Nghiên cứu trao đổi

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường: Tổng quan nghiên cứu

Tiêu đề Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường: Tổng quan nghiên cứu Ngày đăng 2023-08-30
Tác giả Admin Lượt xem 538

Nguyễn Đăng Học – Hoàng Thị Mai Anh – Nguyễn Thị Hải Bình – Trần Minh Huệ* (*Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Nhận:              17/04/2023

Biên tập:          18/04/2023

Duyệt đăng:    18/04/2023

Tóm tắt

Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu, bài viết chỉ ra cơ sở lý thuyết được vận dụng trong nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán quản trị (KTQT) chi phí môi trường (CPMT) – “ECMA”, gồm lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết sự khuyếch tán của những đổi mới và lý thuyết bất định. Kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, các nghiên cứu chỉ ra mức độ áp dụng KTQT CPMT chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thuộc cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp (DN). 

Từ khóa: các yếu tố ảnh hưởng, kế toán quản trị môi trường; mức độ áp dụng.

Abstract

Based on reviewing of relevant literature, the article provides an overview of theories on factors affecting application of Environmental Cost Management Accounting (KTQT CPMT), including institutional theory, legitimacy theory, stakeholder theory, diffusion of innovations theory, and contingency theory. Combining quantitative and qualitative research methods, literature pointed out that the application of KTQT CPMT influenced by either internal or external factors.

Keywords: factors affecting, environmental cost management accounting, application.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.06202318

  1. Đặt vấn đề

KTQT môi trường nói chung và KTQT CPMT nói riêng, được coi là sự phát triển của kế toán truyền thống và khắc phục được hạn chế của hệ thống kế toán truyền thống trong xác định, phân bổ và cung cấp thông tin về CPMT (USEPA, 1995; UNDSD, 2001; IFAC, 2005). Ngoài ra, việc áp dụng KTQT CPMT còn có thể dẫn đến các cơ hội tiết kiệm chi phí (Jasch, 2003), giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội (Burritt và cộng sự, 2009) cải thiện hiệu suất chất lượng, tăng cường lợi thế cạnh tranh (Latan & cộng sự, 2018). Tuy nhiên, KTQT CPMT chủ yếu mới được áp dụng ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản; còn ở các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam thì mức độ áp dụng KTQT CPMT còn hạn chế (Nguyễn Đăng Học, 2021).

Bài viết này nhằm tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT tại cấp độ tổ chức/đơn vị. Từ đó, cung cấp rõ hơn về các cơ sở lý thuyết, mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu đã được áp dụng, làm cơ sở cho việc đề xuất các nghiên cứu tiếp theo.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT

2.1. Nghiên cứu ở nước ngoài

Mỹ là quốc gia có những nghiên cứu đầu tiên về lý thuyết và thực hành KTQT CPMT trong các tổ chức, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các tổ chức đó. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Bennett & James (1998) chỉ ra, tại Mỹ do có chính sách rất khắt khe về chịu trách nhiệm pháp lý đối với vấn đề môi trường bằng cách đưa ra các chế tài xử phạt rất nghiêm ngặt, nên tỷ lệ các DN áp dụng KTQT CPMT trong quản lý là rất cao, vì họ cho rằng trọng tâm của việc áp dụng KTQT CPMT là để nhận diện và tránh các khoản tiền phạt và nợ tiềm tàng do vấn đề liên quan đến môi trường gây ra. Điều đó cho thấy, chính sức ép từ chính phủ thông qua luật hay các chế tài xử phạt có ảnh hưởng cùng chiều đối với mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN.

Chang (2007) đã vận dụng lý thuyết bất định, lý thuyết thể chế và lý thuyết các bên liên quan, để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT CPMT tại trường Đại học RMIT. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, việc áp KTQT CPMT còn nhiều hạn chế bởi các rào cản từ thái độ của nhà quản trị, rào cản về tài chính, nhận thức của nhà quản trị trong việc sử dụng thông tin môi trường trong việc ra quyết định, rào cản về thông tin và thiếu áp lực thể chế của luật pháp và các bên liên quan. Như vậy, so với nghiên cứu của Bennett &James (1998) thì nghiên cứu này đã chỉ ra, ngoài các yếu tố bên ngoài và đặc biệt là áp lực của thể chế (luật) thì việc áp dụng KTQT CPMT còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên trong đơn vị như thái độ, nhận thức của nhà quản trị và năng lực tài chính của đơn vị.

Có cùng nhận định với các nghiên cứu trước đó, Gadenne & cộng sự (2009) sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với các kỹ thuật như phân tích phương sai, mô hình phân tích nhân tố khẳng định chỉ ra, mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN nhỏ và vừa ở Queensland (Úc) chịu ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài DN. Theo đó, các quy định của pháp luật về việc thực hiện quản trị môi trường buộc các công ty phải thay đổi quy trình kinh doanh và chiến lược của họ để đáp ứng các quy định. Hay nói cách khác, vì có các quy định của luật môi trường nên buộc các DN phải thay đổi nhận thức và có nhận thức về việc áp dụng KTQT CPMT, nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, thiếu nguồn lực tài chính sẽ hạn chế việc áp dụng KTQT CPMT. Bên cạnh đó, để thực hiện KTQT CPMT thì cần áp lực từ bên ngoài và đặc biệt là sự thúc đẩy của của bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp.

Tiếp cận theo hướng nghiên cứu định tính, Setthasakko (2010) đã thực hiện nghiên cứu nhằm xác định các nguyên nhân sâu xa cản trở việc áp dụng KTQT CPMT trong các công ty sản xuất giấy và bột giấy ở Thái Lan. Trong nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn bán cấu trúc với các lãnh đạo, quản lý môi trường và trưởng bộ phận kế toán của 3 công ty. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, có 03 nguyên nhân cốt lõi cản trở việc áp dụng KTQT CPMT tại các công ty là thiếu sự tổ chức học tập, bồi dưỡng; quan điểm hạn hẹp về hiệu quả kinh tế của các nhà quản lý; và thiếu sự hướng dẫn về KTQT CPMT. Trong đó, tác giả nhấn mạnh về nguyên nhân quan điểm hạn hẹp về hiệu quả kinh tế của các nhà quản lý, là rào cản quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT CPMT trong các doanh nghiệp sản xuất (DNSX) giấy ở Thái Lan. Theo đó, các nhà quản lý luôn có xu hướng tập trung ngắn hạn vào hiệu quả kinh tế và việc tạo ra lợi nhuận và họ không xem những tác động tiêu cực của họ đối với cộng đồng, cũng như vấn đề môi trường trong sản xuất.

Qian & cộng sự (2011) thực hiện nghiên cứu ở bang New South Wales (NSW), Úc và chỉ ra, ở bang NSW, cơ quan bảo vệ môi trường (Environment Protection Agancy – EPA) là cơ quan Chính phủ có quyền lực lớn nhất về vấn đề môi trường, nên các tổ chức ở đây đều phải tuân thủ theo các quy định bảo vệ môi trường do cơ quan này thiết lập. Điều đó được thể hiện trong các quy định khi các tổ chức được cấp giấy phép môi trường. Ngoài ra, hàng năm cơ quan này sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quản lý chất thải và các vấn đề môi trường của các tổ chức. Chính các quy định này đã có tác động lan rộng việc thực hiện KTQT CPMT trong các tổ chức ở đây. Bên cạnh những quy định của EPA, thì việc áp dụng KTQT CPMT của các tổ chức còn chịu sức ép bởi các quy định khác của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi đó. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, sức ép bắt chước (sức ép từ đối thủ cạnh tranh hay các đơn vị khác trong cùng khu vực) cũng có tác động cùng chiều đến việc thực hành KTQT CPMT trong các tổ chức địa phương ở NSW. Ngoài ra, khi tổ chức đó tham gia một tổ chức hiệp hội nào đó thì cũng phải tuân thủ những quy định hiệp hội đó và trong đó có quy định về vấn đề môi trường và điều đó bắt buộc họ phải áp dụng KTQT CPMT.

Jalaludin & cộng sự (2011) đã vận dụng lý thuyết thể chế để đánh giá ảnh hưởng của áp lực thể chế đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX ở Malaysia. Các yếu tố thể chế đưa vào mô hình gồm áp lực cưỡng chế, áp lực quy phạm và áp lực bắt chước. Trong đó, áp lực cưỡng chế được thể hiện qua các quy định của chính phủ, các khoản tiền phạt, áp lực từ cổ đông, chính quyền địa phương và các tổ chức về môi trường. Áp lực quy phạm được thể hiện qua hai thang đo, đó là động lực từ đào tạo và là thành viên của hiệp hội kế toán. Trong khi đó, áp lực bắt chước là áp lực của đối thủ cạnh tranh, các ngành công nghiệp khác trên cùng địa bàn và các tổ chức đa quốc gia. Phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng được kết hợp để thực hiện mục tiêu nghiên cứu. Phân tích nhân tố và kiểm định Cronbach’s anpha được sử dụng để kiểm định độ tin cậy của các thang đo và nhóm các yếu tố. Phân tích hồi quy được sử dụng để đo lường và kiểm định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về thể chế đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ tương quan giữa mức độ áp dụng KTQT CPMT với các yếu tố thể chế nhưng theo kết quả hồi quy thì chỉ áp lực quy phạm có ảnh hưởng cùng chiều đến mức độ áp dụng KTQT CPMT và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa α = 1%.

Khalid (2012) đã phỏng vấn sâu 7 DN ở các lĩnh vực thương mại dịch vụ, xây dựng, công nghiệp sản xuất và đồn điền tại Malaysia và chỉ ra, việc áp dụng KTQT CPMT của các DN bị ảnh hưởng bởi các quy định của Chính phủ, luật môi trường và áp lực từ khách hàng, đặc biệt là khác hàng từ các nước EU, ÚC, Newzeland. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì các DN phải thực hiện sản xuất đáp ứng một tiêu chuẩn chất lượng nào đó, chẳng hạn tiêu chuẩn ISO14001 và phải cung cấp thông tin liên quan đến môi trường, bao gồm cả CPMT.

Kế thừa nghiên cứu của Jalaludin & cộng sự (2011), Jamil & cộng sự (2015) đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT tại các DNSX nhỏ và vừa ở Malaysia. Phương pháp hồi quy cũng được sử dụng, để định lượng và kiểm định sự ảnh hưởng của các yếu tố thể chế đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN được điều tra. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, trong các biến độc lập đưa vào mô hình thì chỉ có áp lực cưỡng chế có ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT và có ý nghĩa ở mức α=5%, phát hiện này ngược với phát hiện của Jalaludin & cộng sự (2011) nhưng củng cố phát hiện của Gadenne & cộng sự (2009); Qian & cộng sự (2011) và một số nghiên cứu khác.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trước đó của mình, năm 2015, Setthasakko đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX giấy và bột giấy tại Thái Lan. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, áp dụng KTQT CPMT tại các DN chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố, gồm vai trò lãnh đạo và hỗ trợ của người đứng đầu. Theo đó, văn hóa Thái Lan có sự phân cấp khá rõ, nên vai trò lãnh đạo của người đứng đầu rất quan trọng đối với tổ chức. Nếu những người đứng đầu có tầm nhìn và hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh thì sẽ có quan tâm đến vấn đề quản trị môi trường, thông tin CPMT và sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện KTQT CPMT; ngoài sự lãnh đạo và hỗ trợ của những người đứng đầu, thì sự chia sẻ kiến thức và đào tạo cũng có vai trò quan trọng trong áp dụng KTQT CPMT. KTQT CPMT là nội dung khó và cần thông tin từ nhiều bộ phận khác nhau nên cần sự chia sẻ, học hỏi lẫn nhau giữa các bộ phận, đặc biệt là giữa bộ phận kế toán và quản trị môi trường. Ngoài ra, nhân viên của các bộ phận này cũng cần được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, hiểu biết về KTQT CPMT để áp dụng; và chiến lược xây dựng hình ảnh của DN. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, nếu DN có chiến lược phát triển hướng đến việc nâng cao hình ảnh của DN đối với các bên liên quan, thì họ quan tâm và có mức độ áp dụng KTQT CPMT cao hơn.

Khác với các nghiên cứu trước, nghiên cứu của Mokhtar & cộng sự (2016) tập trung làm rõ ảnh hưởng của đặc trưng DN đến mức độ áp dụng KTQT CPMT. Vận dụng lý thuyết bất định và bằng các kỹ thuật phân tích nhân tố và kiểm định, nghiên cứu chỉ ra DN có quy mô lớn có mức độ áp dụng KTQT CPMT cao hơn DN quy mô nhỏ và DN thuộc sở hữu Nhà nước có mức độ áp dụng cao hơn các DN tư nhân. Cũng tập trung làm rõ ảnh hưởng của các yếu tố nội tại đến mức độ áp dụng KTQT CPMT, Latan & cộng sự (2018) chỉ ra rằng, các yếu tố gồm chiến lược môi trường, nhận thức của nhà quản trị về tính không chắc chắn của môi trường và cam kết của người đứng đầu công ty có tác động trực tiếp mức độ áp dụng KTQT CPMT của các DN được niêm yết trên thị trường chứng khoán Indonesia.

Iredele & Ogunleye (2018) đã kế thừa mô hình nghiên cứu của Jamil & cộng sự (2015), nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN tại Nam Phi và Nigeria. Kết quả phân tích phương sai cho thấy, cả 03 yếu tố áp lực cưỡng chế, áp lực quy phạm và áp lực bắt chước có ảnh hưởng đến việc hiện KTQT CPMT nhưng kết quả mô hình hồi quy lại chỉ cho thấy áp lực cưỡng chế có ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT ở các DN được lựa chọn để nghiên cứu. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là chỉ thực hiện trên 44 công ty (mỗi quốc gia 22 công ty), nên không thể kết luận áp lực thể chế không ảnh hưởng đến KTQT CPMT cho tất cả các DN được. Kết quả này sau đó cũng được Gunarathne & cộng sự (2021) chỉ ra, khi nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN tại Sri Lanka.

2.2. Nghiên cứu trong nước

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về KTQT CPMT được thực hiện vào những năm đầu của thế kỷ 21 và sau đó được phát triển rộng từ những năm 2010 đến nay. Ở những năm đầu, các nghiên cứu chủ yếu làm rõ khái niệm về KTQT môi trường và việc thực hiện kế toán môi trường trong các DN. Trong những năm gần đây, đã có nhiều hơn các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX tại Việt Nam. Mặc dù, nghiên cứu ở những bối cảnh là các DN thuộc lĩnh vực khác nhau, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN Việt Nam còn hạn chế và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố cả bên trong và bên ngoài DN.

Bằng việc kết hợp phương pháp định tính và phương pháp thống kê mô tả, Phạm Đức Hiếu (2010) đã kết luận việc thiếu các áp lực chế tài pháp luật và thiếu cơ chế trách nhiệm đối với môi trường, là những nhân tố căn bản cản trở việc áp dụng kế toán môi trường trong DNSX tại Việt Nam. Tiếp đó, trên cơ sở kế thừa mô hình nghiên cứu tiền nhiệm, Lê Thị Tâm (2017) và Le Thi Tam & Nguyen Hoan (2018) chỉ ra, các yếu tố được xác định có ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX xuất gạch, gồm áp lực của chính phủ, áp lực quy phạm, áp lực cộng đồng dân cư và chiến lược môi trường. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đó bởi các tác giả: Qian & cộng sự (2011); Jalaludin & cộng sự (2011); và Jamil & cộng sự (2015).

Vận dụng lý thuyết khuyếch tán của những đổi mới, lý thuyết thể chế và lý thuyết bất định, Nguyễn Thị Nga (2017) đã thực hiện nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX thép ở Việt Nam. Khác với các nghiên cứu trước, các nhân tố được đưa vào trong giả thuyết nghiên cứu gồm các nhân tố thuộc bên trong DN như nhận thức về KTQT CPMT của nhà quản lý, vai trò của bộ phận KTQT, mức độ chuẩn hóa, truyền thông nội bộ và yếu tố bên ngoài, là áp lực cưỡng chế từ chính phủ và từ truyền thông. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các biến độc lập đưa vào mô hình đều có tác động cùng chiều đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DN được điều tra, trong đó mức độ chuẩn hóa, nhận thức của nhà quản lý và áp lực cưỡng chế được xác định là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến mức độ áp dụng KTQT CPMT của các DNSX thép.

Cũng dựa trên lý thuyết thể chế và lý thuyết bất định, Nguyễn Thị Hằng Nga (2019) tiến hành nghiên cứu trên 323 DNSX khu vực phía Nam, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT. Tác giả đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, đã chỉ ra các nhân tố có ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT trong các DNSX khu vực phía Nam, bao gồm yếu tố chiến lược môi trường, môi trường kinh doanh, áp lực quy phạm, sự phức tạp của nhiệm vụ, áp lực mô phỏng, áp lực cưỡng chế và sự ảnh hưởng này có ý nghĩa thống kê. Trong các yếu tố có ảnh hưởng thì chiến lược môi trường là có ảnh hưởng tích cực nhất và nhiệm vụ phức tạp là yếu tố có ảnh hưởng ngược chiều đến mức độ áp dụng KTQT CPMT.

Tiếp cận theo hướng nghiên cứu các yếu tố thuộc nội tại DN, Đỗ Thị Lan Anh (2020) đã vận dụng lý thuyết bất định, để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện KTQT CPMT trong các DNSX ở Việt Nam. Tác giả đã tiến hành khảo sát 236 DNSX ở Việt Nam và áp dụng kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT của các DN. Các yếu tố đưa vào mô hình nghiên cứu gồm yếu tố về môi trường kinh doanh, chiến lược môi trường và công nghệ tiên tiến. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, các biến đưa vào mô hình đều có tác động cùng chiều với mức độ áp dụng KTQT CPMT. Trong đó, môi trường kinh doanh là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất, tiếp đến là công nghệ tiên tiến và chiến lược môi trường. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, quy mô DN có tác động thuận chiều với mức độ áp dụng KTQT CPMT trong khi hình thức sở hữu vốn (DN nội địa) lại có tác động ngược chiều.

Cũng vận dụng lý thuyết bất định nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về bên trong DN đến mức độ áp dụng KTQT CPMT. Mai Thị Quỳnh Như (2020) đã thực hiện nghiên cứu 285 DNSX trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Kiểm định Cronbach’s alpha được sử dụng để kiểm định độ tin cậy của các thang đo, phân tích nhân tố khám phá được sử dụng để xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT của các DN. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, nếu DN có chiến lược môi trường tích cực, nhận thức của nhà quản trị có chú trọng đến vấn đề môi trường bên cạnh hiệu quả kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy việc thực hiện KTQT CPMT. Bên cạnh đó, DN có quy mô càng lớn và họ thấy được lợi ích từ việc thực hiện KTQT CPMT thì có mức thực hiện KTQT CPMT càng cao. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn chỉ ra, áp lực từ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước cũng chính là sức ép quan trọng để tăng cường việc thực hiện KTQT CPMT trong các DNSX tại Thành phố Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu này củng cố các phát hiện của Lê Thị Tâm (2017); Đỗ Thị lan Anh (2020) và được khẳng định thêm trong nghiên cứu của Phạm Vũ Hà Thanh (2022).

Như vậy, có rất nhiều lý thuyết kinh tế được vận dụng trong nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT tại cấp độ DN ở cả trong và ngoài nước. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu mà các cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu được vận dụng linh hoạt. Bảng 1 dưới đây sẽ tổng hợp lại các lý thuyết kinh tế, phương pháp nghiên cứu mà các nghiên cứu tiền nhiệm đã sử dụng.

Bảng 1: Tổng hợp cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT

STT

Tác giả, năm

Cơ sở lý thuyết

Biến độc lập trong mô hình nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

I. Nghiên cứu nước ngoài

1

Bennett & James, (1998)

Lý thuyết thể chế

Áp lực cưỡng chế

Định tính

2

Chang (2007)

Chang & Deagan (2010)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết bất định

Áp lực Luật pháp; áp lực các bên liên quan; thái độ nhà quản trị; rào cản thông tin; rào cản tài chính

Định tính

3

Gadenne & cộng sự (2009)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết các bên liên quan

Quy định của pháp luật; áp lực từ khách hàng, nhà cung cấp; nguồn lực tài chính của DN

Phân tích nhân tố khẳng định, phân tích hồi quy

4

Qian & cộng sự (2011)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp

Áp lực cưỡng chế; áp lực quy phạm; áp lực bắt chước; áp lực cộng đồng dân cư

Định tính

5

Jalaludin & cộng sự (2011)

Lý thuyết thể chế

Áp lực cưỡng chế; áp lực quy phạm; áp lực bắt chước

Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy

6

Khalid (2012)

 

Áp lực cưỡng chế; áp lực khách hàng

Định tính

7

Jamil & cộng sự (2015)

Lý thuyết thể chế

Áp lực cưỡng chế; áp lực quy phạm; áp lực bắt chước

Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy

8.

Setthasakko (2015)

 

Vai trò lãnh đạo và hỗ trợ của người đứng đầu; Sự chia sẻ kiến thức và đào tạo; Chiến lược xây dựng hình ảnh DN

Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng

9

Mokhtar & cộng sự (2016)

Lý thuyết bất định

Quy mô DN, tình trạng sở hữu

Nghiên cứu định lượng

10

Latan & cộng sự (2018)

 

Chiến lược môi trường; nhận thức của nhà quản trị về tính không chắc chắn môi trường; cam kết của người đứng đầu.

Phân tích nhân tố khám phá; Mô hình cấu trúc tuyến tính

11

Iredele & Ogunleye (2018)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết bất định

Áp lực cưỡng chế và yếu tố tổ chức

Phân tích phương sai, phân tích hồi quy

12

Gunarathne & cộng sự (2020)

Lý thuyết thể chế

Áp lực thể chế (áp lực cưỡng chế; áp lực bắt chước; áp lực quy phạm

Mô hình cấu trúc tuyến tính

II. Nghiên cứu trong nước

1

Phạm Đức Hiếu (2010)

 

Áp lực thể chế; nhận thức của nhà quản trị

Định tính, thống kê mô tả

2

Lê Thị Tâm (2017); Le Thi Tam & Nguyen Hoan (2018)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết bất định

Áp lực chính phủ; áp lực quy phạm; áp lực bắt chước; áp lực các bên liên quan; áp lực cộng đồng dân cư; chiến lược môi trường và nhận thức của nhà quản trị.

Định tính,

phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy

3

Nguyễn Thị Nga (2017)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết khuếch tán của những đổi mới, lý thuyết bất định

Nhận thức của nhà quản trị; mức độ chuẩn hóa; truyền thông nội bộ; vai trò của KTQT và áp lực bên ngoài

Định tính, phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy

4

Nguyễn Thị Hằng Nga (2019)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết bất định

Áp lực cưỡng chế; áp lực quy chuẩn; áp lực mô phỏng; chiến lược môi trường; sự phức tạp của việc thực hiện KTQT CPMT và môi trường kinh doanh.

Phương pháp định tính, phương pháp phân tích hồi quy.

5

Đỗ Thị Lan Anh (2020)

Lý thuyết bất định

Môi trường kinh doanh; chiến lược môi trường; công nghệ tiên tiến.

Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy.

6

Mai Thị Quỳnh Như (2020)

Lý thuyết bất định, lý thuyết thể chế

Nhận thức của nhà quản trị; quy mô DN; chiến lược môi trường; lợi ích – chi phí thực hiện KTQT CPMT và các quy định về thực hiện KTQT CPMT.

Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy.

7

Phạm Vũ Hà Thanh (2022)

Lý thuyết thể chế, lý thuyết quyền biến

Áp lực cưỡng chế; áp lực quy chuẩn; áp lực mô phòng; nhận thức của nhà quản trị về tính không chắc chắn của môi trường và chiến lược môi trường tích cực.

Phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy.

(Nguồn: tác giả tổng hợp)

  1. Kết luận

Áp dụng KTQT CPMT giúp DN khắc phục được hạn chế của kế toán truyền thống trong việc nhận diện, xác định và cung cấp thông tin CPMT cho việc ra quyết định của nhà quản trị. Tổng quan nghiên cứu cho thấy, các lý thuyết kinh tế nền được sử dụng trong nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng KTQT CPMT ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung được sử dụng phổ biến là lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết sự khuyếch tán của những đổi mới và lý thuyết bất định. Phương pháp định tính và phương pháp định lượng với các kỹ thuật như phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định, phân tích hồi quy và các kỹ thuật thống kê mô tả đã được các tác giả sử dụng linh hoạt.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, việc áp dụng KTQT CPMT trong các DN chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng nhấn mạnh: các yếu từ bên ngoài như các quy định pháp luật, áp lực từ các bên liên quan, áp lực bắt chước, kỳ vọng của cộng đồng dân cư; các yếu tố bên trong là nhận thức của nhà quản trị, chiến lược môi trường tích cực, sự phức tạp của KTQT CPMT, nguồn lực của DN và sự kết nối, chia sẻ giữa các bộ phận trong DN.

Tài liệu tham khảo

Bennett, M., & James. (1998). The Green Bottom Line: Management accounting for Environmental improvement, Management Accounting New York, 76(10), pp.20–23.

Burritt, R. L., Herzig, C., & Tadeo, B. (2009). Environmental management accounting for cleaner production: the case of a Philippine rice mill, Journal of Cleaner Production, 17.

Chang, H. (2007), Environmental management accounting within universities: Current and future potential, School of Accounting and Law, RMIT Business, RMIT University.

Chang, H., & Deagan, C. (2010). “Exploring factors influencing environmental management accounting adoption at RMIT university”, 6th Asia Pacific Interdisciplinary Research in Accounting Conference, pp.11–13.

Đỗ Thị Lan Anh. (2020). Ảnh hưởng của lý thuyết dự phòng đến việc vận dụng KTQT CPMT trong các DN, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, tháng 9/2020.

Gadenne, D.L., Kennedy, J. & McKeiver, C. (2009). An Empirical Study of Environmental: Awareness and Practices in SMEs, Journal of Business Ethics, Vol 85, pp.45-63.

Gunarathne, N., & Lee, K. (2021). Corporate cleaner production strategy development and environmental, management accounting: A contingency theory perspective, Journal of Cleaner Production, 308 (2021).

Iredele, O.O., Ogunleye, O.J. (2018). An Evaluation of Environmental Management Accounting (EMA) Practices and Barriers  to Its Implementation: A Comparative Study of Negeria and South Africa, Crawford Journal of Business & Social Sciences, Vol 13, No.1, pp.96-113.

Khalid, F. M., Lord, B. R. and Dixon, D. K. (2012). Environmental Management Accounting Imlementation in Environmentally Sensitive Industries in Malaysia’, Prensented at 6th NZ Management Accounting Conference, Palmerston North, 22-23th November, 2012.

Lê Thị Tâm. (2017). Nghiên cứu KTQT CPMT trong các DNSX gạch tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

Le Thi Tam & Nguyen Hoan. (2018). Factors Affecting to KTQT CPMT Application in Vietnamese Brick Manufacturing Enterprises, Research Journal of Financial and Accoungting, 9(7), pp.136–145.

Mai Thị Quỳnh Như. (2020). Nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng KTQT môi trường trong các DNSX tại TP. Đà Nẵng, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 6/2020.

Mokhrar, N. ., Jusoh, R., & Zulkifli, N. (2016). Corporate Characteristics and Environmental Management Accounting Implementation: Evidence From Malaysian Pubic Listed Companies (PLCs), Journal of Cleaner Production, pp.1–12.

Nguyễn Thị Hằng Nga. (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQT môi trường tại các DNSX ở Việt Nam nghiên cứu cho các tỉnh thành khu vực phía Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Nga. (2017).  KTQT CPMT trong các DNSX Thép ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

Phạm Đức Hiếu. (2010). Kế toán môi trường và sự bất hợp lý của kế toán chi phí truyền thống, Tạp chí Phát triển kinh tế, 11, pp.8–13.

Phạm Vũ Hà Thanh. (2022). Luận án tiến sĩ kinh tế, trường Đại học Thương mại. 

Qian, W., Burritt, R., & MonroeG. (2011). Environmental Management Accounting in Local Government: A Case Study of Waste Management. Accounting, Auditing &Accountability Journal, 24(1), pp.93–128.

Setthasakko, W. (2015). The Adoption of Environmental Management Accounting in Thailand, Journal of Accouting, Vol 32, pp 99-109.

UNDSD. (2001). Environmental Management Accounting Procedures and Principles, United Nations Division for Sustainable Development, Newyork.

USEPA. (1995). An introduction to Environmental Accounting as a Business Management Tool: Key Concepts and Terms. United States Environmental Protection Agency.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *