Nghiên cứu trao đổi

Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể của các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tiêu đề Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể của các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam Ngày đăng 2021-08-22
Tác giả Admin Lượt xem 1277

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 211, Tháng 4/2021 của TS. Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế, Quốc hội và Ths. Trần Vũ Thanh – Vụ Kinh tế Quốc hội}.


Kinh tế tập thể (KTTT) hình thành và phát triển ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Qua phân tích tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về KTTT, bài viết chỉ ra tình hình thực tế và kết quả phát triển KTTT của một số nước trên thế giới. Qua đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để vận dụng vào quá trình phát triển KTTT đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính sách và pháp luật KTTT, hợp tác xã, Quốc hội. TS. Nguyễn Minh Sơn, Ths. Trần vũ Thanh.


Về hoạt động kiểm toán HTX (HTX) của Cộng hòa Liên bang Đức
Luật HTX của CHLB Đức là một trong những luật lâu đời nhất, được ban hành năm 1889. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới với nhiều thay đổi về thể chế, Luật HTX đã được điều chỉnh, thay đổi ở một số điểm. Nhưng về cơ bản, nhiều quy định vẫn còn nguyên giá trị về bản chất, nội dung và tinh thần chủ đạo.

Trong đại hội thành viên, các thành viên phải được thông báo về kết quả hoạt động kinh doanh của HTX, được phép có một bản sao cho mình nếu chấp nhận trả chi phí sao chép. Các thành viên cũng có quyền được xem biên bản đại hội, được nghe đọc báo cáo kiểm toán. Quy định này, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của HTX. Luật HTX 1889, quy định HTX phải được kiểm toán bởi một tổ chức bên ngoài HTX và từ năm 1934 thì luật quy định là HTX bắt buộc phải được kiểm toán bởi Liên đoàn Kiểm toán HTX.

Từ khi Luật HTX được ban hành, các nhà lập pháp và các nhà quản trị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ các HTX thất bại. Đến nay, các HTX có bộ máy quản trị hoạt động kém hiệu quả đã không còn cảm thấy e dè các Liên đoàn Kiểm toán HTX nữa và họ thấy cần được kiểm toán từ bên ngoài để chỉ ra những rủi ro, cho ý kiến đánh giá và đưa ra các giải pháp xử lý rủi ro.

Luật HTX (sửa đổi) năm 1934 quy định: Hoạt động kiểm toán được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, tập trung xác định các rủi ro và các sai sót trọng yếu, đánh giá tình hình tài chính HTX một cách kỹ lưỡng. Tần suất kiểm toán (1 lần/năm hay 2 năm/1 lần) căn cứ theo quy mô của HTX. Các Liên đoàn Kiểm toán vùng là đơn vị duy nhất được phép thực hiện kiểm toán HTX phải là thành viên của một Liên đoàn Kiểm toán HTX (đây là điều kiện tiên quyết để được thành lập và đăng ký HTX mới). Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng đã đưa ra một số điểm cải tiến như: Yêu cầu về đào tạo chuyên môn và trình độ đối với các kiểm toán viên HTX; Kiểm toán HTX sẽ chịu sự giám sát của người dân. Để tránh trường hợp các Liên đoàn Kiểm toán HTX thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại thì bên cạnh những chỉ tiêu về kiểm toán, các liên đoàn này cần phải áp dụng chế độ pháp lý là hiệp hội được đăng ký. Kể từ năm 1934, Liên đoàn Kiểm toán HTX là đơn vị duy nhất được phép tiến hành kiểm toán bên ngoài các HTX tại Đức theo luật quy định. So với các hãng kiểm toán thì Liên đoàn Kiểm toán HTX là cơ quan chịu trách nhiệm cho hoạt động kiểm toán và không phải là thể nhân. Tất cả nhân viên của Liên đoàn Kiểm toán HTX (bao gồm cả giám đốc điều hành) đều là nhân viên được ủy nhiệm, bao gồm cả các kiểm toán viên (là thuật ngữ chỉ chức danh kiểm toán viên công chứng được cấp phép, tương đương với chức danh và địa vị của kế toán viên công chứng được cấp phép).

Luật HTX của CHLB Đức đã có những điều chỉnh vào năm 2006 và 2017 liên quan đến kiểm toán HTX. Những điều chỉnh đáng chú ý là: Giảm quy định về số lượng thành viên tối thiểu, từ 7 thành viên xuống 3 thành viên. Những HTX nhỏ với số lượng thành viên không quá 20 người thì sẽ không cần có một ban giám sát và thành viên của Hội đồng quản trị hay ban lãnh đạo có thể chỉ gồm có 1 người. Các thành viên HTX, như là nông dân hay doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ tự quản lý công việc kinh doanh của mình. Nhiệm vụ của HTX là để khuyến khích các thành viên của mình. Vì vậy, các kiểm toán viên phải thể hiện ý kiến một cách rõ ràng liệu các HTX cơ sở có hoạt động phù hợp, hoàn thành mục tiêu là khuyến khích các thành viên HTX hay không. Báo cáo tài chính của các HTX nhỏ không cần phải được kiểm toán tài chính. Ngưỡng quy định liên quan được điều chỉnh là tổng tài sản từ 1 triệu Euro lên 1,5 triệu Euro và doanh thu từ 2 triệu Euro đến 3 triệu Euro. Một quy trình kiểm toán HTX đã được đơn giản hóa, được áp dụng cho các HTX siêu nhỏ. Những HTX siêu nhỏ này có bảng cân đối kế toán không vượt quá 350.000 Euro hoặc doanh thu không vượt quá 700.000 Euro hoặc số lao động không hơn mức trung bình là 10 nhân sự. Khoảng một nửa số HTX sẽ được kiểm toán bởi hình thức kiểm toán đơn giản hóa này. Kiểm toán đơn giản hóa sẽ được tiến hành từ xa và HTX phải nộp tất cả các thông tin về tài chính cho Liên đoàn Kiểm toán HTX. Cứ 4 năm thì các kiểm toán viên mới đến kiểm toán tại chỗ một lần ở các HTX siêu nhỏ này.

Khảo sát, nghiên cứu về kiểm toán HTX của CHLB Đức cho thấy một trong những nguyên nhân chính bảo đảm cho các HTX hoạt động hiệu quả và bền vững là do được kiểm toán bắt buộc hàng năm bởi Liên đoàn Kiểm toán HTX, trực thuộc Liên đoàn cấp quốc gia của các HTX tại CHLB Đức (DGRV); các tồn tại, yếu kém trong hoạt động của HTX được phát hiện sớm và có các giải pháp củng cố, xử lý kịp thời; hoạt động kiểm toán HTX được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật HTX (đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán, quyền và trách nhiệm của hai bên, quy trình kiểm toán, cơ quan kiểm tra, giám sát,…); Nhà nước quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho DGRV thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể của Trung Quốc
Để thúc đẩy cải cách HTX, Trung Quốc chưa ban hành Luật HTX nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Nghị quyết và tổ chức thực hiện mạnh mẽ trên toàn quốc nhằm mục tiêu đến năm 2020, xây dựng hệ thống HTX cung tiêu trở thành hệ thống tổ chức kinh tế hợp tác có liên kết chặt chẽ hơn với nông dân, có công năng phục vụ nông dân hoàn thiện hơn, vận hành theo kiểu thị trường hiệu quả hơn, trở thành đội quân hùng hậu và mặt bằng tổng hợp phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nông dân, trở thành cầu nối để Đảng, Chính phủ liên hệ mật thiết với quần chúng nông dân, phát huy vai trò tốt hơn trong xây dựng hiện đại hóa nông nghiệp.

Về chính sách đất đai: Nghị quyết của Đảng quy định phải “đảm bảo tính hoàn chỉnh của hệ thống tổ chức và tài sản của HTX cung tiêu, bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng không được chiếm dụng, điều chuyển tài sản HTX cung tiêu trái pháp luật, không được đưa tài sản của HTX vào trong khoản cho vay của chính quyền địa phương, không được thay đổi quan hệ sở hữu của HTX cung tiêu với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc”.

Về Luật HTX nông nghiệp của Trung Quốc: Luật HTX nông nghiệp của Trung Quốc được thông qua ngày 31/10/2006, phù hợp với những chuẩn mực quốc tế về hình thức HTX. Luật này đề cập tất cả những vấn đề pháp lý, ở mọi cấp độ từ Trung ương tới địa phương và từ vùng cho đến cơ sở. Điều 9 của Luật mô tả những cơ sở hạ tầng của Nhà nước, để phục vụ/hỗ trợ HTX phát triển các tổ chức nông nghiệp tại cơ sở và các tổ chức khác có liên quan. Khi cung cấp sự hỗ trợ và dịch vụ trong việc thành lập và phát triển HTX của những nông dân trong phạm vi quyền hạn của mình, cần bảo đảm cho các HTX trở thành các tổ chức tự chủ, độc lập, tự lập của các thành viên. Điều 17 của Luật quy định cơ bản “một thành viên – một phiếu bầu” áp dụng trong HTX có thành phần thành viên tương đối đồng nhất. Đối với những nhóm thành viên không đồng nhất, quy trình phân chia định lượng phiếu bầu đối với từng nhóm chưa được quy định rõ trong luật. Điều 37 của Luật quy định về việc phân chia lợi nhuận, bao gồm các điều khoản liên quan đến tỷ lệ phần lợi nhuận dành cho hoặc chia cho các thành viên. Tối đa 60% lợi nhuận được dành cho quỹ cân đối, để thực hiện điều chỉnh kỹ thuật giá đã thanh toán trong các giao dịch giữa thành viên và HTX của mình. Phần còn lại sẽ được phân bổ theo hình thức lợi tức trả trên vốn góp hoặc như là vốn góp vào quỹ dự trữ. Về vấn đề kiểm toán HTX, Điều 38 của Luật quy định kiểm toán nội bộ phải được những kiểm soát viên điều hành hoặc một ủy ban kiểm tra do các thành viên bầu ra thực hiện. Đại hội toàn thể xã viên có thể hợp đồng với những nhà kiểm toán độc lập để thực hiện việc kiểm toán Báo cáo tài chính. Việc sử dụng kiểm toán bên ngoài không phải là một lựa chọn mà là một quy định bắt buộc. Kiểm toán HTX bao gồn cả kiểm toán tài chính, gồm các nội dung sau: đánh giá việc thực thi/ điều hành của Ban quản trị và quản lý có đáp ứng được mục tiêu của đơn vị HTX đề ra; hiệu quả hướng tới thành viên; khối lượng hoạt động giao dịch với đối tượng không phải thành viên HTX.

Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể của Hàn Quốc
Có nhiều HTX được thành lập vào đầu Thế kỷ XX ở Hàn Quốc. Trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng, Hiệp hội Tài chính và Hiệp hội Nông dân do Chính phủ khởi xướng và đóng vai trò độc quyền thay bằng các tổ chức HTX tự nguyện. Các hiệp hội này được thành lập, để cung cấp vốn vay của Chính phủ hoặc tăng sản lượng nông nghiệp. Sau Chiến tranh Thế giới 2, việc thành lập HTX nông nghiệp hiện đại bắt đầu từ năm 1957, khi Luật HTX Nông nghiệp được Quốc hội phê chuẩn. Năm 1961, Luật HTX được ban hành, HTX Nông nghiệp kiểu cũ và NHNoN được sáp nhập thành HTX nông nghiệp đa năng và hiện vẫn hoạt động. Hàn Quốc còn ban hành Luật về HTX chăn nuôi, HTX nghề cá và HTX tín dụng. Các luật này được sửa đổi nhiều lần trong 2 thập kỷ qua, có nhiều quy định hạn chế liên quan đến bầu cử đã được xóa bỏ và thay bằng các quy định dân chủ hơn. Các HTX đều thực hiện các hoạt động ngân hàng và bảo hiểm.

Về chính sách đất đai, ở Hàn Quốc
Việc đền bù đất đai được thực hiện theo hai phương thức: Một là, Nhà nước và người nông dân thỏa thuận với nhau về mức giá đền bù theo giá thị trường; Hai là, nếu hai bên không thống nhất được mức giá đền bù sẽ có hai đơn vị thẩm định giá độc lập. Giá đền bù là mức trung bình của hai mức giá do hai đơn vị thẩm định đưa ra, nhưng về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Ngoài tiền đền bù đất đai, nông dân còn nhận tiền đền bù thiệt hại hoa màu trong 02 năm, tiền vận chuyển hoa màu đi nơi khác và tiền trồng lại hoa màu, được giảm thuế lợi tức chuyển nhượng từ 20-50% nếu mua đất ở nơi khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, được học nghề miễn phí để chuyển nghề.

Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài học từ thực tiễn phát triển HTX của Đức trong kiểm toán HTX
Thực hiện kiểm toán HTX phải tiến hành trên diện rộng, thường xuyên và liên tục. Theo Luật HTX của CHLB Đức, các HTX chịu sự kiểm toán bắt buộc theo quy định và phải kiểm toán qua Liên đoàn HTX. Các HTX ở Đức hoạt động hiệu quả và bền vững là do được kiểm toán hàng năm, các khiếm khuyết, yếu kém được phát hiện kịp thời và các cơ quan tư vấn kiểm toán có các giải pháp củng cố ngay. Hoạt động kiểm toán HTX được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật HTX (về đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán, quyền và trách nhiệm của hai bên, quy trình kiểm toán, cơ quan kiểm tra, giám sát,…). Nhà nước quan tâm tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho Liên đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán.

Trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam chưa có kiểm toán HTX, việc học tập kinh nghiệm của Đức liên quan tới hoạt động kiểm toán HTX có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xây dựng và hình thành dịch vụ kiểm toán đặc thù dành riêng cho khu vực HTX. Từ đó trở thành công cụ trợ giúp, tư vấn cho HTX về tổ chức, quản lý theo đúng quy định của pháp luật, hoạt động tài chính minh bạch, tránh được rủi ro, thất thoát tài sản, tạo niềm tin của thành viên đối với HTX.

Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng HTX tại Đức được phân cấp rõ ràng. Liên đoàn trực tiếp đào tạo các kiểm toán viên HTX trên toàn Liên bang Đức. Trong Liên đoàn có 04 học viện/trường đào tạo nằm ở 04 tiểu bang và chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cho những HTX thuộc tiểu bang và khu vực lân cận được phân cấp. Tại các học viện này, hoạt động đào tạo bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào đối tượng đang làm việc cho các ngân hàng HTX, các quỹ tín dụng và các chức danh nghề nghiệp trong các HTX khác.

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển HTX của Trung Quốc

Thứ nhất: về nghiên cứu và vận dụng hợp lý phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hoạch định chủ trương, định hướng cải cách và phát triển HTX. Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc luôn coi trọng việc cải cách HTX. Tháng 3/2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành Nghị quyết số 11 về đi sâu cải cách toàn diện HTX cung tiêu Trung Quốc, trong đó bao gồm mục tiêu tổng thể, 5 nội dung lớn và 19 giải pháp.

Thứ hai: về xác định rõ mục tiêu và các nguyên tắc đổi mới, phát triển HTX. Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc xác định rõ mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng hệ thống HTX trở thành hệ thống tổ chức kinh tế hợp tác có liên kết chặt chẽ hơn với người dân, có công năng phục vụ nhân dân hoàn thiện hơn, vận hành theo kiểu thị trường hóa có hiệu quả hơn, trở thành đội quân hùng hậu và mặt bằng tổng hợp phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, trở thành cầu nối để Đảng, Chính phủ liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, phát huy vai trò tốt hơn trong xây dựng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.”

Thứ ba: về tăng cường nhận thức của thành viên HTX và các cán bộ chính quyền. Để giải quyết sự thiếu hiếu biết của người dân về HTX, Trung Quốc đã bắt đầu từ các cơ quan tư pháp và Chính phủ, chủ động tiếp cận nông dân, tiếp cận để tuyên truyền Luật HTX, nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân.

Bài học từ thực tiễn phát triển HTX của Hàn Quốc

Thứ nhất: cần xây dựng hệ thống HTX nông nghiệp tổng hợp tham gia tự nguyện, bình đẳng trong nền kinh tế thị trường gắn với hoạt động tài chính, ngân hàng. Các HTX nông nghiệp không thể hoạt động tốt khi không có ngân hàng. Chính do vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã sáp nhập Ngân hàng Nông nghiệp và HTX nông nghiệp thành một HTX nông nghiệp kiểu mới vào năm 1961, trở thành một HTX tổng hợp. Trong đó, thực hiện mua sắm đầu vào và hàng hóa sinh hoạt cho nông dân, tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp, cung ứng cơ sở hạ tầng, ngân hàng, bảo hiểm cho nông dân theo cách một trung tâm dịch vụ một điểm. Các HTX tổng hợp này được đánh giá là một hệ thống phù hợp với cấu trúc nông nghiệp phụ thuộc vào các hộ nông dân nhỏ lẻ, canh tác các sản phẩm đa dạng, khác biệt. Điểm ưu việt đó là khai thác được lợi thế về quy mô, cung cấp được tất cả các dịch vụ mà khu vực thị trường nông thôn yêu cầu, đảm bảo về chất lượng, hiệu quả và nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân.

Thứ hai: thực hiện chính sách tự chủ, mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh của HTX nông nghiệp. Nếu trong giai đoạn từ năm 1962 đến 1987, Chủ tịch của Liên minh HTX Nông nghiệp quốc gia (NACF) và các HTX thành viên được Chính phủ chỉ định trực tiếp thông qua Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp theo Luật Chỉ định lãnh đạo các HTX nông nghiệp, thì đến năm 1987, Luật này được bãi bỏ và thay vào đó các vị trí lãnh đạo được bầu trực tiếp bởi các thành viên của mình. HTX được tự chủ hoạt động kinh doanh trên thị trường và không cần có sự phê duyệt trước kế hoạch kinh doanh hàng năm và ngân sách của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp. Ở cấp Trung ương, các liên đoàn HTX được sáp nhập giữa NACF với Liên đoàn HTX chăn nuôi và Liên đoàn HTX sâm vào năm 2000. Năm 2011, do người nông dân mong muốn các HTX nông nghiệp phải đóng vai trò cốt lõi trong xúc tiến bán ra thị trường các sản phẩm nông sản nên NACF thực hiện tách biệt các hoạt động kinh tế và các hoạt động ngân hàng. Vào ngày 02/03/2012, NACF cơ cấu lại tổ chức của mình thành 2 mảng là Tập đoàn kinh doanh nông nghiệp và Tập đoàn tài chính. Việc cơ cấu lại, thể hiện sự tập trung chuyên môn vào các hoạt động kinh doanh.

Tài liệu tham khảo

Marco Rogna (2012) Agricultural cooperatives and rural development: Case studies, University of Copenhagen Denmark
Marvin A.Shaars (1980) Cooperatives, Principles and Practices. University of Wisconsin Madison USA.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *