Tầm nhìn sứ mệnh hướng đến giá trị cốt lõi
Theo chiến lược tài chính mới đề ra, đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Chiến lược cũng đặt mục tiêu, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.
Trong chiến lược nhiều điểm quan trọng, đó chính là phát triển các định chế tài chính; củng cố, tái cơ cấu ngân hàng, tăng cường ứng dụng công nghệ với các tổ chức tài chính, cả ngân hàng và các công ty Fintech, các DN viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia là cần thiết, trong bối cảnh trên thế giới có 35-36 quốc gia ban hành chiến lược này. Mục tiêu chính là phát triển bao trùm, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và DN. Trong bối cảnh tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam còn ở mức tương đối thấp, mặc dù tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.
Ông Lê Quang Trí – Chuyên gia tài chính cho rằng, điểm nổi bật nhất trong chiến lược lần này là sự đổi mới và tinh thần đột phá, thể hiện tầm nhìn mới của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách và chủ trương Chính phủ về phát triển thanh toán toàn diện ở Việt Nam.
Hai điểm đáng lưu ý của chiến lược là: ứng dụng công nghệ, phát triển dịch vụ tối đa theo chuẩn thế giới, nhờ công nghệ để đột phá; và mở rộng cho nhiều thành phần tham gia các lĩnh vực nhất là các lĩnh vực còn độc quyền để huy động nguồn lực xã hội.
Theo chuyên gia này, xu hướng chuyển sang thanh toán toàn diện và thương mại điện tử là tất yếu. Các nước đang phát triển mạnh mẽ và Việt Nam cũng không thể khác. Chiến lược sẽ giúp các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung có cơ hội để phát triển nhanh hơn.
Theo đó, chiến lược sẽ tập trung trước hết trong lĩnh vực tài chính. Tác động sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, từ đó phát triển đuổi kịp thanh toán điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu hút nhiều DN, khuyến khích khách hàng tham gia thanh toán điện tử nhiều hơn.
Việc ứng dụng công nghệ, phát triển dịch vụ tối đa theo chuẩn thế giới, nhờ công nghệ sẽ tạo điều kiện cho các DN trong nhiều lĩnh vực phát triển. Ngân hàng và DN sẽ giảm được nhiều loại chi phí, trong đó có chi phí về nhân sự, về thời gian, chi phí trung gian…
Về cơ bản, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 đã đề cập tới nhiều vấn đề cập thiết để phục vụ cho việc phát triển kinh tế nói chung trong thời đại công nghiệp 4.0. DN sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, có thêm nhiều cơ hội để phát triển bứt phá.
Mở cửa cho doanh nghiệp và phát triển bền vững
Chiến lược tài chính quốc gia đặt mục tiêu phát triển một nền tài chính toàn diện để mọi người dân và DN được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm thu nhập thấp, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ.
Một trong những nhiệm vụ nổi bật của Chiến lược là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt đối với người dân, DN như: thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí) hay chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… hiện đã được thực hiện nhưng còn khá hạn chế, cần có thêm nhiều ứng dụng để mở rộng mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, khi các dịch vụ tài chính phát triển đến nhiều lĩnh vực nhỏ nhất của đời sống, đến tận vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới hệ thống ngân hàng đại lý, fintech, mobile money, ví điện tử, các kênh thanh toán hiện đại càng phải đòi hỏi một nền tảng chuyển mạch, thanh toán bù trừ vững mạnh. Vì thế việc cho phép thêm các DN tham gia thị trường sẽ mở rộng hạ tầng để thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không dùng tiền mặt.
Vì vậy, chiến lược cũng đề ra nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử theo hướng cho phép thêm các tổ chức, DN có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và DN…
Theo chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim, cho đến nay, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn vẫn rất thiếu. Độ bao phủ của các điểm cung cấp dịch vụ còn mỏng với chi phí cao. Thanh toán qua thẻ hiện vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, hình thức thanh toán qua QR Code, ví điện tử còn thấp, trong khi đây đang là xu hướng mới.
Muốn đưa dịch vụ đến với mọi người, xoá các vùng trắng dịch vụ như hiện nay thì đòi hỏi một hệ thống chuyển mạch lớn, hiện đại, liên thông được các phương tiện thanh toán mới… như cánh tay nối dài làm cơ sở phát triển và đưa các dịch vụ đến với mọi người
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia từ Viện Quản lý kinh tế trung ương bày tỏ, đây là chủ trương đúng đắn, mở ra cơ hội lớn để có thêm các nguồn lực tham gia kiến tạo các hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Chuyên gia này dẫn lại bài học thành công của ngành viễn thông cách đây gần 20 năm. Đó là thời kỳ bùng nổ các dịch vụ viễn thông mới nhưng bị ‘tắc’ khi chỉ có 1 đường trục quốc gia duy nhất do công ty nhà nước quản lý. Sự hạn chế hạ tầng và quản lý đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển các dịch vụ viễn thông. Điểm nghẽn này chỉ được giải quyết triệt để khi có thêm các DN khác tham gia đầu tư xây dựng các đường trục quốc gia. Điều đó giúp cho hạ tầng được mở rộng, làm nền tảng đủ cho các dịch vụ viễn thông, công nghệ của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ.
“Đó là một bài học phát triển quý và chưa bao giờ hết thời sự. Quan điểm đổi mới của chiến lược tài chính lần này rất được kỳ vọng tạo ra một bước tiến mới cho nền tài chính quốc giá nói chung và dịch vụ thanh toán online nói riêng. Đây cũng là hướng đi phù hợp với thực tế khi ở Việt Nam ngày càng có nhiều DN tư nhân tham gia xây dựng các kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia mà trước đây thường chỉ giao cho nhà nước”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia có nhiều DN cung ứng dịch vụ chuyển mạch, thậm chí có có nước có trên 10 DN thực hiện các cấp độ dich vụ khác nhau trong lĩnh vực này. Và ở Việt Nam hiện đã có những DN đủ sức tham gia vào việc kiến tạo hạ tầng chuyển mạch tài chính và thanh toán bù trừ. Đó là các tập đoàn công nghệ hay các định chế tài chính mạnh có đủ kinh nghiệm và tiềm lực.
Còn theo ông Lê Quang Trí, chuyển mạch tài chính, thanh toán bù trừ là lĩnh vực là một hạ tầng quan trọng của quốc gia. Đây là ‘cột sống’ cho mọi hoạt động thanh toán tài chính, tiền tệ, dịch vụ đang được đơn vị duy nhất quản lý vận hành. Chiến lược mới đã cho phép các thêm nhiều đơn vị DN tham gia sẽ tạo ra sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, kỳ vọng tác động tích cực đến hoạt động thanh toán ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- theo Tài chính Plus