Tư vấn hỏi đáp

Giải đáp thắc mắc

Tiêu đề Giải đáp thắc mắc Ngày đăng 2019-09-26
Tác giả Admin Lượt xem 1441

Hỏi: Theo Thông tư số 91/2017/TT-BTC quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên có nêu : ” Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học đến thời điểm đăng ký dự thi “. Năm 2019, tôi thiếu 2 tháng để thi kiểm toán viên nhưng thời gian công tác thực tế của tôi tại Công ty kiểm toán có thời gian hơn 36 tháng thì tôi có được tham gia kỳ thi kiểm toán viên năm 2019 hay không?
Trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 4 Thông tư số 91/2017/TT-BTC ngày 31/8/2017 của Bộ Tài chính về điều kiện dự thi : “3. Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi. Thời gian công tác thực tế về kiểm toán bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán, thời gian làm kiểm toán nội bộ tại bộ phận kiểm toán nội bộ của đơn vị, thời gian làm kiểm toán tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước”.
Cũng theo quy định tại Điều 14 và Điều 16 Thông tư số 91/2017/TT- BTC, Hội đồng thi được thành lập cho từng kỳ thi. Hội đồng thi có trách nhiệm xét duyệt danh sách dự thi. Do đó, việc xem xét cụ thể 1 thí sinh có đủ điều kiện dự thi cho từng kỳ thi hay không do Hội đồng thi kỳ đó xem xét, quyết định.
Hỏi: Căn cứ Điểm 3.3, Khoản 3, Điều 57 Thông tư 200/2014 thì: “3.3 Kế toán BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ – Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, ghi:
Nợ các TK 622, 623,627, 641, 642 (số tính vào chi phí SXKD)
Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số trừ vào lương người lao động)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
Căn cứ mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ hiện hành thì người sử dụng lao động chịu 21,5% BHXH, BHYT, BHTN và người lao động chịu 10,5% BHXH, BHYT, BHTN. Có nghĩa là, với mức lương 5.000.000 đồng ở bộ phận quản lý căn cứ Điểm 3.3, Khoản 3, Điều 57 Thông tư 200/2014 trên sẽ hạch toán như sau:
Nợ TK 642: 1.075.000 đồng (21,5%)
Nợ TK 334: 525.000 đồng (10,5%)
Có TK 338: 1.600.000 đồng
Sau đây là trường hợp cụ thể ở công ty tôi:
Giám đốc không nhận lương (trong năm khó khăn của công ty), giả sử lương là 5.000.000 đồng – 10,5% BHXH, BHYT, BHTN mà người lao động chịu sẽ do công ty đóng như 1 khoản chi phí của công ty. Công ty tôi hạch toán như sau:
Nợ TK 642: 1.075.000 đồng
Nợ TK 811: 525.000 đồng
Có TK 338” 1.600.000 đồng.
Như vậy, công ty xem khoản 525.000 đồng này như 1 khoản chi phí khác và hạch toán vào tài khoản 811 như trên có đúng không?
Trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 53 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 quy định:
“a)Tính tiền lương, các khoản phụ cấp theo quy định phải trả cho người lao động, ghi:
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang
Nợ các TK 622, 623, 627, 641, 642
Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348).”
Tại Khoản 3.3, Điều 57 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 quy định:
“Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, ghi:
Nợ các TK 622, 623,627, 641, 642 (số tính vào chi phí SXKD)
Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số trừ vào lương người lao động)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).”
Căn cứ quy định trên, khoản tiền lương, tiền công phải trả cho Giám đốc công ty sẽ được phản ánh vào tài khoản 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp. Còn tiền BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ mà Giám đốc phải đóng thì sẽ trừ vào lương của Giám đốc để doanh nghiệp đóng thay cho Giám đốc.
Như vậy, đối với trường hợp của công ty, Giám đốc không nhận lương thì khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ mà Giám đốc phải đóng sẽ phản ánh vào tài khoản 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *