Nghiên cứu trao đổi

Chặng đường 10 năm Dịch vụ Kế toán Việt Nam

Tiêu đề Chặng đường 10 năm Dịch vụ Kế toán Việt Nam Ngày đăng 2017-08-29
Tác giả Admin Lượt xem 807

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T6/2017)

Trong tiến trình đổi mới và cải cách, xây dựng kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, kế toán Việt Nam đã được cải cách và hình thành những chức năng mới. Kế toán không chỉ là một bộ phận cấu thành của hệ thống công cụ quản lý kinh tế, mà còn là một hoạt động thương mại dịch vụ. Dịch vụ kế toán (DVKT) đã đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) về luật pháp, chế độ kế toán tài chính của Nhà nước, cũng như thiết lập hệ thống thông tin kinh tế tài chính, ghi sổ kế toán, tính thuế kê khai thuế và lập trình bày Báo cáo tài chính.

DVKT được coi là một loại hình thương mại dịch vụ cao cấp, được luật pháp Việt Nam chính thức thừa nhận năm 2003 và đăng ký hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý và hỗ trợ của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, từ năm 2007. Luật Kế toán 2015, một lần nữa khẳng định và đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết tạo hành lang pháp lý cho hoạt động DVKT và hành nghề kế toán.

Có thể nhận thấy, từ những bỡ ngỡ, nhỏ nhoi ban đầu, qua 10 năm phát triển, thị trường DVKT ở Việt Nam đã hình thành, một thị trường dịch vụ mới mẻ đầy triển vọng trong nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, một thị trường dịch vụ cao cấp, hoạt động trong sự hỗ trợ và quản lý của Hội nghề nghiệp.

Từ 18 DN, với hơn 30 kế toán viên chuyên nghiệp năm 2008, đã phát triển lên 120 DN với hơn 260 Kế toán viên chuyên nghiệp. Đó là một bước phát triển ngoạn mục và là sự thành công của tổ chức nghề nghiệp, trong việc hỗ trợ và quản lý thị trường dịch vụ non trẻ này. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao và được sự kiểm soát chặt chẽ của Hội nghề nghiệp. Kỷ cương, kỷ luật và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp được tăng cường. Khách hàng ngày càng tin tưởng và tìm đến các Công ty, để được cung cấp các loại DVKT ngày càng đa dạng. Nhiều công ty DVKT đã trụ vững và phát triển trong muôn vàn khó khăn, mở rộng thị trường, tăng thêm các loại hình dịch vụ, tăng doanh thu và tăng nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Nhiều kế toán viên chuyên nghiệp đã trưởng thành và có thể thực hiện nhiều loại dịch vụ, cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tổ chức nghề nghiệp của những người hành nghề kế toán đã được thành lập, tập hợp và hỗ trợ tích cực cho các hội viên, tạo dựng một tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp.

Có thể đánh giá, phát triển thị trường DVKT ở Việt Nam tuy là rất mới mẻ, nhưng là một hướng đi đúng, một thị trường dịch vụ đầy tiềm năng trong một nền kinh tế mở, hỗ trợ tích cực có hiệu quả cho các DN trong nền kinh tế, trước hết là các DN tư nhân vừa và nhỏ. Sự thành công của các công ty DVKT, sự thành công của tổ chức nghề nghiệp, VAA và thành viên của mình là VICA trong việc hỗ trợ, thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động dịch vụ đã khẳng định và là minh chứng về năng lực của tổ chức nghề nghiệp và sự sáng suốt, đúng đắn trong các quyết sách của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính, trong giai đoạn hình thành thị trường DVKT ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là bắt đầu. Thị trường DVKT còn quá nhỏ bé trong một đất nước hơn 90 triệu dân, hơn 600 nghìn DN, trong đó có tới 95% là DN vừa và nhỏ, nhiều DN siêu nhỏ. Đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp còn quá ít ỏi, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, thị trường DVKT tự do, tự phát không được kiểm soát, không được quản lý. Tạo ra thị trường dịch vụ cạnh tranh không lành mạnh, cản trở phát triển một thị trường dịch vụ đích thực. Trong khi đó, nhận thức về DVKT và hành nghề kế toán chưa thật sự đầy đủ và thống nhất. Vẫn còn những nhận thức không đúng, thậm chí còn méo mó về thị trường và nghề nghiệp, kể cả từ phía nhà nước, từ phía các DN cũng như các kế toán viên.

Có một thực tế, khách hàng yêu cầu cung cấp DVKT chủ yếu là loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ. Giá phí dịch vụ rất hạn chế, gây khó khăn cho việc phát triển của các công ty DVKT. Loại hình dịch vụ còn hạn hẹp, doanh thu về dịch vụ tư vấn chiếm tỷ trọng thấp, gần như chưa có doanh thu của loại dịch vụ quản lý.

Việc kiểm soát chất lượng hoạt động DVKT chủ yếu đánh giá về việc tuân thủ pháp luật và các quy định có tính kiểm soát nội bộ DN dịch vụ, mà chưa thật sự đi sâu vào đánh giá chất lượng dịch vụ, do chưa có đủ nhân lực có đủ năng lực cần thiết và kinh nghiệm thực tế.

Trong thời gian tới, với mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện thị trường DVKT với quy mô phù hợp, với đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp có chứng chỉ theo chuẩn khu vực, thỏa mãn yêu cầu các doanh nghiêp trong nền kinh tế thị trường, mở cửa.

Để đạt được mục tiêu trên, cần triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và rất cần sự quan tâm, sự tham gia vào cuộc, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam, trong đó trước hết là các kế toán viên, các chuyên gia và những người quản lý nghề kế toán, kiểm toán.
 
Thứ nhất: Cần nâng cao và thống nhất nhận thức về DVKT, về nghề nghiệp kế toán trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về DVKT, nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển của DVKT.
Thứ ba: Nâng cao chất lượng Kế toán viên hành nghề về năng lực, trình độ, kỹ năng và phương pháp công tác.
Thứ tư: Phát triển các DN DVKT với quy mô hợp lý, hình thành một số DN có quy mô vừa, đủ mạnh với các loại hình dịch vụ đa dạng, đủ đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu dịch vụ kế toán của nền kinh tế .
Thứ năm: Nâng cao chất lượng DVKT và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN DVKT.
Chất lượng DVKT quyết định sự tồn tại và phát triển của các Công ty dịch vụ. Vì vậy, cần đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ trên tất cả các mặt: Tôn trong luật pháp, quy trình, độ tin cậy của thông tin kế toán và sự thỏa mãn của khách hàng, của các DN. Các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở chất lượng dịch vụ, chất lượng kế toán viên và sự đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Thứ sáu: Tăng cường và xác định đúng vai trò quản lý Nhà nước đối với DVKT và nghề nghiệp kế toán trong một nhà nước pháp quyền, Nhà nước dân sự.
Thứ bảy: Tăng cường năng lực và vai trò của Hội nghề nghiệp về kế toán. Xây dựng Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chi Hội Kế toán hành nghề thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, là nơi quy tụ, là chỗ dựa tin cậy cho các kế toán viên, các hội viên. Đồng thời, Hội cần làm tốt chức năng quản lý nghề nghiệp và hướng dẫn, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp. Hội cần tăng cường tuyên truyền và quảng bá nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *