Nghiên cứu trao đổi

Khoa học công nghệ – động lực phát triển và tạo giá trị mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Tiêu đề Khoa học công nghệ – động lực phát triển và tạo giá trị mới cho doanh nghiệp Việt Nam Ngày đăng 2024-04-17
Tác giả Admin Lượt xem 398

Đặng Thanh Tùng

Nhận:              20/12/2023       

Biên tập:         21/12/2023   

Duyệt đăng:    11/01/2024

Tóm tắt

Mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm  2045 của Việt Nam là trở thành nước công nghiệp – nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được mục tiêu, Đảng và Chính phủ đã đề ra phương hướng và giải pháp phát triển đất nước. Trong đó, có giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng theo chiều sâu và năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất lao động – xã hội, năng suất tổng hợp, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Muốn vậy, mà nòng cột là các doanh nghiệp (DN) và doanh nhân của đất nước phải hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị trên cơ sở khoa học công nghệ phải thay đổi mô hình kinh doanh và phương thức làm việc, sản xuất, mô hình quản trị DN thông qua việc áp dụng các thành tự của Cách  mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi DN. Các DN cần thay đổi cách thức vận hành, thay đôi mô hình tổ chức quản lý và mô hình kinh doanh. Có như vậy, DN mới trụ vững, phát triển và đem lại những hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao hơn, tạo ra những giá trị mới hơn cho DN và cho xã hội.

Từ khóa: khoa học công nghệ, doanh nghiệp, Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Abstract

Vietnam’s strategic socio-economic development goal to 2030 with a vision to 2045 is become both an industrial country and a modern industrial country. To achieve the goal, the Party and Government have proposed directions and solutions for national development. Indeed, Innovate the growth model, restructure the economy; Promote industrialization, modernization, and rapid and sustainable national development. The economy will grow depth, productivity, quality, and efficiency. Economic growth is based on improving social labor productivity, aggregate productivity, improving efficiency and competitiveness of the economy. As, entrepreneurial enterprises must operate and promote production and improve management capacity. management capacity based on science and technology, must change business models, working methods, production, and corporate governance models through applying the achievements of the Fourth Industrial Revolution, integrating digital technologies into the operations of each business.

Keywords: Science Technology, Business, 4th Revolution Industries.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.01202403

Thế giới đang ở giai đoạn khởi phát của cuộc CMCN 4.0, với việc tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây,… Có thể thấy, CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình sản xuất và kinh doanh, các phương thức sản xuất, công nghệ sản xuất mới, nguyên liệu mới,… Đặc trưng lớn nhất của CMCN 4.0 là tính kết nối giữa các chủ thể trong chu trình sản xuất kinh doanh nhờ vào sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và internet, mà đỉnh cao là internet kết nối vạn vật.

Với internet của vạn vật (IOT- Internet of things), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực. Sau đó, thông qua internet của các dịch vụ (IOS – Internet of services), người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này, đồng nghĩa với sự phức tạp của mạng lưới sản xuất và nhà cung cấp sẽ tăng lên rất nhiều. Thông qua việc kết nối này, các DN sẽ tạo ra những mạng lưới thông minh trong toàn bộ chuỗi giá trị để có thể kiểm soát lẫn nhau một cách tự động, qua đó giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Chính từ mạng internet với vạn vật kết nối này đang tạo ra một xu hướng mới, với khái niệm “kinh tế chia sẻ”. Theo đó, có sự chia sẻ nguồn lực giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội, được thực hiện thông qua internet và hướng tới tối ưu hóa nguồn lực xã hội. Nói một cách đầy đủ hơn, cuộc CMCN 4.0 đang xóa dần khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo thông qua công nghệ số, thông qua sự đổi mới và sáng tạo.

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc CMCN 4.0, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, là thời cơ để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh chuỗi sản phẩm, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số, internet và công nghệ sinh học. Đây là những thuận lợi căn bản và là thời cơ cho các DN Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam và nhất là các DN nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế thế giới và khu vực thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực, như: sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kỹ năng, trình độ thấp và lao động không được đào tạo, đào tạo lại. Thị trường lao động truyền thống có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoặc ít sẽ bị đào thải và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực. Điều khó tránh khỏi và đáng lo ngại là làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang Việt Nam.

Có thể nói, DN vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng, đồng thời cũng là một động lực của cách mạng khoa học kỹ thuật, CMCN lần thư tư của công cuộc chuyển đổi số: Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó các DN là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ; ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ DN sẽ phải thu hẹp quy mô và thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Theo đánh giá ban đầu, các ngành du lịch và thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu và số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may lại phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. Tất nhiên, không phải tất cả các DN trong ngành hàng sẽ cùng tăng trưởng hay cùng gặp khó khăn. DN sẽ tăng trưởng nhanh, nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; ngược lại, nếu không nắm bắt và theo kịp công nghệ mới, DN sẽ phải thu hẹp quy mô kinh doanh, thu hẹp thị trường, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế, chính trị và xã hội. Thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, là một trong những nội dung quan trọng và mang yếu tố then chốt cho các DN Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cập nhật xu hướng công nghệ mới và thay đổi phương thức quản trị DN là vấn đề mấu chốt, quyết định sự tồn tại và phát triển của DN Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0. Công nghệ nói chung và công nghệ số đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại điện tử đang thay đổi hành vi và thói quen của người dùng.

Đáng lo ngại là ở Việt Nam cho đến nay, có nhiều DN và chủ yếu là các DN nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu, nhiều DN đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và rất ít DN sử dụng công nghệ tiên tiến. Việc áp dụng công nghệ số ở không ít DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn mang tính cục bộ, rời rạc và gặp nhiều khó khăn về xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi và cách làm. Việc đầu tư chuyển đổi số chưa mang lại kết quả như mong đợi, có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân về: nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; về sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; về mức độ đầu tư, về phát triển nguồn nhân lực.

Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và không thể nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Vì vậy, các DN Việt Nam tất yếu phải thay đổi để thích nghi và phát triển.

Trước hết, cần thống nhất và nâng cao nhận thức của lãnh đạo các DN về áp dụng khoa học công nghệ, về chuyển đổi số

Các nhà quản lý cần hiểu biết đầy đủ về thành tự của CMCN 4.0, về chuyển đổi số, kinh tế số, cần thấy hết lợi ích của ứng dụng công nghệ số,… để có những quyết định, quyết sách cho DN phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của DN. Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện, cách sống và cách làm việc của con người, cũng như của tổ chức.

Chuyển đổi số trong DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số, bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (ICloud),… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, xây dựng và đổi mới văn hóa DN và văn hóa kinh doanh.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như: cắt giảm chi phí vận hành và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của DN được nâng cao. Chuyển đổi số không chỉ thiên về công nghệ mà phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và từ tư duy lãnh đạo, tư duy quản trị DN. Công nghệ số cần đi cùng với các nhà quản lý, các nhà quản trị DN và chiến lược kinh doanh.

Cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về bản chất của chuyển đổi số, về các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, cũng như sự thay đổi quy trình, thay đổi cách thức quản trị và điều hành để đáp ứng được với xu thế công nghệ.

Thứ hai, về kinh tế vĩ mô

Đây là cơ hội và thời cơ để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành và vùng, lãnh thổ theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có chất lượng và có kỹ năng chuyên môn cao. Trong thu hút đầu tư, cần có cơ chế ràng buộc các DN FDI và khuyến khích DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa.

Thứ ba, DN Việt Nam cần chủ động hướng tới tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển

Ứng dụng công nghệ, không chỉ là công nghệ số và kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý mà cả công nghệ sinh học và các công nghệ mới khác. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chế biến thực phẩm thì công nghệ sinh học rất quan trọng, có thể ứng dụng trong suốt chuỗi giá trị từ khi sản xuất nguyên liệu, thu hoạch, trong việc tạo lập thị trường, thu hút người tiêu dùng, trong các khâu chế biến, bảo quản, phân phối sản phẩm, dịch vụ,… Nếu biết kết hợp nhiều công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có giá trị độc đáo thì DN mới cạnh tranh được trên thị trường.

Thứ tư, tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin, chuyển đổi số đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều rất nhanh

Nếu không sớm thích nghi, DN sẽ không thể trụ vững và không thể phát triển. Các doanh nhân cần tập trung mọi nỗ lực tạo nên những chuyển biến tích cực trong DN thông qua việc đổi mới phương thức hoạt động và phương thức tổ chức và quản trị sản xuất, kinh doanh.

Trong môi trường CMCN 4.0, công cuộc chuyển đổi số, các DN cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất đối với khoa học – công nghệ.

Lãnh đạo, cán bộ quản lý DN, doanh nhân cần:

– Chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của DN mình. Từ đó, lựa chọn đối tác cung cấp các giải pháp, các công nghệ để thực hiện số hóa cho DN mình. Đối với các DN thuộc ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số là tất yếu. Cần phải có hướng đi rất cụ thể và chiến lược dài hạn. Các nhà quản lý cần có hiểu biết đầy đủ hơn về quản trị DN trong CMCN 4.0. Cần nâng cao năng lực quản trị kinh doanh trên các lĩnh vực, bao gồm: quản trị chiến lược, tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing, tài nguyên (trong đó có tài nguyên số). Phương thức quản trị DN phải đổi mới hoạt động với sự vận hành thật đơn giản nhưng hiện đại, hiệu quả. Nhà quản trị phải luôn khuyến khích đổi mới và đột phá, khuyến khích sự xung kích, dấn thân cho những thay đổi trong tương lai.

– Đầu tư, tạo điều kiện cho những nhà khoa học, kỹ sư sáng chế, biến ý tưởng triển vọng thành sản phẩm 4.0 thực tế; đầu tư đặc biệt cho những ý tưởng mang tính đột phá. Áp dụng thực sự các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh và quản trị kinh doanh.

– Quan tâm và lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí cao nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm, cũng như đánh giá hiệu quả công việc và xác định mức thu nhập của các nhà khoa học, các kỹ sư sáng chế.

– Các DN phải chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc cách mạng CN 4.0 mang lại. Cần đầu tư cho công nghệ thông tin một cách bài bản. Cân nhắc thận trọng và lường tính rủi ro là cần thiết nhưng không nên quá chậm chạp.

– Cần nâng cao trình độ áp dụng công nghệ mới đi kèm với những đòi hỏi về kỹ năng và kiến thức phải được cập nhật mới, để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của CMCN 4.0. Cần tạo ra sự liên kết về công nghệ, về các phần mềm hỗ trợ quản trị.

Thứ năm, không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, các DN cần phải thay đổi công nghệ quản trị

Với hệ thống quản trị DN mới, lãnh đạo DN có thể theo dõi, nắm bắt hàng ngày, hàng giờ tình hình sản xuất từ khâu mua, đưa nguyên liệu, vật liệu vào sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, tình hình thị trường và những biến động của giá cả để có thể có biện pháp giải quyết nhanh khắc phục những tình huống và sự cố bất lợi. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh.

Thứ sáu, chú trọng và tăng cường quản lý an ninh mạng

Các DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến việc xây dựng Trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

Thứ bảy, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Các DN cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu nhận và đào tạo nhân lực chất lượng cao có hiểu biết sâu về quản trị kinh doanh, về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số và quản trị mạng,… phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của DN.

Thời đại 4.0 đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý kinh tế, các doanh nhân phải là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá các chứng cứ và dữ liệu. Các doanh nhân phải giải quyết bài toán về nguồn nhân lực, về huy động nguồn tài chính, về sử dụng nguồn vốn, quản trị chi phí kinh doanh có hiệu quả, cải thiện mô hình DN, phương thức tổ chức, phương thức kinh doanh, nhưng không phải bằng cách đã làm trước đây mà phải bằng tư duy mới, công nghệ mới trong chuỗi giá trị mới.

Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, các doanh nhân, người lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh doanh có sứ mệnh trở thành động cơ đổi mới mô hình kinh doanh, mô hình quản trị DN mà các doanh nhân đang vận hành nhằm đáp ứng những thay đổi của cuộc CMCN 4.0 và sử dụng có hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 của công cuộc chuyển đổi số.

Các doanh nhân cần phải được đào tạo lại, cần thay đổi bản thân và DN của mình thành nơi sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, nhiều hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ  nhằm đáp ứng với thời đại mới. Đào tạo, bồi dưỡng các doanh nhân theo các chuyên đề cho người lãnh đạo 4.0; Kết hợp học tập công nghệ 4.0 với chia sẻ kinh nghiệm giữa đồng nghiệp qua giao lưu, kiểm tra chéo, tham quan DN trong và ngoài nước. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, của Câu lạc bộ các nhà công thương Việt Nam để tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ quản lý, tạo diễn đàn giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thông tin…

Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn bộ hoạt động của DN. Nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại  của đội ngũ nhân lực.

Thứ tám, về phía Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-Ttg, ngày 04/05/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Trong đó, yêu cầu các cấp các ngành tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển nội dung số.

Để thực hiện chỉ thị trên, Nhà nước cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành. Ngân sách đầu tư công cần ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện khả năng kết nối thông tin (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet), phát triển thị trường vốn dài hạn, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động kinh doanh của DN đã và đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu và rộng.  Trong giai đoạn khởi phát của CMCN 4.0, cần có sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để các DN kinh doanh có hiệu quả, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ CMCN 4.0. Sự thành công của DN, phụ thuộc vào ý thức, vào trách nhiệm và trí tuệ để đón bắt thời cơ, chủ động vượt qua thách thức.

Chắc chắn rằng, các DN Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi số tại DN. Giúp DN trụ vững và phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh./.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 Thái Bá An. (2017). CMCN 4.0: Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính 10/2017.

Nhật Minh. (2018). Xây dựng chiến lược tiếp cận Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nhân dân, 24-2.

PGS.TS. Đỗ ngọc Mỹ. (2017). CMCN 4.0 – Những vấn đề đặt ra với nền kinh tế và kế toán kiểm toán – Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Đại học Quy Nhơn.

PGS.TS. Đặng Văn Thanh. (2018, 2022). Tài chính Công nghệ số và hội tụ. International . Financial Conference  lần thứ 7, lần thứ  10.

PGS.TS Đặng Văn Thanh. (2023). DN Việt Nam với công cuộc chuyển đổi số, Thực trạng và Giải pháp. Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị, 121-122 tháng 9-10.

DN Việt với Cách mạng Công nghiệp 4.0. (2019). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *