Nghiên cứu trao đổi

Công nghiệp 4.0 và kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Tiêu đề Công nghiệp 4.0 và kế toán quản trị môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Ngày đăng 2018-06-29
Tác giả Admin Lượt xem 1804

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2018)

Nhận: 07/03/2018
Biên tập: 22/04/2018
Duyệt đăng: 24/04/2018

Kế toán quản trị môi trường (KTQTMT) đã được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp (DN) tại các quốc gia trên thế giới như một công cụ hữu hiệu trong quản trị DN hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay thông tin do KTQTMT cung cấp vẫn chưa thực sự tương xứng với vai trò của một công cụ hỗ trợ và định hướng cho quá trình ra quyết định và kiểm soát hoạt động của nhà quản trị (NQT). Công nghiệp 4.0 – được cho là tạo ra sự thay đổi căn bản trong quản lý, sản xuất, cung ứng và tiêu dùng – liệu có thể giúp cải thiện thông tin KTQTMT theo hướng đầy đủ, chính xác, cụ thể phù hợp cho việc ra quyết định và kiểm soát hoạt động trong DN. Bài viết nghiên cứu vào cách thức mà công nghiệp 4.0 có thể cải thiện được chất lượng thông tin KTQTMT, cho việc ra quyết định và kiểm soát hoạt động trong DN – định hướng nghiên cứu trong các DN chế biến dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Abstract:
Environmental management accounting has been applied in many enterprises in countries around the world as an effective tool in corporate management towards sustainable development. However, the information provided by environmental management accounting is not yet relevant to the role of a tool to support the decision-making process and control the performance of the managers. Industry 4.0 – is supposed to create a fundamental change in management, production, supply and consumption – can help improve environmental management accounting information in the direction of full, accurate for decision making and controlling activities in enterprises. The paper explores how the 4.0 industry can improve the quality of environmental management accounting information for decision-making and control of enterprise operations – research orientation in processing enterprises owned by Vietnam Oil and Gas Group (PVN).

Về Kế toán quản trị môi trường và công nghiệp 4.0

Kế toán quản trị môi trường
Trong những năm gần đây, môi trường (MT) và các vấn đề MT đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. áp lực về các vấn đề MT phát sinh từ hoạt động kinh doanh buộc NQT DN phải sử dụng gia tăng các công cụ, để hạch toán và quản lý hoạt động MT trong đó có kế toán MT. Kế toán MT gồm 2 thành phần là kế toán tài chính MT và KTQTMT trong đó KTQTMT được sử dụng như một công cụ đắc lực nhằm quản trị kinh tế, MT trong DN. Có nhiều khái niệm về KTQTMT, nhưng phổ biến nhất là 3 khái niệm được đưa ra bởi ủy Ban bảo vệ MT Mỹ (USEPA), ủy ban phát triển bền vững Liên Hợp Quốc (UNDSD), Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC). Theo USEPA (1995) “KTQTMT trong DN là quá trình nhận dạng, thu thập và phân tích các thông tin cơ bản về MT dùng trong nội bộ đơn vị”. Theo UNDSD (2001) “KTQTMT là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng 2 loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ: Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến MT.” Theo IFAC (2005) “KTQTMT là quá trình quản lý hoạt động kinh tế và môi MT. KTQTMT thường đặc biệt liên quan đến chi phí theo chu kỳ sống, kế toán chi phí toàn bộ, đánh giá lợi ích và hiệu quả, lập kế hoạch chiến lược cho quản lý MT”. Các khái niệm trên được đề cập khác nhau ở khía cạnh lý luận, liên quan đến mục đích và ranh giới trong việc áp dụng KTQTMT. Tuy nhiên, các khái niệm trên có tính thống nhất cao khi cho rằng KTQTMT là quá trình thu nhận, xử lý, cung cấp thông tin MT phục vụ cho công tác quản lý nội bộ. Hai loại thông tin được xử lý và cung cấp bởi KTQTMT cho mục đích ra quyết định nội bộ là thông tin tiền tệ và phi tiền tệ (vật chất). Xét trong mối quan hệ với hệ thống kế toán hiện có tại DN, KTQTMT được coi là sự phát triển tiếp theo của kế toán quản trị truyền thống cho mục tiêu MT. Birkin (1996) cho rằng, “KTQTMT là sự phát triển tiếp theo của kế toán quản trị”. Theo Bennett và James (1997) “KTQTMT có thể nhìn nhận như kế toán quản trị có liên quan đến các vấn đề MT”; UNDSD (2001) khẳng định “KTQTMT là một sự hiểu biết tốt hơn và đúng đắn hơn về kế toán quản trị”.

KTQTMT có vai trò trợ giúp cho NQT DN trong việc ra các quyết định kinh doanh cải thiện được hiệu quả kinh tế và MT, vì thế nó được các DN sử dụng như một công cụ hữu hiệu để giải quyết những áp lực của cộng đồng và xã hội nhằm đạt tới sự hợp pháp trong hoạt động, nâng cao vị thế và hình ảnh nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh chiến lược, đồng thời kiểm soát chi phí để đạt được lợi ích kinh tế – MT tốt nhất hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Những lợi ích của KTQTMT được thể hiện cụ thể trên các mặt sau: (1) Hỗ trợ kiểm soát và tiết kiệm chi phí cho DN: Bằng hệ thống các phương pháp xác định chi phí theo dòng vật liệu, theo chu kỳ sống sản phẩm, theo chi phí đầy đủ, theo chi phí trên cơ sở hoạt động, kế toán sẽ chỉ ra các yếu tố chính phát sinh chi phí MT trong hoạt động của DN, từ đó giúp DN kiểm soát chi phí tốt hơn theo các quá trình hoạt động kinh doanh của mình., phát hiện những giai đoạn, quá trình sản xuất, sản phẩm tiêu hao nhiều vật liệu, năng lượng để đưa ra các biện pháp sử dụng vật liệu, năng lượng hiệu quả hơn giảm những tác động tiêu cực đến MT do sử dụng tài nguyên bất hợp lý; (2) Nâng cao khả năng cạnh tranh của DN: Thông tin do KTQT MT cung cấp giúp DN tránh được các chi phí không hợp lý như tiền phạt vi phạm qui định về MT, chi phí khắc phục hậu quả MT, … từ đó giúp tiết kiệm chi phí, cải thiện và giảm các rủi ro MT, tăng khả năng cạnh tranh do xu hướng tiêu dùng hiện nay là ưa thích các sản phẩm xanh, sạch. (3) Tạo ra lợi thế mang tính chiến lược cho DN: Kế toán thông qua việc thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin có liên quan đến MT của DN một cách đúng đắn, đáng tin cậy có thể giúp DN đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh phù hợp hơn, thân thiện với MT hơn, cải thiện hình ảnh DN và cải thiện lòng tin với các đối tượng có liên quan như khách hàng, chính phủ, … tạo ra lợi thế mang tính chiến lược cho DN trong kinh doanh.

Trong những năm gần đây, KTQTMT đã được áp dụng khá phổ biến tại các DN ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển và các nước công nghiệp mới nổi. Tuy nhiên, hiện nay KTQTMT chưa thực sự phát huy được tác dụng trong việc trợ giúp NQT ra quyết định do hệ thống thông tin mà nó cung cấp còn thiếu về số lượng và yếu kém về chât lượng, vì vậy xuất hiện nhu cầu thay đổi phương thức tập hợp thông tin từ hệ thống kiểm soát quản trị và thiết lập một sơ cở hạ tầng mới cho việc tập hợp thông tin và chia sẻ trong chuỗi giá trị (Kokubu and Kitada, 2015). Rất nhiều những vấn đề thông tin KTQTMT đã được nhận diện bởi IFAC ( 2005): “Các công ty lớn tạo ra hàng triệu dữ liệu liên quan đến dòng vận động của vật liệu từ hệ thống quản lý nguồn lực và các hệ thống phần mềm khác, những thông tin sẵn có thường chưa đủ chính xác hoặc cụ thể để trợ giúp cho việc ra quyết định hiệu quả về MT, các dữ liệu về dòng vật liệu được sử dụng trong DN chưa nhận diện và ghi nhận tương xứng. Sự phức tạp trong việc thu thập và đánh giá chi phí MT do tính phức tạp của chi phí, do vậy chi phí MT thường được ghi nhận thấp hơn thực tế rất nhiều Ditz et al (1999). Burritt et al. (2011) phát hiện ra rằng, dữ liệu MT trong DN được cung cấp bởi nhiều bộ phận trong DN hơn là một hệ thống tự động, điều đó làm cho hệ thống dữ liệu trở nên phức tạp, thiếu tin cậy và không hiệu quả, nhân viên kế toán không nắm được các thông tin một cách toàn diện. Nhận diện và xác định độ lớn của chi phí MT là nhân tố then chốt để quản trị và giảm thiểu chi phí, nhưng sự phát triển chậm chạp của các công cụ kế toán MT đã không tạo điều kiện để NQT có được các thông tin chính xác và thích hợp cho việc ra quyết định (USEPA, 1995). Khi dữ liệu phù hợp không có sẵn, chi phí MT có thể được chuyển giao giữa các bộ phận hoặc giữa các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến mất đi nhiều cơ hội khi quyết định đưa ra, trên cơ sở thông tin thiếu chính xác vì thế cần thiết phải thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ có hiệu quả để tập hợp và cung cấp thông tin kế toán MT, nhằm trợ giúp cho việc ra quyết định. Vì vậy, Brown và cộng sự (2005) cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu về MT của tương lai đòi hỏi công nghệ thông tin tốt hơn và thông tin phong phú hơn. Thách thức này sẽ được giải quyết như thế nào trong cách mạng công nghiệp 4.0?

Công nghiệp 4.0
Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và hiện sản xuất công nghiệp đang trải qua một sự chuyển đổi cơ bản khác, được tạo ra từ sự kết hợp chặt chẽ giữa thế giới vật lý của sản xuất công nghiệp và thế giới số của công nghệ thông tin. Quá trình này đang được diễn ra tại nhiều quốc gia và trong nhiều lĩnh vực với tên gọi khác nhau. Tại Đức, quá trình này được xuất hiện đầu tiên và phát triển dưới tên gọi Cách mạng công nghiệp 4.0 “Industry 4.0”. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, nó được biết đến với tên gọi Công nghiệp Internet (Internet of Things), Công nghiệp tiên tiến (Advanced manufacturing) hay Công nghiệp số hóa (Digital manufacturing). Quá trình thực hiện số hóa các thực thể, cho phép chúng ta kết nối chúng với nhau trên các hệ thống máy tính có kết nối internet tạo ra không gian số. Sử dụng không gian số để mô tả và phản ánh mối quan hệ của sản xuất trong thế giới thực, từ đó các kết quả được đưa về cho sản xuất ở thế giới thực. Đây chính là thay đổi cơ bản phương thức sản xuất của con người – sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số. Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực Internet (Internet of Things), dữ liệu lớn (Big data), robot (Robotics), công nghệ Blockchain (Blockchain Technology), cảm biến (Sensor), trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), thực tế gia tăng (Augmented reality) và các công nghệ tạo mẫu (Prototyping technologies) đã tạo ra sự chuyển đổi đáng kể trong ngành sản xuất. Sự xuất hiện chưa từng có này, thường được gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo Deloite (2015) Công nghiệp 4.0 có các đặc điểm cơ bản: (1) Sự xuyên suốt của hệ thống sản xuất thông minh; (2) Sự tích hợp thông qua hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu; (3) Sử dụng kỹ thuật xuyên suốt hệ thống chuỗi giá trị, (4) sự thúc đẩy mạnh mẽ của công nghệ số hóa. Những đặc điểm trên của công nghiệp 4.0 làm thay đổi cơ bản quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đồng thời thúc đẩy sự phát triển những mô hình kinh doanh mới. Theo UNIDO (2017) Công nghiệp 4.0 xuất hiện chống lại bối cảnh của những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, thiếu năng lượng tiếp cận, khan hiếm nước, suy thoái MT, mất đa dạng sinh học và các siêu đô thị như tăng trưởng dân số, đô thị hóa và di cư hàng loạt, cũng như các xung đột, khủng hoảng mới đang diễn ra trên toàn thế giới. Điều này đặt ra một số câu hỏi: Liệu rằng và làm thế nào Công nghiệp 4.0 có thể góp phần để tìm ra những cách thức mới, để giải quyết một số vấn đề kinh tế, xã hội trong đó có MT.

Công nghiệp 4.0 và việc cải thiện thông tin KTQTMT
Công nghiệp 4.0 có thể được sử dụng để cải thiện thông tin KTQTMT (Burritt and Christ, 2016). Cụ thể là:
– Thông qua hệ thống dữ liệu số lớn (Big Data) với công nghệ hiện thực hóa ( Augmented reality) sử dụng trong công nghiệp 4.0, có thể giúp kế toán thu thập và kết nối các dữ liệu về kinh tế và MT một cách kịp thời, chi tiết với độ chính xác cao hơn – những thông tin mà trước đây khó có thể tiếp cận đầy đủ và có sự liên kết hiệu quả. Ví dụ, thông tin về dòng vận động vật chất của vật liệu từ bộ phận sản xuất được kết nối trực tiếp với thông tin tiền tệ về chi phí từ bộ phận kế toán giúp cung cấp thông tin kịp thời chính xác về hiệu quả sử dụng vật liệu, năng lượng và hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất, từ đó trợ giúp cho việc ra quyết định kinh tế và đánh giá thành quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong DN. Hoặc dữ liệu số lớn giúp tạo ra số liệu thống kê có liên quan cho đến nhiều bộ phận, nhiều kỳ kế toán cho phép cải thiện công tác phân tích thông tin KTQTMT trợ giúp NQT đưa ra quyết định tốt hơn nhiều về kinh tế, MT hoặc các vấn đề xã hội.
– Công nghệ Blockchain trong 4.0, tạo điều kiện cho NQT tại nhiều bộ phận thu thập dữ liệu từ hệ thống dữ liệu chung và sử dụng dữ liệu cho các mục đích khác nhau. Công nghệ này cho phép sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin chung của DN, nhờ vào việc cung cấp mã truy cập cho phép người truy cập là NQT các bộ phận tiếp cận hạn chế với những thông tin từ hệ thống chung để ra quyết định phù hợp trong phạm vi quyền hạn của mình, đảm bảo tính bảo mật của thông tin và sự phân quyền trong DN. Các dữ liệu thông tin về MT có phạm vi rộng và liên tục, vì mọi hoạt động của quá trình sản xuất kinh doanh đều tác động đến MT và chịu sự tác động trở lại từ MT, các dữ liệu MT cũng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như lựa chọn loại nguyên vật liệu sử dụng, sản phẩm sản xuất, kiểm soát chi phí MT, ra quyết định giá bán sản phẩm, đánh giá tác động MT, lựa chọn dự án đầu tư, … Vì thế, công nghệ này giúp cải thiện hiệu quả thông tin cho việc ra quyết định của NQT gắn với MT.

– Cải thiện việc chuyển giao dữ liệu để lập kế hoạch quản lý và kiểm soát trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Công nghiệp 4.0 có thể khuyến khích chuyển giao dữ liệu giữa các phòng ban trong DN cũng như các thành phần trong chuỗi cung ứng, dựa trên cơ sở hạ tầng thông tin và công nghệ viễn thông sẵn có. Sự kết nối dữ liệu vật chất và tiền tệ từ bộ phận kế hoạch, sản xuất, kế toán, MT tạo điều kiện cho việc lập các kế hoạch, kiểm soát và đánh giá kế hoạch về sản xuất, MT và tài chính hiệu quả.

– Tăng độ tin cậy và tính liên kết của báo cáo thông qua các hệ thống tự kiểm soát, tự kiểm toán và nhu cầu tính toán cho cá nhân. Về mặt kỹ thuật, việc số hóa dữ liệu thu thập và báo cáo theo thời gian thực cũng có nghĩa là có ít cơ hội hơn cho việc báo cáo không chính xác (thổi phồng hoặc giảm nhẹ thông tin), đồng thời các bên liên quan cũng có thể tiếp cận với hệ thống thông tin sẵn có để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Điều đó cũng có nghĩa rằng, các thông tin KTQTMT sẽ kịp thời và có độ chính xác hơn nhờ vào tính cập nhật theo thời gian của công nghệ thực. Các thông tin KTQTMT cũng đầy đủ và sẵn sàng cho các quyết định khác nhau của NQT.
– Bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể làm giảm bớt sự can thiệp chủ quan của kế toán khi đưa ra các ước tính kế toán như đánh giá rủi ro, lập dự phòng, phân bổ chi phí,… Trong KTQTMT, do tính ngẫu nhiên cao của các thông tin về lợi ích, chi phí MT dẫn tới sự khó khăn trong việc thu thập và đánh giá các thông tin, vì thế nhiều ước tính kế toán được thực hiện. Sử dụng công nghệ 4.0, có thể giúp cải thiện được tính chủ quan của các ước tính kế toán này, qua đó tăng chất lượng thông tin kế toán trợ giúp cho việc ra quyết định của NQT.

Công nghiệp 4.0 và KTQTMT trong các DN chế biến dầu khí, thuộc PVN
PVN được thành lập từ năm 2006, hoạt động theo mô hình và phương thức công ty mẹ/con gồm công ty mẹ là PVN và các đơn vị thành viên (Tổng công ty) thuộc lĩnh vực cốt lõi là các lĩnh vực: (1) Thăm dò khai thác dầu khí; (2) Công nghiệp khí (vận chuyển, tàng trữ, chế biến và phân phối khí); (3) Chế biến lọc – hóa dầu và phân phối sản phẩm; (4) Dịch vụ kỹ thuật cao (xây lắp các công trình dầu khí biển, chế tạo và lắp ráp các giàn khoan khai thác, xây dựng đội tàu thuyền kỹ thuật chuyên dụng, dịch vụ kỹ thuật khoan dầu khí, kỹ thuật địa vật lý thăm dò khai thác dầu khí,…) và (5) Lĩnh vực công nghiệp điện chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu là khí thiên nhiên.

Chế biến dầu khí là hoạt động trung nguồn tiếp sau quá trình khai thác dầu thô, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm dầu mỏ. Hoạt động chế biến dầu khí bao gồm: Lọc dầu, hóa dầu và chế biến khí. Hoạt động chế biến dầu khí có tác động nghiêm trọng đến MT, vì vậy các tổ chức quốc tế đã đưa ra các tiêu chí rất khắt khe và thường xuyên thay đổi theo hướng giảm các tạp chất độc hại trong sản phẩm (điển hình và có tính đại diện là các hợp chất chứa lưu huỳnh) nhằm bảo vệ MT trong lĩnh vực lọc hóa dầu và chế biến khí. Do đó, các nhà máy chế biến dầu khí ngay khi thiết kế và trong khi vận hành luôn phải duy trì hệ thống quản lý MT, đảm bảo cung cấp thông tin về MT của sản phẩm đáp ứng các tiêu chí MT theo yêu cầu của pháp luật và các tổ chức quốc tế. Trong hệ thống các công cụ quản lý, kế toán quản trị được coi là công cụ hữu ích cung cấp thông tin trợ giúp NQT trong việc kiểm soát, quản lý và ra quyết định kinh doanh. Nhằm quản lý MT tốt cần áp dụng phối hợp có hiệu quả nhiều công cụ quản lý khác nhau trong đó có KTQTMT. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát thực trạng kế toán quản trị chi phí MT đang được áp dụng tại các DN chế biến dầu khí thuộc PVN, trong nghiên cứu của Hoàng Thị Bích Ngọc (2017) cho thấy, kế toán quản trị chi phí MT được áp dụng ở mức độ thấp. Kết quả phỏng vấn chuyên sâu với 2 nhóm đối tượng là nhân viên kế toán và nhà quản lý tại các DN cho thấy (1) Chi phí MT chưa được nhận diện đầy đủ, phân loại phù hợp và ghi nhận riêng biệt, (2) Tổng chi phí MT chưa được xác định đầy đủ và chưa được xác định trong giá thành sản phẩm, (3) Chưa có sự kết nối giữa thông tin hiện vật và thông tin tiền tệ, (4) Báo cáo và phân tích chi phí MT chưa được thực hiện có hiệu quả, có nhiều bộ phận cùng tham gia vào việc cung cấp thông tin về MT (phòng HSE, phòng kỹ thuật, phòng kế toán,…) giữa các bộ phận không có sự kết nối với nhau, do dựa vào hệ thống dữ liệu khác nhau. Vì thế, hệ thống kế toán quản trị chi phí MT của các DN này chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin về chi phí MT phục vụ cho NQT kiểm soát chi phí, ra quyết định kinh doanh và đầu tư dài hạn. Hệ thống các giải pháp đã được tác giả đưa ra nhằm khắc phục các tồn tại trên. Tuy nhiên, các giải pháp chỉ có thể được thực hiện dựa trên cơ sở một nền tảng cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt, để tăng cường chất lượng cho hệ thống thông tin KTQTMT (trọng tâm là kế toán quản trị chi phí MT) mà trong quá trình đó việc ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ Internet được coi là nền tảng then chốt, để thực hiện các giải pháp.

Tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ứng dụng vào các nhà máy chế biến dầu khí để nâng cao năng lực cạnh tranh” được Tổ chức bởi PVN, tháng 5/2017 tại Hội An. Ông Bùi Ngọc Dương – Phó Trưởng ban, Ban Chế biến Dầu khí của PVN cho rằng: “Phát triển ứng dụng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực chế biến dầu khí, là một nhu cầu bức thiết đối với các nhà máy chế biến dầu khí trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với hạ tầng về công nghệ thông tin, tự động hoá, trình độ quản lý, nhân lực,… và mức độ sẵn sàng của các DN chế biến dầu khí của PVN, việc tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh là hoàn toàn có cơ sở.” Tuy nhiên, theo Bùi Huy Phùng (2017) việc áp dụng đó cần theo lộ trình, xác định rõ từng khâu, lĩnh vực có khả năng tiếp ứng dụng thành tựu kỹ thuật số, điều khiển thông minh. Ví dụ: Tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng, phân phối; Sử dụng robot vào các việc có tính chất lặp lại, phổ thông như đóng bao, bốc xếp trong nhà máy đạm, lấy mẫu tự động trong các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác điều độ tàu bè, robot hoá, tự động hoá các xe nâng tại các nhà máy lọc dầu,…

Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo nên những biến đổi căn bản trong quản lý, sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên, do đặc thù về ngành nghề kinh doanh, trình độ trang bị kỹ thuật, con người, … mà mức độ tác động của 4.0 đến mỗi DN không giống nhau. ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế toán nói chung và KTQTMT nói riêng trong mỗi DN chế biến dầu khí thuộc PVN, cần được nghiên cứu trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong tổng thể chung toàn DN. Để quá trình đó thành công, các DN chế biến dầu khí thuộc PVN cần chú ý giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất: Đề cao công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động trong DN. Công nghệ chỉ là công cụ trợ giúp con người trong các hoạt động vì thế quá trình ứng dụng công nghệ trong hoạt động của DN chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi người sử dụng nó phải am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ. Vì thế, đào tạo con người cần tiến một bước trước khi ứng dụng công nghệ. Đối với nhân viên kế toán, công tác đào tạo được thực hiện thường xuyên bao gồm đào tạo chuyên môn lĩnh vực kế toán và đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán. Quá trình thu thập, xử lý, phân tích thông tin MT cho các quyết định của NQT khá phức tạp, có nhiều kỹ thuật khó cần có sự am hiểu toàn diện về quy trình công nghệ sản xuất, các tác động MT và chuyên môn kế toán nên quá trình đào tạo càng cần thiết hơn. Các DN chế biến dầu khí cần phối hợp với các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để quá trình đào tạo có hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Thứ hai: Thiết lập hệ thống quản lý thông tin khoa học cho toàn DN, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hệ thống quản lý, sản xuất, phân phối. Đối với hệ thống kế toán tại mỗi DN chế biến dầu khí hiện nay, ngoài phần mềm excel, các DN đã ứng dụng rộng rãi phần mềm kế toán vào xử lý công tác kế toán. Tuy nhiên, các phần mềm này vẫn chỉ được sử dụng độc lập tại bộ phận kế toán mà chưa được liên kết dữ liệu với các hệ thống thông tin khác trong DN, ví dụ bộ phận kế hoạch điều độ hay bộ phận sản xuất, MT, … Đối với thông tin về kế toán và đặc biệt là kế toán MT thì sự kết nối này thật sự quan trọng đảm bảo thông tin được xử lý kịp thời, có hệ thống định hướng cho NQT ra quyết định. Vì thế, cần nghiên cứu để nhanh chóng ứng dụng công nghệ blockchain và augmented reality trong hệ thống quản lý thông tin của các DN chế biến dầu khí thuộc PVN.

Thứ ba: Tập trung nâng cao hiệu quả quản trị và phân tích thông tin. Khi đã thiết lập được hệ thống thông tin chung có sự kết nối giữa các bộ phận trong DN và tiến xa hơn nữa là giữa các DN trong tập đoàn thì cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản trị và vận hành hệ thống. Công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo có thể là giải pháp hữu ích cho việc quản trị và phân tích hệ thống dữ liệu. Đối với các thông tin KTQTMT, sự kết nối dữ liệu giữa các khâu, các quá trình sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho sự kết nối có tính hệ thống các số liệu vật chất và tiền tệ, MT và kinh tế tạo điều kiện phân tích và đánh giá tốt hơn các chỉ tiêu kinh tế MT trong DN, cung cấp thông tin đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch kỳ sau.
Phát huy sức mạnh của Công nghiệp 4.0 và KTQTMT là những vấn đề có tính thời sự không chỉ đối với các DN chế biến dầu khí thuộc PVN mà còn đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội. Nghiên cứu lý thuyết và thực tế, đã phát hiện những vai trò to lớn của công nghiệp 4.0 trong việc cải thiện chất lượng thông tin KTQTMT, cung cấp cho việc ra quyết định và kiểm soát hoạt động kinh tế và MT trong DN, hướng tới sự phát triển bền vững. Điều đó cũng gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm phát hiện các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng công nghiệp 4.0, trong việc nâng cao chất lượng thông tin kế toán quản trị trong các DN chế biến dầu khí thuộc PVN và mở rộng phạm vi nghiên cứu cho các DN thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong xã hội./.


Tài liệu tham khảo
1. Bùi Huy Phùng (2017), Năng lượng Việt Nam trong buổi bình minh CMCN 4.0, Available at http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/nang-luong-viet-nam-trong-buoi-binh-minh-cmcn-40.html
2. Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), Kế toán quản trị chi phí MT trong các DN chế biến dầu khí, thuộc PVN Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, trường Đại học Thương Mại, Hà Nội
3. Burritt and Christ (2016) “Industry 4.0 and environmentak accounting: a new revolution?”, Asian Journal of Sustainability and Social Responsibility.
4. Deloitte (2015), “Industry 4.0. Challenges and solutions for the digital transformation and use of exponential technologies” Deloitte AG, Zurich
5. Kokubu K, Kitada H (2015), “Material flow cost accounting and existing management perspectives”. J Clean Prod 108
6. (IFAC) (2005), Environmental Management Accounting
7. UNDSD(2001), “Environmental Management Accounting, Proceduce and Principle”, New York and Geneva: UN Publications
8. UNIDO (2017). Accelerating clean energy through Industry 4.0: manufacturing the next revolution.. A report of the United Nations Industrial Development Organization, Vienna, Austria.
9. USEPA (1995), An introduction to Environmental Accounting as a Business Management Tool: Key Concepts and Terms, United States Environmental Protection Agency, Washington, D.C.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *