Đó là một trong những chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan – Mai Xuân Thành về cơ chế bảo lãnh thông quan bên lề Hội thảo Bảo lãnh thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 5/4/2019. Cổng TTĐT Bộ Tài chính xin giới thiệu nội dung cuộc chia sẻ này.
Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan – Mai Xuân Thành
Tổng cục Hải quan hiện đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan. Vậy, cơ chế bảo lãnh thông quan hải quan được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Xuân Thành: Bảo lãnh thông quan là một hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, tuân thủ các quy định về thủ tục hải quan, chính sách quản lý chuyên ngành khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản.
Theo đó, để hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan, giải phóng hoặc đưa về bảo quản, ngoài việc nộp đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, nộp đủ thuế (nếu có), doanh nghiệp còn có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các thủ tục về kiểm tra, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan chuyên ngành, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được đầy đủ các quy định trên tại thời điểm khai báo hải quan, trong khi các doanh nghiệp đều có nhu cầu thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản để giảm chi phí lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và nhanh chóng đưa hàng vào lưu thông, sản xuất.
Cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề trên. Trong trường hợp hàng hóa sau khi thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản nếu doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí hoặc không chấp hành các hình thức xử phạt của cơ quan hải quan hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thì tổ chức bảo hiểm sẽ thay mặt doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết bảo lãnh.
Trong vấn đề nộp thuế, bảo lãnh thông quan giúp doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn, nếu như trước đây, muốn bảo lãnh tiền thuế, doanh nghiệp chỉ có sự bảo lãnh duy nhất từ ngân hàng thương mại thì bây giờ doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức bảo hiểm. Doanh nghiệp không nhất thiết phải có tài sản để đảm bảo cho khoản tiền phải thế chấp. Các tổ chức bảo hiểm sẽ phân tích lịch sử hoạt động, khả năng chi trả của doanh nghiệp thay vì chỉ nhìn vào số tài sản của họ. Như vậy, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật, giảm chi phí, áp lực khi phải giải quyết tất cả các thủ tục tại thời điểm thông quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm của các nước, khi áp dụng bảo lãnh thông quan sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%, tạo sự cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong phạm vi khu vực và trên thế giới.
Cơ chế này liệu có rủi ro không thưa ông?
Ông Mai Xuân Thành: Với cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng bảo lãnh thông quan được hiểu là các rủi ro trong công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được chuyển sang cho tổ chức bảo hiểm trên cơ sở các cam kết thay mặt chủ hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí và các hình thức xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp chủ hàng hóa XNK không thực hiện.
Với tổ chức bảo hiểm, rõ ràng họ đã chấp nhận rủi ro từ phía doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả cho họ. Chúng ta biết rằng bản chất của tổ chức kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh rủi ro. Họ đã phân tích, tính toán các phương án trên tổng mặt bằng lợi nhuận là bao nhiêu, rủi ro là bao nhiêu để hạn chế thấp nhất các rủi ro mang lại cho mình.
Thưa ông, thế còn về giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy kiểm tra chuyên ngành được nộp sau sẽ tạo thuận lợi thế nào trong quá trình thông quan?
Ông Mai Xuân Thành: Theo quy định, đối với một số trường hợp, như: để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc hàng hóa có ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn xã hội,… hoặc hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành thì doanh nghiệp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ, phải có kết quả kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, trường hợp chưa có, doanh nghiệp phải lưu giữ hàng tại kho, bãi, cảng hoặc sẽ phải nộp thuế theo mức thuế suất ưu đãi phổ thông (cao hơn so với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do). Chi phí do lưu kho, bãi sẽ tăng hoặc bị đọng tiền thuế do chờ nộp C/O, đặc biệt cơ hội kinh doanh bị bỏ qua, lệnh sản xuất không thể thực hiện được,… những chi phí đó doanh nghiệp tốn kém rất nhiều mà bên ngoài chúng ta không thể cân, đong, đo, đếm được. Ngoài ra, doanh nghiệp không phải làm các thủ tục hoàn trả số tiền thuế chênh lệch sau khi nộp bổ sung C/O.
Thưa ông, chúng ta đã có kết nối từ Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành, những yếu tố này đã là cần và đủ để thực hiện thí điểm Đề án bảo lãnh thông quan hay chưa?
Hiện nay, phía Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu cũng có ý định tài trợ cho chúng ta một Hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bảo lãnh thông quan, tuy nhiên, để đảm bảo kết nối, thống nhất, đồng bộ với hệ thống thông quan hàng hóa, chúng tôi cũng dự kiến xây dựng một hệ thống để các bên có liên quan gồm: cơ quan hải quan, tổ chức bảo hiểm và doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể thực hiện việc khai báo thông tin, cấp và tiếp nhận bảo lãnh thông quan trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Để triển khai rộng, các bước tiếp theo của ngành hải quan là gì để doanh nghiệp cùng tham gia?
Ông Mai Xuân Thành: Để giảm thiểu rủi ro khi áp dụng, việc triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan tại Việt Nam dự kiến chia thành 3 giai đoạn: Thí điểm (năm 2021-2022), mở rộng (2022-2023) và chính thức (từ năm 2024).
Trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm, sẽ lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng và thí điểm áp dụng đối với một số loại hình mới, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động bảo lãnh, như: bảo lãnh nộp thuế, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản.
Việc triển khai mở rộng các loại hình có thể được áp dụng ngay trong giai đoạn thí điểm hoặc sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động trong giai đoạn thí điểm, việc mở rộng thí điểm dự kiến áp dụng bảo lãnh thông quan đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác (như: tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu; bảo lãnh trong các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN…
Trên cơ sở tổ chức đánh giá tình hình triển khai thí điểm trong 02 giai đoạn nêu trên, chúng tôi sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức với các loại hình xuất nhập khẩu khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và các trường hợp hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất thuộc diện miễn áp dụng các chính sách quản lý tại khâu nhập khẩu, nhưng phải quản lý sau khi sản xuất thành sản phẩm và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, cũng như các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu khác.
Xin cảm ơn ông!