Văn bản mới

Chuyên mục “Chính sách mới” đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021

Tiêu đề Chuyên mục “Chính sách mới” đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021 Ngày đăng 2021-09-08
Tác giả Admin Lượt xem 467

Chuyên mục “Chính sách mới” đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021

Sửa đổi, bổ sung quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
Ngày 06/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 54/2021/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 35, Thông tư 71/2018/TT-BTC ngày 10/08/2018 của Bộ Tài chính, quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 35 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính như sau:
“4. Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.


Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Ngày 08/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Cụ thể, nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại là các chi phí theo quy định tại Điều 43, Nghị định 44/2020/NĐ-CP được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên, hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
Bên cạnh đó, chi bồi dưỡng cho người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau: Mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
Ngoài ra, trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia phục vụ cho cưỡng chế.


Quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo
Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Theo đó, khoản 2, Điều 3, Nghị định 77 bổ sung thêm các khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong và ngoài nước vượt quá thời hạn được quyết định; thời gian không làm việc khác ngoài các khoảng thời gian đã nêu.
Ngoài ra, các khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên tại Nghị định 77 cũng có một số sửa đổi, bổ sung so với khoản 3, Điều 2, Nghị định 54 như sau:
– Thời gian tập sự (Quy định cũ đang là thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu).
– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên (như quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 54).
– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định (như quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 54).
– Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử (như quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 54).


Giám sát chặt người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn
Tổng cục Thuế ban hành Công văn 2838/TCT-KTNB ngày 28/7/2021 về chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với người nộp thuế có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Thời gian qua, người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp cũng như sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm thu lợi bất chính.
Trước tình trạng đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế, Chi cục Thuế lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đặc biệt, phải tổ chức giám sát chặt chẽ những người nộp thuế có rủi ro cao vè hóa đơn.


Thêm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nêu tại Thông tư số 40 năm 2021 sắp có hiệu lực từ 01/8/2021.
Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là việc nộp thuế theo từng lần phát sinh của cá nhân kinh doanh. Đây là phương pháp khai thuế áp dụng với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
Cụ thể, khoản 2 Điều 6 Thông tư 40 đã quy định mới về các đối tượng kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm:
– Cá nhân kinh doanh lưu động;
– Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
– Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
– Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *