Nghiên cứu trao đổi

Ảnh hưởng của Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), Thuế Carbon đối với doanh nghiệp xuất khẩu và cách ứng phó

Tiêu đề Ảnh hưởng của Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), Thuế Carbon đối với doanh nghiệp xuất khẩu và cách ứng phó Ngày đăng 2024-04-25
Tác giả Admin Lượt xem 1076

TS. Trần Khánh Lâm*- TS. Hà Thị Ngọc Hà*

(*Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA))

Nhận:              10/01/2024       

Biên tập:         11/01/2024   

Duyệt đăng:    23/01/2024

Tóm tắt

Bài viết này nghiên cứu đến việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 01/10/2023, tác động đến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là ở Việt Nam và các chiến lược để thích ứng. Các giai đoạn chuyển tiếp và áp dụng thuế carbon dựa trên lượng khí phát thải của các sản phẩm nhập khẩu từ năm 2026, sẽ làm tăng áp lực lên các DN trong việc phải chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nghiên cứu này phân tích tác động kinh tế – kỹ thuật, đề xuất chiến lược ứng phó và tận dụng cơ hội từ CBAM. Đặc biệt, nó nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế và đối thoại đa phương, cũng như liên quan giữa CBAM và sử dụng tín chỉ thuế carbon. Phương pháp nghiên cứu bao gồm thu thập dữ liệu từ các nguồn chính thống và phỏng vấn chuyên gia. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh, cần có sự hỗ trợ DN để CBAM làm không cản trở sự phát triển của các DN tại Việt Nam và khuyến nghị các DN tiến hành đánh giá tác động và nâng cao năng lực, sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới quy trình sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Từ khóa: CBAM, carbon, thuế, sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Abstract

This article investigates the implementation of the European Union’s (EU) Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) starting from October 1, 2023, and its impact on businesses, particularly in Vietnam, and strategies for adaptation. The transitional phases and the introduction of carbon taxes based on the emission levels of imported products from 2026 will increase pressure on businesses to shift to cleaner technologies and optimize production processes. This study analyzes the economic and technical impacts, proposes response strategies, and explores opportunities arising from CBAM. It emphasizes the role of international cooperation and multilateral dialogue, as well as the connection between CBAM and the utilization of carbon tax credits. The research methodology includes data collection from authoritative sources and expert interviews. The findings underscore the need for business support to ensure CBAM does not hinder the development of Vietnamese enterprises and recommend businesses to assess impacts, enhance capabilities, use renewable energy, innovate production processes, and build sustainable supply chains.

Keywords: CBAM, carbon, tax, green production, sustainable development.

JEL Classifications: H20, H27, H29.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.01202409

  1. Giới thiệu

Ngày nay, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đang là những chủ đề thời sự thế giới. Các nước đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giảm lượng khí phát thải và nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai CBAM từ ngày 01/10/2023 (Cecilia Bellora và Lionel Fontagné, 2023). Cơ chế này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN trong khối EU, mà tác động mạnh mẽ đến các DN xuất khẩu vào thị trường châu Âu, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Việt Nam, với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, cũng như đang đứng trước những thách thức lớn do CBAM gây ra. Việc EU áp dụng thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu dựa trên lượng khí phát thải sẽ tạo ra một áp lực mới, buộc các DN Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi, đầu tư vào công nghệ sạch hơn và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm lượng phát thải tối đa. Điều này không chỉ đặt ra những thách thức về mặt kinh tế và kỹ thuật, mà còn đòi hỏi một sự thay đổi to lớn trong tư duy và cách tiếp cận của cả chính phủ và DN. Việc thích ứng với CBAM không chỉ là vấn đề của việc tuân thủ pháp luật, mà còn là quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững và có trách nhiệm với môi trường.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ phân tích về CBAM, cách thức vận hành, những tác động có thể đối với các DN xuất khẩu Việt Nam, cũng như đề xuất các chiến lược và giải pháp để ứng phó và tận dụng những cơ hội mà quá trình này mang lại. Qua đó, bài nghiên cứu nhằm mục tiêu góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tạo động lực và hỗ trợ các bên liên quan trong việc chuyển đổi hướng tới sự phát triển bền vững.

  1. Cơ sở lý luận

2.1. Khái niệm về CBAM

Từ ngày 01/10/2023, CBAM  là công cụ mang tính bước ngoặt của EU để giải quyết vấn đề phát thải carbon và đã có hiệu lực, bắt đầu với giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2025. Nghĩa vụ mua và trả lại chứng chỉ CBAM, sau đó sẽ được áp dụng từ năm 2026. Chính sách CBAM ban đầu sẽ áp dụng cho nhập khẩu điện, nhôm, sắt thép, xi măng, phân bón và hydro.

Từ năm 2026, việc nhập khẩu những hàng hóa này vào EU sẽ bị tính thuế carbon, dựa trên lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Mục tiêu chính của cơ chế này là tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất châu Âu, đồng thời khuyến khích quá trình giảm cacbon công nghiệp trên toàn cầu (Cecilia Bellora và Lionel Fontagné, 2023).

2.2. Tổng quan các nghiên cứu

Cơ chế CBAM được xác định là một công cụ then chốt trong nỗ lực của EU nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, tác động của nó đối với các DN xuất khẩu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và đang được nghiên cứu rộng rãi.

2.2.1. Tác động kinh tế – kỹ thuật

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động kinh tế đáng kể mà Cơ chế CBAM có thể gây ra đối với các DN xuất khẩu. Mức độ ảnh hưởng của các nền kinh tế xuất khẩu sản phẩm CBAM sang châu Âu khác nhau, với nhiều nền kinh tế đang phát triển có hơn 2% xuất khẩu và 1% sản lượng của họ bị ảnh hưởng bởi cơ chế này. Nhiều việc làm, nguồn thu từ thuế và doanh thu xuất khẩu sẽ bị mất nếu CBAM được triển khai mà không tính đến đặc thù của các đối tác thương mại của EU (Guilherme Magacho, Etienne Espagne, Antoine Godin, 2023). Hơn nữa, CBAM cũng tạo ra áp lực buộc các công ty phải đầu tư vào công nghệ sạch và tối ưu hóa quy trình sản xuất (Changlong Wang et al., 2023), (Jingwen Shi et al., 2022).

2.2.2. Tác động đến quan hệ thương mại

Theo Guilherme Magacho và cộng sự (2023), CBAM sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa EU, các đối tác thương mại; và các ngành công nghiệp phát thải cao có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Phân tích chỉ ra rằng, các quốc gia có nhiều khả năng phản đối CBAM nhất là Iran, Ukraine, Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Belarus. Cách EU đối xử và cách phản ứng của các quốc gia này sẽ quyết định sự thành bại của cơ chế CBAM (Indra Overland, Rahat Sabyrbekov, 2022). Tương tự, việc nghiên cứu tác động của CBAM đối với Việt Nam, gợi ý sự cần thiết của các chiến lược cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của nó.

2.2.3. Chiến lược và biện pháp ứng phó

Một số nghiên cứu đã tập trung vào việc đề xuất các chiến lược, biện pháp ứng phó với CBAM (Jiarui Zhong, Jiansuo Pei, 2023), (Duy Nong, Can Wang, Abul Quasem Al-Amin, 2020) phân tích các lựa chọn chính sách mà Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ DN trong quá trình chuyển đổi. Việt Nam có thể cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức và Chính phủ quốc tế để phát triển năng lực tài chính tốt hơn, cũng như nguồn nhân lực có chất lượng cao và công nghệ tiên tiến nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon một cách nhanh chóng hơn. Theo Antoine Oger. (2023) thì Chính phủ cần tập trung vào việc xây dựng năng lực cho các DN vừa và nhỏ (SME), đây được xác định là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước cơ chế CBAM.

2.2.4. Hợp tác quốc tế và đối thoại đa phương

Hợp tác quốc tế và đối thoại đa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với CBAM. Trong nghiên cứu của Iryna Holovko và cộng sự (2021), họ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa các nước đang phát triển và EU để tìm ra giải pháp chung, đảm bảo CBAM không trở thành rào cản thương mại mà đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững. Các DN trong EU đang phải tuân thủ những quy định môi trường nghiêm ngặt, điều này tăng chi phí sản xuất và làm giảm khả năng cạnh tranh của họ so với các DN ở những quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn. CBAM áp dụng thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu từ những quốc gia có lượng phát thải cao hơn so với EU. Mức thuế được tính dựa trên lượng khí CO2 phát thải ra bên ngoài trong quá trình sản xuất sản phẩm đó.

2.2.5. Các tác động của CBAM

CBAM được thiết kế để cân bằng giá carbon giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu, đảm bảo rằng các chính sách khí hậu không dẫn đến “rò rỉ carbon” (Sigit Perdana, Marc Vielle. 2022). Tuy nhiên, việc triển khai CBAM có tác động rất nhiều đến các ngành và quốc gia khác nhau, tạo ra cả thách thức và cơ hội. Các ngành công nghiệp như thép, xi măng và hóa chất nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những lĩnh vực này sử dụng nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính rất lớn. Thuế điều chỉnh do CBAM áp đặt làm tăng giá thành sản phẩm của các ngành này khi xuất khẩu sang EU, có khả năng làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngành này (Henrique Morgado Simões. 2023). Mặt khác, CBAM có thể có lợi cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bằng cách đánh vào sản phẩm nhập khẩu có hàm lượng phát thải carbon cao, cơ chế  này khuyến khích các phương pháp sản xuất sạch hơn. Các ngành công nghiệp liên quan đến sản xuất tấm pin mặt trời, tua-bin gió và các công nghệ năng lượng tái tạo khác sẽ có cơ hội phát triển mạnh (International Monetary Fund. European Dept. 2023). Ngoài ra, tác động của CBAM đến nông nghiệp rất phức tạp và rất khác nhau. Mặc dù lĩnh vực này là nguồn phát thải đáng kể khí nhà kính, trong khi đó nông nghiệp lại có vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới. EU đã thừa nhận điều này và đang nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo CBAM không ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực toàn cầu (European Commission, 2023).

Nhiều nước đang phát triển dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa chi phí thấp, phát thải cao sang các thị trường phát triển. CBAM đặt ra nguy cơ lớn cho các quốc gia này, vì nó có thể dẫn đến mất khả năng tiếp cận thị trường và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng sẽ là chất xúc tác để các quốc gia này chuyển đổi sang các ngành công nghiệp sạch hơn. Các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với EU bị ảnh hưởng đặc biệt. Trung Quốc, Mỹ và Nga là những nước xuất khẩu lớn sang EU và là nước phát thải khí nhà kính đáng kể, có thể sẽ phải chịu những tác động kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, các nước này cũng có đủ nguồn lực và năng lực công nghệ để thích ứng với yêu cầu mới (Sigit Perdana, Marc Vielle, Maxime Schenckery, 2022), (Andy L. Siy et al., 2023). Các nền kinh tế nhỏ hơn và các ngành công nghiệp kém hơn có thể gặp khó khăn trong việc gánh chịu các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất xanh hơn.

Cơ chế CBAM là một yếu tố then chốt trong chiến lược chống biến đổi khí hậu của EU, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam cần có những điều chỉnh và chuẩn bị đáng kể. Chính phủ phải phát triển các cơ chế để giám sát và xác minh lượng khí thải một cách chính xác, đảm bảo rằng các DN tuân thủ các yêu cầu báo cáo mới. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao năng lực theo dõi và quản lý khí thải, đầu tư vào công nghệ và đào tạo cần thiết.

2.2.6. CBAM và tín chỉ carbon

CBAM có mối quan hệ với việc sử dụng tín chỉ carbon, mang lại cơ hội cũng như thách thức (Laima Eicke et al., 2021), đặc biệt đối với các quốc gia như Việt Nam. Các DN có thể sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp chứng chỉ CBAM của mình, về cơ bản là sử dụng tín dụng từ lượng khí thải giảm để cân bằng lượng khí thải carbon trong hàng hóa xuất khẩu sang EU. Mặc dù, điều này mang đến cơ hội cho các DN giảm bớt tác động tài chính của CBAM, nhưng nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về tính hiệu quả và chính xác trong việc giảm phát thải (Jennifer L., 2022).

Đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là, các DN phải đảm bảo tính xác thực và hợp lệ của tín chỉ carbon mà họ mua. Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì hệ thống xác minh tín chỉ carbon chặt chẽ nhằm duy trì tính toàn vẹn của tín chỉ này.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, phải điều chỉnh quá trình chuyển đổi này một cách cẩn thận. Chính phủ cần thiết lập các hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng về tín chỉ carbon, đảm bảo rằng chúng đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc giảm phát thải và phát triển bền vững.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu và nội dung bài viết đã được tìm kiếm, thu thập và phân tích các tài liệu, hướng dẫn và báo cáo từ các tổ chức uy tín trên thế giới (sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu là một trong những phương pháp phổ biến trong nghiên cứu khoa học). Mục tiêu của bước này đảm bảo rằng, nghiên cứu được dựa trên nền tảng lý thuyết vững chắc và có sự cập nhật thông tin.

Dữ liệu được thu thập từ các nguồn công bố chính thống từ EU và các báo cáo quốc tế. Để bổ sung cho khía cạnh thực tiễn và độ sâu của nghiên cứu, tác giả đã tiến hành phỏng vấn một số chuyên gia ESG, phát triển bền vững của một số DN kiểm toán và giảng viên một số trường đại học tại Việt Nam. Qua đó, chúng tôi nhận được những ý kiến, góc nhìn và kinh nghiệm thực tế từ những người làm việc trực tiếp và am hiểu sâu trong lĩnh vực này.

  1. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

CBAM là một bước đi đột phá của EU, nhằm giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu và thúc đẩy các hoạt động bền vững trên toàn cầu. Mặc dù, nó thúc đẩy sự thay đổi tích cực nhưng cần phải xem xét và hỗ trợ cẩn thận để đảm bảo rằng, nó không làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có hoặc cản trở sự phát triển của các quốc gia đang phát triển.

Là một nền kinh tế mới nổi với định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế. Ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày và nông nghiệp là các ngành sử dụng nhiều năng lượng, phát thải đáng kể khí nhà kính. Các sản phẩm từ các ngành này phải đối mặt với nguy cơ phát sinh thêm chi phí khi vào thị trường EU, điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh và thị phần của Việt Nam (Binh Truong, 2023). Việc áp dụng CBAM có thể có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Chi phí bổ sung và tổn thất tiềm ẩn trong xuất khẩu sang EU, có thể dẫn đến sản xuất công nghiệp chậm lại, ảnh hưởng đến việc làm và tăng trưởng kinh tế. Các DN vừa và nhỏ chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt sẽ dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ này.

Về mặt tích cực, CBAM có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho đầu tư xanh và chuyển giao công nghệ. Để duy trì khả năng tiếp cận thị trường EU sinh lợi, các ngành công nghiệp Việt Nam có thể buộc phải áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và bền vững hơn (Thu Diu, Huu Tuc. 2023). Quá trình chuyển đổi này, mặc dù đầy thách thức nhưng có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Khuyến nghị cho DN Việt Nam

Một là, tiến hành đánh giá tác động

DN nên bắt đầu đánh giá tác động toàn diện, để hiểu CBAM có thể ảnh hưởng như thế nào đến ngành và hoạt động cụ thể của mình. Các DN hoạt động trong lĩnh vực như thép, nhôm và xi măng nên ưu tiên tìm hiểu CBAM.

Hai là, đào tạo và nâng cao năng lực

Đầu tư vào các hội thảo giáo dục và chương trình đào tạo, có thể nâng cao đáng kể năng lực của lực lượng lao động để thích ứng với bối cảnh pháp lý mới. Bản thân Liên minh châu Âu cung cấp nhiều chương trình và nguồn lực đào tạo khác nhau, để giúp các DN hiểu về CBAM.

Ba là, thu hút các chuyên gia tư vấn pháp lý và môi trường

Tận dụng kiến thức chuyên môn của các chuyên gia tư vấn, giúp hiểu được các khía cạnh thực tế của việc tuân thủ CBAM.

Bốn là, sử dụng năng lượng tái tạo

Chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió có thể giảm đáng kể lượng khí thải. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA),  thì năng lượng tái tạo sẽ chiếm 80% mức tăng trưởng sản xuất điện của thế giới trong thập kỷ tới. Các DN Việt Nam nên tận dụng xu hướng này, để đảm bảo hoạt động của mình trong tương lai.

Năm là, đổi mới quy trình sản xuất

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đổi mới và thực hiện các phương pháp sản xuất sạch hơn là rất quan trọng. Báo cáo của Ngân hàng thế giới nhấn mạnh rằng, đầu tư vào công nghệ xanh sẽ giúp tiết kiệm chi phí lâu dài và tăng khả năng cạnh tranh.

Sáu là, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững

Thiết lập chuỗi cung ứng ưu tiên sự bền vững môi trường, không chỉ tốt cho trái đất mà còn nâng cao uy tín thương hiệu và niềm tin của khách hàng.

Bảy là, tham gia đối thoại chính sách

Tham gia đối thoại mang tính xây dựng với Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách.

Và cuối cùng là, tăng cường các hiệp hội ngành

Sự tham gia tích cực vào các hiệp hội ngành, có thể mang lại tiếng nói tập thể trong việc vận động chính sách và tiếp cận cộng đồng thực hành về CBAM, tín chỉ carbon và công nghệ xanh.

  1. Kết luận

Việc thích nghi với bối cảnh CBAM, đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính chiến lược và đầy đủ thông tin. Các DN Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục và công nghệ, nỗ lực hợp tác đa phương và song phương quốc tế. Sự hiểu biết toàn diện về ý nghĩa của CBAM kết hợp với các biện pháp chủ động áp dụng các thực hành bền vững, không chỉ có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh và tính bền vững của DN.

Về lâu dài, những chiến lược này không chỉ đóng vai trò là cơ chế tuân thủ, mà còn là bước tiến tới một tương lai xanh hơn và bền vững hơn cho thế hệ con cháu. Quá trình chuyển đổi, mặc dù đầy thách thức nhưng mang lại cơ hội đổi mới, tăng trưởng và dẫn đầu trong các hoạt động bền vững, điều chỉnh các mục tiêu kinh doanh với các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Các DN Việt Nam, với các công cụ và chiến lược phù hợp, sẽ có vị thế tốt để biến những thách thức do CBAM đặt ra thành cơ hội để chuyển đổi và kiên cường./.

 

Tài liệu tham khảo

 

Antoine Oger. (2023).  The relationship between EU and Vietnamese businesses in global supply chains in the context of due diligence regulations. Desk study EU-Vietnam Agreement. https://www.eesc.europa.eu/sites/default/files/files/eu-vn_desk_study_-_dd_and_eu-vietnam_trade_relations.pdf

Bellora, C., Fontagné, L. (2023). EU in search of a Carbon Border Adjustment Mechanism. DOI: https://doi.org/ 10.1016/j.eneco.2023.106673

Bellora, C và Fontagné, L. (2023). EU in search of a Carbon Border Adjustment Mechanism. https://taxation-customs.ec.europa.eu/carbon-border-adjustment-mechanism_en

Binh Truong. (2023). How the EU Carbon Border Adjustment Mechanism Impacts Vietnam. https://www.vietnam-briefing.com/news/carbon-boredr-adjustment-mechanism-vietnam.html/

Duy Nong và cộng sự. (2020). A critical review of energy resources, policies and scientific studies towards a cleaner and more sustainable economy in Vietnam. DOI: https://doi.org/10.1016/j.rser.2020. 110117

European Commission. (2023). Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) starts to apply in its transitional phase. https://ec.europa.eu/ commission/presscorner/detail/en/ip_23_4685

Eicke, L., và cộng sự. (2021). Pulling up the carbon ladder? Decarbonization, dependence, and third-country risks from the European carbon border adjustment mechanism. DOI: https://doi.org/10.1016/ j.erss.2021.102240

Henrique Morgado Simões. (2023). EU carbon border adjustment mechanism; Implications for climate and competitiveness. https://www.europarl. europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2022/698889/EPRS_BRI(2022)698889_EN.pdf

Holovko, I. và cộng sự. (2021). The Role of the EU CBAM in Raising Climate Policy Ambition in Trade Partners https://publications.rifs-potsdam.de/rest/items/item_6001279_7/component/file_6001289/content

International Monetary Fund. European Dept. (2023). Fiscal Policy Options To Accelerate Emissions Reductions In Belgium. https://www.elibrary.imf.org/view/journals/002/2023/099/article-A003-en.xml?rskey=5qVaVN&result=8

Jennifer L. (2022). CBAM Carbon Pricing (EU’s 1st Cross-Border Carbon Policy). https://carboncredits.com/cbam-carbon-pricing-eus-1st-cross-border-carbon-policy/

Magacho, G., và cộng sự. (2023). Impacts of the CBAM on EU trade partners: consequences for developing countries. DOI:  https://doi.org/10.1080/ 14693062.2023.2200758

Overland, I., Sabyrbekov, R. (2022). Know your opponent: Which countries might fight the European carbon border adjustment mechanism?. DOI:  https://doi.org/10.1016/j.enpol.2022.113175

Perdana, S., Vielle, M. (2022). Making the EU Carbon Border Adjustment Mechanism acceptable and climate friendly for least developed countries. DOI: https://doi.org/10.1016/ j.enpol.2022.113245

Perdana, S. và cộng sự. (2022).  European Economic impacts of cutting energy imports from Russia: A computable general equilibrium analysis. DOI:  https://doi.org/10.1016/j.esr.2022.101006

Shi, J. và cộng sự. (2022). The Impact of Environmental Regulation on the Export Quality of China’s Manufacturing Industry under the CBAM Framework. DOI: https://doi.org/10.54097/ fbem.v6i3.3453

Siy, A, L. và cộng sự. (2023). Research on the Impact of the EU’s Carbon Border Adjustment Mechanism: Based on the GTAP Model. DOI: https://doi.org/10.3390/su15064761   https://www.mdpi.com/2071-1050/15/6/4761

Thu Diu, Huu Tuc. (2023). Businesses need to transform to adapt to the EU’s CBAM mechanism. https://wtocenter.vn/tin-tuc/23000-businesses-need-to-transform-to-adapt-to-the-eus-cbam-mechanism.

Wang, C. và cộng sự. (2023). Green steel: Synergies between the Australian iron ore industry and the production of green hydrogen. DOI: https://doi.org/ 10.1016/j.ijhydene.2023.05.041

Zhong, J., Pei, J. (2023). Carbon border adjustment mechanism: a systematic literature review of the latest developments. DOI:    https://doi.org/10.1080/ 14693062.2023.2190074

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *