Theo Bộ Tài chính, tại
dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế trình Quốc hội xin
xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 và đề xuất đối
tượng DN gặp khó khăn khách quan được xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế đáp ứng
một trong các tiêu chí sau: DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng
vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hoặc có từ nguồn NSNN nhưng chưa được thanh toán;
Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát
sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; DN phải vay của các ngân hàng
thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh
bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến
đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận Tổ và thảo luận tại Hội trường
không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về xoá tiền phạt chậm nộp. Bên cạnh
đó, cũng có nhiều ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ nhưng đề nghị chỉ
xoá tiền phạt chậm nộp cho đối tượng là Nhà nước nợ DN và DN phá sản hoặc đối
tác tự phá vỡ hợp đồng. Một số ý kiến đề nghị không xoá tiền phạt chậm nộp mà
dùng biện pháp khoanh lại tiền phạt chậm nộp, đồng thời hạ tỷ lệ phạt bằng cách
xoá bỏ tỷ lệ phạt cứng hiện nay.
Có ý kiến rà soát lại
quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành để cụ thể hoá tiêu chí không tính phạt
chậm nộp cho các đối tượng mà Nhà nước còn nợ. Trường hợp cần thiết phải xoá nợ
tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày 1-7-2013 như đề xuất của Chính phủ thì
ban hành Nghị quyết riêng.
Với các ý kiến nêu trên,
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp thu sửa đổi, bổ sung theo hướng
bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% hiện hành (theo quy định với trường hợp chậm nộp
thuế không quá 90 ngày thì áp dụng mức phạt chậm nộp là 0,05%/ngày tính trên số
tiền thuế chậm nộp; còn trường hợp chậm nộp quá 90 ngày áp dụng mức phạt
0,07%/ngày- PV).
Trường hợp người nộp
thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ
NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế
dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ
nhưng không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán phát sinh trong thời gian
NSNN chưa thanh toán.
Cụ thể, nội dung quy
định tại Điều 106: Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế như sau: “Người
nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp
thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong
quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm
nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Trường hợp người nộp
thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn từ
vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản
thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế
còn nợ nhưng không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán phát sinh trong thời
gian NSNN chưa thanh toán.”
Theo baohaiquan.vn