Nghiên cứu trao đổi

Giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội 2017

Tiêu đề Giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội 2017 Ngày đăng 2017-07-27
Tác giả Admin Lượt xem 344

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T5/2017)

Tổng hợp kết quả cả năm 2016, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 02 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch.

Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột, căng thẳng diễn ra ở nhiều nơi. Kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro; bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ và giá dầu thô có nhiều biến động. Trong nước, những hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước tiếp tục bộc lộ rõ hơn, nhất là về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Từ tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã đề ra những giải pháp rất cụ thể và quyết liệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hôi cả năm 2017:

Một là, Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và thức đẩy tăng trưởng kinh tế:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 12 năm 2016 tăng 0,9%; Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; Xuất khẩu tăng 16,8%, tổng thu NSNN đạt 32,7% dự toán cả năm (tăng 17,8%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10, 6 tỷ USD, tăng 40,5%. Gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 825 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%. Nhiệm vụ trọng tâm là, điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hai là, Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
Nhìn chung, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn, năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.

Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, giai đoạn 2016 – 2020. Nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Ba là, Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn
Tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN đã được triển khai nhưng còn chậm. Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa quyết liệt thực hiện phương án theo kế hoạch đề ra. Việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan.

Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn đã được xác định, đánh giá, kiểm tra, đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN; nâng cao trách nhiệm, chất lượng tư vấn và kiểm toán, xác định, thẩm định giá trị vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn; Cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; Bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xây dựng Đề án về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, cần có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN, tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Bốn là, Về hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thực tế, một số cơ chế chính sách còn bất cập, nhất là về phí, lệ phí liên quan đến đầu tư kinh doanh và công tác thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thực thi pháp luật chưa nghiêm. Năng lực cạnh tranh còn thấp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế tư nhân, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là việc ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật về quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý ngoại thương và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, tiếp cận đất đai, các nguồn tài nguyên.

Tiếp tục cải cáchT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Năm là, Về kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; kỷ luật, kỷ cương chưa tốt. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở một số nơi còn hạn chế. Cần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; phân cấp quản lý viên chức. Công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, đề cao trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức.

Sáu là, Về văn hóa, xã hội
Cần triển khai các giải pháp phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Bảy là, Về bảo vệ môi trường
Nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến rõ nétN, cả đối với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và chế tài hình sự liên quan đến các vi phạm về môi trường; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát thực thi pháp luật; Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm vi phạm. Có giải pháp hiệu quả huy động nguồn lực xã hội để xử lý các vấn đề môi trường, nhất là xử lý chất thải, tái chế, phát triển xanh và năng lượng sạch. Tập trung cải thiện chất lượng và xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường quan trắc, giám sát môi trường. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và năng lực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở.
 
Tám là, Về trật tự an toàn xã hội
Tình hình trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình trên một số địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tóm lại, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm nay mang tính quyết định đến sự thành công của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *