Tin quốc tế

Cách các nước giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch

Tiêu đề Cách các nước giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch Ngày đăng 2020-04-17
Tác giả Admin Lượt xem 4186

Mỹ cho doanh nghiệp nhỏ vay hàng trăm tỷ USD, trong khi các nước châu Âu nghiêng về bảo lãnh cho vay và hỗ trợ trả lương nhân viên.

Tại hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp nhỏ tạo ra phần lớn việc làm và đóng góp đáng kể vào GDP. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất khi đại dịch nổ ra. Các công ty nhỏ có ít nguồn lực để chịu đựng sự gián đoạn trong thời gian dài, buộc chính phủ tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn.

Tháng trước, chính phủ Mỹ thông qua gói giải cứu kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD, trong đó có hàng trăm tỷ USD hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Nhà Trắng hiện có 2 chương trình chính cho nhóm này, được giám sát bởi Cơ quan quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA).

Chương trình hỗ trợ lương Pay Protection Program (PPP) cho vay mỗi công ty tối đa 10 triệu USD để trả lương nhân viên trong 8 tuần và các chi phí khác như thuê nhà và điện nước. Dù vậy, khoản vay này thực tế có thể biến thành một khoản trợ cấp. Doanh nghiệp Mỹ có thể không cần hoàn trả nếu dùng ít nhất 75% số tiền vay để giữ chân và tuyển dụng lại nhân viên đã cắt giảm.

SBA đã xóa bỏ nhiều quy định thường áp dụng với các khoản vay dạng này và cũng không đòi tài sản thế chấp. Khoản vay này được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn tại các cơ sở này và chờ phê duyệt.

Gói này hiện có quy mô khoảng 349 tỷ USD. Chính phủ Mỹ đang đề nghị Quốc hội bổ sung ít nhất 250 tỷ USD nữa.

Hành quán đóng cửa trên một con phố tại thành phố New York. Ảnh: Reuters

           Hành quán đóng cửa trên một con phố tại thành phố New York. Ảnh: Reuters

Chương trình cho vay lãi suất thấp Economic Injury Disaster Loans (EIDL) cấp khoản vay tối đa 2 triệu USD cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ những sự kiện được coi là thảm họa. EIDL do SBA trực tiếp thực hiện, nộp đơn online và không thông qua ngân hàng.

Cũng như PPP, các quy định cho vay với chương trình này được nới lỏng hơn. Doanh nghiệp cũng có thể được miễn hoàn trả 10.000 USD. Phần còn lại có kỳ hạn lên tới 30 năm, với lãi suất 3,75% một năm và chưa phải thanh toán trong năm đầu tiên.

Với khoản vay này, doanh nghiệp không cần đề nghị số tiền. SBA sẽ tự quyết định con số, dựa trên một công thức tính toán chi phí hoạt động trong 6 tháng của công ty, dựa trên các số liệu doanh nghiệp điền trong đơn.

Tại châu Âu, 25 triệu doanh nghiệp nhỏ – đóng góp hai phần ba việc làm tại khu vực này cũng đang lao đao vì đại dịch. Từ giữa tháng 3, hàng loạt quốc gia tại đây đã phải tung các gói kích thích trị giá hàng trăm tỷ euro để hỗ trợ. Các chính sách phổ biến là bảo lãnh cho vay,hỗ trợ trả lương nhân viên, cấp tiền mặt trực tiếp và hoãn thuế.

Chính phủ Pháp sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trị giá tới 300 tỷ euro, hoãn thu thuế, tiền thuê nhà, điện – nước – gas cho các doanh nghiệp nhỏ. Họ cam kết không để công ty nào sụp đổ.

Trước đó, Pháp công bố kế hoạch tăng bảo lãnh cho vay với doanh nghiệp nhỏ thông qua ngân hàng đầu tư quốc doanh BPI. BPI đang gấp rút bơm vốn cho các công ty, thông qua cả cho vay trực tiếp không cần thế chấp và bảo lãnh khoản vay tại các ngân hàng.

Họ sẽ tăng gấp đôi quy mô cho vay không cần tài sản thế chấp, từ 2 tỷ euro năm ngoái lên 5 tỷ euro năm nay. BPI cũng sẽ bảo lãnh tối đa 90% khoản vay của doanh nghiệp – tăng từ 50 – 70% trước đây – trong vòng 6 năm hoặc lâu hơn. Các công ty nhỏ được vay tối đa 5 triệu euro, còn các công ty vừa có thể vay tới 30 triệu euro.

Chính phủ Pháp cũng sẽ thành lập một quỹ trị giá 2 tỷ euro để hỗ trợ tiền trực tiếp cho các công ty nhỏ như nhà hàng, hay công ty trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa vì đại dịch.

Nhân viên giao hàng đi qua một con phố vắng vẻ ở Rome (Italy). Ảnh: Reuters

          Nhân viên giao hàng đi qua một con phố vắng vẻ ở Rome (Italy). Ảnh: Reuters

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro (550 tỷ USD) dưới dạng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp, và cam kết cung cấp thanh khoản không hạn chế cho các công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Nước này cũng sẽ giúp các công ty dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng phát triển quốc gia và hoãn thu thuế với các doanh nghiệp đang gặp khó.

Riêng các doanh nghiệp nhỏ sẽ được hỗ trợ tài chính trực tiếp tổng cộng 50 tỷ euro. Tùy quy mô, mỗi công ty có thể được nhận tối đa 15.000 euro.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak hồi tháng 3 cho biết chính phủ trước mắt sẽ bảo lãnh số khoản vay trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) cho tất cả công ty. Doanh nghiệp nhỏ trong ngành bán lẻ, khách sạn và giải trí cũng được nhận trợ cấp 25.000 bảng.

Italy đến nay cũng đã tung 750 tỷ euro giải cứu kinh tế, chủ yếu dùng để bảo lãnh cho vay. Chính phủ nước này sẽ bảo lãnh 90-100% khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, và 70-80% cho các công ty lớn hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hoãn thanh toán nợ cho đến ngày 30/9.

Đầu tháng này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore có thể bắt đầu bán hàng online thông qua một sáng kiến mới của Enterprise Singapore – cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ nước này. Theo đó, chương trình E-Commerce Booster Package sẽ hỗ trợ họ cả về chi phí và nhân lực cho các công ty. Tổ chức này cho biết: “Việc này sẽ giúp các công ty bán lẻ thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh bán hàng và nguồn thu ngoài cách thức truyền thống. Nó đặc biệt có lợi trong bối cảnh đại dịch lan tràn hiện tại”.

Trước đó, các doanh nghiệp nước này đã nhận hàng loạt hỗ trợ, từ hoàn thuế, miễn tiền thuê mặt bằng đến trả lương nhân viên. Riêng các doanh nghiệp nhỏ được vay vốn từ chương trình EFS – SME Working Capital Loan, với lãi suất thấp hơn và mức trần được nâng lên 1 triệu đôla Singapore, từ 600.000 SGD trước đây. Họ cũng có thể tiếp cận chương trình SMEs Go Digital Programme để được hỗ trợ về các giải pháp kỹ thuật số, như làm việc từ xa.

Nhân viên mời khách bên ngoài một nhà hàng ở Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

     Nhân viên mời khách bên ngoài một nhà hàng ở Yokohama (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 3 công bố gói kích thích 4 tỷ USD, chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết mục tiêu của ông là giúp nhóm doanh nghiệp này có đủ tài chính cần thiết trong 2-3 tháng tới. Theo đó, chương trình cấp vốn đặc biệt dành cho các SME sẽ tăng hơn gấp 3 so với công bố ban đầu, lên 1.600 tỷ yen. Một tổ chức tín dụng liên kết với chính phủ sẽ cho vay không lãi suất, không thế chấp.

Đến đầu tháng này, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tung ra gói giải cứu 108.000 tỷ yen (1.000 tỷ USD). Trong đó có 6.000 tỷ yen hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp quy mô vừa và hộ gia đình.

Các công ty nhỏ có doanh thu giảm 20% hoặc hơn trong một tháng, bắt đầu từ tháng 2, sẽ được hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp một năm. Thuế này cũng sẽ được giảm với các doanh nghiệp nhỏ áp dụng làm từ xa. Tối đa 10% chi phí mua sắm thiết bị cho việc này sẽ được giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • theo kênh thông tin kinh tế 

 

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *