Trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, kế toán không thuần túy là công cụ quản lý kinh tế tài chính mà đã trở thành một lĩnh vực dịch vụ – dịch vụ cao cấp, chuyên nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dịch vụ kế toán được thừa nhận và luật hóa năm 2003 và đã có một chương riêng trong Luật Kế toán 2015. Năm 2007, Bộ Tài chính đã có QĐ 47/2007/QĐ- BTC đã chuyển giao cho Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) quản lý đăng ký hành nghề, cập nhật kiến thức hang năm cho kế toán viên/kiểm toán viên và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán. Hội đã ra Quyết định thành lập Ban Quản lý hành nghề kế toán (QLHNKT). Ban quản lý hành nghề kế toán đã triển khai công tác đăng ký và quản lý hành nghề kế toán. Năm 2008 đội ngũ kế toán viên hành nghề đã hình thành với 18 doanh nghiệp,1 hộ kinh doanh, 46 kế toán viên có chứng chỉ được công bố công khai đủ điều kiện hành nghề kế toán. Tính đến 31/12/ 2015 đã có 109 doanh nghiệp với 254 kế toán viên/ kiểm toán viên đăng ký hành nghề kế toán tại VAA.
Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Pháp Luật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Dịch vụ kế toán là một loại hình dịch vụ vừa có tính pháp lý vừa có tính chuyên nghiệp do các kế toán viên/ kiểm toán viên chuyên nghiệp có chứng chỉ cung cấp.
Trước yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ kế toán, thể theo nguyện vọng của những người hành nghề dịch vụ kế toán, VAA đã quyết định thành lập Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam (quyết định số 218/HKT-VP ngày 11/12/2012 của Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam).
Từ đây những cá nhân có Chứng chỉ hành nghề Kế toán (APC) hoặc
chứng chỉ Kiểm toán viên (KTV) do Bộ Tài chính cấp đang hành nghề cung cấp dịch vụ kế toán và các tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập đang hoạt động tại Việt Nam đã có một “Mái nhà chung” để quy tụ trao đổi, để hỗ trợ nhau, để được bảo vệ quyền lợi các Hội viên cùng phát triển sánh vai với bạn bè năm châu.
Tên gọi: Chi hội có tên: Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam
Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh:
Vietnam Association of Chartered Accountants
Tên viết tắt là: VICA
Tôn chỉ, mục đích:
Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp của các cá nhân có Chứng chỉ hành nghề Kế toán (APC) hoặc chứng chỉ Kiểm toán viên (KTV) do Bộ Tài chính cấp và các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ kế toán đang hoạt động tại Việt Nam. Chi hội là tổ chức thành viên của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), chịu sự quản lý nghề nghiệp của VAA và của Bộ Tài chính. Chi hội hoạt động với mục đích quy tụ các cá nhân hành nghề kế toán và các cơ sở, doanh nghiệp dịch vụ kế toán đang hoạt động tại Việt Nam; hỗ trợ, duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ kế toán viên, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, trung thực và hợp lý thông tin kinh tế, tài chính của nền kinh tế.
Nguyên tắc tổ chức:
Chi hội tổ chức theo nguyên tắc: Tập trung, dân chủ và thống nhất trong toàn quốc, từ BCH Chi hội đến Hội viên, gồm:
– Ban chấp hành Chi hội và Ban kiểm tra;
– Các Ban Chuyên môn: Ban Đào tạo; Ban Nghiên cứu, tư vấn; Ban Đối ngoại và Ban Hội viên;
– Văn phòng Chi hội tại Hà Nội và đại diện văn phòng tại TP Hồ Chí Minh;
– Chi hội có Chủ tich, các phó chủ tịch và Tổng thư ký.
Hội viên:
Hội viên chính thức, gồm: Hội viên cá nhân và hội viên tổ chức: Hội viên liên kết; Hội viên danh dự và Hội viên dự bị
Bộ máy quản lý của Chi hội
– Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể của Chi hội
– Ban Chấp hành
– Ban Kiểm tra của Chi hội và
– Văn phòng của Chi hội
Sau ba (3) năm hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên còn nhiều bở ngỡ, nhưng Chi hội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, có thể tổng kết trên các công việc của Chi hội như sau:
Thứ nhất: Đã xây dựng được hệ thống các quy định, quy chế, nội quy quản lý các hoạt động của VICA và của hội viên (19 văn bản). Những văn bản này đã giúp cho việc điều hành các hoạt động của VICA có hiệu quả, góp phần hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng, giá trị dịch vụ kế toán, và uy tín với khách hàng.
Thứ hai: Đã tổ chức các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức, hội thảo, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, tư vấn, giải đáp vướng mắc kịp thời cho hội viên… nhằm phục vụ tốt nhất cho hội viên. Qua 3 năm đã tổ chức trên 30 lớp cập nhật kiến thứcvà 10 cuộc hội thảo trên cả hai miền Nam Bắc với trên 3.600 lượt người tham gia. Các lớp cập nhật và hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo hội viên và KTVHN.Nội dung phương pháp cập nhật cũng thường xuyên đổi mới, kết hợp phổ biến của giảng viên với trao đổi về những vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hành nghề kế toán. Đã hợp tác với ACCA, ICAEW và một số Tập đoàn, Tổng công ty, Trung tâm đào tạo mở một số lớp cập nhật kiến thức và hội thảo cho hội viên và cán bộ kế toán, kiểm toán
Thứ ba: Đã xây dựng được Quy trình cung cấp dịch vụ mẫu ; Hệ thống hướng dẫn về quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán ; Xây dựng quy định về đánh giá chấm điểm và phân loại chất lượng dịch vụ kế toán, làm cơ sở cho các công ty DVKT nghiên cứu xây dựngQuy trình cung cấp dịch vụ, hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ riêng cho đơn vị mình. Đã tích cực tham gia với Ban quản lý hành nghề kế toán và Vụ CĐKT&KT BTC kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán tại hơn 40 doanh nghiệp dịch vụ
Thứ tư: Tạo điều kiện và tổ chức cho hội viên tham gia vào các dự thảo chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước, thu thập nguyện vọng, ý kiến tham gia của hội viên báo cáo kiến nghị các cơ quan Nhà nước giải quyêt một cách kịp thời, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực thị trường dịch vụ kế toán. Tăng cường công tác hỗ trợ và kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán.
Thứ năm: BCH VICA đã thực hiện có nề nếp chế độ sinh hoạt định kỳ, bám sát Nghị quyết Đại hội và Nghị quyết của các hội nghị BCH, xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm công tác hàng năm của Chi hội. Chỉ đạo.
Thứ sáu : Duy trì và nâng cao chất lượng thông tin trang website, các thông tin trên trang tin ngày càng phong phú, bổ ich, đến nay trang website vica.org.vn đã có trên 2 triệu lượt người truy cập.
Ngày 16/5/ 2016, tại khách sạn Hải Âu, Đồ Sơn, Hải Phòng đã diễn ra đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2 và đã bầu được 19 thành viên BCH, trong đó có 7 ủy viên thường vụ (Gồm : 1 chủ tịch 2 phó chủ tịch, 1 tổng thư ký và 3 ủy viên) và 5 thành viên Ban kiểm tra; Đại hội cũng thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hoạt động của VICA thông qua nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu, như sau :
Đại hội đã đề ra những yêu cầu cụ thể và quyết tâm của các Hội viên trong việc nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời tăng cường hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới với phương châm “ Hội tụ-Chuyên nghiệp-Phát triển” góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nghề nghiệp kế toán kiểm toán Việt Nam nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ nghề nghiệp kế toán kiểm toán trong khu vực các nước ASEAN, Đại hội đã biểu quyết nhất trí nâng cấp Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam thành Hội Kế toán hành nghề Việt Nam và giao cho BCH nhiệm kỳ 2 chịu trách nhiệm thực hiện./.
Tài liệu tham khảo : – Quy chế hoạt động của Chi hội kế toán hành nghề Việt Nam ;
– Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 1;
– Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2 của Chi hội.
– Luật kế toán năm 2015