Hoạt động trung ương hội

Công văn Số 147 CV-HKT (V/v xử lý hóa đơn bất hợp pháp)

Tiêu đề Công văn Số 147 CV-HKT (V/v xử lý hóa đơn bất hợp pháp) Ngày đăng 2017-08-18
Tác giả Admin Lượt xem 3743

HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    VIỆT NAM (VAA)                                            Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————- o0o ————-
        Số 147 CV-HKT
(V/v xử lý hóa đơn bất hợp pháp)

                                                                                      Ngày 14 tháng 08 năm 2017

                                       Kính gửi: – BỘ TÀI CHÍNH
                                       Đồng kính gửi: – TỔNG CỤC THUẾ

Qua tổng hợp Báo cáo từ các đơn vị Hành nghề kế toán và hội viên thuộc Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho thấy: Tình hình các doanh nghiệp bị kết luận sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (còn gọi là hóa đơn bỏ trốn) rất phổ biến. Hầu hết, các doanh nghiệp thông qua kiểm tra thuế đều gặp phải vướng mắc trên.

Trong phạm vi công văn này, VAA sẽ không nhắc đến các trường hợp mua bán hóa đơn (không thực sự mua bán hàng hóa, dịch vụ). Chúng tôi sẽ đề cập đến các trường hợp doanh nghiệp có giao dịch mua hàng hóa dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh có rủi ro về Thuế.

I. Việc tiếp cận thông tin của người nộp thuế:

Việc xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh có rủi ro về thuế thường căn cứ vào các Thông báo do cơ quan Thuế từ cấp Chi cục trở lên lập. Theo đó, riêng số tổ chức, cá nhân kinh doanh bỏ địa điểm kinh doanh thống kê được từ năm 2001 đến cuối năm 2015 đã là trên 220.000 doanh nghiệp.

Theo hướng dẫn tại công văn số 815/TCT-KK ngày 13/3/2014 của Tổng Cục thuế, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có rủi ro về thuế sẽ được công khai thông tin. Hiện nay, điều này đã được thực thi tại các website của ngành Thuế như sau:
– Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế tại địa chỉ: http://www.gdt.gov.vn/wps/portal/home/dnrrvt
Tại địa chỉ này, thông tin được cung cấp hình thức các danh sách do cơ quan thuế cấp tỉnh cập nhật theo định kỳ (tuần hoặc tháng). Người nộp thuế muốn tra cứu cần phải tải từng tệp danh sách (dưới dạng văn bản) về để xem. Việc niêm yết thông tin rời rạc, không tổng hợp đã làm khó khăn lớn cho người tra cứu.

– Website tra cứu thông tin hóa đơn tại địa chỉ: http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/main.html
Tại địa chỉ này, việc tra cứu hóa đơn cần quá nhiều thông tin bao gồm cả “Mẫu hóa đơn” và “Ký hiệu hóa đơn” gây bất tiện cho người sử dụng, nhất là hiện tại việc lập tờ khai thuế GTGT không yêu cầu đính kèm bảng kê hóa đơn mua vào.
Trong khi đó, danh sách này liên tục có biến động vì các lý do:
– Có doanh nghiệp, cá nhân bỏ trốn mới;
– Doanh nghiệp, cá nhân trước đây nằm trong danh sách bỏ trốn, nay được xác minh lại là không phải và được thông báo ra khỏi danh sách. Hoặc doanh nghiệp, cá nhân có rủi ro về thuế nay đã khắc phục được hậu quả cũng được ra khỏi danh sách.
Từ mô tả trên có thể thấy, việc người nộp thuế tiếp cận được thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh bỏ địa điểm kinh doanh để phòng tránh là rất khó khăn.

Một số hội viên cho biết: Việc kết luận hóa đơn của đơn vị mua hàng hóa, dịch vụ là hóa đơn bỏ trốn thường được cán bộ thuế căn cứ vào một công cụ được gọi là Phần mềm “Cập nhật doanh nghiệp bỏ trốn toàn quốc”. Dùng phần mềm này, việc tra cứu rất dễ dàng, nhưng doanh nghiệp không được phổ biến. (Được biết, tác giả của nó là một cán bộ hiện công tác tại Cục Thuế Hà Nội, vẫn đang cập nhật thường xuyên và chỉ lưu hành dưới dạng cá nhân truyền tay nhau).

Cùng là “nạn nhân” của “hóa đơn bỏ trốn”, nhưng Người Mua hàng và cơ quan Nhà nước lại có các điều kiện khác nhau trong việc tiếp cận thông tin để phòng chống rủi ro. Mặt khác, thời điểm Người Mua tra cứu thông tin để phòng chống thì Người Bán chưa “bỏ trốn”; còn khi cơ quan Thuế tra cứu thì Người Bán đã “bỏ trốn” rồi.

II. Một số trường hợp gặp rủi ro do có giao dịch liên quan đến doanh nghiệp và hóa đơn bỏ trốn:
Theo tổng hợp thông tin từ các đơn vị, cá nhân hội viên VAA, các trường hợp thường gặp có phát sinh giao dịch mua bán thật nhưng gặp rủi ro về hóa đơn được mô tả như sau:
1. Mua từ các đối tượng mới giao dịch hoặc không giao dịch thường xuyên:
Do chỉ giao dịch một lần, hoặc ở địa bàn mới lạ, ít sự lựa chọn, Người Mua trong trường hợp này thường không có khả năng và điều kiện kiểm chứng thông tin về hiện trạng của Người Bán. Trong khi đó, Người Bán có một số hành vi dẫn tới rủi ro về thuế như sau:
– Bộ phận kế toán yếu kém bỏ quên hoặc không kê khai thuế cho số hóa đơn đã xuất cho Người Mua;
– Lấy hóa đơn của đơn vị khác giao cho Người Mua (nhờ xuất hóa đơn) mà Người Mua không biết;
2. Mua từ các đối tượng đã có giao dịch trong quá khứ và phần nào nắm được hiện trạng:
– Lúc mua vẫn hoạt động bình thường nhưng sau đó Bên Bán không kê khai hóa đơn đầu ra, Người Mua không hề biết;
– Lúc mua thì hoạt động bình thường, sau một thời gian mới “bỏ trốn”;
Như vậy có thể thấy, việc Người Mua bị vướng vào hóa đơn bỏ trốn nhiều khi là do vô tình hoặc không có khả năng kiểm tra hiện trạng của đơn vị bán hàng.

III. Việc xử lý của cán bộ thuế:

Ngoài việc mô tả hiện trạng trên, các đơn vị Hành nghề kế toán và hội viên VAA còn phản ánh về cách xử lý vấn đề và kết luận vấn đề của cán bộ thuế trực tiếp thụ lý.
Bộ Tài chính đã có nhiều công văn hướng dẫn về việc này, trong đó có công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và số 11797/BTC-TCT ngày 22/8/2014. Theo đó, tinh thần của các công văn trên là: thông qua việc kiểm tra hồ sơ chi tiết và quan hệ logic giữa các nghiệp vụ khác nhau để xem giao dịch mua bán liệu có thật hay không, từ đó kết luận hai Bên Mua – Bán có phải là mua bán hóa đơn bất hợp pháp hay không.

Trên thực tế, với các giao dịch mua bán hàng hóa thông dụng, giá trị không lớn, theo tập quán mua bán thường là thỏa thuận bằng lới nói, không lập hợp đồng bằng văn bản nên không có thanh lý, không có biên bản giao hàng… như với các giao dịch lớn. Do vậy Người Mua không thể có những tài liệu này để xuất trình với cán bộ thuế, trong những trường hợp này cán bộ thuế thường tận dụng tối đa các hướng dẫn trên để bác bỏ các ý kiến giải trình của doanh nghiệp mua hàng, bắt oan doanh nghiệp mua hàng phải nộp truy thu thuế, nộp phạt vi phạm hành chính. Đẩy doanh nghiệp mua hàng vào tình trạng bị tổn thất về tài chính trong khi doanh nghiệp không có lỗi.

IV. Đề xuất của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam:
1. Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể rõ ràng các nội dung sau:
1.1. Thứ nhất – Cần định nghĩa và giải thích cụ thể để làm căn cứ xử lý rủi ro (ở Điểm 1.2 và 1.3 dưới đây):
a. Định nghĩa và giải thích cụ thể từng loại giao dịch có phát sinh rủi ro về thuế:
– Rủi ro trong trường hợp Mua – Bán hàng hóa;
– Rủi ro trong trường hợp Cung cấp dịch vụ;
– Rủi ro trong trường hợp Mua – Bán hóa đơn.
b. Các giao dịch có thật, nhưng do Bên Bán đang (hoặc sẽ) có rủi ro về thuế dẫn tới Bên mua bị vạ lây. Đề nghị cần định nghĩa và giải tích cụ thể:
– Các vướng mắc về kê khai, nộp thuế của Bên Bán;
– Vướng mắc do Bên Bán bị cưỡng chế hóa đơn tạm thời;
– Vướng mắc do Bên Bán vẫn kê khai thuế nhưng cơ quan thuế mất liên lạc…
1.2. Thứ hai – Cần phân định rõ trách nhiệm của Bên Mua và Bên Bán trong các trường hợp rủi ro về thuế. Nếu rủi ro từ Bên Bán gây ra thì Bên Mua cần được kết luận vô can ngay lập tức.
1.3. Thứ ba – Hướng dẫn chi tiết việc xử lý cho cả Bên Bán (phát hành hóa đơn) và Bên Mua (nhận hóa đơn) cho từng trường hợp cụ thể nêu tại điểm (1.1) trên đây, sao cho thấu tình, đạt lý, tránh việc bắt lỗi oan Bên Mua, truy thu tiền thuế, tiền phạt gây phản cảm.
2. Lập một kênh chuyển tải thông tin (có thể là website) đến cộng đồng doanh nghiệp các vấn đề này. Kênh thông tin phải thỏa mãn được các nội dung:
2.1. Thông tin về các tổ chức, cá nhân có rủi ro về thuế phải thuận tiện tra cứu, tra cứu đơn giản cho nhiều mã số thuế một lúc và kèm theo số hóa đơn không có giá trị sử dụng.
2.2. Thông tin về các tổ chức, cá nhân có rủi ro về thuế cần sự minh bạch và cập nhật thường xuyên, được phân loại theo mức độ rủi ro cao – thấp. Cần phải có một đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này.
2.3. Có kênh thu nhận phản hồi của người phát hành hóa đơn và người nhận hóa đơn để xác định các giao dịch mua bán có thật, mặc dù thiếu các hồ sơ, tài liệu chứng minh (Ví dụ hợp đồng mua bán, Phiếu giao hàng…).
2.4. Có kênh thu nhận thông tin kiểm chứng của cộng đồng doanh nghiệp về các thông tin nêu tại mục 2.1 và 2.2.
2.5. Mọi tổ chức và cá nhân đều có thể truy cập và tra cứu thông tin dễ dàng, thuận tiện
Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hy vọng, các ý kiến của Hội sẽ được Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, góp phần làm minh bạch hóa thông tin, giúp cho môi trường kinh doanh ngày càng trở nên an toàn, giảm đỡ gánh nặng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, từ đó nuôi dưỡng được nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn!

                                                       TM BCH TW HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VN
Nơi nhận:                                                                 CHỦ TỊCH           
– Như trên;                                                               
– Lưu VAA 
                                                                (đã ký)                                  

                                                                        PGS.TS. ĐẶNG VĂN THANH

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *