Nghiên cứu trao đổi

QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG SỬA ĐỔI LUẬT KẾ TOÁN

Tiêu đề QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG SỬA ĐỔI LUẬT KẾ TOÁN Ngày đăng 2023-07-04
Tác giả Admin Lượt xem 986

        Trong tiến trình đổi mới và cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam, khung khổ pháp lý về kế toán và kiểm toán đã hình thành và dần dần hoàn thiện. Luật Kế toán 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017), đã được Quốc hội khóa XIII thông qua trên nền tảng sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp lý về kế toán hiện hành mà trực tiếp là Luật Kế toán 2003. Quy định mang tính pháp lý đầu tiên về kế toán ở Việt Nam là Pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành theo lệnh 06 của Chủ tịch nước ngày 20/5/1988 (ngay sau bắt đầu đổi mới kinh tế) và sau đó là Luật Kế toán (Luật số 03/2003/QH11) được Quốc hội khóa XI, thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2004. Luật Kế toán 2015 ban hành sau khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố và có hiệu lực. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn để triển khai Luật. Nhiều chế độ kế toán cũng đã được ban hành phù hợp yêu cầu của kinh tế thị trường và trên tinh thần các quy định pháp lý về kế toán của nhà nước.

Bên cạnh đó, các Luật kinh tế liên quan đã được ban hành và hoàn thiện theo yêu cầu mới của nền kinh tế, trong đó có nhiều quy định pháp lý liên quan hoạt động kế toán, như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Phá sản, cạnh tranh, chứng khoán, Luật Kiểm toán nhà nước…

Luật Kế toán được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm mục đích thống nhất quản lý kế toán, bảo đảm kế toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế tài chính, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Đây là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi hoạt động về kế toán của mọi thành phần kinh tế và mọi lĩnh vực hoạt động, là cầu nối quan trọng giữa kế toán Việt Nam với kế toán khu vực và thế giới, góp phần tích cực trong việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật kinh tế, tài chính Việt Nam.

Luật Kế toán được hoàn thiện theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa dự kiến được xu hướng phát triển hoạt động kế toán trong tương lai, tham khảo chọn lọc nội dung Luật Kế toán các nước, các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ kế toán quốc tế mà nhà nước ta đã thừa nhận và phù hợp với tiến trình hội nhập giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật Kế toán được xây dựng theo phương án luật chi tiết, có thể căn cứ vào luật để thực hiện.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi và biến động, cả về nội dung, phương thức hoạt động và cả về các quan hệ, sự hình thành, phương thức giải quyết các mối quan hệ kinh tế. Để sửa đổi Luật và xác định nội dung các quy định của Luật cần sửa đổi cần xem xét bối cảnh kinh tế xã hội và hình thành các quan điểm.

  1. Bối cảnh Kinh tế hiện nay và xu hướng được dự báo

Tình hình và bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và thế giới, đã có rất nhiều thay đổi trong hơn 8 năm qua, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong những năm gần đây đã ảnh hưởng và tác động rất nhiều đến hoạt động kế toán và những quy định pháp lý về kế toán

1.1. Sau hơn 37 năm cải cách và đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Quy mô nền kinh tế đã tăng nhiều lần. Mô hình tăng trưởng đã có những đổi mới. Quốc hội đã phê duyệt quy hoạch không gian phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cơ chế quản lý kinh tế của nền kinh tế thị trường đã và đang được thiết lập và vận hành. Đối tượng kế toán, đối tượng nghiên cứu của đã có những phát triển. Nhiều mô hình kinh tế mới, nhiều hoạt động kinh tế mới đã xuất hiện, các quan hệ kinh tế – xã hội mới được thiết lập, nhiều tài sản mới được hình thành với những nguồn hình thành chứa đựng những tính chất mới

1.2. Tình hình quốc tế có những thay đổi đáng kể. Quan hệ hội nhập quốc tế và hài hòa các chuẩn mực quốc tế đã có những phát triển mới . Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định và điều ứơc quốc tế, đã tham gia sân chơi thương mại toàn cầu và khu vực, có quan hệ thương mại và đầu tư với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong tương lai Việt Nam sẽ hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giói và khu vực, với phương châm, Việt Nam sẵn sàng làm bạn với mọi quốc  gia và vùng lãnh thổ, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau và cùng có lợi. Kế toán Việt Nam cũng đã tiếp cận với thông lệ và nguyên tắc kế toán phổ biến trên thế giới. Tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế đã chuyển hướng quan tâm từ những quy định về nội dung phương pháp kế toán sang quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển chức năng, nhiệm vụ kế toán và lập, trình bày và công bố các Báo cáo tài chính nhằm thỏa mãn yêu cầu sử dụng thông tin tài chính kế toán trong các nền kinh tế mở với sự phát triển mạnh mẽ các giao thương kinh tế, thương mại, dòng vốn đầu tư…

1.3. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự khởi phát trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ chưa đầy 8 năm (tính từ 2016), những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cách mạng công nghệ số với trí tuệ nhân tạo (ID), Internet  kết nối vạn vật, điện toán đám mây, Bigdata, Blokchain… đã tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế- xã hội, không chỉ thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, phương thức quản lý nhà nước, xã hội và kinh doanh mà còn thay đổi cả phương thức giao tiếp, phương thức sống. Trong tương lại, sự phát triển của Khoa học công nghề sẽ mạnh mẽ hơn và trở thành yếu tố quyết định, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư và kinh doanh, bảo vệ an ninh của đất nước và xã hội. Kế toán là khoa học tổ chức và cung cấp thông  tin, là công cụ quản lý kinh tế – tài chính đã chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số. Thành tựu cuộc cách mạng đã được sử dụng trong kế toán và làm thay đổi cả quy trình kế toán, phương pháp kế toán, cả chức năng của kế toán. Quy trình thu thập xử lý và cung cấp thông tin kinh tế – tài chính của kế toán đã thay đổi rất căn bản. Từ đó chức năng, nhiệm vụ kế toán có thay đổi và có những phát triển. Nhiệm vụ thu thập thông tin, dữ liệu, xử lý, tổng hợp và ghi sổ kế toán, trình bày và cung cấp thông tin trong môi trường công nghệ số đã có những thay đổi rất cơ bản về phương thức và trình tự. Chức năng kiểm tra, kiểm soát, phân tích đánh giá thông tin tiếp tục cần thiết và phát triển ở mức cao hơn về chất lượng và thời gian. Các đối tượng sử dụng thông tin kế toán đòi hỏi kế toán phải đảm nhiệm chức năng và nhiệm vụ năng nề hơn, giá trị hơn, đó là chức năng tư vấn, tư vấn quản trị, trực tiếp là quản trị tài chính, quản trị rủi ro. Với thành tự của CMCN 4.0, nhiều tài sản mới hình thành, nhiều nguồn lực, nguồn vốn mới xuất hiện bổ sung đáng kể cho đối tượng kế toán và đặt ra những yêu cầu cho kế toán trong nhận diện như, đánh giá và ghi sổ. Đó là những tài sản vô hình do Công nghệ số sinh ra, có thể gọi là tài sản số hoặc có tên gọi Tài sản ảo: Đồng tiền công nghệ số (đồng tiền số), tiền mã hõa. Ở một số quốc gia đã xuất hiện thuật ngữ mới về kế toán công nghệ số: Sổ cái công nghệ phân tán (Distributed Ledger technology – DLT), Sổ cái tập trung. Đến nay, Việt Nam chưa công nhận loại tài sản này về mặt pháp lý trong Luật dân sự.

  1. Quan điểm sửa đổi Luật Kế toán

Trên cơ sở bối cảnh hiện tại và tương lại của kinh tế thế giới, của nghề nghiệp kế toán thế giới, của các quốc gia và phát triển kinh tế, tài chính , kế toán Việt Nam đã đặt ra sự cần thiết phải tiếp tục phát triển kế toán kiểm toán Việt Nam theo những yêu cầu mới, với những phương hướng mới. Việc sửa đổi Luật Kế toán 2015 là cần thiết và phải làm rõ các quan điểm:

2.1. Việc sửa đổi Luật Kế toán phải đạt trong khung quy hoach phát triển đất nước Việt Nam, phát triển kinh tế Việt Nam với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển. Quốc hội cho rằng: Những đạo luật lạc hậu nhanh có yếu tố khách quan là sự phát triển nhanh của thực tiễn nhưng vẫn là hậu quả của tầm nhìn. Bởi suy cho cùng xã hội phát triển cũng đều do quy luật khách quan chi phối. Vì vậy Quốc hội đã yêu cầu: “Những người làm luật phải vừa am hiểu ngành, lĩnh vực đồng thời phải thấy được, phải dự báo được quy luật phát triển để đưa ra những điều luật “vượt trước”. Không thể để những điều luật chỉ là tấm gương phản chiếu tức thời cuộc sống”.

2.2.  Hoàn thiện Luật Kế toán trong bối cảnh hệ thống Luật pháp, đặc biệt là Luật pháp về kinh tế đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện. Hàng loạt Luật kinh tế mới, hàng loạt các quy định mới về Pháp luật kinh tế được ban hành, trong đó có quy định pháp luật doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản, về giá, về đất đai, về Hợp tác xã, về bưu chính viễn thông, về kinh doanh điện tử, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán…. Các quy định mới về pháp Luật ảnh hưởng trực tiếp tới các quy định mang tính pháp lý về kế toán, kiểm toán như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật, nguyên tắc kế toán, yêu cầu, nhiệm vụ kế toán cũng như nội dung tổ chức công tác kế toán, bộ máy kế toán, về hành nghề kế toán, về tổ chức nghề nghiệp kế toán và quản lý nhà nước về kế toán.

2.3. Sửa đổi hoặc hoàn thiện Luật Kế toán cần tính tới những thành tựu và tác động của CMCN 4.0 hiện nay và trong thời gian sắp tới. Những thành tựu của cách mạng CN 4.0, cách mạng công nghệ số đã tác động và làm thay đổi toàn bộ quy trình kế toán, thay đổi các phương pháp kế toán từ phương pháp chứng từ, phương pháp tài khoản, phương pháp ghi sổ và đặc biệt là phương pháp lập và trình bày các báo cáo kế toán, báo cáo tài chính. Những quy định pháp luật về kế toán trong Luật Kế toán 2015 sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số, trong bối cảnh xuất hiện nền kinh tế số, tài chính số và kế toán số. Tất cả những tác động sẽ dẫn đến sự phát triển và thay đổi chức năng và nhiệm vụ kế toán trong bối cảnh mới. Kế toán không chỉ dừng lại ở chức năng và nhiệm vụ tổ chức thông tin kinh tế tài chính, chủ yếu là thông tin quá khứ về hoạt động kinh tế đã diễn ra, mà cả những thông tin mang tính dự báo về tương lai, đồng thời có thêm chức năng tư vấn quản trị, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính. Đồng thời do xuất hiện những tài sản mới, những quan hệ kinh tế và những hoạt động kinh tế mới, đòi hỏi bổ sung và phát triển thêm các đối tượng kế toán mới, đó là tài sản vô hình, tài sản công nghệ số, tài sản hình thành trong tương lai, những nguồn hình thành tài sản mới, các quan hệ, các thỏa thuận kinh tế ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, đến trách nhiệm kinh tế.

2.4. Sửa đổi Luật Kế toán trong bối cảnh Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện nhưng phải đảm bảo lợi ích và chủ quyền của mỗi quốc gia. Sự hài hòa của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về kế toán phát triển ở mức cao hơn với sự chuyển hướng sang các nguyên tắc và chuẩn mực về trình bày và công bố các báo cáo tài chính, các thông tin tài chính phục vụ cho quyết định của các nhà đầu tư, cho sự di chuyển của các dòng tiền và đảm bảo lợi ích của các thể nhân và pháp nhân, các chủ thể kinh tế trong các hoạt động giao lưu thương mại.

  1. Phương hướng sửa đổi và hoàn thiện Luật Kế toán

      Trên cơ sở bối cảnh và quan điểm đã trình bày ở phần trên, xin được nêu phương hướng sửa đổi Luật Kế toán 2015:

 3.1. Việc sửa đổi Luật Kế toán 2015 cần tính đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp chiến lược phát triển đất nước và khung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế Việt Nam. Luật Kế toán cần cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về một nên kinh tế phát triển bền vững, nền tài chính công khai, minh bạch và lành mạnh. Cần tính toán nên sửa đổi một số điều hay sửa đổi toàn diện xây dựng Luật Kế toán mới thay thế Luật Kế toán 2015. Cần cân nhắc tính toán, với kế toán cần quy định về mặt pháp lý những nội dung nào, có cần quy định cả những nội dung về công việc kế toán và phương pháp kế toán hay không. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã không ban hành quyết định về chế độ kế toán mà ban hành các Thông tư vừa là quy định vừa là văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán. Vì vậy nên cân nhắc và xác định những nội dung về kế toán cần Luật hóa.

Ngoài những quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng gồm tất cả các tổ chức có hoạt động tài chính, Luật cần chế định chức năng nhiệm vụ và yêu cầu kế toán phải là công cụ để phản ánh, tính toán, phân tích và giám sát mọi nghiệp vụ kinh tế- tài chính phát sinh, mọi thông tin, số liệu kế toán một cách đầy đủ, rõ ràng, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống, đồng thời quy định trách nhiệm tư vấn của kế toán.

Hạch toán kế toán không chỉ là khoa học quản lý, phương pháp nghiệp vụ về tổ chức thu thập, xử lý, tổng hợp và truyền tải thông tin kinh tế, mà còn chứa đựng những nguyên tắc, những chuẩn mực và thông lệ được thừa nhận trong thực tế và không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà có thể trong khu vực hoặc ở nhiều nước trên thế giới. Nguyên tắc kế toán được luật hóa sẽ trở thành căn cứ pháp lý để điều chỉnh và chế tài hoạt động kế toán và các mối quan hệ có liên quan đến kế toán. Luật Kế toán quy định những nguyên tắc kế toán cơ bản của kế toán, trong đó, có  nguyên tắc giá trị hợp lý, nguyên tắc nhất quán, khách quan, công khai, thận trọng và tuân thủ mục lục NSNN.

3.2. Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp lý về công tác kế toán, tổ chức công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán, về người làm kế toán và kế toán trưởng, Luật Kế toán cần quy định về dịch vụ kế toán, hành nghề kế toán, về tiêu chuẩn, điều kiện, nghĩa vụ và quyền của tổ chức, cá nhân hành nghề, người cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đồng thời, Luật đã có một điều khoản riêng quy định về tổ chức nghề nghiệp kế toán, tổ chức nghề nghiệp mang tình chuyên nghiệp trong nền kinh tế đa thành phần đa sở hữu có sự quản lý của nhà nước. Luật Kế toán ban hành mới cần nhằm mục đích thống nhất quản lý kế toán, bảo đảm kế toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế tài chính, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và cá nhân.

Luật Kế toán là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi hoạt động về kế toán của mọi thành phần kinh tế và mọi lĩnh vực hoạt động, là cầu nối quan trọng giữa kế toán Việt Nam với kế toán khu vực và thế giới, góp phần tích cực trong việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật kinh tế, tài chính Việt Nam.

3.3. Luật Kế toán cần được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa dự kiến được xu hướng phát triển hoạt động kế toán trong tương lai, tham khảo chọn lọc nội dung Luật Kế toán các nước, các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ kế toán quốc tế mà nhà nước ta đã thừa nhận và phù hợp với tiến trình hội nhập giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời phải đảm bảo đồng bộ với quy định tại các Luật khác của Việt Nam, trước hết là Luật Dân sự, Luật Hình sự và các Luật kinh tế. Luật Kế toán được xây dựng theo phương án luật chi tiết.

Hiểu rõ bối cảnh, thống nhất về quan điểm và xác định rõ phương hướng sửa đổi Luật Kế toán sẽ tạo điều kiện để nghiên cứu và quyết định rà soát, sửa đổi từng quy đinh trong 74 điều, 7 chương của Luật Kế toán 2015. Cần đảm bảo cho Luật Kế toán tuân thủ tính nhất quán trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay và tương lai. Đồng thời, phải trên cơ sở khoa học và có tính dự báo để thấy được tương lai và triển vọng của kế toán, có những quy định phù hợp hiện tại, đáp ứng những yêu cầu của tương lai và thực sự đi vào cuộc sống.

                                                                        Hà Nội, 27 tháng 6 năm 2023 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *