Nghiên cứu trao đổi

Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội về quản lý tài sản công và Ngân sách Nhà nước

Tiêu đề Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội về quản lý tài sản công và Ngân sách Nhà nước Ngày đăng 2021-08-22
Tác giả Admin Lượt xem 883

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 211, Tháng 4/2021 của PGS.TS Đặng Văn Thanh – Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam}.


Ngày 23/05/2021 toàn dân Việt Nam sẽ đi bầu người đại diện của miìh tham gia Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Phát huy những kết quả đạt được của 14 khóa Quốc hội, Quốc hội Khóa XV cần tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, trong đó có đổi mới hoạt động giám sát nói chung và trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách Nhà nước nói riêng. Đây là một chức năng của Quốc hội và là một chủ trương, nhiệm vụ đã và đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm và thực hiện.
Từ khóa: Tài sản công, Ngân sách nhà nước, Giám sát, Quốc hội, cơ quan dân cử, Đặng Văn Thanh, Đặng Thanh Tùng, Public Assets, State Finance. Budget.


Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội – Yêu cầu cấp bách
Cần khẳng định, chủ trương đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội không phải là ý muốn chủ quan của Đảng, Nhà nước hay Quốc hội mà xuất phát từ chính những yêu cầu, đòi hỏi mang tính thực tiễn khách quan trong hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào đều phải từ thực tiễn và sẽ quay lại thực tiễn để kiểm nghiệm, đánh giá. Với nhận thức ấy, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), tài sản Nhà nước (TSNN) và ngân sách Nhà nước (NSNN) là cần thiết, xuất phát từ những yêu cầu khách quan sau đây:

Một là, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là yêu cầu khách quan mang tính lịch sử, thể hiện sự trưởng thành về nhận thức lý luận và thực tiễn. Đảng ta đã nêu quan điểm cơ bản để tiến hành cải cách bộ máy Nhà nước theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức hoạt động của Nhà nước và tăng cường pháp chế XHCN. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC và NSNN là cơ chế phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trong hoạt động quản lý và sử dụng TSC và NSNN.

Hai là, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong kinh tế thị trường XHCN
Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được xây dựng và đang trong quá trình hoàn chỉnh, có hiệu lực pháp lý cao, phù hợp với sự vận động của các quan hệ xã hội. Hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN giúp Quốc hội có điều kiện nắm bắt, kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Từ đó, có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, phục vụ yêu cầu quản lý, sử dụng TSNN và NSNN.

Ba là, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
Trong quá trình hội nhập, nhiều cam kết quốc tế song phương và đa phương đã được ký kết, thực hiện. Trong đó, có rất nhiều nội dung liên quan đến tài chính, đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Bốn là, yêu cầu khắc phục những yếu kém, tồn tại từ thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC và NSNN
Từ thực tiễn cho thấy, hoạt động quản lý, sử dụng TSNN, NSNN cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội trong việc quản lý, sử dụng TSNN, NSNN còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Quan điểm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của QH
Quốc hội là một thiết chế có vị trí, vai trò đặc biệt trong cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước, do đó, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Ngân sách Nhà nước nói riêng cần quán triệt các quan điểm sau đây:

Thứ nhất, phải bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ với chủ trương đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội: Tuân thủ các nguyên tắc và quan điểm đổi mới hoạt động Nhà nước nói chung. Cụ thể là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, phục vụ trực tiếp công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể hiện đầy đủ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Thứ hai, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý và sử dụng TSC, tài chính công và NSNN, phải vừa không gây khó khăn cho hoạt động bình thường của các đối tượng giám sát, vừa tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và phát huy tối đa vị thế của các chủ thể có thẩm quyền giám sát.

Thứ ba, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Ngân sách Nhà nước bên cạnh việc dựa trên cơ sở lý luận về tổ chức bộ máy Nhà nước đã được các văn kiện, nghị quyết của Đảng xác lập, cần phải gắn liền với tổng kết thực tiễn hoạt động này để xử lý một cách tốt nhất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và Ngân sách Nhà nước phải trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu mang tính khoa học trước đó, cũng như tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Đồng thời, phải có lộ trình với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Định hướng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội
– Giám sát nói chung và hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN luôn phải hướng tới các mục tiêu có tính tổng quát đến toàn bộ thể chế và chính sách kinh tế.
– Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN phải hướng tới tính bền vững của tài chính Nhà nước, của NSNN, giữ kỷ luật về sử dụng TSC, về tài khóa tổng thể.
– Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN phải hướng tới việc thiết lập cơ chế huy động và phân phối nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, bảo đảm sự tuân thủ các nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý ngân sách và quản lý chi tiêu công hiệu quả.
– Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN phải đặt trong tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội.
– Trong giám sát quản lý và sử dụng TSNN phải đảm bảo TSNN được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bền vững.

Giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội
Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN của Quốc hội không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng TSNN, chính sách tài khoá (như chính sách đầu tư, khai thác TSC, chính sách thu NSNN; chính sách chi NSNN; chính sách bội chi, xử lý bội chi, nguồn bù đắp bội chi NSNN) mà cần xem xét trong mối liên hệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách đầu tư, chính sách về lao động việc làm, chính sách về xoá đói, giảm nghèo,…).

Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN cần tập trung vào các cơ quan Nhà nước (cả TW và địa phương), các đơn vị, tổ chức kinh tế và cá nhân có quản lý và sử dụng TSNN, NSNN để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội và cả trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng vốn và TSNN.

Có thể nói, giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN là vấn đề khó, chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế và lợi ích phức tạp, gắn kết giữa vấn đề chính trị – kinh tế – tài chính – ngân sách và pháp lý. Để nâng cao chất blượng, hiệu quả giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN, NSNN cần triển khai các giải pháp:
– Phân công, phân nhiệm rõ ràng: Cơ quan Nhà nước ở cấp nào, vị trí nào chỉ nên thực hiện những nhiệm vụ của cấp đó, vị trí đó, hạn chế tối đa sự chồng chéo, ôm đồm, dựa dẫm, thậm chí vô hiệu hoá chế độ trách nhiệm.
– Dựa vào tư vấn, phân tích của các chuyên gia: Giám sát của Quốc hội là giám sát tập thể, vì các cơ quan này là cơ quan tập thể, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Để giám sát có hiệu quả, nhất là phải xem xét những vấn đề cụ thể, cần dựa vào tư vấn, phân tích của chuyên gia, của cơ quan chuyên môn.
– Giành thời gian cần thiết cho công tác giám sát: Với một số lượng thời gian hạn chế, cần tận dụng cơ hội giành thời gian cần thiết cho hoạt động này.
– Quy trình giám sát: Quy trình giám sát phải hợp lý, khoa học với những phương thức phù hợp.
– Bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
– Bảo đảm thông tin đầy đủ về TSNN, tài chính – NSNN và sử dụng tối đa kiến thức chuyên gia trong quá trình giám sát của Quốc hội.
– Sự trợ giúp của công cụ giám sát: Trong lĩnh vực TSNN, NSNN, Quốc hội khó có thể giám sát hữu hiệu nếu không có sự trợ giúp của cơ quan kiểm toán. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
– Cải tiến cách thức làm báo cáo kết quả giám sát theo hướng lựa chọn tập trung vào những vấn đề tồn tại và kiến nghị những vấn đề cấp bách, quan trọng, liên quan trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát. Kiến nghị phải có căn cứ, sát thực tiễn và có tính khả thi.
– Quan tâm đúng mức tới các kênh thông tin về tình hình kinh tế- xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng.
– Củng cố và tăng cường về tổ chức bộ máy của Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội, đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao năng lực phân tích về kinh tế- ngân sách.
– Tăng cường năng lực cho hệ thống các Ủy ban đặc biệt là Ủy ban TCNS và Ủy ban Kinh tế (số lượng thành viên, đội ngũ phục vụ, kinh phí hoạt động…).
– Bảo đảm các điều kiện vật chất cho công tác giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN về nhân sự, cơ chế hoạt động, chế độ cung cấp thông tin…

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội: Luật Giám sát của Quốc hội.
2. Quốc hội: Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
3. Quốc hội: Luật Kiểm toán Nhà nước: 2015.
4. PGS.TS Đặng Văn Thanh: Đảm bảo thực quyền Quốc hội trong các quyết định NSNN.
5. Đề tài NCKH cấp Bộ: 2010. Sử dụng Kết quả Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động giám sát.
6. Đề tài NCKH cấp cơ sở 2012.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *