Văn bản pháp luật

BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 5 NĂM 2017

Tiêu đề BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 5 NĂM 2017 Ngày đăng 2017-06-12
Tác giả Admin Lượt xem 947

I. THUẾ – TÀI CHÍNH – KẾ TOÁN – NGÂN HÀNG

1. Thông tư số 31/2017/TT-BTC ngày 18/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT :

Thông tư này quy định thời gian thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 1 ( một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến. Trước đây thời gian quy định cho việc này là 3 ( ba ) ngày làm việc.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/6/2017.
2. Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi bổ sung thông tư số 39/2014/TT-BTC, thông tư số 26/2015/TT-BTC :

Thông tư này có những sửa đổi quan trọng sau :
– Giảm thời gian trả lời của cơ quan thuế về văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in từ 5 ( năm ) ngày làm việc xuống 2 ( hai ) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp.
– Giảm thời gian ra thông báo của cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn đặt in của doanh nghiệp từ 5 ( năm ) ngày làm việc xuống còn 2 ( hai ) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp.
– Giảm thời gian thông báo phát hành hóa đơn của doanh nghiệp từ 5 ( năm ) ngày xuống 2 ( hai ) ngày trước khi tổ chức, doanh nghiệp bắt đầu sử dụng hóa đơn. Theo đó giảm thời gian cơ quan thuế có ý kiến khi phát hiện sai sót trong thông báo phát hành hóa đơn của tổ chức, doanh nghiệp từ 3 ( ba) ngày làm việc xuống còn 2 ( hai) ngày làm việc. Bỏ quy định về việc gửi thông báo phát hành hóa đơn trong thời hạn 10 ( mười ) ngày kể từ ngày ký thông báo.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/6/2017.
3. Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định chế độ công tác phí, chế độ tiếp khách, hội nghị :

Thông tư điều chỉnh tăng định mức công tác phí dành cho cán bộ, công chức đi công tác trong nước.
Theo đó, đối với phụ cấp lưu trú được điều chỉnh tăng định mức từ 150.000 lên 200.000 đồng/ngày và từ 200.000 lên 250.000 đồng/người/ngày (nếu đi công tác từ đất liền ra biển, đảo) (Điều 6).
Mức khoán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác cũng được điều chỉnh tăng từ 900.000 lên 1 triệu đồng/ngày/người (đối với lãnh đạo cấp Bộ, Thứ trưởng, các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên); từ350.000 lên 450.000 nếu công tác ở quận, thành phố; từ 250.000 lên 350.000 nếu công tác ở huyện, thị xã; hoặc từ 200.000 lên 300.000 nếu công tác tại vùng khác (đối với các đối tượng còn lại).
Đối với tiền công tác phí, mức khoán theo tháng được điều chỉnh tăng từ300.000 lên 500.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, Thông tư này có quy định rõ thời gian được hưởng công tác phí có bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017 và bãi bỏ Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010.
4. Thông tư 51/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế :

Thông tư này sửa đổi các nội dung chính như sau :
– Bổ sung Chi nhánh của doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện để kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cũng được coi là Đai lý thuế.
– Bãi bỏ việc nộp mẫu chữ ký của người có thẩm quyền của đại lý thuế được ký tên trên hồ sơ thuế trong bộ hồ sơ đề nghị cấp xác nhận đủ điều kiện để kinh doanh hoạt động đại lý thuế.
– Rút ngắn thời gian cấp xác nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động đại lý thuế từ 10 ( mười) ngày làm việc xuống còn 5 ( năm) ngày làm việc.
– Danh sách đại lý thuế được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Cục thuế và Tổng cục thuế.
– Mở rộng đối tượng được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế : Có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên tất cả các chuyên ngành nếu đảm bảo có tổng số đơn vị học trình ( hoặc tiết học) các môn học về tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động tài chính, thuế từ 7% trên tổng số học trình ( hoặc tiết học) cả khóa học và có thời gian làm việc thực tế trong lĩnh vực này từ đủ 2 ( hai) năm trở lên.
– Tăng thời gian tổ chức thi hàng năm từ 01 kỳ thi lên 02 kỳ thi mỗi năm.
– Sửa đổi đối tượng được miễn thi môn pháp luật thuế là công chức thuế, viên chức thuế có ngạch công chức, viên chức từ chuyên viên thuế, kiểm tra viên cao đẳng thuế, giảng viên trở lên và có thời gian công tác trong ngành thuế từ 3 ( ba ) năm trở lên và đăng ký dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ về thuế trong thời hạn 3 ( ba ) năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc. Đối tượng này nếu có thời gian côngtác trong ngành thuế từ 5 ( năm) năm trở lên thì được miễn thi thêm môn kế toán.
– Bổ sung đổi tượng được miễn thi cả hai môn Pháp luật thuế và Kế toán là người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán.
– Bãi bỏ điều 6 của thông tư 117/2012/TT-BTC về điều kiện làm đại lý thuế.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2017 .
5. Quyết định số 710/QĐ-BTC ngày 24/4/2017 quyết định về việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương pháp điện tử :

Quyết định triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương pháp điện tử đối với cơ quan thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thời gian áp dụng : từ ngày 01/05.2017
6. Công văn số 1233/TCT-CS ngày 2/4/2017 của Tổng cục thuế hướng dẫn về chính sách thuế TNDN:
Công văn này hướng dẫn về việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN đói với trường hợp 2 doanh nghiệp sáp nhập với nhau.
Theo đó, về nguyên tắc, trường hợp hai doanh nghiệp sáp nhập với nhau thì được kế thừa các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp trước khi sáp nhập trong thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, việc xác định thu nhập hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
7. Công văn số 1419/TCT-CS ngày 17/4/2017 của Tổng cục thuế hướng dẫn về chính sách thuế :
Công văn này hướng dẫn 2 nội dung sau :
Trường hợp trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định, chưa phát sinh doanh thu, Công ty TNHH một thành viên Làng du lịch Villa Louise Huế có phát sinh chi phí quản lý chung (không phải là các khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn tư để hình thành tài sản cố định) mà các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định thì tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.
Căn cứ điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 ngày 17/06/2003, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008, Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế tại công văn số 112/CT-KTra1 nêu trên, cụ thể: Khoản thu nhập chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định của Công ty TNHH một thành viên Làng du lịch Villa Louise Huế (từ năm 2007 đến tháng 6/2014), không liên quan đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu đãi nên không thuộc diện hưởng ưu đãi thuế TNDN.
8. Công văn 5396/BTC-TCT ngày 25/4/2017 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về chính sách thuế TNDN đối với tiền lãi vay của doanh nghiệp tư nhân:
Theo đó, Căn cứ Luật doanh nghiệp và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trường hợp cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân), tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, đã góp đủ vốn đầu tư theo đăng ký, có thực hiện vay vốn theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước, nếu khoản chi phí lãi vay mà cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân đã trả cho tổ chức tín dụng phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và có đủ chứng từ theo quy định của pháp luật thì khoản chi trả lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
II. LAO ĐỘNG – BẢO HIỂM :

III. LĨNH VỰC KHÁC :

Thông tư 02/2017/TT-BKĐT ngày 18/4/2017 hướng dẫn cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài :
Thông tư này quy định cơ chế phối hợp giữa Cơ quan đăng ký đầu tư với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, các trường hợp sau đây sẽ được giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông:
1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư.
2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
3. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư.
Với cơ chế này, Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ phối hợp, trao đổi thông tin với nhau và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp 01 bản trong trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có sự trùng lặp giấy tờ. Trình tự, thủ tục cụ thể xem tại Điều 6, 7, 8, 9 của Thông tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục theo cơ chế liên thông hoặc thực hiện riêng từng thủ tục.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *