Nghiên cứu trao đổi

Tổ chức, vận động và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán

Tiêu đề Tổ chức, vận động và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán Ngày đăng 2023-11-15
Tác giả Admin Lượt xem 199

Tóm tắt

Với quan điểm phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong báo cáo chính trị trình ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định, một trong những mục tiêu tổng quát là “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kế toán và kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý mà là một khoa học, khoa học tổ chức thông tin kinh tế tài chính. Các nhà kế toán – kiểm toán là các nhà khoa học về con số, về khoa học và về thông tin. Đây là lực lượng tri thức rất quan trọng phụng sự sự phát triển kinh tế – xã hội. Cần tổ chức và vận động để phát huy sức mạnh, phát huy tiềm năng của đội ngũ những người làm kế toán –  kiểm toán.

Từ khóa: trí thức, khoa học công nghệ, kế toán, kiểm toán.

Để đạt được mục tiêu trước mắt và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 và phấn đấu đến 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, nước công nghiệp hiện đại, Đảng đã nêu ra 12 định hướng phát triển đất nước cho giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, về kinh tế có chủ trương và giải pháp: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng suất lao động xã hội, năng suất tổng hợp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một chủ trương, một phương hướng đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XII, để đạt cho được mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, nước công nghiệp hiện đại. Để thành công, để đạt được mục tiêu chiến lược, Đảng ta đã đề ra nhiều định hướng, nhiều giải pháp cả về thể chế, về kinh tế, văn hóa, giáo dục, về quản lý Nhà nước, về quốc phòng, an ninh, về hoạt động đối ngoại, về xây dựng Đảng. Đặc biệt, Đảng có chủ trưởng và giải pháp rất dứt khoát, cụ thể về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Cần phải nhận thức rằng, phát triển KHCN, trong đó có khoa học tài chính – kế toán – kiểm toán là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là những kết quả, những minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại. Đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và đội ngũ trí thức trong hệ thống Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nói riêng, đóng vai trò quan trọng, vai trò động lực để phát triển KHCN và đưa KHCN vào phát triển kinh tế – xã hội và biến khát vọng của nhân dân, của đất nước thành hiện thực.

Với mục đích đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, thì con đường và giải pháp phải làm, chủ yếu là phát triển khoa học – công nghệ. Khoa học – công nghệ cần được phát triển, cần được ứng dụng trong mọi hoạt động của nền kinh tế – xã hội, cả trong sản xuất kinh doanh, trong văn hóa, giáo dục, trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, trong hoạt động đối ngoại, trong giữ gìn an ninh quốc phòng vào bảo vệ đất nước. Năng suất lao động phải được nâng cao, nâng cao trong mọi hoạt động của con người, của xã hội, của nền kinh tế. Chỉ có nâng cao năng suất lao động xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất trong tổng sản phẩm xã hội, trong thu nhập quốc dân, thì mới tăng được quy mô nền kinh tế, tăng tiềm lực kinh tế, tiềm lực tài chính và thu nhập của nhân dân và của đất nước. Phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả tăng trưởng, hiệu quả đầu tư với chi phí thấp nhất, chi phí ngày càng giảm nhưng kết quả mang lại ngày càng cao, càng nhiều hơn. KHCN sẽ là một giải pháp hữu hiệu, tiết kiệm chi phí lao động, thời gian, tiết kiệm tài nguyên, giảm bớt mọi hao phí và tạo ra kết quả lớn hơn, nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Chính KHCN sẽ tăng thêm hàm lượng trí tuệ, tăng thêm giá trị cho từng sản phẩm, từng kết quả hoạt động; đồng thời KHCN sẽ tạo ra, tạo thêm các chuỗi giá trị và gia tăng giá trị.

Nhà nước luôn luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị trí của KHCN, của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước tiếp tục nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhà nước đã có những chủ trương, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước để phát triển KHCN, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng. Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, không chỉ nêu những phương hướng, giải pháp nhiệm vụ phát triển KHCN mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2020 – 2030. Đồng thời, là quyết tâm, là hành động cụ thể để phát triển KHCN, để xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức của Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu chung của đất nước, mục tiêu và phương hướng phát triển KHCN, cần phải tổ chức, động viên và đề cao vai trò của đội ngũ trí thức đề ra và triển khai quyết liệt một cách đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức, khoa học – công nghệ, trong đó có khoa học tài chính, kế toán, kiểm toán không chỉ là một lĩnh vực hoạt động cấu thành của nền kinh tế – xã hội, không chỉ là kết quả xây dựng và phát triển một nước phát triển, một nước công nghiệp hiện đại, mà khoa học – công nghệ là một giải pháp quan trọng có tính quyết định để đổi mới mô hình tăng trưởng, để cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế – xã hội, để nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Phát triển KHCN, cùng với việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, là giải pháp mang tính quyết định nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, tạo và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm và dịch vụ. Đội ngũ trí thức sẽ là lực lượng nòng cốt phát triển KHCN và ứng dụng thành tựu KHCN vào hoạt động kinh tế – xã hội, vào tổ chức hệ thống thông tin kinh tế và tài chính.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển KHCN, thể chế ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục, gắn kết giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học, với triển khai kết quả nghiên cứu khoa học.

Đổi mới cơ chế tài chính KHCN. Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN) thông qua hệ thống Quỹ Phát triển KHCN, cần có các quy định khuyến khích và buộc doanh nghiệp Nhà nước hàng năm phải trích từ 03% – 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Cần triển khai các chính sách chi sự nghiệp KHCN: Chi thực hiện các nhiệm vụ KHCN; Chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KHCN công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập.

Trước bối cảnh hoạt động cải cách, chuyển đổi mô hình và cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và hoàn thiện theo hướng phát triển bền vững, từ tăng trưởng theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào lợi thế sẵn có như tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp sang khai thác các yếu tố cạnh tranh trên cơ sở công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao và tính hiện đại của cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, cần có cơ chế đầu tư và quản lý hoạt động khoa học, công nghệ một cách phù hợp.

Thứ ba, tăng cường đầu tư từ NSNN, từ nguồn quỹ công để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển một số trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến của thế giới để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước và để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Đổi mới các kênh cho xây dựng và phát triển khoa học, công nghệ. Ngoài các quy định chi phát triển tiềm lực KHCN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức KHCN thì không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KHCN; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KHCN và các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KHCN.

Cần sớm thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ, kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ KHCN hỗ trợ, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Để thực hiện mô hình phát triển bền vững, phải dựa vào phát triển KHCN. Do đó, cần tạo ra nhiều cơ hội cho KHCN và thị trường KHCN phát triển.

Thứ tư, có chính sách và tăng nguồn lực để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ tri thức trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục; thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cần rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, nghiên cứu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng một số trường đại học kinh tế – kỹ thuật ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tạo điều kiện để các trường đại học, viện, học viện nghiên cứu của nước ngoài mở cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Cần rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; trong đó có nghề nghiệp kế toán – kiểm toán, vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc; nội dung và hình thức thi, xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp, đánh giá và xác nhận năng lực nghề nghiệp. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

Thứ năm, tạo lập môi trường cho hoạt động KHCN và phát huy vai trò của trí thức. Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Bảo đảm vấn đề tự do học thuật của đội ngũ trí thức, tại các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Trong không ít trường hợp,  những ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nhân mới nghe rất khó chấp nhận, rất trực diện và thẳng thắn nhưng chứa đựng những luận cứ chắc chắn, hàm chứa những giá trị khoa học mang tính chuyên môn sâu và không dễ nhận ra ngay.

Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền kiểu dáng công nghiệp, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức, doanh nhân khi chuyển giao phát minh, sáng chế và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến.

Thứ sáu, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với việc xây dựng đội ngũ công nhân, nông dân mạnh, cần quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng, có năng lực sáng tạo; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa, đạo đức, có khát vọng làm giàu, có năng lực kinh doanh và quản trị kinh doanh. Cần nhận thức đầy đủ vai trò vị trí, trách nhiệm và sự đóng góp của độ ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân vào đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ cấu kinh tế. Trong không ít trường hợp, các nhà trí thức cũng đồng thời là doanh nhân; ngược lại, các doanh nhân trong nhiều nghề nghiệp cũng là những trí thức có tâm thế và năng lực nghiên cứu sáng tạo.

Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tôn vinh các doanh nhân, các nhà công thương, các giám đốc tài chính, các kế toán trưởng, kế toán viên và kiểm toán viên. Trong kinh tế thị trường ở Việt Nam, các nhà trí thức, các nhà công thương không chỉ sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ, sản phẩm vật chất cho xã hội, biết làm giàu, mà còn góp phần tích cực kiến quốc và thực hiện các trách nhiệm xã hội. Cơ chế, chính sách của Nhà nước cần hoàn thiện, đổi mới để đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân có thể sống, hoạt động và phát triển nghề nghiệp, phát triển năng lực sáng tạo bằng chính công sức, lao động, trình độ, tài năng, phẩm chất và uy tín của mình và tổ chức khoa học, tổ chức nghề nghiệp. Trí thức và các doanh nhân cần được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với công sức, với giá trị lao động sáng tạo, giá trị từ kết quả hoạt động, kết quả lao động độc lập, sáng tạo của mình hoặc của tập thể mà mình là chủ, là thành viên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng xét chọn và nâng mức khen thưởng đối với các danh hiệu cao quý và các giải thưởng nhà nước dành cho trí thức, doanh nhân. Có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh đối với trí thức đầu ngành, những chủ doanh nghiệp, những người được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia, trí thức trẻ tài năng. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình, các sản phẩm được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước.

Nhà nước cần giành sự quan tâm đặc biệt và tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao vị thế của các tổ chức nghề nghiệp. Cần đảm bảo để các Hiệp hội, các hội nghề nghiệp thực sự là tổ chức tập hợp, là diễn đàn, là mái nhà chung của trí thức Việt Nam trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức kế toán – kiểm toán. Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp, tổ chức hoạt động và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, phát triển nghề nghiệp, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân.

Thứ bảy, thực hiện chủ trương phân cấp và trao quyền tự chủ, tự quản lý, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trung tâm, các cơ sở đào tạo trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước, trong việc sử dụng nhân lực và tài chính theo nhu cầu của đơn vị. Trên cơ sở phân cấp, các tổ chức khoa học và công nghệ cần chủ động xây dựng và triển khai chính sách tài chính, tổ chức, huy động và sử dụng nguồn lực, có chính sách chăm lo, động viên, khích lệ và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức ở mọi độ tuổi có trình độ cao, có nhiều kinh nghiệm, nhiều tâm huyết và có đủ sức khoẻ cần thiết cho từng loại công việc, từng loại nghề nghiệp, từng loại hoạt động khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phổ biến và triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Cần quan tâm, tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt, quan tâm đổi mới các chính sách ưu đãi,… đối với đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân làm việc ở các vùng kinh tế – xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,… Các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức các diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ tám, đổi mới hơn nữa cơ chế và quy trình giao, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nên thực hiện nhiều hơn theo cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra. Đổi mới cách thức đánh giá và nghiệm thu kết quả nghiên cứu; giảm bớt tối đa thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ. Cần có cơ chế và phương thức giúp doanh nghiệp xác lập một cách có hệ thống về quyền sở hữu, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng NSNN. Đồng thời, xác định quyền sở hữu các dự án nghiên cứu liên quan đến việc xử lý hai loại tài sản hữu hình và vô hình. Tạo cơ sở, để các tổ chức KHCN tiếp tục phát triển, thương mại hoá, tạo điều kiện cho các tổ chức này phát huy thế mạnh. Từ đó, có thể tự chủ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thứ chín, đổi mới chính sách tài chính cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Cần tạo dựng và tăng cường phát triển thị trường KHCN trên cả 5 yếu tố cơ bản: khung pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, bên mua, bên bán, cơ sở hình thành giá cả và các hoạt động hỗ trợ dịch vụ xúc tác giữa người mua và người bán.

Tạo lập và vận hành chính sách phát triển thị trường KHCN là thể hiện thái độ, trách nhiệm và những hành động ứng xử của Nhà nước với những quá trình xây dựng và phát triển thị trường KHCN, bao gồm: hệ thống các chính sách hướng tới mục tiêu tạo động lực khuyến khích thị trường KHCN phát triển, thỏa mãn nhu cầu KHCN trình độ cao của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước. Chính sách tài chính cũng nằm trong hệ thống các chính sách được Nhà nước ban hành để thực hiện mục tiêu này.

Chính sách tài chính cho thị trường KHCN là chính sách của Nhà nước nhằm huy động, quản lý và sử dụng tiền tệ để phát triển thị trường KHCN theo các mục tiêu và định hướng phát triển của Nhà nước đặt ra. Nhà nước ban hành chính sách tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đóng góp các nguồn tài chính cho phát triển thị trường KHCN. Đồng thời, tạo cơ chế tài chính hợp lý cho thị trường KHCN, đảm bảo chất lượng và hiệu quả phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

Cần phải sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính để tác động đến thị trường khoa học và công nghệ, đó là chi NSNN (đầu tư, đặt hàng), thuế, phí, ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất, quỹ đầu tư và quỹ chuyên dùng. Cần phải sử dụng các công cụ tài chính, phải hướng tới mục tiêu rõ ràng và tăng cường sự phối hợp giữa các công cụ tài chính,  nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường KHCN.

Thứ mười, có chính sách, trong đó có chính sách tài chính tăng cường thu hút nguồn lực, nguồn trí tuệ, thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có năng lực quản trị, điều hành, có khả năng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho Việt Nam. Có cơ chế, chính sách, khuyến khích các cơ sở khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật,… ở trong nước hợp tác, trao đổi với chuyên gia, thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để trí thức Việt kiều sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tăng cường biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong vận động xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng đất nước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển đất nước, trong đó có phương hướng và nhiệm vụ phát triển khoa học – công nghệ của Đảng đề ra cho giai đoạn sắp tới. Cần đề cao vai trò của đội ngũ trí thức, tổ chức và động viên đội ngũ trí thức phát triển KHCN, trong đó có đội ngũ các nhà kế toán và kiểm toán. Khoa học và công nghệ xứng đáng là quốc sách, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và là động lực quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nước công nghiệp hiện đại, giàu mạnh và nước phát triển cao.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
  2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII, XIII.
  3. Luật KHCN. số 29/2013/QH13.
  4. Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008.
  5. Bộ Tài chính (2012), Chiến lược Tài chính đến năm 2020, NXB Tài chính, 2012.
  6. GS.TS Đinh Xuân Khoa. Cần có cơ chế chính sách cho đội ngũ trí thức. Tạp chí Cộng sản.
  7. Trần Thị Thu Hà, Cơ chế tài chính với KHCN.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *