Nghiên cứu trao đổi

Chuyển đổi số – Điều kiện cần để áp dụng IFRS tại Việt Nam

Tiêu đề Chuyển đổi số – Điều kiện cần để áp dụng IFRS tại Việt Nam Ngày đăng 2023-08-11
Tác giả Admin Lượt xem 493

TS. Đoàn Thị Hồng Nhung* (*Khoa Kế toán – Trường Đại học Đại Nam)

Nhận:              18/04/2023

Biên tập:          19/04/2023

Duyệt đăng:    15/05/2023

Tóm tắt

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, kế toán Việt Nam ngày càng tiệm cận với kế toán quốc tế. Bộ Tài chính đã và đang xây dựng lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Việc triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN), do có quá nhiều điểm khác biệt giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) với IFRS. Một số phương pháp đo lường giá trị của các đối tượng kế toán, đòi hỏi phải có sự ước tính. Để có thể chạy mô hình ước tính giá trị, các DN cần thu thập được dữ liệu của ít nhất 5 năm trước đó. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu IFRS và sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, để có thể thực hiện việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Bài viết này, tập trung vào xem xét vai trò của chuyển đổi số trong quá trình thu thập dữ liệu và chạy mô hình ước tính giá trị khi áp dụng IFRS.

Từ khóa: chuyển đổi số, IFRS, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kế toán.

Abstract

In the trend of international integration, Vietnamese accounting is increasingly approaching international accounting. The Ministry of Finance has been developing a roadmap to apply International Financial Reporting Standards (IFRS) in Vietnam. The implementation of IFRS application in Vietnam will cause many difficulties for businesses because there are too many differences between Vietnam Accounting Standards (VAS) and IFRS. Some methods of measuring the value of accounting objects require estimation. To be able to run the model to estimate the value, businesses need to collect data of at least 5 years ago. This requires IFRS research and careful preparation of conditions to be able to make the transition from VAS to IFRS. This article focuses on looking at the role of digital transformation in the data collection and running the value estimation model when applying IFRS.

Keywords: digital transformation, international financial reporting standards, AI/machine learning, big data, accounting.

JEL Classifications: M15, M40, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0520238

IFRS là hệ thống các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB), với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính (BCTC) có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.

Đến nay, IFRS đã được áp dụng rộng rãi đối với các công ty niêm yết tại: EU, Nam Phi, Nga, Mexico, Canada, Argentina, 17 quốc gia Tây và Trung Phi…

Để tiến tới hội nhập với kế toán quốc tế thì Bộ Tài chính đã xây dựng lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam, chia làm 03 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2020 – 2021): xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để triển khai việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực và quy trình triển khai cho các DN.

Giai đoạn 2 (2022 – 2025): các DN có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất.

Giai đoạn 3 (sau năm 2025): tổ chức triển khai áp dụng VFRS cho tất cả các DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán áp dụng cho DN siêu nhỏ.

Hiện nay, các công ty đang ở giai đoạn áp dụng IFRS tự nguyện và quá trình thực hiện chuyển đổi từ VAS sang IFRS gặp một số khó khăn, do có sự khác biệt lớn giữa VAS và IFRS khi đo lường các đối tượng kế toán. Giá trị của một số đối tượng kế toán trong một số trường hợp cần phải xác định dựa trên số lượng dự báo, điều này đỏi hỏi đơn vị cần thu thập đủ các dữ liệu để chạy các mô hình dự báo. Thêm nữa, các phần mềm kế toán truyền thống hiện nay chủ yếu ghi nhận nghiệp vụ dựa trên giao dịch thực tế phát sinh và dữ liệu chủ yếu là số tiền phát sinh của các giao dịch, mà không có thêm các dữ kiện khác. Ví dụ, dữ liệu về số lượng nhân viên nghỉ việc qua các năm, dữ liệu này nằm ở phòng nhân sự mà phần mềm kế toán truyền thống không có sự kết nối giữa dữ liệu của phòng kế toán với dữ liệu của các phòng ban khác, nên gây khó khăn cho kế toán trong công tác thống kê và chạy mô hình dự báo.

Dưới đây là một số trường hợp cần chạy mô hình dự báo dữ liệu, để xác định giá trị của đối tượng kế toán khi đơn vị áp dụng IFRS.

Thứ nhất, ước tính nghĩa vụ thực hiện đối với khách hàng theo hợp đồng

Theo IFRS 15 – doanh thu từ hợp đồng với khách hàng tại thời điểm bắt đầu hợp đồng, đơn vị phải đánh giá các hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết trong hợp đồng với khách hàng và phải xác định từng nghĩa vụ thực hiện đối với mỗi cam kết chuyển giao cho khách hàng một hàng hóa hoặc dịch vụ riêng biệt; hoặc một nhóm các hàng hóa; hoặc dịch vụ riêng biệt, về cơ bản giống nhau và có cùng cách thức chuyển giao cho khách hàng. Đơn vị phải xem xét các điều khoản của hợp đồng và thông lệ kinh doanh của đơn vị, để xác định giá giao dịch. Khoản thanh toán cam kết trong hợp đồng với khách hàng, có thể bao gồm các khoản cố định, các khoản biến đổi hoặc cả hai. Nếu khoản thanh toán đã cam kết trong hợp đồng bao gồm một khoản biến đổi, đơn vị phải ước tính giá trị của khoản thanh toán mà đơn vị dự kiến có quyền thụ hưởng thông qua việc chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết cho khách hàng. Giá trị của khoản thanh toán có thể thay đổi do chiết khấu, điều chỉnh giá, hoàn tiền, giảm giá tích điểm, giảm giá, ưu đãi, thưởng hiệu suất, khoản phạt hoặc các khoản tương tự khác. Khoản thanh toán đã cam kết cũng có thể biến đổi, nếu quyền thụ hưởng khoản thanh toán là tiềm tàng, phụ thuộc vào khả năng xảy ra hoặc không xảy ra của một sự kiện trong tương lai.

Đơn vị phải ước tính giá trị của khoản thanh toán biến đổi bằng cách sử dụng một trong hai phương pháp sau, tùy thuộc vào phương pháp nào mà đơn vị cho rằng sẽ dự báo tốt hơn giá trị của khoản thanh toán mà đơn vị có quyền thụ hưởng:

Phương pháp giá trị kỳ vọng: là tổng các giá trị bình quân gia quyền theo xác suất của các giá trị có thể xảy ra của khoản thanh toán. Giá trị kỳ vọng cũng có thể là một ước tính phù hợp của khoản thanh toán biến đổi, nếu đơn vị có số lượng lớn các hợp đồng có các đặc điểm tương tự.

Phương pháp giá trị có khả năng xảy ra cao nhất: là giá trị duy nhất có xác suất xảy ra cao, trong số các giá trị có thể xảy ra của khoản thanh toán (nghĩa là kết quả duy nhất có khả năng xảy ra cao nhất của hợp đồng). Giá trị có khả năng xảy ra cao nhất, có thể là một ước tính phù hợp của khoản thanh toán biến đổi nếu hợp đồng chỉ có hai khả năng xảy ra (ví dụ, đơn vị có thể nhận được hoặc không nhận được một khoản thưởng hiệu suất).

Ví dụ: Ngày 10/8/N, công ty A bán 200 chiếc bàn cùng loại cho khách hàng B, với giá 2.000.000đ mỗi chiếc. Công ty A mua số bàn này với giá 1.500.000đ một chiếc. Khách hàng B có quyền trả lại hàng trong vòng thời gian 01 tháng. Dựa trên kinh nghiệm trước đây, mức trả lại dự kiến là 10%.

Doanh thu hoãn lại = 200 x 10% x 2.000.000 = 40.000.000

Theo IFRS 15, Công ty A sẽ phải ghi nhận doanh thu hoãn lại đối với số hàng dự kiến mà khách hàng B có thể trả lại trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, để xác định được giá trị sẽ ghi vào doanh thu hoãn lại tương ứng với số hàng bị trả lại thì Công ty A phải dự đoán được số lượng hàng bị trả lại là bao nhiêu (trong ví dụ đang giả định là 10%). Để xác định số lượng hàng dự kiến bị trả lại, Công ty A cần dựa trên kinh nghiệm trả lại hàng của tất cả các khách hàng nói chung và khách hàng B nói riêng đã xảy ra trong quá khứ.

Thứ hai, ước tính giá trị khoản tổn thất tín dụng trọn đời

IFRS số 9 – Công cụ tài chính quy định ngay khi ghi nhận ban đầu đối với các tài sản tài chính đơn vị đã phải xác định khoản tổn thất tín dụng dự kiến trọn đời, đơn vị có thể áp dụng các phương pháp khác nhau khi đánh giá liệu rủi ro tín dụng của công cụ tài chính đã gia tăng đáng kể từ ghi nhận ban đầu hay khi đo lường tổn thất tín dụng dự kiến.

Các phương pháp được sử dụng để xác định liệu rủi ro tín dụng có gia tăng đáng kể hay không kể từ ghi nhận ban đầu nên xem xét các đặc điểm của công cụ tài chính (hoặc nhóm công cụ tài chính) và các quy luật vỡ nợ trước đây, đối với các công cụ tài chính tương đồng.

Ví dụ: Ngân hàng A cho Công ty B vay một khoản trị giá 01 tỷ đồng, thời hạn vay 03 năm, với lãi suất 12%/năm. Ngay tại thời điểm cho vay, Ngân hàng A đã phải ghi nhận khoản tổn thất tín dụng trong vòng 12 tháng. Sau đó, Ngân hàng A sẽ phải tiếp tục đánh giá tổn thất theo các giai đoạn: giai đoạn 1 – rủi ro tín dụng không tăng đáng kể; giai đoạn 2 – rủi ro tín dụng đã tăng lên đáng kể; giai đoạn 3 – bằng chứng khách quan về sự suy giảm. Ở giai đoạn 2 và 3, ngân hàng A sẽ phải ghi nhận khoản tổn thất tín dụng trọn đời. Việc xác định giá trị khoản tổn thất tín dụng, phụ thuộc vào xác suất xảy ra rủi ro. Ngân hàng A cần căn cứ vào dữ liệu trong quá khứ của các vụ việc vỡ nợ đối với các công cụ tài chính tương đồng để ước tính xác suất xảy ra rủi ro, từ đó tính toán giá trị tổn thất tín dụng trọn đời.

Thứ ba, ước tính giá trị dự phòng nợ phải trả

Theo IFRS 37 – các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng, dự phòng nợ phải trả là một khoản nợ phải trả không chắc chắn về thời gian và giá trị. Một khoản dự phòng phải trả được ghi nhận, khi đơn vị có nghĩa vụ hiện tại (pháp lý hoặc ngầm định) là kết quả của sự kiện trong quá khứ. Có nhiều khả năng sự giảm sút về những lợi ích kinh tế sẽ xảy ra do việc thanh toán nghĩa vụ và giá trị của nghĩa vụ đó có thể được ước tính một cách đáng tin cậy. Việc sử dụng các ước tính là một phần cốt yếu trong việc lập BCTC và không làm mất đi tính tin cậy của BCTC. Điều này đặc biệt đúng đối với các khoản dự phòng phải trả, với bản chất của chúng là không chắc chắn như các khoản mục khác trong Báo cáo tình hình tài chính. Giá trị được ghi nhận của một khoản dự phòng phải trả phải là ước tính tốt nhất về khoản tiền sẽ phải chi để thanh toán nghĩa vụ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Ước tính tốt nhất về khoản chi tiêu cần để thanh toán nghĩa vụ hiện tại là giá trị mà đơn vị sẽ phải thanh toán nghĩa vụ tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo; hoặc để chuyển giao chúng cho bên thứ ba tại thời điểm đó. Thường thì chi phí để thanh toán hoặc chuyển giao nghĩa vụ tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo là không thể thực hiện được hoặc quá đắt đỏ. Tuy nhiên, các ước tính về giá trị mà đơn vị có thể trả một cách có cân nhắc hợp lý để thanh toán hoặc chuyển giao nghĩa vụ sẽ là ước tính tốt nhất về khoản chi tiêu cần thiết để thanh toán nghĩa vụ hiện tại tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Các ước tính về kết quả và ảnh hưởng tài chính được xác định thông qua xét đoán của (những) người quản lý đơn vị, được bổ sung bởi kinh nghiệm trong các giao dịch tương tự và trong một số trường hợp bởi báo cáo từ các chuyên gia độc lập. Các bằng chứng được xem xét, có thể bao gồm bất kỳ bằng chứng bổ sung nào từ các sự kiện phát sinh sau kỳ báo cáo. Sự không chắc chắn liên quan đến giá trị cần được ghi nhận cho khoản dự phòng phải trả, được xem xét theo nhiều cách khác nhau tùy theo tình huống. Khi một khoản dự phòng phải trả được xác định giá trị liên quan đến tập hợp lớn các khoản mục, thì nghĩa vụ được ước tính có tính trọng số cho tất cả các kết quả có thể xảy ra theo xác suất có thể xảy ra của chúng.

Phương pháp ước tính thống kê này được gọi là “giá trị dự kiến”. Khoản dự phòng phải trả theo đó sẽ có giá trị khác nhau, tùy thuộc vào xác suất phát sinh khoản lỗ với giá trị nhất định, ví dụ 60% hay 90%. Khi các kết quả ước tính là một khoảng liên tục và mỗi điểm ở trong khoảng đó đều có khả năng xảy ra như nhau, thì điểm giữa khoảng đó sẽ được lựa chọn.

Ví dụ: Một đơn vị bán hàng hóa cho khách hàng có kèm điều khoản bảo hành chi trả cho việc sửa chữa các hỏng hóc, do lỗi sản xuất của hàng hóa trong vòng 06 tháng sau khi mua. Nếu tất cả các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc nhỏ, thì chi phí sửa chữa là 01 triệu. Nếu tất cả các sản phẩm bán ra đều có lỗi hỏng hóc lớn, thì chi phí sửa chữa là 4 triệu. Kinh nghiệm trong quá khứ của đơn vị và dự kiến trong tương lai cho thấy, trong năm tới 75% hàng hóa bán ra sẽ không bị lỗi hỏng hóc; 20% hàng hóa bán ra sẽ bị lỗi hỏng hóc nhỏ và 5% hàng hóa bán ra sẽ có lỗi hỏng hóc lớn. Đơn vị phải đánh giá xác suất giảm sút lợi ích kinh tế cho toàn bộ nghĩa vụ bảo hành.

Giá trị dự kiến của chi phí sửa chữa là: (75%*0) + (20%*1 triệu) + (5%*4 triệu) = 400.000

Như vậy, xác định xác suất xảy ra các trường hợp bảo hành, cần dựa trên dữ liệu quá khứ về các trường hợp hàng hóa bán ra gặp lỗi hỏng hóc.

Thứ tư, ước tính khoản phúc lợi cho người lao động

Đơn vị ghi nhận chi phí dự kiến của phúc lợi ngắn hạn cho người lao động dưới hình thức nghỉ phép có hưởng lương, như sau:

Trong trường hợp nghỉ phép: hưởng lương được quyền lũy kế, đơn vị ghi nhận khi người lao động được hưởng thêm ngày nghỉ phép, trên cơ sở thời gian họ làm việc; trong trường hợp nghỉ phép hưởng lương không được lũy kế, đơn vị ghi nhận khi người lao động nghỉ phép.

Ngày nghỉ có hưởng lương lũy kế

Là những ngày nghỉ được chuyển tiếp và có thể sử dụng trong tương lai, nếu số ngày nghỉ trong giai đoạn hiện tại chưa được sử dụng hết. Ngày nghỉ có hưởng lương lũy kế có thể được thanh toán (nói cách khác, người lao động có quyền nhận thanh toán bằng tiền cho ngày nghỉ phép chưa sử dụng khi thôi việc tại đơn vị) hoặc không thanh toán (khi người lao động không được thanh toán bằng tiền cho những ngày nghỉ phép chưa sử dụng khi thôi việc tại đơn vị). Một nghĩa vụ phát sinh khi người lao động có thêm phúc lợi từ ngày nghỉ được hưởng lương trong tương lai, từ các công việc do người lao động thực hiện tại đơn vị. Nghĩa vụ tồn tại và được ghi nhận, ngay cả khi ngày nghỉ có hưởng lương không được thanh toán. Mặc dù có khả năng, người lao động có thể thôi việc trước khi họ sử dụng các ngày nghỉ có hưởng lương lũy kế không được thanh toán và khả năng đó sẽ ảnh hưởng đến việc đo lường nghĩa vụ của đơn vị.

Đơn vị xác định chi phí dự kiến của ngày nghỉ có hưởng lương lũy kế

Là số tiền tăng thêm mà đơn vị dự kiến sẽ trả cho các ngày nghỉ chưa được sử dụng lũy kế, tính tới thời điểm cuối kỳ báo cáo.

Ví dụ: Đơn vị có 100 người lao động, mỗi người được hưởng năm ngày nghỉ ốm được trả lương mỗi năm. Nghỉ ốm chưa sử dụng có thể được chuyển tiếp trong một năm dương lịch. Nghỉ ốm được trừ ra khỏi tổng số các ngày nghỉ được hưởng lương của năm hiện tại và sau đó là của năm trước đó (theo phương pháp nhập sau xuất trước). Vào ngày 31/12/20X1, trung bình ngày nghỉ chưa sử dụng là hai ngày cho mỗi người lao động. Đơn vị dự kiến, dựa trên kinh nghiệm, 92 người lao động sẽ nghỉ ốm không quá 5 ngày trong 20X2 và 8 người lao động còn lại sẽ nghỉ ốm trung bình 6 ngày rưỡi. Đơn vị ước tính rằng, họ sẽ trả thêm 12 ngày lương nghỉ ốm cho số ngày nghỉ ốm chưa sử dụng lũy kế tới ngày 31/12/20X1 (1,5 ngày cho 8 người lao động). Do đó, đơn vị ghi nhận một khoản nợ bằng 12 ngày lương. Như vậy, trong tình huống nêu trên, đơn vị phải ước tính được số người lao động nghỉ ốm và số ngày dự kiến họ nghỉ ốm trong năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ tính được giá trị của khoản nợ phải trả cần ghi nhận.

Theo một số chương trình phân phối lợi nhuận người lao động chỉ nhận được một phần lợi nhuận, nếu họ vẫn còn làm việc cho đơn vị sau một khoảng thời gian xác định. Các chương trình phân phối lợi nhuận như vậy tạo ra một nghĩa vụ ngầm định, khi người lao động làm việc cho đơn vị làm tăng giá trị phúc lợi của họ, khi họ tiếp tục làm việc cho đến khi kết thúc thời gian xác định trên. Việc xác định các nghĩa vụ ngầm định như vậy, phải phản ánh khả năng một số người lao động có thể thôi không làm việc cho đơn vị mà không nhận được khoản phân phối lợi nhuận.

Ví dụ: Chương trình phân phối lợi nhuận quy định đơn vị phải chia một tỷ lệ lợi nhuận cụ thể trong năm cho người lao động làm việc tại đơn vị trong năm đó. Nếu không có người lao động nghỉ việc trong năm, tổng lợi nhuận phân phối phải thanh toán là 03% lợi nhuận. Đơn vị này ước tính ảnh hưởng khả năng thôi việc của người lao động sẽ làm giảm khoản thanh toán còn 2,5% lợi nhuận. Do đó, đơn vị sẽ ghi nhận khoản phải trả và chi phí tương ứng với 2,5% lợi nhuận.

Đơn vị có thể không có nghĩa vụ pháp lý phải trả tiền thưởng

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đơn vị có thông lệ trả tiền thưởng trong những trường hợp như vậy, đơn vị có nghĩa vụ ngầm định vì đơn vị không có lựa chọn nào ngoài việc trả tiền thưởng, việc xác định nghĩa vụ ngầm định phải phản ánh khả năng một số người lao động có thể nghỉ mà không nhận được tiền thưởng.

Đơn vị có thể ước tính một cách đáng tin cậy về nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ ngầm định cho chương trình thưởng và phân phối lợi nhuận

Khi và chỉ khi, các điều khoản chính thức của chương trình có một công thức xác định giá trị phúc lợi của người lao động đơn vị xác định số tiền phải trả trước khi BCTC được phê duyệt phát hành; hoặc dựa trên thực tế trong quá khứ đưa ra bằng chứng rõ ràng về giá trị của nghĩa vụ ngầm định của đơn vị.

Đơn vị sử dụng một mô hình thống kê, phương thức thống kê ước tính

Để có ước tính đáng tin cậy về chi phí phúc lợi của đơn vị mà người lao động có được từ sự phục vụ của họ trong kỳ hiện tại và các kỳ trước đó. Điều này, đòi hỏi đơn vị phải xác định khoản phúc lợi phân phối cho các giai đoạn hiện tại trước đó và đưa ra ước tính về các biến số liên quan đến số lượng người lao động (như tỷ lệ người lao động nghỉ việc và tỷ lệ tử vong của người lao động) và các biến số tài chính (như việc tăng lương và các chi phí y tế trong tương lai) sẽ ảnh hưởng đến chi phí phúc lợi của người lao động.

Thứ năm, ước tính khoản thanh toán dựa trên cổ phiếu

Giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, trong đó đơn vị mua hàng hóa hoặc dịch vụ trả tiền hoặc tài sản khác cho nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ đó, với số tiền dựa trên giá (hoặc giá trị) của các công cụ vốn (bao gồm cả cổ phiếu hoặc quyền chọn cổ phiếu) của đơn vị hoặc đơn vị khác trong tập đoàn. Nếu các công cụ vốn đã được cam kết chỉ được trao quyền khi đối tác hoàn thành dịch vụ trong một giai đoạn nhất định Đơn vị sẽ giả định rằng, các dịch vụ được cung cấp trong tương lai bởi các đối tác sẽ được thực hiện trong giai đoạn trao quyền nói trên, để đổi lấy các công cụ vốn đó. Đơn vị hạch toán giá trị dịch vụ mà mình nhận được từ đối tác trong suốt giai đoạn trao quyền, cùng với mức tăng tương ứng trên vốn chủ sở hữu.

Ví dụ: nếu người lao động được cam kết các quyền chọn cổ phiếu, với điều kiện là tiếp tục làm việc cho đơn vị trong 03 năm. Khi đó, đơn vị giả định rằng, việc người lao động tiếp tục làm việc trong giai đoạn trao quyền 03 năm tiếp theo là để đổi lấy quyền chọn cổ phiếu trong tương lai.

Nếu người lao động được cam kết quyền chọn cổ phiếu

Phụ thuộc vào việc đạt được một điều kiện thực hiện nhất định và phải duy trì, là người lao động làm việc cho đơn vị đến khi đạt được điều kiện thực hiện đó. Sự kéo dài của giai đoạn trao quyền, phụ thuộc vào thời gian đạt được điều kiện thực hiện đó đơn vị sẽ giả định rằng, các dịch vụ được cung cấp bởi người lao động để đổi lấy quyền chọn cổ phiếu được thực hiện trong tương lai trong suốt giai đoạn trao quyền dự kiến. Đơn vị sẽ ước tính giai đoạn trao quyền dự kiến tại ngày cam kết, dựa trên ước tính về khả năng đạt được điều kiện thực hiện ở mức hợp lý nhất: nếu điều kiện thực hiện là điều kiện thị trường, việc ước tính thời gian của giai đoạn trao quyền dự kiến phải nhất quán với các giả định được sử dụng trong việc ước tính giá trị hợp lý của các quyền chọn đã cam kết và sẽ không được sửa đổi sau đó; nếu điều kiện thực hiện không phải điều kiện thị trường, đơn vị có thể sửa đổi lại ước tính về thời gian dự kiến của giai đoạn trao quyền. Trong trường hợp cần thiết, nếu các thông tin sau ngày cấp chỉ ra rằng có sự khác biệt đáng kể về thời gian của giai đoạn trao quyền dự kiến so với ước tính trước đó.

Đơn vị ghi nhận giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ nhận được trong giai đoạn trao quyền

Giá trị đó sẽ được dựa trên ước tính hiện có tốt nhất về số lượng được trao quyền dự kiến, đơn vị sẽ điều chỉnh lại ước tính đó trong trường hợp cần thiết, nếu các thông tin sau đó cho thấy số lượng dự đoán sẽ trao quyền khác với ước tính trước đó vào ngày trao quyền, đơn vị sẽ điều chỉnh lại ước tính bằng với số lượng được trao quyền thực tế.

Ví dụ: Công ty A cấp cho 1.000 nhân viên, mỗi người quyền chọn 200 cổ phiếu vào ngày 1/1/N. Các nhân viên sẽ hưởng quyền chọn, nếu họ vẫn làm việc tại công ty A cho đến ngày 31/12/N+1. 12 nhân viên đã rời công ty trước ngày 31/12/N và 10 nhân viên khác dự kiến sẽ rời công ty trước ngày 31/12/N+1.

– Ngày 31/12/N+1, kết quả có tổng 24 nhân viên đã rời công ty, kể từ 1/1/N đến 31/12/N+1.

Giá trị hợp lý của quyền chọn mua cổ phiếu là:

+ Tại ngày 1/1/N             35.000

+ Tại ngày 31/12/N         38.000

+ Tại ngày 31/12/N+1    40.000

+ Tại ngày 31/12/N, giá trị giao dịch dựa trên cổ phiếu được tính như sau:

(1.000 – (12 + 10)) nhân viên x 200 quyền chọn x 35.000 = 6.846.000.000

+ Tại ngày 31/12/N+1, giá trị giao dịch dựa trên cổ phiếu được tính như sau:

(1.000 – 24) nhân viên x 200 quyền chọn x 35.000 = 6.832.000.000

Như vậy, để tính được giá trị của giao dịch dựa trên cổ phiếu trong ví dụ tình huống này, Công ty A phải ước tính được số lượng nhân viên sẽ rời khỏi công ty trong 02 năm. Giá trị ước tính có thể thu được thông qua chạy mô hình dự báo, dựa trên kết quả thống kê các trường hợp nhân viên nghỉ việc tại công ty trong quá khứ.

Các vấn đề khó khăn khi chuyển sang áp dụng IFRS tại Việt Nam nêu ở trên có thể được giải quyết, bằng việc ứng dụng chuyển đổi số vào công việc kế toán. Chuyển đổi số (Digital transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN đó, cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Các công nghệ được ứng dụng trong chuyển đổi số vào lĩnh vực kế toán hiện nay, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet kết nối vạn vật (IoT); Phân tích dữ liệu lớn (Big Data); Điện toán đám mây (Cloud computing); và Chuỗi khối (Blockchain).

Trí tuệ nhân tạo (AI/Machine learning): dùng trí tuệ nhân tạo để xử lý các bài toán trợ giúp thậm chí là thay thế con người. Ví dụ, những tác vụ lặp đi lặp lại trong kế toán thì trí tuệ nhân tạo có thể đoán trước bước tiếp theo để tự động thực hiện. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn có thể tính toán các bài toán tối ưu kho, dây chuyền sản xuất, dự đoán nhu cầu vật tư,… giúp kế toán có thể đưa ra tư vấn cho nhà quản lý.

Internet kết nối vạn vật (IoT): mọi thứ được kết nối với nhau thông qua mạng internet như máy tính, laptop, tivi, tủ lạnh, điều hòa, đèn, rèm, robot hút bụi, căn cước công dân, hộ chiếu gắn chíp,… Với công tác kế toán, các vật tư có thể quét mã vạch, hoặc gắn chíp RFID để phục vụ công tác kiểm kê, quản lý kho.

Dữ liệu lớn (Big data): dữ liệu phát sinh sẽ tăng theo thời gian với dung lượng và mức độ phức tạp. Dữ liệu thu thập càng lớn thì AI càng hiệu quả, học được nhiều hơn… Hệ thống hạ tầng và phần mềm đủ khả năng chịu tải và xử lý được lượng dữ liệu lớn, thì sẽ đưa ra được những báo cáo, tính toán, dự đoán chính xác và chi tiết.

Ví dụ: để dự đoán nhu cầu vật tư thì cần phân tích chi tiết xuất nhập vật tư trong khoảng thời gian càng dài thì sẽ càng chính xác.

Điện toán đám mây (Cloud computing): đưa mọi tác vụ (CSDL, tính toán) lên các dịch vụ máy chủ giúp giảm chi phí cho DN, tăng tính sẵn sàng của dữ liệu. DN không cần tự mình triển khai hệ thống hạ tầng máy chủ, đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và dự phòng sự cố.

Chuỗi khối (Blockchain): là mạng lưới Peer to Peer (P2P) phi tập trung, tức là liên kết các máy tính ngang hàng trong mạng thay vì mạng lưới máy khách – máy chủ (tập trung). Để xác thực hóa đơn hoặc chứng từ thanh toán giữa bên A và bên B, trong mô hình tập trung sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào máy chủ (bên thứ ba). Do đó, không an toàn nếu bên thứ ba không đáng tin cậy hoặc bị tấn công mạng. Mô hình phi tập trung có khả năng chống làm giả, bởi cần xác nhận của rất nhiều các bên ngang hàng nhau (không phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba).

Việc kết hợp các công nghệ trong chuyển đổi số, đặc biệt là Big data và AI sẽ giúp giải quyết bài toán về dự báo và ước tính các giá trị kế toán. Big Data thu thập dữ liệu biến động về nhân sự, thông tin khách hàng, tỷ lệ sản phẩm hỏng hàng năm và xác suất rủi ro vỡ nợ… AI phân tích và đưa ra các dự báo.

Ứng dụng chuyển đổi số vào kế toán là yêu cầu cấp thiết hiện nay, khi áp dụng IFRS ở Việt Nam. Tuy nhiên, để ứng dụng chuyển đổi số một cách có hiệu quả các DN cần nghiên cứu kỹ các công nghệ chuyển đổi số, để lựa chọn mô hình đáng tin cậy và phù hợp với đơn vị của mình.

Công nghệ tích hợp ERP (Enterprise Resource Planning) đang là một công nghệ hữu hiệu nhất hiện nay, giúp kết nối dữ liệu của tất cả các phòng ban và đơn vị trực thuộc trong DN với nhau. Điều này giúp cho việc thu thập dữ liệu trở nên dễ dàng hơn và khi đã có tệp dữ liệu đủ lớn, các đơn vị hoàn toàn có thể đưa ra các con số dự báo đáng tin cậy. Tuy nhiên, các đơn vị phải hết sức chú ý lựa chọn phần mềm ERP được “may đo” theo đúng quy trình, đặc điểm hoạt động và yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập BCTC theo IFRS của đơn vị mình. Đảm bảo đơn vị có đầy đủ quy trình, để thu thập và luôn có sẵn dữ liệu đáng tin cậy trong hệ thống và phục vụ quá trình lập báo cáo nhanh chóng, không cần phải tốn thời gian thu thập xử lý dữ liệu mỗi khi cần. Hơn nữa, các DN cần rà soát để đảm bảo các trường thông tin thu thập phải đầy đủ các thông số cần thiết để phục vụ cho việc lập báo cáo, nhưng cũng không thừa để tránh lãng phí nguồn lực nhập và bảo quản dữ liệu.

Ứng dụng chuyển đổi số vào các quy trình hoạt động kinh doanh khi áp dụng IFRS, giúp các biểu mẫu thu thập dữ liệu đáp ứng yêu cầu ghi nhận và trình bày theo IFRS từ khi các nghiệp vụ phát sinh, hạch toán kế toán IFRS sẽ được thực hiện ở mức độ nghiệp vụ chi tiết trên hệ thống.

Giải pháp này cho phép thực hiện các mô hình tính toán và lập báo cáo IFRS tự động trên hệ thống, cũng như hỗ trợ những báo cáo khác như báo cáo quản trị tài chính và hoạt động, báo cáo theo luật định khác, báo cáo thường niên…

Chuyển đổi số được đánh giá là giải pháp chuyển đổi dài hạn, nguồn lực đầu tư ban đầu cao, nhưng chi phí duy trì thấp, rút ngắn thời gian lập báo cáo IFRS cho từng kỳ và gia tăng mức độ tin cậy của thông tin. Vì vậy, triển khai IFRS tự động hóa là giải pháp ưu việt trong dài hạn.

Theo lộ trình áp dụng IFRS mà Bộ Tài chính đưa ra, dự kiến các đơn vị sẽ áp dụng bắt buộc từ 2025. Để chuẩn bị tốt cho việc áp dụng IFRS, các đơn vị cần chuẩn bị công nghệ và cập nhật dữ liệu ngay từ bây giờ. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực về công nghệ thì các đơn vị cũng cần chuẩn bị nguồn lực nhân sự am hiểu về IFRS. Việc đào tạo và cập nhật IFRS đối với đội ngũ kế toán viên cần được thực hiện ngay từ bây giờ, đơn vị cần có một đội ngũ hỗ trợ tư vấn khi thực hiện quá trình chuyển đổi sang IFRS, để quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả tối ưu.

Tài liệu tham khảo

Lộ trình áp dụng Chuẩn mực BCTC tại Việt Nam,

https://mof.gov.vn/webcenter/portal//btcvn/pagesr/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName =MOFUCM174104.

IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng.

IFRS 9 – Công cụ tài chính.

Chuẩn mực Kế toán Quốc tế 37 – Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng.

IFRS 2 – Thanh toán dựa trên cổ phiếu.

Rocky Lim, IFRS 9 – Impairment – Creates Challenges for Corporates, https://kpmg.com/vn/en

/home/insights/2021/11/ifrs-9-suy-giam-gia-tri.html (Phần 1) IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với DN Việt Nam, https://kpmg.com/vn/vi/home/phan-tich-chuyen-sau/2021/07/ifrs-15—bc-tin-b-trong-ghi-nhn-doanh-thu-va-thach-thc-vi-doan.html.

(Phần 2) IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với DN Việt Nam, https://kpmg.com/vn/vi/home/phan-tich-chuyen-sau/2021/07/ifrs15-next-step.html.

Những khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi sang IFRS, https://kpmg.com/vn/vi/home/phan-tich-chuyen-sau/2021/06/nhng-kho-khn-va-thach-thc-trong-qua-trinh-chuyn-i-sang-ifrs.html.

Chuyển đổi IFRS – Bắt đầu như thế nào?, https://kpmg.com/vn/vi/home/phan-tich-chuyen-sau/2021/07/ifrs-conversion-how-to.html.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *