PGS.TS. Đặng Văn Thanh* (*Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam).
Căn cứ Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Bản Dự thảo lần thứ 4 và Tờ trình số 47/TTr-BTP, ngày 14/7/2023) xin có một số ý kiến, như sau:
- Luật Đấu giá Tài sản đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua
Luật số 01/2016/QH14 đã Luật hóa và quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Qua 6 năm thi hành và áp dụng luật, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, cơ bản đảm đương được nhiệm vụ được giao. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, số tiền thu từ hoạt động đấu giá tài sản nộp Ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn. Đồng thời, hoạt động đấu giá tài sản theo quy định của Luật pháp đã góp phần tích cực tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, phát huy hiệu lực, hiệu quả của tài sản Nhà nước, tạo thêm nguồn lực đáng kể cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương.
Thực hiện quy định của Luật, các hình thức đấu giá tài sản được áp dụng phong phú, đa dạng và linh hoạt hơn (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến). Việc ứng dụng khoa học công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số đã được quan tâm, được sử dụng có hiệu quả và bước đầu đã thể hiện tính ưu việt của khoa học công nghệ trong truyền thông, trong tổ chức đấu giá và thông tin về điều kiện, kết quả các cuộc đấu giá. Đây là những kết quả ban đầu, rất đáng khích lệ và ghi nhận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý tài sản công, về quản lý các hoạt động đấu giá cũng như việc hình thành nghề đấu giá, đội ngũ đấu giá viên, là cơ sơ pháp lý quan trọng để hình thành đội ngũ đấu giá viên cũng như các điều kiện để nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, để nâng cao năng lực kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp của các đấu giá viên, qua đó, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ đấu giá. Đây cũng là những căn cứ pháp lý để kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp của những người hành nghề dịch vụ đấu giá. Thông qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề đấu giá và đội ngũ đấu giá viên ngày càng được nâng cao, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Qua hơn 6 năm thi hành Luật, trong bối cảnh kinh tế – xã hội đã có nhiều phát triển và thay đổi theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, nhiều vấn đề mới nảy sinh; năng lực và trình độ quản lý đất nước cũng đã và đang được nâng lên đáng kể. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã khởi phát trên toàn cầu và có những tác động không nhỏ đến Việt Nam. Tất cả những điều đó, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về phạm vi tài sản cần đấu giá mà cả thủ tục, trình tự đấu giá tài sản.
Trong bối cảnh mới và yêu cầu mới của nền kinh tế, của cơ chế quản lý kinh tế cũng đòi hỏi chất lượng của đội ngũ đấu giá viên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, cập nhật thường xuyên các kiến thức về pháp luật, về chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp.
Pháp luật cần có những quy định mới, chặt chẽ hơn đội ngũ đấu giá viên về tuân thủ pháp luật, tuân thủ thủ tục, trình tự trong đấu giá tài sản, về thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, còn tình trạng người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, về mặt pháp lý đối với người tham gia đấu giá, kể cả người có tài sản, người tham gia đấu giá.
Để kịp thời khắc phục những bất cập và hạn chế trong quá trình thi hành Luật, ngày 03/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; trình tự tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến; yêu cầu đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến; thẩm định điều kiện đối với trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản; phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến, dừng việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong việc xây dựng, quản lý, vận hành trang thông tin đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập, để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng khi sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/9/2023.
Tuy nhiên, bản thân Luật Đấu giá tài sản có nhiều quy định chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của đời sống kinh tế – xã hội. Trong đó, có không ít quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, cho người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa đảm bảo. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách, rất cần sửa đổi và bổ sung một số điều trong chính Luật Đấu giá tài sản 2016.
- Về phạm vi sửa đổi bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá. Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản, về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi luật, cần bám sát nguyên tắc sửa đổi Luật. Cần xem xét kỹ những vấn đề bất cập nhất, vướng mắc nhất thì đưa vào sửa đổi, bổ sung và phải tuân thủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Xem xét và cân nhắc kỹ các quy định Nghị định số 47/2023/NĐ-CP ngày 03/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Nếu thấy thực sự cần thiết phải Luật hóa thì đưa vào quy định trong Luật sửa đổi bổ sung, nếu thấy không thật cần thiết thì để trong nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn là đủ.
- Về nội dung sửa đổi, bổ sung
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch và về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Cần xem xét các quy định về đấu giá viên (Mục 1, Chương II): về tiêu chuẩn, về cấp chứng chỉ hành nghề và về quản lý kiểm soát chất lượng dịch vụ đấu giá tài sản.
Cần quan niệm: đấu giá viên là nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp, rất cần kiểm soát cả năng lực, trình độ, kiến thức kỹ năng và quan trọng là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp. Vì vậy, cần xem lại các quy định về cơ quan, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ hành nghề.
- Quy định về Tài sản đấu giá thuộc sở hữu cá nhân
Tại khoản 2 Điều 4 của Luật hiện hành có quy định: “Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này”. Trong khi đó, theo Dự thảo Luật sửa đổi, Mục 2 Điều 4, quy định: Tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán bằng hình thức đấu giá do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại Luật này. Cần cân nhắc quy định này, vì quy định như vậy thể sẽ làm hạn chế tư nhân tìm đến các hình thức đấu giá khác. Mục 2 Điều 4 nên quy định: tài sản của cá nhân có thể lựa chọn bán đấu giá theo quy định của luật này hoặc có thể lựa chọn một trong số nhiều trình tự thủ tục theo luật khác.
- Về quy định bước giá và cách áp dụng bước giá trong từng hình thức đấu giá tài sản
Tại khoản 1 Điều 5, quy định về bước giá trong đấu thầu giá tài sản. Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu, có thể tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm, hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Nhưng trên thực tế, có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như: đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp, hoặc đấu giá bằng hình thức trả giá trực tiếp bằng bỏ phiếu nhiều vòng. Đây là những đấu giá, trả giá diễn ra cùng một lúc mà không có người trả giá trước, người trả giá sau. Cần cân nhắc lại quy định này, sao cho phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
Bước giá do người có tài sản quyết định trong trường hợp tài sản đấu giá có mức giá, nhưng trong hình thức đấu giá mà không biết mức giá cần phải có quy định khoản 1 Điều 39 quy định: “Trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá hoặc giá khởi điểm của tài sản đấu giá không xác định bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó”.
Về nguyên tắc tất cả các hình thức đấu giá tài sản đều phải có giá khởi điểm hoặc xác định giá khởi điểm. Vì vậy, nếu chưa xác định được giá khởi điểm hoặc không có giá khởi điểm của tài sản thì không thể thực hiện đấu giá tài sản. Cần phải nghiên cứu, cân nhắc và có quy định phù hợp có thể khả thi.
- Về quy định tài sản phong tỏa
Luật quy định khi chấm dứt hoặc rút tiền từ tài khoản phong tỏa, thì phải có sự có mặt của các bên để xử lý tài khoản đó. Nhưng nếu có trục trặc mà có những bên không có mặt được, thì sẽ không thực hiện được, do đó quy định này không cần thiết.
- Đối với các quy định về thông báo công khai việc đấu giá tài sản
So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá thay bằng quy định thông báo công khai ít nhất hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc. Việc thông báo công khai trong cả quá trình và quy trình đấu giá tài sản rất quan trọng, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, cần có quy định cụ thể hơn.
- Quy định về thay đổi quy chế đấu giá
Khoản 1 Điều 57 của Dự thảo quy định trường hợp thay đổi một trong các nội dung thông báo công khai đấu giá quy định tại Mục 4 Điều 57,… thì tổ chức đấu giá phải niêm yết nội dung thay đổi theo đúng thời gian quy định tại khoản 1 Điều 35. Cần xem lại các quy định này, bởi vì khoản 4 Điều 57 chỉ quy định nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản, không có thông báo về quy chế đấu giá tài sản. Các quy định về quy chế đấu giá phải được công khai kèm theo thông báo về cuộc đấu giá được quy định tại Điều 34. Nên bổ sung quy chế đấu giá tài sản vào khoản 4 Điều 57, tại Mục 18 Điều 2 của Dự thảo Luật. Đồng thời, cần quy định mọi sự thay đổi thông tin tại khoản 4 Điều 57 (bao gồm cả Quy chế đấu giá) phải được sự đồng ý của những người đã nộp tiền đặt trước. Trong trường hợp người đã nộp tiền đặt trước không đồng ý với sự thay đổi đó, thì có quyền lấy lại tiền đặt trước.
- Các quy định về đấu giá viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp
Các quy định về đấu giá viên được quy định tại Mục 1 Chương II của Luật. Cần khẳng định, đấu giá viên là một nghề nghiệp, người hành nghề đấu giá viên là người hành nghề mang tính chuyên nghiệp. Các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên (Điều 10) về đào tạo nghề đấu giá (Điều 11), cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá (Điều 14), những trường hợp không được cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá (Điều 15, 16, 17),…
Nghề đấu giá là nghề mang tính chuyên nghiệp, người hành nghề đấu giá không chỉ cần có kiến thức về luật pháp, về kinh tế, mà cần có kỹ năng, đặc biệt kỹ năng điều hành, kỹ năng cung cấp dịch vụ và phẩm chất nghề nghiệp. Vì vậy, các tiêu chuẩn đấu giá viên và điều kiện cần phải quy định chặt chẽ (Điều 10), bắt buộc phải có trình độ đại học trở lên thuộc ngành Luật và Kinh tế theo chương trình đào tạo quốc gia. Đồng thời, phải hoàn thành khóa đào tạo về đấu giá tài sản.
Chương trình đào tạo nghề đấu giá tài sản được xây dựng và Nhà nước phê duyệt. Việc tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ công nhận năng lực nghề đầu giá do các tổ chức nghề nghiệp thực hiện. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, nên chăng giao cho các tổ chức nghề nghiệp thực hiện có sự quản lý và giám sát của Nhà nước.
Mọi đấu giá viên đều phải qua lớp hoặc khóa đào tạo nghề đấu giá và nếu đạt yêu cầu, sẽ được cấp chứng chỉ chứng nhận năng lực nghề nghiệp đấu giá tài sản.
Bỏ Điều 12 – người được miễn đào tạo nghề đấu giá, đào tạo cần cho mọi đấu giá viên muốn hành nghề, kể cả đã có bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay đã là luật sư, công chứng viên hay thẩm phán. Bởi vì, nghề đấu giá tài sản không chỉ cần có kiến thức Luật pháp mà rất cần kiến thức kinh tế; không chỉ cần kỹ năng kiểm tra, thanh tra hay kiểm soát mà rất cần kỹ năng điều hành và quyết định. Bên cạnh đó, nghề đấu giá tài sản rất cần phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực riêng và bản lĩnh nghề nghiệp trên sàn giao dịch và đấu giá.
Vì vậy, Điều 21 – tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên, hiểu đúng là tổ chức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế, có thêm thuật ngữ ‘xã hội”. Chẳng qua, vì tính đặc thù của Việt Nam theo phân loại các Hội và cần quy định cho tổ chức này chức năng và nhiệm vụ:
Một là, đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đấu giá viên là hội viên.
Hai là, cấp, thu hồi (tạm thời hoặc vĩnh viễn) chứng chỉ chứng nhận năng lực nghề nghiệp của đấu giá viên, tiến tới có thể cấp, quản lý và thu hồi chứng chỉ hành nghề đầu giá viên. Công nhận hoặc không công nhận, đình chỉ hành nghề đấu giá của các đấu giá viên có chứng chỉ.
Ba là, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên. Hơn nữa, cần quy định đấu giá viên hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản bắt buộc hàng năm, nếu muốn tiếp tục được hành nghề. Đây vừa là thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, vừa là quy định bắt buộc đối với một số nghề nghiệp hành nghề ở Việt Nam, như hành nghề kế toán và kiểm toán, đại lý thuế, tư pháp. Riêng kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề hàng năm, phải tham dự đủ 40h bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chương trình được Bộ Tài chính phê duyệt mới được tiếp tục hành nghề trong năm sau.
Bốn là, Dự thảo Luật đã bổ sung sau điểm đ khoản 2 Điều 19: “Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm là cần thiết. Bởi lẽ, hơn ai hết, những đấu giá viên hành nghề đấu giá cần được cập nhật các kiến thức về luật pháp, về chính sách của Nhà nước, cập nhật các kỹ năng cần thiết về hành nghề đấu giá. Đây cũng là quy định, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực hành nghề của đội ngũ đấu giá viên. Nhưng cần có quy định cụ thể hơn về số thời gian, cần tham gia cập nhật kiến thức và cơ quan quyết định hoặc phê duyệt chương trình nội dung bồi dưỡng bắt buộc hàng năm. Quy định này cũng nhằm khắc phục tình trạng một số đấu giá viên có thẻ nhưng ít trực tiếp hành nghề, nên không có cơ hội cập nhật các quy định pháp luật hoặc nghiệp vụ mới. Cần quy định các tổ chức nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức các khóa bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đấu giá viên có chứng chỉ hành nghề, như: Hội Luật gia, Hội các Nhà đấu giá, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh bất động sản, Hội Thẩm định giá.
Trên đây là một số ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hy vọng, sẽ được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định cân nhắc để chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội.