Hoạt động trung ương hội

Doanh nghiệp Việt vẫn lúng túng trong quản trị rủi ro

Tiêu đề Doanh nghiệp Việt vẫn lúng túng trong quản trị rủi ro Ngày đăng 2015-08-27
Tác giả Admin Lượt xem 853

Hội thảo “Nâng cao chức năng tài chính của doanh nghiệp”
do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phối hợp cùng Viện Kế toán công chứng
Anh và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức ngày 17/8/2015 đã thu hút đông đảo hội viên,
các nhà quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo bộ phận tài chính, kế toán, các CFO cùng
nhiều chuyên gia tài chính và các giảng viên đại học.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch VAA, phát triển
chức năng tài chính là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh phát triển nền kinh tế
thị trường, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với
khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, công tác quản lý tài chính đã nhận được
sự quan tâm của Nhà nước, với việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý về quản trị rủi
ro, kiểm soát, đảm bảo tính an toàn và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính
trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là, các doanh
nghiệp Việt đang lúng túng trong vấn đề quản trị doanh nghiệp và sử dụng nguồn
vốn.

Khi đi sâu vào nền kinh tế thị trường, rủi ro càng
nhiều, đòi hỏi các CFO phải có kỹ năng  quản
trị rủi ro tốt. Vai trò của chức năng tài chính đối với quản trị rủi ro rất lớn.
Chức năng tài chính đảm bảo tối ưu hóa về con người, về chi phí thì mới giúp
nhà quản trị đưa ra các dự báo để đảm bảo doanh nghiệp luôn hoạt động tốt. Những
người làm công tác tài chính, kế toán trong doanh nghiệp không chỉ có chức năng
ghi chép, mà phải là bộ phận cung cấp thông tin phục vụ cho việc hoạch định chiến
lược kinh doanh của Hội đồng quản trị. Vì vậy, người làm tài chính, kế toán cần
nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phải có tiếng nói trong mọi quyết định
của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, diễn giả Rick Payne, Giám đốc Ban Tài
chính doanh nghiệp, Khối nghiên cứu chuyên môn tài chính và quản lý – ICAEW khẳng
định, vai trò của kế toán trong doanh nghiệp là cung cấp những thông tin chính
xác về thực trạng tài chính của doanh nghiệp; xây dựng dự toán ngân sách, phân
bổ nguồn lực, thu xếp dòng tiền.

Ông Payne ví von, nếu doanh nghiệp được xem như cỗ
máy có nhiều động cơ thì tài chính giống như nhiên liệu, muốn cỗ máy doanh nghiệp
vận hành tốt thì những người làm công tác tài chính, kế toán phải kiểm soát tốt
“van” nhiên liệu. Người làm tài chính, kế toán cần biết “van” cần mở khi nào và
mở chiếc “van” nào để nhiên liệu được truyền đến đúng động cơ và đem lại hiệu
quả tối ưu nhất cho bộ máy. Vì vậy, theo ông Payne, việc trang bị những kiến thức
chuyên ngành tiêu chuẩn chất lượng cao cùng những kỹ năng thiết yếu để những
người làm trong nghề tài chính, kế toán thực hiện tốt vai trò của mình là rất
quan trọng.

Ông Vikesh Mirani, Giám đốc Tài chính Tập đoàn – Ngân
hàng Techcombank cho biết, chức năng tài chính bao gồm bảy giá trị cốt lõi, đó
là kiểm soát, lập kế hoạch và phân tích tài chính, kế toán/kiểm toán, tài chính
và ngân quỹ, thuế, quan hệ nhà đầu tư, quản trị và tuân thủ. Bên cạnh đó, họ
còn thực thi năm trách nhiệm mở rộng là giám sát chức năng tài chính, quản lý hệ
thống cơ sở hạ tầng doanh nghiệp và đầu tư công nghệ thông tin, chỉ đạo và thực
hiện giao dịch mua bán/sáp nhập, quản lý vận hành cơ sở hạ tầng và chịu tránh
nhiệm đối với các chiến lược của doanh nghiệp.

Ông Đặng Đức Sơn, Viện Quản trị tài chính AFC đã đưa
ra câu hỏi đối với các chuyên gia, hiện nay đa số DN tại Việt Nam ở cấp độ quy
mô vừa, liệu việc áp dụng khung quốc tế về quản trị rủi ro có gặp nhiều khó
khăn?

Trả lời câu hỏi này của ông Sơn, ông Nguyễn Viết Thịnh,
giám đốc Tư vấn tài chính, PwC Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy
mô nào cũng đều đối mặt với rủi ro và cần quản lý rủi ro. Khung tương đối toàn
diện, lý tưởng nhất là áp dụng cho doanh nghiệp vừa và lớn.

“Các doanh nghiệp lớn xây dựng mô hình quản trị nhiều
cấp từ HĐQT đến ban điều hành, sau đó đến từng phòng ban. Ở quy mô nhỏ, doanh
nghiệp có thể đơn giản hóa mô hình quản trị, không nhất thiết phải có ban riêng
về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tư duy đối với vấn đề
rủi ro. Doanh nghiệp luôn cần biết đâu là rủi ro và cách thức quản lý rủi ro
như thế nào. Tư duy đó không phải là ở những người có vị trí cấp cao mà  phải có cả ở những cá nhân tham gia trực tiếp
vào hoạt động xác định rủi ro. Đấy là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp vừa
và nhỏ”, ông Thịnh khẳng định.

Cũng theo ông Thịnh, theo thông lệ quốc tế, doanh
nghiệp thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận này có chức năng đánh giá một
cách độc lập và khách quan về hệ thống quản trị doanh nghiệp, hệ thống quản trị
rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp thông qua áp dụng phương
pháp luận có kỷ luật, có hệ thống để giúp và nâng cao hiệu quả hoạt động của
doanh nghiệp. Bộ phận kiểm toán nội bộ thường trực thuộc hội đồng quản trị, độc
lập với ban điều hành. Việc thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ gần như là yêu cầu
bắt buộc ở các ngân hàng, công ty niêm yết, công ty đại chúng.

Đàm Thị Lệ Dung

 

 

 

 

 

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *