Đó là chủ đề Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 do Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật của Đức, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 19/9/2019 tại Quảng Ninh. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi về các giải pháp cải cách chính sách tài chính mang tính đột phá nhằm tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Tham dự diễn đàn có khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn – đại diện cơ quan chủ trì đã phát biểu khai mạc Diễn dàn.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, các chính sách tài chính trong thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đi vào thực chất hơn, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng và rõ nét. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi bền vững; cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, tài chính có nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy, mở đường trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Do đó, việc cải cách chính sách tài chính là rất cần thiết nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam. Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung sau: (i) Đóng góp về chính sách động viên, nâng cao quản trị hiệu quả của tài chính công; giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng kém hiệu quả, lãng phí trong quản lý sử dụng đầu tư công, tài chính công; đổi mới thể chế chính sách để thúc đẩy dịch vụ công quan trọng cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế; chính sách liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp; (ii) Vấn đề huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân trong hợp tác công tư, đầu tư phát triển hạ tầng; (iii) Đề xuất giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phấn đấu trong 10 năm có khoảng 6 – 10 doanh nghiệp tư nhân thuộc top 500 của thế giới, để khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; (iv) Đánh giá nguồn lực tài chính công, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (v) Giải quyết các bất cập thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp vì thị trường này có quy mô còn nhỏ bé (trên 9% so với GDP, nhỏ so với dư nợ tín dụng 132%); (vi) Giải pháp tài chính để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vii) Cơ chế chính sách tài chính – ngân sách góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam…
Sau bài khai mạc Diễn đàn của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đại diện đơn vị tài trợ – ông Sebatian Paust, Tham tán thứ nhất, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Công hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và đại diện địa phương đăng cai tổ chức Diễn đàn – ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu chào mừng Diễn đàn.
Với mục tiêu của Diễn đàn là tìm kiếm động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam trong các chính sách tài chính, do đó, ngoài phiên khai mạc, Diễn đàn Tài chính Việt Nam được chia làm hai phiên chuyên đề chính, phiên 1 có chủ đề “Cải cách chính sách tài chính đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” dưới sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp và phiên 2 có chủ đề “Cải cách chính sách tài chính thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” dưới sự điều hành của GS.TS. Sử Đình Thành; cùng tham gia ban điều hành hai phiên còn có một số chuyên gia, nhà khoa học có tên tuổi trong giới khoa học trong nước và quốc tế.
Ban Chủ trì phiên 1 (từ trái qua phải: PGS.TS. Lê Xuân Bá – Chuyên gia kinh tế; Bà Jacqueline Cottrell – Chuyên gia tư ấn về chính sách tài khóa và môi trường, cố vấn chính sách cao cấp của Cơ quan Ngân sách xanh Đức; Phó Chủ tịch Cơ quan Ngân sách xanh châu Âu; GS.TS. Nguyễn Thị Cành – Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính; GS.TS. Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân; Ông Jun Fan – Chuyên gia về chính sách xã hội, Unicef Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)
Đánh giá về những mặt đạt được của mô hình tăng trưởng trong thời gian qua, theo các chuyên gia (PGS.TS. Đặng Văn Thanh, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp), cơ cấu thu – chi tài chính đã dần được cải thiện, ngày càng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, có nhiều nguồn (quỹ) để phục vụ cho việc huy động. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 2 lần trong khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực, quá trình luân chuyển dòng tiền còn chưa được hỗ trợ cho đổi mới mô hình tăng trưởng (TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), việc đánh giá theo kết quả đầu ra chưa được chú trọng, bên cạnh tự chủ tài chính thì cơ sở giáo dục vẫn chưa chủ động thực hiện theo 3 nội dung còn lại là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự (TS. Lê Xuân Bá – Chuyên gia kinh tế).
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Xuân Bá cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đã đạt được những kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn như: Vốn đầu tư phát triển không nhiều, hiệu quả thấp; lao động thiếu kỹ năng, thể lực yếu và kỷ luật lao động thấp, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TPF) vào GDP không cao. Do đó, trong thời gian tới, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu bức thiết. Theo các chuyên gia, nhà quản lý (ông Nguyễn Văn Lạng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, TS. Lê Xuân Sang), nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, lao động đã không còn nhiều dư địa, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế chưa cao là bất cập lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Nguyên nhân tạo ra các điểm nghẽn trên là do cách tiếp cận về mô hình tăng trưởng chưa đúng, chưa có tư duy đổi mới, đồng thời thiếu thước đo kế hoạch phát triển nên khó nhận diện được vấn đề (GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp).
Đối với phát triển tài chính xanh để hỗ trợ tăng trưởng, bà Jacqueline Cotrell, Phó Chủ tịch cơ quan ngân sách xanh châu Âu cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường rất cao, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng xanh đang là xu hướng trên thế giới. Do đó, để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế thì Việt Nam cần có các chính sách tài chính nhằm xanh hóa hệ thống tài chính, tăng cường ứng phó của toàn cầu, đảm bảo huy động được đầu tư trong các dự án về tài chính xanh (Đức, Pháp).
Về cơ cấu nền kinh tế, theo các chuyên gia, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp và dịch vụ chưa tăng ở mức hợp lý (dịch vụ đóng góp khoảng 50 – 55%, công nghiệp khoảng 40%). Bên cạnh đó, khu vực kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm; chưa tận dụng hết dư địa phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Nhận định về nguyên nhân tạo ra các hạn chế trong cơ cấu lại nền kinh tế, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân là do nhận thức chưa đúng và đầy đủ về vai trò của chính sách tài chính trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế (TS. Vũ Đình Ánh); vấn đề đầu tư cho đổi mới sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, trong đó đầu tư phát triển ứng dụng phát triển công nghệ chưa được chú trọng; đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa được đẩy mạnh, đặc biệt là lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo (ông Nguyễn Văn Lạng).
Ban Chủ trì phiên 2 (từ trái qua phải: Ông Donald Lambert – Chuyên gia trưởng về phát triển khu vực tư nhân, ADB; PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Khóa XI; GS.TS. Sử Đình Thành – Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi – Chuyên gia kinh tế; TS. Hà Huy Tuấn – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)
Đối với huy động nguồn lực, TS. Hà Huy Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong huy động nguồn lực cần phải tính đến bối cảnh thay đổi và chiến lược cụ thể về từ loại nguồn thu, khu vực thu cũng như loại thu (đất đai, tài sản, vay, quỹ), đồng thời cần tính đến hiệu quả sử dụng và những nghịch lý… Hiện nay đang tồn tại ba vấn đề cần giải quyết trong huy động nguồn lực là về phạm vi, giá, hiệu quả, an toàn và bền vững. Không chỉ vậy, khó khăn trong huy động còn từ thu ngân sách còn chịu ảnh hưởng từ nhiều nhân tố dẫn đến không ổn định, nguồn lực tài chính còn phân tán, chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm (PGS.TS. Đặng Văn Thanh); chưa tận dụng hết dư địa của khu vực kinh tế tư nhân cho tăng trưởng (ông Nguyễn Văn Lạng); cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đi vào thực chất, tỷ lệ cổ phần hóa thấp, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa không chịu lên sàn.
Trong phân bổ nguồn lực, ông Jun Fan – chuyên gia về chính sách xã hội, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhấn mạnh, trong khi phân bổ ngân sách chung của Việt Nam cho các ngành xã hội rất ấn tượng thì câu hỏi đặt ra là việc chi tiêu thực tế cho những vấn đề quan trọng là gì? Liệu tỷ trọng chi tiêu cho lĩnh vực xã hội trên GDP hay tổng chi tiêu của Chính phủ ở cấp quốc gia có phải là một chỉ số tốt để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc chi tiêu cho ngành xã hội khi mà mức độ huy động nguồn lực của Việt Nam còn thấp? Trong khi đó, ưu tiên chi tiêu trong ngành xã hội thực tế vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động trong ngành công nghiệp, nông nghiệp thấp hơn các nước châu Á và khoảng cách này càng mở rộng. Đáng chú ý, đầu tư vốn tăng cho nền kinh tế Việt Nam tăng lên, song năng suất lao động không những không tăng mà có xu hướng giảm kể từ năm 2010 đến nay.
Để tháo gỡ điểm nghẽn nhằm cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam, các giải pháp kiến nghị của các đại biểu tập trung vào: (i) Xây dựng nhà nước kiến tạo, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; (ii) Hoàn thiện chế độ sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, đảm bảo quyền tự do của nhân dân; tạo sự đột phá trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khai thác nhiều hơn lợi thế của khu vực kinh tế tư nhân thông qua tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách; (iii) Việt Nam cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng, không nên quá phụ thuộc vào vốn, lao động; cách tiếp cận về mô hình kinh tế mới phải dựa trên xu thế, bối cảnh và chúng ta đang có gì, cần tiến tới cái gì. Xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, tập trung vào các lĩnh vực sáng tạo xanh có tiềm năng tạo ra tăng trưởng cao ở Việt Nam; đảm bảo thuế xuất xanh đủ cao để thay đổi ứng xử của người tiêu dùng và khuyến khích đầu tư, kinh doanh xanh; (iv) Đưa ra các chính sách tài chính để cân bằng ngân sách nhà nước. Chính sách tài khóa cần giảm bớt các khoản nợ nhưng không làm ảnh hưởng hoặc làm giảm các khoản đầu tư của Chính phủ đối với các vùng cần đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu để mở rộng cơ sở thuế; (v) Tăng cường đầu tư để cải thiện năng suất lao động thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cho giáo dục – đào tạo, nhất là ở độ tuổi phát triển mạnh về não bộ (0 – 3 tuổi); (vi) Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; (vii) Đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng cho khoa học công nghệ để tạo nền tảng phát triển tri thức, phát triển kinh tế số. Nhà nước chỉ nên tập trung cho các công đoạn then chốt trong một số lĩnh vực quan trọng; đảm bảo kinh phí thỏa đáng cho những đơn vị thực hiện những nhiệm vụ khoa học công nghệ mà Nhà nước bắt buộc phải thực hiện. Phát triển khoa học công nghệ phải theo hướng thúc đẩy sáng tạo, tạo áp lực và môi trường cạnh tranh, theo kịp với các thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới; (viii) Tăng cường hợp tác công – tư để tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình; (ix) Quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới khi xây dựng các chính sách tài chính…
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tổng hợp lại thành các nhóm vấn đề mà các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn, theo đó Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tài chính trong thời gian tới./.
Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam
Tiêu đề | Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam | Ngày đăng | 2019-09-26 |
---|---|---|---|
Tác giả | Admin | Lượt xem | 1014 |