngày đăng 2021-07-31
Tác giả Admin Lượt xem 752

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam}


Đại dịch Covid 19 đã diễn ra hơn một năm, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường. Tất cả các Chính phủ đang rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng này và nhu cầu hành động nhanh chóng đã đặt ra thách thức cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các Chính phủ sẽ sớm phải đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi xung quanh vấn đề tài chính khu vực công trong và sau cuộc khủng hoảng. Các Chính phủ rất cần chi tiêu nhiều hơn để cứu mạng sống và cứu sinh kế cho nhân dân, nhưng khi chi tiêu cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, hạn chế tối đa những gian lận.
Từ khóa: Covid 19, chống tham nhũng, mua sắm công, kế toán, kiểm toán.


Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, tác động đến tất cả các khía cạnh của xã hội đã dẫn đến những thiệt hại to lớn về đời sống, sinh kế và sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu. đại dịch cho thấy sự mong manh của hệ thống y tế công trên toàn thế giới và cũng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia của an ninh, y tế và phát triển kinh tế. Với Việt Nam, dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp, nhưng trong nhận thức và hành động đã thực sự coi y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Hàng năm đều ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước (NSNN); trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Việt Nam sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tại chỗ. Ngay từ khi thế giới xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; Bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; Kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Qua đó đã đảm bảo kịp thời nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động dự phòng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngay khi đại dịch Covid 19 bắt đầu xảy ra, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nhắn nhủ các Chính phủ với Thông điệp của IMF rất rõ ràng: Các Chính phủ rất cần chi tiêu nhiều hơn để cứu mạng sống và cứu sinh kế cho nhân dân, nhưng khi chi tiêu cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, hạn chế tối đa những gian lận.

Từ thực tế của các nước trên thế giới cho thấy, cần duy trì các biện pháp bảo vệ minh bạch và đấu tranh chống hối lộ và tham nhũng ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong đó, đòi hỏi phải tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu phòng và chống đại dịch Covid-19. Đặc biệt trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị và vật dụng y tế phải là mục tiêu chính của chính phủ trong và sau Covid-19, cần phải minh bạch đối với nhân dân và phải là mục tiêu chính sách trong tất cả các hoạt động mua sắm công, chi tiêu công. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm hối lộ và tham nhũng không chỉ quan trọng đối với việc duy trì lòng tin giữa Chính phủ và người dân mà nó còn là một mệnh lệnh tài chính. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hối lộ và tham nhũng có thể tiêu tốn từ 10 đến 50% giá trị của một hợp đồng mua sắm công và nó làm xói mòn lòng tin cần có giữa người mua sắm công và nhà cung cấp. Sự suy giảm lòng tin này trên thực tế, đã là hiện thực, với bằng chứng là đã xuất hiện một số gian lận trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân ở một số quốc gia. Ở một số nơi trên thế giới, sự khác biệt giữa lòng tin khu vực công và tư nhân là khá lớn và nó có ý nghĩa thực sự đối với quá trình mua sắm tài sản công. Mối quan hệ giữa khu vực Nhà nước và tư nhân có thể giúp để đảm bảo giá trị đồng tiền, do nhân dân đóng góp và đã được chứng minh là cải thiện hiệu suất tổng thể của các hợp đồng kinh tế. Trong thời gian diễn ra đại dịch, chúng ta đã chứng kiến biết bao tình cảm và sự hy sinh tự nguyên của người dân, sẵn sàng bỏ công sức. trí truệ, vật chất, tiền bạc cùng Chính phủ phòng chống dịch, cùng người dân vượt qua khó khăn với khẩu hiệu không để ai phải ở lại phía sau. Đồng thời, cũng rất đau lòng phải chứng kiến các vụ gian lận và tham nhũng diễn ra trong quá trình mua sắm công, chi tiêu công ở các quốc gia trên thế giới và điều này có thể sẽ làm xói mòn thêm lòng tin và sự tin cậy giữa người mua là Nhà nước, nhà cung cấp và người nộp thuế.

Ở Việt Nam, vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã bị Tòa án tuyên phạt tù 10 bị cáo, trong đó có Giám đốc CDC Hà Nội. Việc nâng khống giá thiết bị phòng chống Covid-19 CDC Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai là sự việc đau lòng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang vô cùng phức tạp, cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch. Gần đây nhiều vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế gây chấn động dư luận đã được phát hiện, điều tra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ Y tế BMS, tại Sở Y tế một số tỉnh.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhận thấy rằng, trong đại dịch, các Chính phủ đã mua một số hàng hóa với giá gấp nhiều lần giá ban đầu và mua sắm thông thường đã bị bỏ qua và đã thấy tác động của việc lỏng lẻo trong tổ chức và quản lý mua sắm tài sản công. Thực tế cho thấy, bằng chứng về gian lận, tham nhũng và quản lý sai tiền của công, của Nhà nước trong bối cảnh mà nguồn lực công ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, các Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện các quy trình chặt chẽ và hệ thống giám sát nghiêm minh, trên thực để ngăn chặn vấn những gian lận không tồi tệ hơn và chuẩn bị tốt hơn trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ nhất, trong khi các thủ tục ký hợp đồng khẩn cấp rất quan trọng để cung cấp cho các Chính phủ các nguồn lực vật chất đầy đủ và linh hoạt cần thiết có thể ứng phó với khủng hoảng, trong đó không được bỏ qua các biện pháp bảo vệ sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việc ký hợp đồng khẩn cấp phải được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể. Các nhà quản lý hợp đồng mua sắm cần được đào tạo, cần có đủ kiến thức, hiểu biết để biết khi nào cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp này và phải đảm bảo tất cả các khía cạnh của quy trình được lập thành văn bản. Các nhà kế toán cần tham gia ngay trong quá trình chuẩn bị hợp đồng, thẩm đinh điều kiện, giá trị của hợp đồng và ký kết hợp đồng. Kiểm toán cần được tham gia kiểm tra, đánh giá ngay từ khi kí kết hợp đồng, đồng thời có thể tiến hành kiểm toán nhanh chóng nhằm giúp phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng và khắc phục các yếu kém trong quản lý.

Thứ hai, kinh nghiệm cho thấy, các chính phủ cần làm mọi việc để tập trung hóa việc mua sắm công và chi tiêu công. Điều này đặc biệt quan trọng trong cuộc khủng hoảng Covid-19, vì quá trình mua sắm tập trung sẽ tạo ra những bằng chứng kiểm toán rõ ràng hơn, có giá trị pháp lý hơn và sẽ cho phép giám sát tốt hơn các khoản chi tiêu công diễn ra trong đại dịch. Quá trình mua sắm tập trung cũng mang lại những lợi ích khác như ngăn chặn sự cạnh tranh giữa Chính phủ với Chính phủ và ngăn chặn sự tang giá, giảm giá tài sản mua sắm bất hợp lý.

Thứ ba, cần đảm bảo tất cả các hoạt động mua sắm công phải minh bạch và có sẵn cho các chuyên gia tài chính, kế toán viên và kiểm toán viên trong thời gian thực tế để họ có thể giám sát chi tiêu nhằm ngăn ngừa chi phí sai mục đích, không hiệu quả và ngăn chăn mọi hành vi tham nhũng, lãng phí. Có dữ liệu, tài liệu cần được công khai và minh bạch trong suốt quá trình mua sắm để có thể phục vụ các chức năng khác nhau. Ví dụ: dữ liệu có thể được sử dụng như một công cụ để theo dõi và so sánh các quy trình mua sắm đối với hàng hóa thiết yếu để tránh chi tiêu không cần thiết. Thông qua các dữ liệu công khai này, có thể phát hiện các trường hợp tính phí quá cao và gian lận tiềm ẩn. Trong thời kỳ khủng hoảng, lượng dữ liệu cần thiết để nhập vào các trường dữ liệu có thể được giảm xuống để đáp ứng tính chất nhạy cảm về thời gian của cuộc khủng hoảng nhưng các khía cạnh quan trọng nhất của hoạt động mua sắm công, như giá cả thiết bị, vật tư, hàng hóa, cần được công khai và nắm bắt. Việc gắn thẻ các mặt hàng liên quan đến Covid-19 sẽ giúp xem xét kỹ lưỡng chi tiêu trong và sau cuộc khủng hoảng, cũng có thể tạo dữ liệu so sánh về giá cả được trả trên toàn quốc cho một số hàng hóa nhất định như một cách để ngăn chặn việc nâng khống giá, khoét giá của người chịu trách nhiệm mua sắm, của các nhà cung cấp.

Thứ tư, trong kinh tế thị trường, tự do và cạnh tranh, cần coi trọng và sử dụng có hiệu quả dịch vụ kế toán và kiểm toán. Dịch vụ kế toán, kiểm toán không chỉ đảm bảo các thông tin kế toán tin cậy mà còn đóng gó những ý kiến tư vấn quan trọng cho các nhà quản lý nguồn lực công, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà cung cấp mà còn tư vấn và phản biện chính sách của Nhà nước góp phần hoàn thiện chính sách, hạn chế các kẽ hở, bất hợp lý trong quy trình quản lý, quy trình mua sắm tài sản công, chi tiêu công.

Thứ năm, cần ban hành các quy trình mua sắm khẩn cấp. Với các quy trình này, Chính phủ không chỉ tiết kiệm tài chính do giảm thiểu các gian lận và tham nhũng, mà còn duy trì lòng tin của cả đối tác các khu vực kinh tế và người nộp thuế.

Thứ sáu, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát từ các cơ quan chức năng Nhà nước, từ các cơ quan dân cử. Có chế tài nghiêm xử lý các sai phạm. Cần hình thành hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ trong các tổ chức quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Tăng cường năng lực quản trị hoạt động và quản trị rủi ro. Nhận diện cho hết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mua sắm tài sản công, chi tiêu công. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa rủi ro và chủ động ngăn chặn rủi ro, khắc phục các hậu quả gây ra từ các rủi ro.

Cuối cùng, vẫn là yếu tố con người. Cần bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ và kỹ năng cho người chịu trách nhiệm quản lý, cấp phát kinh phí, người tổ chức và thực hiện mua sắm tài sản công, chi tiêu công, người chịu trách nhiệm ký các hợp đồng kinh tế và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Chú trọng bồi dưỡng đạo đức công vụ. đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường kiểm soát đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đề cao vai trò và trách nhiệm các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Tóm lại, đại dịch Covid-19 đã diễn ra hơn một năm, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường. Tất cả các Chính phủ đang rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng này và nhu cầu hành động nhanh chóng đã đặt ra thách thức cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các Chính phủ sẽ sớm phải đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi xung quanh vấn đề tài chính khu vực công trong và sau cuộc khủng hoảng. Tìm kiếm và tạo ra các khoản tiết kiệm tài chính sẽ là điều cần thiết cho quá trình phục hồi sau Covid-19. Bằng cách làm việc để phát hiện, ngăn chặn hối lộ và tham nhũng, các Chính phủ có thể lấp đầy một phần lỗ hổng tài chính đó, đồng thời đảm bảo họ được tin tưởng để chi những khoản tiền công đáng kể và thường là cứu cánh.

Tài liệu tham khảo

Rachel Bleetman- Chuyên gia ACCA: Kế toán trong phòng chống đại dịch Covid-19.
IFAC update 2-2021.
Hoàng Lộc, Phải rạch ròi công tư trong mua sắm thiết bị Y tế.
Báo Tuổi trẻ, 20/09/2020.
PGS.TS Đặng Văn Thanh: Hoạt động Kế toán trong đại dịch Covid-19.
Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số 4/2020.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *