Nghiên cứu trao đổi

Rà soát, điều chỉnh một số quy định của Luật Kế toán 2015 để phù hợp với quá trình số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán

Tiêu đề Rà soát, điều chỉnh một số quy định của Luật Kế toán 2015 để phù hợp với quá trình số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán Ngày đăng 2023-11-28
Tác giả Admin Lượt xem 329

ThS. Nguyễn Tiến Thanh*

(*Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội).

Nhận:           15/07/2023

Biên tập:      16/07/2023

Duyệt đăng: 16/08/2023

Tóm tắt

Luật Kế toán 2015 là một quy định pháp luật quan trọng, về tổ chức kế toán và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển của nền kinh tế và xu hướng chuyển đổi số lĩnh vực kế toán ngày một mạnh, có thể xuất hiện những lỗ hổng hoặc hạn chế trong luật này. Đòi hỏi, việc sửa đổi và bổ sung để phù hợp với thực tiễn và quyền lợi của các bên liên quan. Quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán, không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng tại các đơn vị kế toán mà còn phải điều chỉnh và bổ sung các quy định pháp lý với yêu cầu của kế toán trong môi trường điện tử.

Từ khóa: điều chỉnh Luật Kế toán, kế toán số, chuyển đổi số lĩnh vực kế toán.

Abstract

The Accounting Law is an important legal regulation concerning accounting organization and financial reporting in Vietnam. However, with the passage of time and the development of the economy, along with the increasing trend of digital transformation in the accounting field, there may be gaps or limitations in this law, necessitating amendments and additions to align with practical needs and the interests of relevant parties. The process of digitization and digital transformation, along with the modernization of information technology in the accounting sector, not only demands implementation at accounting units but also requires adjustments and supplements to legal provisions to meet the requirements of accounting in the electronic environment.

Keywords: amendment of the law on accounting, digital accounting, digital transformation in the accounting field.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0920235

  1. Đặt vấn đề

Xu hướng chuyển đổi số lĩnh vực kế toán, đặt ra yêu cầu cần phải rà lại các quy định của Luật Kế toán 2015 trong nhiều khía cạnh. Sau đây, là một số ảnh hưởng chính:

Thứ nhất, chuyển đổi số đòi hỏi sự sửa đổi quy định về chứng từ và tài liệu điện tử

Bao gồm việc công nhận và chấp nhận tính hợp pháp của chứng từ và tài liệu điện tử trong quá trình kế toán và kiểm toán.

Thứ hai, quy trình kế toán tự động

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa quy trình đang làm thay đổi cách thức thực hiện kế toán. Luật Kế toán cần điều chỉnh để xem xét các yêu cầu và vấn đề đặc biệt liên quan đến kế toán tự động, sử dụng AI trong quá trình kế toán và BCTC số hóa chuyển đổi số yêu cầu sự thay đổi trong BCTC.

Thứ ba, Luật Kế toán cần cung cấp và quy định rõ ràng về việc BCTC số hóa:

Bao gồm yêu cầu về định dạng tài liệu và phương pháp truyền tải, phê duyệt, tính chính xác và pháp lý của dữ liệu số.

Thứ tư, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư

Với việc tăng cường việc sử dụng dữ liệu và công nghệ, Luật Kế toán cần quy định rõ ràng về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, đảm bảo rằng thông tin tài chính được bảo mật và sử dụng đúng mục đích.

Thứ năm, kiểm soát nội bộ và phòng ngừa gian lận

Chuyển đổi số cung cấp cơ hội cho việc tăng cường kiểm soát nội bộ và phòng ngừa gian lận. Luật Kế toán cần quy định về việc sử dụng công nghệ để phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận và vi phạm quy định kế toán.

Thứ sáu, sự phát triển của tiêu chuẩn kế toán quốc tế:

Chuyển đổi số cũng tác động đến sự phát triển của tiêu chuẩn kế toán quốc tế, như Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IFRS) và có thể yêu cầu sự thay đổi trong Luật Kế toán, để đáp ứng các yêu cầu của các tiêu chuẩn này.

Tóm lại, chuyển đổi số lĩnh vực kế toán ảnh hưởng rất lớn đến việc rà soát, thay đổi một số quy định của Luật Kế toán, yêu cầu sự thay đổi và điều chỉnh để đáp ứng với sự phát triển của công nghệ và quy trình kế toán số hóa. Trong khi đó, quy định của Luật Kế toán 2015 chủ yếu trên cơ sở kế toán ghi bằng tay trên giấy và bổ sung thêm các quy định, trong trường hợp thực hiện kế toán bằng phương tiện điện tử. Điều này dẫn đến, chưa bao quát hết và chưa phù hợp với bối cảnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kế toán hiện nay và xu thế trong tương lai.

  1. Đề xuất một số nội dung cụ thể cần rà soát, điều chỉnh trong Luật Kế toán 2015

Thứ nhất, quy định về chứng từ kế toán

Để sửa đổi quy định về chứng từ trong Luật Kế toán 2015, phù hợp với chuyển đổi số kế toán, có thể xem xét các điều chỉnh sau đây:

Chấp nhận chứng từ điện tử

Đưa vào quy định rõ ràng về việc chấp nhận và sử dụng chứng từ điện tử trong quá trình kế toán. Điều này bao gồm quy định về hình thức, định dạng và phương thức xác thực chứng từ điện tử.

Xác thực và bảo mật chứng từ điện tử

Quy định về các biện pháp xác thực và bảo mật chứng từ điện tử, để đảm bảo tính toàn vẹn và đáng tin cậy của thông tin trong chứng từ. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng chữ ký số, hệ thống mã hóa và các biện pháp bảo vệ khác.

Lưu trữ chứng từ điện tử

Xác định quy định về việc lưu trữ và bảo quản chứng từ điện tử, bao gồm thời gian lưu trữ, hình thức lưu trữ và khả năng truy cập vào chứng từ trong quá trình kiểm toán và giám định.

Quy trình và phương thức sử dụng chứng từ điện tử

Hướng dẫn rõ ràng về quy trình và phương thức sử dụng chứng từ điện tử, bao gồm việc xác định loại chứng từ nào có thể được tạo ra và lưu trữ dưới dạng điện tử, quy trình kiểm tra và phê duyệt, cũng như phương pháp truyền tải chứng từ điện tử.

Tính chính xác và pháp lý của chứng từ điện tử

Đảm bảo rằng, chứng từ điện tử có tính chính xác và pháp lý tương đương với chứng từ giấy truyền thống. Điều này có thể bao gồm quy định về việc xác minh nguồn gốc và tính toàn vẹn của chứng từ điện tử.

Kiểm soát nội bộ và phòng ngừa gian lận

Đưa vào quy định về việc sử dụng công nghệ, để tăng cường kiểm soát nội bộ và phòng ngừa gian lận trong quá trình kế toán số.

Về niêm phong, tạm giữ chứng từ điện tử

Cần đưa quy định rõ ràng, tránh ảnh hưởng đến dữ liệu kế toán và dữ liệu quản lý chung của đơn vị.

Thực tế, cần thay đổi về phương thực tiếp cận Luật Kế toán 2015 theo hướng các quy định về chứng từ kế toán, như lập, luân chuyển và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử. Các trường hợp thực hiện thủ công trên giấy, cần được quy định theo hướng quy định thêm do phát sinh không nhiều và ngày càng giảm đi cùng với cấp độ chuyển đổi số tăng lên.

Thứ hai, quy định về chữ ký trên tài liệu kế toán

Để sửa đổi quy định về chữ ký trên tài liệu kế toán điện tử đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số kế toán, có thể xem xét các điều chỉnh sau đây:

Chữ ký số và chữ ký điện tử

Luật Kế toán có thể quy định về việc sử dụng chữ ký số và chữ ký điện tử, để xác nhận tính chính xác và pháp lý của chứng từ, điều này bao gồm quy định về quy trình xác thực chữ ký và sự chấp nhận của các cơ quan quản lý.

Chứng thư số (Digital certificates)

Đưa vào quy định về việc sử dụng chứng thư số, để xác thực tính toàn vẹn của chứng từ. Chứng thư số giúp đảm bảo rằng, chứng từ không bị chỉnh sửa và nguồn gốc của chúng được xác định.

Quy trình xác thực và phê duyệt tự động

Sửa đổi quy định để cho phép sử dụng quy trình xác thực và phê duyệt tự động dựa trên công nghệ. Điều này có thể bao gồm việc áp dụng quy tắc logic và hệ thống thông báo để xác nhận tính hợp lệ của chứng từ. Cân nhắc chỉnh sửa quy định về ký chứng từ phê duyệt nội bộ, chứng từ kế toán có tính chất nội bộ cho phù hợp.

Hệ thống kiểm soát nội bộ

Bổ sung quy định về việc sử dụng công nghệ trong hệ thống kiểm soát nội bộ. Công nghệ có thể được sử dụng để tự động hóa quy trình kiểm soát, theo dõi và báo cáo, giúp giảm thiểu lỗi và gian lận trong quá trình kế toán.

Bảo mật và quyền riêng tư

Đưa vào quy định về bảo mật và quyền riêng tư của chứng từ điện tử. Điều này bao gồm việc xác định quyền truy cập vào chứng từ, bảo vệ dữ liệu và thông tin nhạy cảm trong chứng từ và tuân thủ các quy định về quyền riêng tư của cá nhân.

Lưu trữ chứng từ, tài liệu điện tử

Quy định rõ ràng về việc lưu trữ chứng từ điện tử trong quá trình chuyển đổi số. Quy định cần xác định thời gian lưu trữ, hình thức lưu trữ và khả năng truy cập vào chứng từ điện tử trong quá trình kiểm toán và giám định.

Thứ ba, quy định về sổ kế toán và BCTC số hóa

Chuyển đổi số kế toán dẫn đến sổ kế toán sẽ dần mất đi vai trò trung gian để phân loại, tổng hợp thông tin và là cơ sở lập BCTC

Công nghệ số có thể xử lý dữ liệu đầu vào từ các chứng từ kế toán điện tử và lập được các báo cáo kế toán, gồm cả BCTC và báo cáo kế toán quản trị (KTQT). Các sổ kế toán chỉ đóng vai trò như các thông tin đầu ra để phục vụ kiểm tra, đối chiếu và chi tiết hóa các thông tin trên BCTC. Hiện nay, quy định về sổ kế toán, như: quy định về ghi sổ kế toán, chữa sổ kế toán vẫn chủ yếu dựa trên việc ghi sổ bằng tay, trong khi việc ghi sổ kế toán tại các đơn vị chủ yếu được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Như vậy, cần quy định lại về quy trình kế toán phù hợp với sự tác động cách mạng công nghệ số của từng mức độ chuyển đổi số lĩnh vực kế toán.

Cần rà soát quy định về công bố, công khai BCTC cả về nội dung công khai, phương tiện và hình thức công khai

Thời điểm công khai có tính đến sự ảnh hưởng của công nghệ số, khi mà thông tin kế toán có thể được xử lý tức thời, có thể được cung cấp chính xác theo thời gian thực mọi lúc và mọi nơi, không bị giới hạn về không gian.

Thứ tư, ý kiến một số nội dung khác

Về chữ số sử dụng trong kế toán

Luật Kế toán (Điều 11) quy định: sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu và hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị, thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,). Quy định này chưa phù hợp với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, nhiều phần mềm quản lý và các hệ thống, nhất là các phần mềm có nguồn gốc nước ngoài chưa đáp ứng được quy định này.

Khi chuyển dữ liệu vào phần mềm kế toán thì cần chuyển đổi, gây lãng phí thời gian, chi phí và giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên chăng, chỉ cần quy định về chữ số trên BCTC để giảm bớt khâu chuyển đổi.

Về hệ thống sổ KTQT

Cần làm rõ hai hệ thống sổ kế toán tài chính và KTQT. KTQT không phải là kế toán chi tiết, thông tin KTQT hướng đến tương lai. Do vậy, cần thiết có hệ thống dữ liệu kế toán (chứng từ, sổ kế toán) quản trị riêng, phục vụ cho mục đích lập báo cáo KTQT.

Khoản 2 Điều 25 quy định, mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm. Cần chỉnh sửa lại và cho phép đơn vị mở hệ thống KTQT, bên cạnh hệ thống sổ kế toán tài chính.

Về phần mềm kế toán

Các phần mềm kế toán hiện nay được phát triển khá đa dạng và chất lượng khác nhau, nguyên nhân xuất phát từ kinh nghiệm và khả năng của nhà cung cấp phần mềm kế toán, xuất phát từ khả năng nắm bắt và đưa ra yêu cầu kỹ thuật của đơn vị kế toán đối với nhà cung cấp phần mềm, từ việc hiểu biết và sử dụng các ứng dụng của đội ngũ kế toán viên, nhân viên của các đơn vị kế toán.

Thực tế này đòi hỏi, trong Luật Kế toán cần có những quy định mới có tính nguyên tắc là các yêu cầu về mặt nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng của các phần mềm kế toán và các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán và công tác quản lý đơn vị.

Kết luận

Cách mạng công nghệ cùng với yêu cầu của quá trình số hóa và nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế, phát sinh vướng mắc trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán, công khai thông tin kế toán,… Mặc dù, các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, trong phạm vi Luật Kế toán, cũng cần có những quy định để làm rõ hơn, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Luật Kế toán cần sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện và căn bản hơn trên cơ sở nhận thức, nhận dạng đầy đủ hơn sự ảnh hưởng của các yếu tố mới và trong bối cảnh mới, có tác động làm thay đổi căn bản về quy trình kế toán, phương pháp kế toán và xuất hiện chức năng mới của kế toán.

Các quy định cụ thể về tài liệu kế toán, chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán, cần rà soát và xây dựng trên cơ sở kế toán trên các phương tiện điện tử, các quy định về kế toán thủ công trên giấy được quy định bổ sung. Có như vậy, Luật mới có tính bao quát và toàn diện hơn, để đáp ứng yêu cầu của số hóa và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán.

Tài liệu tham khảo

Quốc hội.(2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015.

Quốc hội. (2019). Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH, Luật Kế toán, ngày 4/7/2019.

Chính phủ.(2022). Quyết định 633/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030”, ngày 23/5/2022.

PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Luật Kế toán cần sửa đổi một cách toàn diện và căn bản.

PGS.TS. Đặng Văn Thanh và Th.S. Nguyễn Tiến Thanh (2022), Giáo trình Kế toán số, NXB Tài chính.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *