Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 diễn ra sáng ngày 28/9/2021.
- Kế toán, công cụ hỗ trợ định giá nguồn nhân lực
- Các nhân tố ảnh hưởng đến gian lận kế toán các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực tài chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- Nâng cao năng suất trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 cho thấy, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm 2021 đạt 183.320 tỷ đồng, mới chỉ đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Dự kiến, đến ngày 30/9/2021 sẽ hoàn thành 47,38% kế hoạch giải ngân trong năm với tổng vốn đầu tư là 218.550 tỷ đồng.
Tính đến ngày 27/9/2021, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60 % kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021; có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương ngân sách Trung ương năm 2021 với tổng số vốn 21.771,492 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng của 5 địa phương…
Lý giải về nguyên nhận chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình trạng kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định; tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước (1 năm), giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… vẫn luôn là những nguyên nhân được nhắc đến trong nhiều năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; mỗi bộ, ngành và địa phương sẽ là đơn vị trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối với từng dự án do bộ, địa phương thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng nêu nhiều bài học kinh nghiệm đáng chú ý trong công tác thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất mong muốn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải đáp. Nhiều, bộ, ngành, địa phương bày tỏ ủng hộ rất cao quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và cùng cam kết sẽ hoàn thành giải ngân 100% được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2021 là năm rất đặc biệt, bởi chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như hiện nay, chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như vậy, khiến tình hình kinh tế – xã hội cũng chịu tác động nặng nề…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 40%.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2021, tuy vậy vẫn còn hơn 50% số vốn đầu tư công được bố trí chưa được giải ngân. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo, thì việc đẩy nhanh công tác giải ngân đầu tư công sẽ là một trong những giải pháp mạnh mẽ góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm đúng tiến độ, khả thi, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm… “Đây là nguồn lực rất lớn để góp phần khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến cuối năm, tạo tiền đề cho năm 2022”, Thủ tướng khẳng định.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành Kết luận về Hội nghị.
- theo tapchidientutaichinh