Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Cơ sở lý thuyết về công bố thông tin bộ phận của doanh nghiệp

Tiêu đề Cơ sở lý thuyết về công bố thông tin bộ phận của doanh nghiệp Ngày đăng 2018-07-17
Tác giả Admin Lượt xem 3720

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T5/2018)

Nhận: 03/5/2018
Biên tập: 10/5/2018
Duyệt đăng: 29/5/2018

Hoạt động của một doanh nghiệp (DN) được cấu thành từ hoạt động của nhiều bộ phận khác nhau. Các bộ phận hoạt động khác nhau trong DN có thể có sự khác biệt đáng kể về khả năng sinh lời, rủi ro và lợi ích đem lại. Do vậy, nếu thiếu thông tin về từng bộ phận hoạt động riêng rẽ thì các nhà phân tích tài chính không thể đánh giá được viễn cảnh tương lai của DN. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn luôn tồn tại những động cơ khiến DN sẵn sàng cung cấp nhiều hay ít về thông tin các bộ phận. Chính vì những lý do nêu trên, trong bài viết này tác giả tập trung trình bày về nền tảng lý thuyết được sử dụng trong các nghiên cứu, nhằm giải thích mức độ sẵn sàng công bố thông tin bộ phận của các DN.
Từ khóa: Thông tin bộ phận, báo cáo tài chính, lý thuyết.

Lý thuyết đại diện (Agency Theory)
Jensen & Meckling (1976) xác định mối quan hệ đại diện là “quan hệ hợp đồng, theo đó một hoặc nhiều người (những người chủ, các cổ đông -principals) chỉ định một người khác (người đại diện, người quản lý công ty – agent) để thay mặt những người chủ thực hiện việc liên quan đến công ty. Các công việc này cụ thể bao gồm việc điều hành công ty, thậm chí cả các quyết định liên quan đến định đoạt tài sản công ty. Trên thực tế, những người giữ vị trí quản lý chủ chốt (giám đốc điều hành hoặc hội đồng quản trị) của công ty sẽ do chính các cổ đông của công ty chỉ định chọn. Những người này sẽ được các cổ đông trao quyền thay mặt các cổ đông để ra quyết định, nhằm cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển của công ty. Nội dung hành động của nhà quản lý sẽ được quy định rõ trong điều lệ của công ty.

Theo thuyết đại diện, chi phí đại diện bắt nguồn từ giả định rằng hai bên trong mối quan hệ này (cổ đông và nhà quản lý của công ty) khác nhau về lợi ích. Điều này dẫn đến mâu thuẫn phát sinh, khi trong quan hệ này cả hai đều hành động vì lợi ích cá nhân. Do vậy, có cơ sở để khẳng định rằng sẽ có lúc người quản lý vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của công ty và người chủ sở hữu công ty. Vì lợi ích cá nhân của mình mà người quản lý sẽ có động cơ không làm việc chăm chỉ để kiếm tìm lợi ích cho công ty, mà còn sẵn sàng kiếm tìm lợi ích cho người khác ngoài công ty. Chính vì lẽ đó, để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông – chủ sở hữu của công ty, cần phải thực hiện hoạt động giám sát các nhà quản lý. Chi phí giám sát (monitoring costs) sẽ phát sinh để hạn chế các hoạt động sai lầm của người quản lý công ty. Chi phí liên kết (bonding costs) được thanh toán bởi các nhà quản lý, để đảm bảo rằng không có xâm hại đến lợi ích của các cổ đông xuất phát từ những quyết định và hành động sai của nhà quản lý công ty. Thiệt hại khác còn lại có thể xảy ra khi các quyết định của nhà quản lý, nhằm mục đích cố gắng tối đa hóa phúc lợi của các cổ đông. Theo đó, chi phí đại diện là tổng của chi phí giám sát, chi phí liên kết và khoản lỗ còn lại (Jensen & Meckling, 1976).

Mối quan hệ đại diện dẫn đến vấn đề bất đối xứng thông tin do thực tế là các nhà quản lý có thể truy cập thông tin nhiều hơn cổ đông (Jensen & Meckling, 1976). Hợp đồng tối ưu (Optimal contracts) là một trong những phương tiện giảm nhẹ vấn đề đại diện này, vì nó giúp mang lại lợi ích của cổ đông phù hợp với lợi ích của các nhà quản lý (Healy & Palepu, 2001). Ngoài ra, tự nguyện công bố thông tin là một phương tiện để giảm thiểu vấn đề đại diện, nơi mà các nhà quản lý càng tự nguyện công bố thông tin sẽ càng giảm chi phí đại diện (Barako và cộng sự, 2006) và cũng để thuyết phục người sử dụng bên ngoài rằng, các nhà quản lý đang hành động một cách tối ưu (Watson và cộng sự, 2002).

Cuối cùng, các quy định là một phương tiện để giảm thiểu vấn đề của lý thuyết đại diện đưa ra vì các quy định yêu cầu các nhà quản lý công bố đầy đủ thông tin (Healy & Palepu, 2001). Tuy nhiên, việc công bố đầy đủ không bao giờ được đảm bảo ngay cả khi có mặt các quy định (Al-Razeen & Karbhari, 2004). Sự vắng mặt của việc công bố đầy đủ thông tin được giải thích bởi xung đột tồn tại giữa lợi ích của các nhà quản lý và các cổ đông (Lev & Penman, 1990, Samuels, 1990). Ngoài ra, các quy định báo cáo thông tin có xu hướng nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư số lượng thông tin tối thiểu giúp quá trình ra quyết định (Al-Razeen & Karbhari 2004).
Với những nội dung mà thuyết đại diện nêu ra thì có thể thấy rằng, mức độ công bố thông tin trên BCTC nói chung và thông tin bộ phận nói riêng là hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tồn tại trong bản thân DN đó (mục đích tư lợi của người quản lý điều hành công ty, các mâu thuẫn nội tại, do tác động của các bên liên quan, do nhận thức của chủ DN).

Lý thuyết chi phí sở hữu (Proprietary Cost Theory)
Lý thuyết chi phí sở hữu chỉ ra nguyên nhân được coi là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến công bố thông tin của DN. Đó là vị thế trong cạnh tranh của DN, sẽ ảnh hưởng đến quyết định cung cấp các thông tin liên quan đến DN. Các DN có quy mô nhỏ thường chịu ảnh hưởng nhiều, nếu công bố thông tin ở mức độ lớn nào đó hoặc công bố thông tin nhiều hơn, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến lợi thế cạnh tranh của DN trên thị trường.

Theo lý thuyết này, mức độ trình bày thông tin trên báo cáo bộ phận (BCBP) giữa các công ty không những phụ thuộc vào đặc điểm từng công ty mà còn phụ thuộc vào những chi phí công ty phải trả để làm điều này. Điều này có nghĩa là, việc cung cấp nhiều hay ít thông tin bộ phận là không chỉ phụ thuộc vào quy định BCBP mà còn phụ thuộc vào hành vi áp dụng quy định của DN. Theo lý thuyết chi phí sở hữu (Dye, 1986; Verrecchia, 1983), hành vi này của DN được lý giải như sau: mức độ thông tin mà DN cung cấp phụ thuộc vào những chi phí mà DN phải đối mặt. Đặc biệt, DN sẽ hạn chế cung cấp thông tin khi mà thông tin cung cấp này có ảnh hưởng xấu đến vị thế cạnh tranh của DN. Kết quả là khi DN quyết định lựa chọn thông tin nào cần cung cấp, nhà quản lý sẽ cân nhắc đến lợi ích nhận được cũng như rủi ro có thể ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của DN. Điều đó cũng có nghĩa là mức độ trình bày thông tin BCBP có bị ảnh hưởng bởi yếu tố cạnh tranh giữa các DN kinh doanh cùng lĩnh vực.

Lý thuyết tín hiệu (Signalling Theory)
Mặc dù lý thuyết tín hiệu ban đầu được phát triển để làm rõ sự không đối xứng về thông tin trong thị trường lao động (Spence, 1973), nó đã được sử dụng để giải thích việc công bố thông tin trong báo cáo của công ty (Ross, 1977). Kết quả của vấn đề bất đối xứng thông tin là các công ty cố gắng cung cấp thông tin nhất định cho các nhà đầu tư, để cho thấy rằng họ tốt hơn so với các công ty khác trên thị trường, với mục đích thu hút đầu tư và nâng cao danh tiếng (Verrecchia, 1983). Tự nguyện công bố thông tin nghĩa là, các công ty sẽ tiết lộ nhiều hơn thông tin so với những quy định bắt buộc yêu cầu của luật pháp và các quy định để báo hiệu rằng họ là tốt hơn (Campbell và cộng sự, 2001).

Nghiên cứu về lý thuyết tín hiệu (Richard D. Morris, 2012) đã góp phần dự đoán rằng, các công ty chất lượng cao hơn sẽ lựa chọn các chính sách kế toán cho phép thông tin tốt sẽ được tiết lộ, trong khi các công ty có chất lượng thấp sẽ lựa chọn chính sách kế toán mà cố gắng để giấu thông tin có chất lượng kém. Ví dụ, một công ty chất lượng cao hơn có thể sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin bộ phận về rủi ro cũng như lợi nhuận theo từng hoạt động của nó, nhưng một công ty có chất lượng thấp sẽ không cung cấp. Tương tự như vậy, một công ty chất lượng cao có thể tự nguyện tiết lộ một dự báo thu nhập, nhưng công ty chất lượng thấp sẽ không.
Vì thế, để tạo ra điểm nhấn về chất lượng hoạt động của công ty, các công ty thường thể hiện vị thế của công ty thông qua việc công bố thông tin. Nhờ có thông tin cung cấp, các đối tượng sẽ đánh giá được sự khác biệt trong hoạt động giữa các công ty khác nhau. Do vậy, mức độ công bố thông tin phụ thuộc nhiều vào mức độ phát triển của DN chẳng hạn như quy mô, kết quả kinh doanh và tốc độ tăng trưởng.

Lý thuyết nhu cầu vốn (Capital need Theory)
Các công ty nhằm mục đích thu hút nguồn tài chính bên ngoài để tăng vốn của họ, hoặc bằng nợ hoặc vốn cổ phần. Lý thuyết về nhu cầu vốn cho thấy, việc tăng mức độ công bố thông tin giúp đạt được nhu cầu của công ty trong việc huy động vốn với chi phí thấp (Choi, 1973). Trong 2001, theo Báo cáo cải thiện kinh doanh: Những hiểu biết sâu sắc về tăng cường tự nguyện công bố thông tin được xuất bản bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Tài chính, trích từ một phần của Dự án Nghiên cứu Báo cáo Kinh doanh chỉ ra sự cạnh tranh về vốn dẫn đến mức độ công bố thông được tăng lên. Lý do căn bản thực tế là “Chi phí vốn của công ty được cho là bao gồm phí bảo hiểm cho sự không chắc chắn của nhà đầu tư về tính đầy đủ và tính chính xác của thông tin có sẵn về công ty”. Vì vậy, chi phí vốn của công ty sẽ giảm đi khi các nhà đầu tư có thể giải thích triển vọng kinh tế của công ty thông qua thông tin được cung cấp (Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Tài chính, 2001). Mối quan hệ giữa mức độ công bố thông tin và chi phí vốn được cho là một mối quan hệ cùng chiều; việc tiết lộ thông tin càng cao thì chi phí vốn càng thấp. Tuy nhiên, như Botosan (2006) nhấn mạnh, một “dòng nghiên cứu khác chỉ ra rằng một số loại thông tin nhất định được công bố có thể có tác dụng ngược lại”.

Kết luận
Trong bài viết này, tác giả đã tổng hợp các cơ sở lý thuyết về công bố thông tin nói chung và thông tin bộ phận nói riêng của các DN. Thông tin các DN cung cấp là cần thiết cho quá trình cân nhắc ra quyết định của nhà đầu tư. Thông tin cung cấp trên thị trường càng minh bạch thì càng có lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ việc tìm hiểu các lý thuyết liên quan đến vấn đề công bố thông tin, tác giả nhận thấy luôn tồn tại những động cơ khiến các DN không sẵn sàng cung cấp thông tin kể cả những thông tin bắt buộc theo quy định. Trong thực tế, luôn tồn tại khoảng cách giữa thông tin cần cung cấp theo quy định và thông tin thực tế được cung cấp từ phía các DN. Vì vậy, tìm hiểu về thực trạng công bố thông tin nói chung và công bố thông tin bộ phận nói riêng của các DN niêm yết là một nội dung có ý nghĩa thiết thực, nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện thông tin được công bố./.

Tài liệu tham khảo

1. Al-Razeen, A., & Karbhari, Y. (2004), Interaction between compulsory and voluntary disclosure in Saudi Arabian corporate annual reports, Managerial Auditing Journal, pp. 351- 360, từ http://dx.doi.org/10.1108/02686900410524364
2. Barako, D.G., Hancock, P., & Izan, H.Y. (2006), Factors influencing voluntary corporate disclosures by Kenyan companies, Corporate Governance: An International Review, pp.107 – 125, từ http://dx.doi.org/10.1111/j.1467-8683.2006.00491.x
3. Botosan, C.A. (2006), Disclosure and the cost of capital: What do we know? Accounting and Business Research, International Accounting Policy Forum, pp. 31-40., từ http://dx.doi.org/10.1080/00014788.2006.9730042
4. Campbell, D., Shrives, P., & Saager, H.B. (2001), Voluntary disclosure of mission statements in corporate annual reports: signaling what and to whom?, Business and Society Review, pp. 65- 87, từ http://dx.doi.org/10.1111/0045-3609.00102
5. Choi, F.D.S. (1973), Financial disclosure and entry to the European capital market, Journal of Accounting Research, pp. 159 – 175, từ http://dx.doi.org/10.2307/2490187
6. Healy, P.M., & Palepu, K.G. (2001), Information asymmetry, corporate disclosure, and the capital markets: a review of the empirical disclosure literature, Journal of Accounting and Economics, pp. 405- 440, từ http://dx.doi.org/10.1016/S0165-4101(01)00018-0.
7. Jensen, M.C., & Meckling, W.H. (1976), Theory of the firm: managerial behavior, agency costs and ownership structure, Journal of Financial Economics, pp. 305 – 360, từ http://dx.doi.org/10.1016/0304-405X(76)90026-X
8. Lev, B., & Penman, S.H. (1990), Voluntary forecast disclosure, non disclosure and stock prices, Journal of Accounting Research, pp. 49- 76 , từ http://dx.doi.org/10.2307/2491217
9. Spence, M. (1973), Job market signalling, Quarterly Journal of Economics, pp. 355- 374, từ http://dx.doi.org/10.2307/1882010
10. Verrecchia, R. (2001), Essays on disclosure, Journal of Accounting and Economics, pp. 97 180, từ http://dx.doi.org/10.1016/S0165-4101(01)00025-8
11. Verrecchia, R.E. (1983), Discretionary disclosure, Journal of Accounting and Economics, pp. 179 -194, từ http://dx.doi.org/10.1016/0165-4101(83)90011-3
12. Watson, A., Shrives, P., & Marston, C. (2002), Voluntary disclosure of accounting ratios in the UK, British Accounting Review, pp. 289- 313, từ http://dx.doi.org/10.1006/bare.2002.0213.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *