Hoạt động trung ương hội

Một vài suy nghĩ về Đề án áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam

Tiêu đề Một vài suy nghĩ về Đề án áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam Ngày đăng 2018-06-15
Tác giả Admin Lượt xem 931

Trong hai ngày 6 & 7/6/2018, Bộ Tài chính dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo Đề án áp dụng Chuẩn mực kế toán Quốc tế vào Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của các đại diện cơ quan Nhà nước (Cục, vụ thuộc van phòng Bộ TC, NHNN, UBCKNN), DN nhà nước, các Tập đoàn kinh tế, các Trường đại học kinh tế lớn tại Hà Nội và Hội nghề nghiệp Kế toán, kiểm toán.

Hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi, quyết tâm xây dựng và phát triển nghề kế toán Việt Nam, mỗi đại biểu đều muốn được đóng góp suy nghĩ của mình vào đề án. Đã lâu lắm rồi lại được sống trong không khí sôi động của việc xây dựng Chuẩn mực kế toán từ những năm 2000.

Quá trình hội thảo, có thể tổng kết các ý kiến theo hai luồng tư tưởng như sau:

Luồng ý kiến thứ nhất, có tính quyết liệt, đổi mới toàn diện và hơi bứt phá nhanh, ủng hộ đề án một cách tuyệt đối, đó là: “Xây dựng hệ thống chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS) và bộ tài liệu hướng dẫn VFRS trên cơ sở nội hàm về cơ bản như nguyên mẫu IFRS của quốc tế, có một vài nội dung được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn Việt Nam không muộn hơn ngày 31/12/2022 và áp dụng lập trình bày BCTC riêng, BCTC hợp nhất bắt buộc cho các công ty niêm yết và các đơn vị có lợi ích công chúng khác. Tuy nhiên các công ty này có 2 năm để chuẩn bị kể từ ngày Bộ Tài chính công bố chuấn mực. Và việc ban hành, cập nhật hệ thống chuẩn mực VAS hiện hành và các văn bản hướng dẫn áp dụng VAS dự kiến sẽ không muộn hơn ngày 31/12/2025 và các doanh nghiệp là đối tượng áp dụng sẽ có ít nhất 12 tháng để chuẩn bị trước khi chính thức áp dụng VAS” (Trích dự thảo quyết định đề án).

Luồng ý kiến thứ 2, có tính thận trọng hơn, đó là:
Đối với hệ thống VFRS thời gian đầu nên cho các công ty, DN tự nguyện áp dụng, hàng năm có tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho đến lúc các DN đã sẵn sàng về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như có các mô hình số liệu để chuyển đổi thì mới áp dụng bắt buộc đối với các đối tượng là công ty niêm yết và các công ty có lợi ích công chúng khác.

Song song với việc nghiên cứu xây dựng VFRS, Bộ Tài chính cũng tiến hành cập nhật hệ thống chuẩn mực VAS hiện hành và các văn bản hướng dẫn áp dụng VAS để áp dụng cho các DN trong nền kinh tế.

Trên quan điểm cá nhân, với tư cách một thành viên của Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán tôi ủng hộ luồng ý kiến thận trọng. Tôi cho việc xây dựng hướng dẫn việc áp dụng IFRS vào Việt Nam nguyên mẫu là một công việc lớn và khá công phu, tác động trên nhiều khía cạnh kể cả nhận thức, tư duy quản lý của DN và các nhà hoạch định chính sách kinh tế – tài chính của Chính phủ Việt Nam. Đó là chưa kể đến việc tác động tích cực và không tích cực đến quản lý, lợi ích kinh tế của DN và nguồn thu NSNN. Cũng không thể phủ nhận lợi ích của IFRS trong việc cung cấp hệ thống thông tin minh bạch cho nền kinh tế mà Việt Nam đang hướng tới.

Tuy nhiên, IFRS được xây dựng trên nền tảng các DN tư nhân (phân biệt với DNNN) hoạt động trong nền kinh tế thị trường thực thụ. Bởi vậy ở Việt Nam, cần có thời gian để mọi người (kể cả những người trong ban soạn thảo và người áp dụng nó trong công việc kế toán) hiểu về IFRS một cách đầy đủ, đúng đắn và cần có sự đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực và môi trường quản lý của nền kinh tế. Xu hướng hội nhập quốc tế là tất yếu, tuy nhiên Bộ Tài chính cũng cần tính đến tính thực tiễn của Việt Nam với khoảng 90% số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (DNNVV) là loại hình DN đang rất cần sự trợ giúp của Nhà nước để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nên chăng Bộ Tài chính cần có kế hoạch xây dựng chuẩn mực kế toán cho các DNNVV đồng thời với VAS. Việc minh bạch hóa thông tin của các DNNVV là sự cần thiết góp phần không nhỏ vào việc minh bạch hóa và lành mạnh hóa nền kinh tế Việt Nam.

Tóm lại, việc xây dựng IFRS nguyên mẫu ở Việt Nam là cần thiết, tuy nhiên cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp không bị đỗ vở như một số nước trên thế giới. Quan điểm cá nhân, tôi thiết nghĩ kinh nghiệp áp dụng IFRS ở Nhật Bản rất đáng cho ta tìm hiểu và học tập, nên chăng bước đầu ta nên quy định VFRS chỉ áp dụng cho việc lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất, còn Báo cáo tài chính riêng của tất cả các DN/ Công ty áp dụng VAS và DNNVV áp dụng Chuẩn mực của DNNVV.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *