Nghiên cứu trao đổi

Chiến lược kế toán – kiểm toán đến 2020, tầm nhìn 2030: Chuẩn hóa công cụ giám sát, quản lý nền kinh tế

Tiêu đề Chiến lược kế toán – kiểm toán đến 2020, tầm nhìn 2030: Chuẩn hóa công cụ giám sát, quản lý nền kinh tế Ngày đăng 2013-05-14
Tác giả Admin Lượt xem 780

Chiến lược kế toán – kiểm toán (KT-KT) đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là tiền đề và động lực quan trọng để nâng tầm hoạt động kế toán, kiểm toán cũng như góp phần nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa nền kinh tế nước nhà. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thái Hùng – Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính).

PV: Chiến lược KT-KT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có tầm vóc, ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng lớn đến hoạt động KT-KT Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đặng Thái Hùng: Hoạt động KT-KT cũng như nhiều lĩnh vực trong xã hội muốn phát triển cần có chiến lược để vừa định hướng vừa xác định mục tiêu, có giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu ấy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành phát triển hơn 50 hoạt động kế toán và 20 năm hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt và ban hành một chiến lược cho sự phát triển dài hơi.

Lĩnh vực KT-KT với chức năng là tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế – tài chính – ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như bản thân mỗi đơn vị tổ chức và có vai trò quan trọng đi đôi với sự phát triển kinh tế của đất nước qua từng thời kỳ. Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng thông tin KT-KT ngày càng đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là rất cấp thiết.

Chiến lược KT-KT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được đặt ra trong bối cảnh nêu trên, hướng đến tạo lập hệ thống KT-KT Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, dần hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu đến 2030, Việt Nam có một hệ thống KT-KT thực sự của kinh tế thị trường, tương đồng với thông lệ quốc tế.

PV: Thưa ông, Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc cụ thể hóa chiến lược này?

PGS.TS Đặng Thái Hùng: Bộ Tài chính được xác định là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý công tác KT-KT. Trong việc tổ chức thực hiện chiến lược Bộ Tài chính có 4 trách nhiệm chính.

Thứ nhất, chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, phê duyệt, chỉ đạo kế hoạch thực hiện nội dung chiến lược theo kế hoạch từng giai đoạn và cụ thể hóa chi tiết cho từng năm.

Thứ hai, hướng dẫn đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan đến chiến lược. Hoạt động KT-KT bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính có trọng trách xây dựng tổ chức thực hiện các phần việc liên quan đến chiến lược cho các bộ quản lý theo lĩnh vực, các cơ quan quản lý theo chuyên ngành, địa phương quản lý theo địa bàn.

Thứ ba, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện chiến lược, đánh giá rút kinh nghiệm từng năm, có đánh giá sơ kết định kỳ 5 năm.

Thứ tư, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu nội dung chiến lược trong trường hợp cần thiết.

PV: Hàng loạt công việc phải triển khai, trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện những nội dung gì, thưa ông?

PGS.TS Đặng Thái Hùng: Chiến lược KT-KT bao quát nhiều hoạt động mà nội dung quan trọng là hoàn thiện hành lang pháp lý về KT-KT. Vì vậy, trong năm 2013, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện và ban hành các thông tư hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, 37 Chuẩn mực Kiểm toán vừa được Bộ Tài chính ban hành  (có hiệu lực từ 01/01/2014); xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kế toán và kiểm toán độc lập.

Bộ Tài chính sẽ nhanh chóng nghiên cứu thảo luận đề xuất những nội dung sửa đổi Luật Kế toán 2003 cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay; tiếp tục cập nhật hoàn thiện các chuẩn mực kế toán liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động trên thị trường chứng khoán – tài chính dần phù hợp, tương thích với chuẩn mực quốc tế, ban hành một số chế độ kế toán cho hoạt động dự trữ Nhà nước, quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, kế toán công…; ban hành các văn bản pháp luật phục vụ cho mô hình Tổng Kế toán Nhà nước…

PV: Xin cảm ơn Ông./.

Hải Anh

(Theo Thời báo Tài chính)

 

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *